Thiên Chúa yêu thương – nhẫn nại – tha thứ – Lời Chúa Chúa nhật 24 Thường niên năm C

147 lượt xem 10 Tháng Chín, 2022
suy niệm lời Chúa chúa nhật 24 thường niên

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta tin vào một Thiên Chúa yêu thương, nhẫn nại, nhân từ và tha thứ. Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng cho nhân loại, đó là chúng ta có một vị Thiên Chúa là một người Cha yêu thương và tha thứ, Đấng muốn cứu mọi người qua Con của Ngài là Chúa Giêsu. Ngài luôn tìm kiếm những đứa con lầm lạc và hư vong, như Chúa Giêsu giải thích trong ba dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay.

BÀI ĐỌC 1: Xh 32,7-11.13-14

Israel nổi loạn trong sa mạc

Chúng ta bắt đầu bằng một cuộc đôi co giữa Chúa và ông Môisen. Chúa nói với Môisen rằng: “Dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai Cập…”. Ông Môisen nói với Chúa: “Dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập…”. Giống như cha mẹ, mỗi người đều đổ lỗi cho người khác về hành vi sai trái của con mình. Ngay sau khi ông Môisen quay đi, Israel đã đúc một thần tượng cho mình dưới hình dạng một con bê vàng – hay đúng hơn là một con bò vàng, theo hình mẫu của các thần bão địa phương, để thờ lạy. Điểm chính là, với tất cả cơn giận dữ của mình, Đức Chúa không duy trì cơn thịnh nộ chống lại dân mà Ngài đã hứa cho một cơ nghiệp vĩnh cửu. Một lần nữa, Chúa lại đổi ý. Tình yêu thương dân của Ngài đã chiến thắng cơn thịnh nộ. Trong chương tiếp theo, Ngài đi qua trước mặt Môisen và kêu lên ý nghĩa của tên “Đức Chúa”: Thiên Chúa của lòng thương xót và sự tha thứ, chậm giận, giàu tình yêu, nhân nghĩa và lòng thành tín (34,5-7). Ý nghĩa của cái tên đó sẽ vang vọng xuyên suốt các trang của Sách Thánh. Bài đọc chuẩn bị cho chúng ta câu chuyện về đứa con hoang đàng trong Tin Mừng.

ĐÁP CA: Tv 51,3-4,12-13,17,19

Thánh vịnh này được cho là của Đavít, một mẫu gương sống động về lòng thống hối chân thành, và về niềm xác tín của tác giả rằng Thiên Chúa nhân từ luôn sẵn lòng ban ơn tha thứ. Người ta cũng tự hỏi có phải Đavít nghĩ về tội lỗi của vua Saul dẫn đến việc ông bị Thiên Chúa từ bỏ không? (1 Sm 15) Đó là một kinh nghiệm đau đớn, để lại trong lòng Saul một khoảng trống rỗng và sự đau khổ lớn lao. Lời ngôn sứ Samuen lên án những lễ vật bất xứng của Saul trong 1 Sm 15, 22-23 cũng thấy được so sánh với định nghĩa về hi lễ đích thực trong Thánh vịnh 51,16.

Trong những câu mở đầu, tác giả thánh vịnh cảm nhận được sức nặng tội lỗi của mình. Ông khóc than xin Chúa thương xót và tha thứ (cc. 3-4). Trong câu 5, ông đã tỏ lộ tâm tình thống hối sâu thẳm của lòng  mình bằng cách nhận trách nhiệm về tội mà ông thú nhận là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Chấp nhận trách nhiệm là một hành động cần thiết của sự thống hối đích thực. Trong các câu 12-13, lời van xin lòng Chúa thương xót của tác giả thánh vịnh vượt ra ngoài lời ông thú nhận tội lỗi. Ông cầu xin Chúa đổi mới nội tâm của mình để ông có thể trở lại mối tương giao với Chúa và được luôn duy trì sự hiện diện của thần khí thánh ở với ông. Trong câu 14, tác giả thánh vịnh nói về ơn Chúa cứu độ; đó là món quà của sự sống mà Thiên Chúa nắm giữ và sẵn lòng ban tặng cho những ai lạc bước nhưng biết mau mắn trở lại cùng Ngài. Đó là một ơn ban mà các ngôn sứ đã nói tới và là một quà tặng của Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thực hiện với dân Ngài (x. Gr 24,7; 31,33; Ed 25-27) trong thời đại của Đấng Messia. Cuối cùng, trong câu 17 tác giả bày tỏ niềm vui của mình khi lớn tiếng ngợi khen Chúa vì Ngài đã phục hồi và ban ơn cứu độ.

