SỐNG THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
(Xh 12:1-8.11-14; 1 Cr 11:23-26; Ga 13:1-15)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta vào Tam Nhật Thánh. Trong ba ngày này, chúng ta sẽ tưởng niệm những biến cố quan trọng nhất trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Phụng vụ hôm nay tưởng nhớ hai biến cố quan trọng sau đây: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đây là hai hành động không thể tách rời của một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô: đây là một tình yêu phục vụ và trung thành, một tình yêu tự hạ và luôn hiện diện với người mình yêu. Với ước nguyện đạt được tình yêu như thế, chúng ta cùng nhau để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong ngày đầu tiên của Tam Nhật Thánh.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta những chỉ thị của Thiên Chúa mà dân Do Thái phải thực hiện để chuẩn bị cho bữa ăn Vượt Qua. Những chỉ thị này liên quan đến những điều sau:
Thứ nhất, ngày giờ cử hành bữa ăn: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên” (Xh 12:1-4). Hành động chọn thời gian để cử hành bữa ăn Vượt Qua ám chỉ đến việc Thiên Chúa là chủ thời gian và Ngài là Đấng điều khiển mọi sự xảy ra trong thời gian, nhất là những gì liên quan đến việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Nói cụ thể hơn, qua việc chỉ thị cho dân Israel về thời gian cử hành bữa ăn Vượt Qua, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài chắc chắn sẽ giải thoát chúng ta khỏi đau khổ, nhưng điều đó xảy ra khi nào là ý của Ngài chứ không phải ý của chúng ta.
Thứ hai, điều kiện của lễ vật: “Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12:5-8). Hình ảnh con chiên không tì ố được chọn làm lễ vật cho bữa ăn Vượt Qua, tượng trưng cho hình ảnh Chúa Giêsu, Con Chiên bị sát tế để máu của Ngài giải thoát chúng ta khỏi quyền lực thần chết.
Thứ ba, cách thức ăn: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa” (Xh 12:11). Hành động ăn vội vàng này nhắc nhở chúng ta về việc phải nhanh chóng quay trở về với Chúa để xin người giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi.
Thứ tư, hiệu quả của máu chiên và việc thiết lập lễ Vượt Qua: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12:12-14). Chúng ta thấy rõ ở đây, chính máu chiên bôi trên cửa cứu dân Israel khỏi “tai ương tiêu diệt.” Máu chiên trong bữa ăn Vượt Qua là hình ảnh của Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra để tẩy rửa chúng ta sạch hết tội lỗi. Đây là Máu Thánh của Giao Ước mới mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 2 hôm nay.
Bài đọc 2 được các học giả Kinh Thánh xem là bản văn “cổ nhất” trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Những lời được ghi lại bởi Thánh Phaolô trở thành lời truyền phép mà chúng ta thường nghe trong mỗi thánh lễ. Điểm quan trọng nhất trong bài đọc 2 mà chúng ta thường không để ý đến là câu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “‘mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cor 11: 25-26). Khi đọc những lời này, chúng ta thường nghĩ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta lập lại nghi thức bẻ bánh, tức là nghi thức trong phụng vụ Thánh Thể. Điều này không sai. Nhưng khi Chúa Giêsu nói những lời này, Ngài muốn chúng ta “làm việc này,” tức là phải đổ máu mình ra cho anh chị em mình: chồng hy sinh cho vợ, vợ hy sinh cho chồng, cha mẹ hy sinh cho con cái, con cái hy sinh cho cha mẹ và cho nhau, v.v. Chính qua những hy sinh nhỏ bé hằng ngày mà chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết” cho chúng ta để rồi đến phiên mình, chúng ta cũng chết cho anh chị em của mình.
Thánh Gioan trình thuật lại cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Đây là sự kiện mà chỉ mình Thánh Gioan thuật lại. Cấu trúc của bài Tin Mừng gồm ba phần: Hành động của Chúa Giêsu (Ga 13:1-5), Chúa Giêsu giải thích cho Phêrô hành động của Ngài (Ga 13:6-11), và Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hành động của mình (Ga 13:12-15). Phần đầu tiên bắt đầu với việc đưa chúng ta vào trong bối cảnh của sự kiện rửa chân, đó là “trước lễ vượt qua.” Điều này ám chỉ hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu là một phần quan trọng trong mầu nhiệm vượt qua. Chúng ta có thể nói trong sự kiện rửa chân, Chúa Giêsu đã bắt đầu ‘cử hành mầu nhiệm vượt qua.’ Sự tự hạ của Ngài qua hành vi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ là dấu hiệu đầu tiên của mầu nhiệm quan trọng này. Bên cạnh đó, hành động rửa chân cũng đưa Chúa Giêsu đến với ‘giờ’ của Ngài: “Trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). Trong những lời này, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta nội dung của ‘giờ’ của Chúa Giêsu: giờ Ngài bỏ thế gian để về với Chúa Cha, và cũng là giờ Ngài tỏ tình yêu đến cùng của Ngài cho những kẻ thuộc về Ngài còn ở thế gian. Qua hai yếu tố này, chúng ta thấy trong ‘giờ’ của mình, Chúa Giêsu đã giao hoà Chúa Cha với những kẻ thuộc về Ngài đang còn ở thế gian. Đây cũng là giờ mà qua đó Ngài mặc khải tình yêu của Chúa Cha cho những kẻ thuộc về Ngài. Sống trong giờ của Chúa Giêsu khi đến với Thánh Thể, chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu vô bờ vô bến, tình yêu nối kết đất trời và giao hoà Thiên Chúa với con người không? Thật vậy, hành động cúi xuống rửa chân là hành động của tự hạ [khiêm nhường], của giao hoà và của tình yêu vô điều kiện.
