Chữa lành – Suy niệm CN VI Thường niên, năm B

480 lượt xem 11 Tháng Hai, 2018

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B
CHỮA LÀNH

LỜI CHÚA: Mc 1,40-45

Khi đến thăm những bệnh nhân tại trại cùi Di Linh, tôi không thể không đến viếng ngôi mộ của một vị Thánh đã từ bỏ tất cả vinh quang trần gian, tình nguyện đến vùng  “Đất Hoang, Bộ Lạc Mọi” để phục vụ các anh em phong. Đến nơi Ngài an nghỉ, mắt tôi chạm vào hàng chữ rất cảm động:  “Jean Cassaigne. Amor et Caritas. 1895-1973, chết như một người cùi giữa người phong!”ghi trên mộ Ngài. Tôi lặng người khâm phục một anh hùng thánh và nhớ lại câu nói phát xuất từ trái tim yêu thương của Ngài khi Ngài lần đầu đến trại phong này: “Tôi đã thấy họ trần truồng, la hét, đói khát, tuyệt vọng. Tôi đã thấy những vết thương của họ lúc nhúc ruồi trong những túp lều dơ bẩn…”. Động cơ lòng thương xót này đã khiến Ngài dành cả cuộc đời để phục vụ các chi thể đau đớn của Chúa, để qua sự hiện diện yêu thương của Ngài, họ có được cuộc sống bình an và hi vọng.

Hôm nay đọc bài Tin Mừng Chúa Chữa anh tật phong, tôi lại nhớ lại hình ảnh người cha hiền từ bác ái của những người phong năm xưa. Ngài đã họa lại hình ảnh của Thầy mình, một vị Thầy cách đây hơn hai ngàn năm cũng đã chạnh lòng thương xót những con người bị tống khứ ra khỏi thế giới loài người, để môi trường được mệnh danh trong sạch không bị ô nhiễm; để con người lành mạnh không bị lây nhiễm.

Trước lối sống khai trừ như thế, hôm nay Chúa Giê-su cho chúng ta thấy đường lối của Ngài. Đường lối của Ngài là yêu thương, nhân ái và thương xót, nhất là những người bé nhỏ, đau khổ, nghèo nàn…Điển hình là bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cảm nghiệm hơn về tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử để hiểu căn bệnh nguy hiểm này như thế nào và để hiểu hơn câu truyện chữa lành của Chúa Giê-su hơn nữa. Số là, thời Chúa Giê-su, bệnh phong được coi như hậu quả của tội lỗi. Người ta kinh tởm những người mắc phải con bệnh nan y này. Người ta cô lập, xa tránh và bêu xấu họ. Người ta loại họ khỏi thế giới loài người: không cho họ đến gần những người khác, họ không được lập gia đình, phải mặc quần áo riêng để phân biệt. Khi ra ngoài phải đeo một cái chuông và phải hô: dơ bẩn để mọi người biết và tránh.  Họ bị nhốt nơi hẻo lánh trong rừng rú, xa thị trấn, bị coi như những người đã chết. Họ phải đoạn tuyệt gia đình, những người thân,  bạn bè lối xóm. Tại một quốc gia thời Trung Cổ, người ta tiêu diệt bệnh phong bằng cách chôn sống bệnh nhân hoặc đốt cháy khu người phong trú ngụ để loại trừ bệnh.

Quan niệm xã hội như thế nên chính người bệnh cũng mang nhiều mặc cảm. Họ sống cầu bơ cầu bất lén lút trong thiếu thốn mọi mặt với vết thương lòng tàn phá chẳng kém chi vết thương trên xương thịt, cơ thể.

Khắc nghiệt hơn nữa vào thế kỷ thứ 13 bên nước Anh có ghi rõ sự cấm đoán nghiêm ngặt với bệnh nhân Phong như sau:

… “Ta cấm không cho ngươi được bước vào nhà thờ, đến chợ, nhà máy xay, nơi làm bánh hoặc bất cứ nơi vào có dông dân chúng tụ họp.

Ta cấm ngươi không được rửa tay hoặc bất cứ vật tùy thân nào trong giếng nước, giòng suối các loại.

Ta cấm ngươi từ nay không được đi ra ngoài mà không mặc quần áo cùi để mọi người nhận ra ngươi.

Ta cấm ngươi giao hợp với bất cứ người nữ nào, ngoại trừ vợ ngươi.

Ta cấm ngươi sờ đụng tới con trẻ, dù chúng là ai, hoặc trao cho chúng hoặc người khác bất cứ vật sở hữu nào của ngươi.

Ta cấm ngươi ăn uống với bất cứ ai ngoại trừ kẻ cùi hủi như ngươi…”

Thật tội nghiệp cho một kiếp người. Bị hắt hủi, bị đầy đọa, bị cô lập chỉ vì mắc phải một chứng bệnh không dung tha trong “tứ chứng nan y”: Phong, Lao, Cổ, Lại của thời xưa.

Hiểu được căn bệnh nguy hiểm này như thế, nên hôm nay anh tật phong đã làm một bước liều đáng kể. Anh cố tình đến gần Chúa Giê-su, không rung chuông,không kêu la cho mọi người biết để tránh. Anh liều mình bị ném đá hay bị thiêu sống. Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, anh quyết tâm đến gặp một người mà anh tin là người đó không loại trừ hay kết án anh.