BÀI ĐỌC 2: 1 Tm 1,12-17

Phaolô tự thú

Chúng ta đọc hai lá thư gửi cho Timôthê trong bảy Chúa nhật tiếp theo. Nhiều học giả cho rằng, theo sự thống nhất ngày nay, những lá thư gửi cho Timôthê và Titô thực ra không phải do Phaolô viết, mà là của một môn đệ trung thành, thấm nhiễm tư tưởng của Phaolô, người đặt những điều Phaolô sẽ nói trong những hoàn cảnh cụ thể. Phaolô được trình bày như là người chỉ đạo hai cộng sự viên chính của mình trong việc tổ chức các cơ cấu Giáo hội của họ. Những bức thư này trình bày một bức tranh có giá trị về các vấn đề của Giáo hội, một hoặc hai thế hệ sau Phaolô đang đi vào ổn định trong một mô hình tổ chức vào cuối thế kỷ thứ nhất, và tìm ra con đường của nó trong các giá trị của xã hội Hy Lạp. Trong bài đọc này, lời thú nhận công khai của Phaolô về lối sống lầm lạc của mình trước khi gia nhập Kitô giáo, và lòng thương xót mà ngài nhận được từ Chúa, rất phù hợp với nội dung về lòng thương xót của Chúa trong hai bài đọc kia. Lời tuyên xưng cuối cùng về đức tin nơi Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc, là một trong nhiều tuyên ngôn về Kitô học, mang lại sự phong phú đặc biệt cho những bức thư này. Những công thức truyền thống của giáo thuyết đó là những hướng dẫn đặc biệt có giá trị trong những thư này.

TIN MỪNG: Lc 15,1-32

Người cha nhân hậu

Những câu mở đầu của bài Tin Mừng đã tạo tiền đề cho các dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể. Trong đó, ranh giới được vạch ra giữa các kinh sư và người Pharisêu, những người được coi là các nhà lãnh đạo tôn giáo công chính, và những người thu thuế và tội nhân, những người bị xã hội ruồng bỏ. Chia sẻ bữa ăn với nhóm sau là chia sẻ cuộc sống với họ. Đây là những người đến để nghe Chúa Giêsu giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư chỉ trích Chúa Giêsu vì Người đã giao tiếp với họ. Họ cho rằng sự liên kết của Chúa Giêsu với những kẻ bị ruồng bỏ không trong sạch như vậy đã làm cho Người ô uế. Ngược lại, Chúa Giêsu coi sự tiếp xúc này là cơ hội để mở ra triều đại Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Người đã minh họa sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với những người bị ruồng bỏ qua ba câu chuyện dụ ngôn.

Hai câu chuyện đầu tiên là những câu chuyện song song. Trong đó, Chúa Giêsu mô tả sự bận tâm lo lắng của người chăn chiên và người phụ nữ để biểu tỏ nỗi lòng mà Thiên Chúa đối với một người bị hư mất. Cần lưu ý rằng mối bận tâm của Thiên Chúa được diễn tả bằng nỗi lòng của một người phụ nữ cũng như của một người đàn ông. Niềm vui mà cả người chăn chiên và người phụ nữ cảm nghiệm khi tìm thấy những gì đã mất không thể nào kìm nén được. Họ mời bạn bè và hàng xóm đến để chung vui với họ. Không phải là người chăn chiên ít quan tâm đến chín mươi chín con chiên không bị mất, nhưng cả hai dụ ngôn đều nói rằng sự sám hối tạo ra nhiều niềm vui trên trời và giữa các thiên thần hơn là sự trung thành. Điều này được nói rõ hơn ở phần cuối của dụ ngôn thứ ba: một người đã chết mà nay lại sống!