Bối cảnh tình yêu thật đẹp đó bị phá vỡ bởi hình ảnh của Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Ngài: “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu” (Ga 13:2). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về những lần chúng ta làm cho sự hiện diện của mình cướp mất bầu khí yêu thương của những nơi chúng ta đến và sống. Nhưng ‘tình yêu đến cùng’ được chứng minh qua việc Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho kẻ nộp Ngài và những môn đệ khác: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13:3-5). Theo phong tục của người Do Thái, rửa chân là dấu hiệu của sự hiếu khách (x. St 18:4; 1 Sm 25:41; Lc 7:44). Hành động này có thể được thực hiện bởi những người nô lệ của một ông chủ để chào đón một khách mời quý trọng vào trong nhà. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang thực hành điều Ngài dạy các môn đệ, đó là ‘Ta ở giữa anh em như một người tôi tớ’ (x. Lc 22:27). Liệu chúng ta có sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho những người làm chúng ta tổn thương như một người tôi tớ để chứng minh tình yêu đến cùng của mình không?
Sự thinh lặng của hành động rửa chân bị phá tan khi Chúa Giêsu đến chỗ của Phêrô. Phêrô ‘chống đối’ hành động tự hạ của Chúa Giêsu:
Simôn Phêrô: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”
Đức Giêsu: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”
Simôn Phêrô: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”
Đức Giêsu: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”
Simôn Phêrô: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”
Đức Giêsu: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy câu hỏi của Phêrô là xứng hợp vì ông không phải là người cao trọng hơn thầy mình. Ông không phải là người để Chúa Giêsu thực hiện hành động này như dấu chỉ của sự kính trọng. Câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu trước câu hỏi của Phêrô đưa chúng ta về với những sự kiện khác mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, nhất là những lời nói của Ngài về Đền Thờ hoặc sự kiện Ngài đi vào Thành Giêrusalem. Đây là những điều mà các môn đệ không thể hiểu cho đến khi họ ‘nhớ lại’ sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Điều này ám chỉ rằng hành động rửa chân chỉ được hiểu trong ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Có nhiều điều trong cuộc sống mà chúng ta không thể hiểu, nhất là những đau khổ trong cuộc sống. Chỉ dưới ánh sáng của sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể khám phá và hiểu được ý nghĩa sâu xa của những gì chúng ta trải qua trong cuộc sống.
Một điểm khác chúng ta có thể suy gẫm trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô là sự ‘ngoan cố’ của Phêrô được Chúa Giêsu đáp lại với câu khẳng định rằng ông sẽ không thể dự phần vào những gì mà Chúa Giêsu mang lại cho các môn đệ nếu ông không để Ngài rửa chân. Đứng trước điều này, Phêrô đi qua một thái cực khác, là muốn Chúa Giêsu rửa toàn thân. Dù cho Phêrô đi từ thái cực này đến thái cực khác, Chúa Giêsu vẫn điềm tĩnh cắt nghĩa cho ông. Liệu chúng ta có thể bình tĩnh để giúp anh chị em chúng ta khi họ đi từ thái cực này đến thái cực khác trong sự hiểu biết về những gì chúng ta làm không? Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Phêrô được thánh sử liên kết với tình yêu của Chúa Giêsu cho những kẻ thuộc về Ngài, và Ngài đã yêu thương họ đến cùng dù họ có thể nào. Hành động của Chúa Giêsu ám chỉ đến hy tế sắp đến của Ngài dành cho các môn đệ. Trong câu khẳng định của Ngài với Phêrô, Chúa Giêsu chỉ ra Ngài là chính ơn cứu độ.
Hành động rửa chân được kết thúc với lời giải thích của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy,’ là ‘Chúa,’ điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:12-15). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra mục đích của việc Ngài rửa chân cho các môn đệ, đó là Ngài muốn để lại cho các môn đệ mẫu gương tự hạ, mẫu gương yêu cho đến cùng. Việc giáo huấn các môn đệ noi theo gương Chúa Giêsu cũng xảy ra trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 42-45). Đây chính là mục đích của ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu, đó là phác hoạ lại trong chính đời sống mình lối sống của Chúa Giêsu, đặc biệt là phác hoạ lại sự tự hạ trong phục vụ với tình yêu cho đến cùng.
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”