Hãy là chứng nhân của Thầy – CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH LỄ THĂNG THIÊN, NĂM C

212 lượt xem 28 Tháng Năm, 2022

Toàn Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên, tức là lên trời. Việc Chúa lên trời, Ngài đã chấm dứt cuộc đời trần thế theo ý muốn của Chúa Cha.

Vậy, đâu là ý nghĩa của việc Chúa lên trời? Ngài lên trời có chấm dứt sự hiện diện trong Giáo Hội hay không? Trước khi lên trời, Chúa đã để lại cho Giáo Hội sứ mạng gì? Và, mỗi người Kitô hữu chúng ta sống niềm hy vọng Thiên Quốc ra sao?

  1. Ý nghĩa của việc Chúa lên trời

Sự kiện Chúa Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).

Việc Chúa Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần gian. Nhưng qua đó, Chúa Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội, trong con người của các chứng nhân. Vì thế, Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh.

  1. Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời

Chúa Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Chúa Giêsu:”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19) phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trước khi Chúa Giêsu về trời, về với Đấng là Cha đã sai mình đến trần gian, Ngài đã truyền lệnh cho các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21). Anh em hãy ra đi và loan báo về: “Đức Mêsia phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sẽ từ cõi chết chỗi dậy. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24,46-47).

Khi Chúa đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh. Vào Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Vào Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời.

Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em. Một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất. Một Giáo Hội công bằng văn minh.

Khi Ngài lên trời, Ngài đã giơ tay chúc lành cho các Tông đồ. Hành vi giơ tay được hiểu như là cử chỉ của sự trao ban bình an và đồng thời cũng là biểu hiện sự tin tưởng và trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các Tông đồ.

Sứ mạng mà các ông lãnh nhận và tiếp nối nơi Thầy của mình không phải là một công việc dễ dàng. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Vì thế, “anh em hãy ở khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mc 10,16b).

Khó khăn! Đúng vậy. Chẳng bao lâu, các ông đã bị vua Chúa, quan quyền truy nã vì loan báo về danh Chúa Giêsu… Vì thế, các Tông đồ phải chạy trốn hết thành này sang thành nọ. Hơn bao giờ hết, các ông thấm thía chân lý của hạt lúa gieo vào lòng đất. Chân lý ấy đã được Thầy của mình sống cách triệt để và mời gọi mình bước theo: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24). Hiểu được điều đó, các ông đã không sợ bất cứ ai hay một thế lực nào làm cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng. Quả thế, Thánh Phaolô đã nói: “Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban. Quả thế, nhờ Đức Kitô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Pl 1,28-30). Cuối cùng, các ông đã không thể ngồi yên khi biết bao con người chưa nhận biết Chúa, nên lại một lần nữa, Phaolô diễn tả tâm trạng đó như sau: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

  1. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta

Tiếp nối các Tông đồ, có biết bao nhiêu người đã lên đường, đến những nơi heo hút treo leo. Đã biết bao vị thừa sai bỏ lại mạng sống nơi rừng thiêng nước độc. Miễn sao Tin mừng được loan báo. Quả thật: việc truyền giáo hay loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4;16). Sứ mạng ấy bắt nguồn từ việc Chúa Cha đã trao cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, và chính Ngài cũng trao phó cho các Tông đồ và cho mỗi chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21).

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Ngài. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy ra khỏi sự ổn định, an toàn của bản thân và hãy lên đường loan báo Tin Mừng, dẫu biết rằng, công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và “hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng “… trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).

Lời loan báo của chúng ta vào Đức Giêsu phục sinh quả là một hành trình, đòi hỏi chúng ta phải là những người đã cảm nghiệm được về Đấng mà chúng ta loan báo: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Không ai lại đi loan báo về một người mà chúng ta không biết và không tin; hay loan báo vào những thời điểm hay một nhóm người nhất định trong một không gian cụ thể, mà là: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8). Trong hành trình loan báo đó, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng vào sự bảo trở của Đấng mà Chúa Giêsu đã ban xuống trên các Tông đồ khi xưa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và khắp cùng thế giới” (x. Cv 1,8).

Chúng ta mừng lễ Chúa lên trời, cũng là lúc một lần nữa chúng ta xác định về vai trò ngôn sứ và chứng nhân của mỗi chúng ta. Mong thay lời bài hát “Đẹp Thay” của Linh mục Nhạc sĩ Mi Trầm lại một lần nữa được vang lên trên môi miệng những ngôn sứ của Lời trong xã hội hôm nay: Đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về trong tiếng cười. Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới, loan tình thương Chúa Trời, loan niềm vuii cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.

Để kết thúc, xin cũng mượn lời của Đức cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài, khi nói về những khó khăn mà người môn đệ của Chúa Giêsu sẽ phải chịu trên con đường loan báo Tin Mừng; đồng thời cũng xác tín mạnh mẽ những ân ban cho những ai trung thành đến cùng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Con run sợ: vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình… Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục Sinh” (ĐHV số 44).

Lạy Chúa, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã chúc lành cho các Tông đồ và cũng cho tất cả mỗi người chúng con là những người tin Chúa; đồng thời Chúa cũng trao phó cho các ngài và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Chúa trong lòng xã hội hôm nay dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.

Lm. Giuse Vinc. Ngọc Biển