Dụ ngôn thứ ba có điểm lưu ý kép. Mặc dù nói rõ về lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho những tội nhân biết thống hối, nhưng nó cũng diễn tả hình ảnh trái ngược: một Thiên Chúa mở rộng cõi lòng với sự khép kín của những người tự cho mình là trung thành. Cảnh mô tả người anh cả không phải là chuyện xảy ra sau. Thực tế là, nó đưa chúng ta trở lại những câu mở đầu mô tả thái độ khinh miệt của người Pharisêu và kinh sư. Trong dụ ngôn, các tính cách của mỗi nhân vật trong số ba nhân vật chính đều được phác họa cẩn thận để ý nghĩa của câu chuyện tỏa sáng rõ ràng.

Không nghi ngờ gì về hành vi phóng túng của người con thứ. Với một phần ba tài sản của người cha (con trai cả được hai phần), anh ta rời bỏ quê hương của cha mình và thậm chí cả đất nước của mình, và anh ta lao vào một cuộc sống ăn chơi phung phí. Ngay khi quyết định đoạn tuyệt với quá khứ thì những khó khăn mà anh gặp phải cũng vô cùng lớn lao. Anh ta phải gắn mình với một người ngoại bang (một sự ô nhục đối với người Do Thái), và anh ta bị bắt phải làm công việc cho heo ăn (một nghề bị cấm theo lề luật). Thêm vào đó, anh ta ao ước được ăn những thứ mà những con heo ăn. Việc tiếp xúc của anh với sự ô uế là trọn vẹn. Tuy nhiên, sự hối cải sau cùng của anh cũng quyết tâm như muốn xóa nỗi ô nhục dứt khoát. Anh sẵn sàng nhìn nhận tội lỗi của mình và thậm chí từ bỏ mọi đòi hỏi được làm con và chỉ mong được đối xử như một trong những người làm thuê của cha mình.

Hình ảnh về người cha cũng thẳng thắn. Ban đầu, ông không hề ngăn cản quyết định của con trai mình và  đã chia cho anh một phần tài sản. Ông đã bỏ qua mọi quy ước chung và chạy ra ngoài để đón người con này trở về nhà. Ông coi anh ta như một người được sống lại, mặc quần áo đẹp nhất cho anh, cho anh ta đôi dép để phân biệt anh như một người con chứ không phải là một người hầu chân trần, tổ chức một bữa tiệc xa hoa để ăn mừng. Ông cũng không kém quan tâm đến người con cả, ông đi ra ngoài nài nỉ hắn tham gia tiệc mừng, cam đoan với hắn phần tài sản lớn hơn. Những hành động này phá vỡ hình ảnh truyền thống về phụ quyền và cung cấp cho chúng ta một bức tranh hoàn toàn khác về tình phụ tử, một điều hoàn toàn không thể hiểu được đối với cả hai người con. Người cha không độc đoán và không vô tâm. Ông tôn trọng quyết định của cả hai con ngay cả khi ông không đồng ý với chúng. Khi thấy rõ ràng là họ đã nhầm lẫn, ông tha thứ cho họ. Bức tranh mới đáng ngạc nhiên này trở thành một ẩn dụ cho chúng ta hiểu về Thiên Chúa.

Người con cả cũng gây chú ý. Anh ta nổi giận với cha mình trong cách đối xử vui vẻ không kiềm chế đối với người em lầm lạc. Cũng giống như người con thứ trước đây đã từ chối gia đình của mình, thì người con cả này cũng từ chối tham gia vào việc gia đình, và anh ta thậm chí còn không coi người em là em của mình. Không giống như người em phóng đãng, anh luôn tuân theo mệnh lệnh của cha; anh đã phục vụ cha mình như một nô lệ (douleúō); nhưng anh thậm chí còn chưa bao giờ nhận được một con dê con để ăn mừng với bạn bè.

Mặc dù lòng trung thành của người anh tương phản với sự bất trung của người em, nhưng Chúa Giêsu thực sự đối chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa với sự hẹp hòi khó chịu của người Pharisêu và kinh sư. Giống như người anh cả, họ thiếu lòng thương cảm, và họ có vẻ bực bội với việc Thiên Chúa nhân từ đối với những tội nhân biết thống hối.

…………………………………………………………………………………

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 210-211 : Lòng thưong xót của Thiên Chúa

+ GLHTCG 604-605, 1846-1848 : Thiên Chúa khởi xướng kế hoạch cứu chuộc

+ GLHTCG 1439, 1700, 2839 : Người con phung phá, gương mẫu của việc hoán cải

+ GLHTCG 1465, 1481 : Người con hoang đàng và bí tích Sám Hối

Lm Giuse Ngô Quang Trung