Không giống mọi người, Chúa Giê-su để anh đến gần. Thấy tình trạng đáng thương của anh, Chúa Giê-su thương xót, Ngài đến gần hơn nữa và đụng vào người anh, một người bị kết án là nhơ bẩn. Người bệnh phong hết sức ngỡ ngàng trước cử chỉ đầy yêu thương của Chúa. Anh cảm thấy một luồng hạnh phúc trào tràn trong thân thể rách nát, ô nhục, tuyệt vọng của anh. Run rẩy trong vui sướng anh bập bẹ: “ Thưa Thầy, tôi tin Thầy có thể chữa tôi, nếu Thầy muốn”. Lời xin tuyệt vời của anh đã lay động trái tim từ ái của Đấng Giầu Xót Thương: “ Nếu Ngài muốn!”, một sự khiêm nhường thẳm sâu, một sự sẵn sàng đón nhận, một sự dâng hiến trọn vẹn…Một phép lạ cả thể đã xẩy ra cho anh: “ Ta muốn, ngươi hãy nên sạch.” Lập tức anh cảm thấy một sức mạnh tình yêu đã đánh bật con bệnh ra khỏi người anh. Anh được yêu thương vì người yêu anh đã ra tay và sự dữ đã bị đánh bại; bão tố cuộc đời anh đã im lặng, tội lỗi của anh đã được thứ tha. Bàn tay của Chúa Giê-su đã đụng đến nỗi tang thương của anh. Thiên Chúa đang bộc lộ khuôn mặt của Ngài cho anh. Từ sự đụng chạm yêu thương của Đấng Quyền Năng đã phát sinh một sự sống mới trong anh, một sự sống bất ngờ của sự tái sinh. Thật tuyệt vời! Anh nhủ thầm: Mình phải hô to hét lớn vì vui mừng cho mọi người biết danh Ngài. Nhưng thật không may cho anh, Chúa Giê-su cấm anh không được tiết lộ điều bí mật này. Nhưng vì quá vui sướng, quá hạnh phúc, nên anh không thể giữ niềm vui này cho riêng mình, anh đã thét lên, hét lên cho mọi người biết về người đã chữa mình, bất chấp sự cấm đoán. Và niềm vui lớn lao này đã thúc đẩy anh làm những gì Ngài muốn là đi trình diện tư tế và dâng lễ tế như luật buộc. Trước đây anh bị khai trừ khỏi thế giới những người khỏe mạnh, thì bây giờ anh có thể hãnh diện nói cho họ biết anh đã được bình phục để có thể hòa nhập với mọi người mà trước đây anh phải xa tránh. Anh sẽ được nhìn lại những khuôn mặt thân quen, được nở nụ cười với xóm ngõ và được sống tình thân mật với gia đình mà trước đây anh phải bắt buộc chia cắt.

Tất cả chúng ta bị chìm trong bệnh phong tội lỗi, chúng ta không thể đến với Chúa nhưng Ngài đến với chúng ta, Ngài giơ tay đụng đến con người dơ bẩn của chúng ta để chữa lành. Chúng ta hãy vui mừng vì được yêu, vì được Chúa đặt tay trên chúng ta bằng chính mình Người và bằng Lời của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được chiều sâu tội lỗi hủy hoại chúng ta ghê gớm cũng như anh cùi không cảm được chiều sâu của bệnh tật mình. Chúng ta hãy xin Chúa chữa lành là cho chúng ta cảm được sự khốn cùng của mình để chúng ta biết đặt niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, để Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của sự dữ.

Chúng ta phải được thanh tẩy để có thể ca tụng Thiên Chúa bằng bài ca của các Thiên Thần. Được thanh tẩy là để Lời thấm nhập chúng ta, điều khiển cuộc sống chúng ta như lời Thánh Gioan nói trong bài đọc một: Phải để Lời thanh tẩy tận chiều sâu của hữu thể để được trong sạch như Chúa Giê-su là Đấng Thánh. Chúng ta đã được thanh tẩy và chữa lành trong phép rửa nhưng chúng ta phải thanh tẩy luôn để tiến bước trong niềm vui như anh phong này.

Một khi đã cảm nghiệm được niềm vui biến đổi này, chúng ta cũng can đảm ra đi đến với anh em , những người đau khổ. Hầu hết chúng ta sợ người đau bệnh, sợ bị phiền toái, sợ lây bệnh, sợ dơ bẩn. Chúng ta dễ dàng bố thí cho họ vài đồng nhưng chúng ta không muốn họ đụng vào chúng ta nhất là những bệnh nan y. Còn đối với họ, sự gần gũi của chúng ta cho họ một sự cảm thông nồng ấm.

Qua đau khổ của anh em, Thiên Chúa mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ để xoa dịu những vết đau đang giầy vò thể xác và tinh thần các chi thể của Người. Những con bệnh thất vọng đó đang cần một bàn tay yêu thương đụng vào, đang cần một lời ủi an chân thành, một sự cảm thông sâu sa, để họ vươn lên trong niềm tin và hy vọng.

Sự chữa lành của Chúa đang nói với mỗi người chúng ta: Nếu không có Chúa cứu giúp thì tất cả chúng ta đều là những người tật phong. Chúng ta bị nhận chìm trong con bệnh tâm hồn và trái tim.Chúng ta sẽ bị chết đời đời. Chúng ta còn chần chừ gì mà không giúp anh em đang nhận chìm trong thấ t vọng.

Xin Chúa cho chúng ta cảm sâu tình thương của Đấng đã yêu thương và chữa lành chúng ta là những tội nhân, để chúng ta đến với anh em khổ đau bằng trái tim, bằng đôi tay yêu thương nối dài của Chúa. Amen!

 Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu