Tu sĩ với sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay

1248 lượt xem 11 Tháng Mười Hai, 2021

Tu sĩ với sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

Sr. Anna Bích Loan.Op

Dẫn nhập

Khi thế giới bước vào “kỉ nguyên 4.0”[1] là lúc con người đang thừa hưởng một sự phát triển toàn diện về mặt kỹ thuật số với những thành tựu đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, cuộc sống của con người cũng bị xoáy theo sự phát triển đó tựa như chiếc thuyền bị xoáy vào trận bão khiến cho nhiều người không thể xác định được lý tưởng sống, đánh mất phương hướng trong suy tư và chung cuộc, con người không biết được đâu là niềm hy vọng và mục đích tối hậu của cuộc đời mình.

Thật vậy, con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, đang bị cuốn hút và sa vào một lối sống thực dụng, sống ảo và hưởng thụ với chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy lý trí và tự do. Những điều đó đang bủa vây con người nói chung, cách riêng là những người tín hữu.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật hiện đại và những chủ nghĩa lên ngôi, Giáo hội đang khẩn thiết tìm kiếm và phác họa những phương cách hữu hiệu nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay. Giáo hội không ngừng mời gọi các tín hữu hãy“đi ra khỏi chính mình để đi tới các vùng ngoại ô của cuộc sống”[2] để đem Chúa đến cho muôn người. Đó mà lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Với lý tưởng này, để có thể loan báo Tin Mừng, Giáo hội, đặc biệt là các nam nữ tu sĩ phải “đi ra vùng ngoại biên”. Và như vậy, người tu sĩ phải “vượt ranh”. Vượt ranh để tìm kiếm những người sa ngã, và chào đón họ trở về. Mở rộng vòng tay để ôm chầm lấy cuộc sống của tha nhân và đụng chạm tới những phận người, hình bóng của Đức Giêsu đang sống. Tóm lại, người tu sĩ hãy mang lấy “mùi của chiên”[3] nơi những người đang mong chờ họ: những con người đã mất đi mọi hy vọng, các gia đình đang gặp khó khăn, các đứa trẻ bị bỏ rơi, các thiếu niên đã hư hỏng, những bệnh nhân và những người già đau yếu, những người giàu có trống rỗng nơi con tim và đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, đang khao khát Thiên Chúa…

Quả thế, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.”[4] Sự khẳng định này khởi đi từ sứ vụ và lệnh truyền mà Đức Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”[5] Điều này cũng được thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ trong thư của ngài gửi giáo đoàn Côrintô: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”[6] Đây là một sứ vụ lớn lao và cao cả của toàn thể Giáo hội, cách đặc biệt là những nam nữ tu sĩ. Trong sứ điệp Ngày Thế giới Loan báo Tin Mừng năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI kêu gọi: “Cả các con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, lấy việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người ở thật xa, bằng việc làm chứng cho Đức Kitô và sống theo Tin Mừng của Ngài một cách triệt để.”[7]

Theo đó, những người sống đời thánh hiến càng cần ý thức về sứ vụ tối hậu của mình để không dừng lại ở những kết quả của công việc, nhưng tích cực tìm mọi phương thế để đem Chúa đến cho tha nhân và công bố Tin Mừng của Chúa cho họ. Bằng việc đi ra, gặp gỡ, đối thoại, giúp đỡ và làm việc với tha nhân, các tu sĩ phải ý thức rõ sứ vụ của mình là làm cho người ta có thể nhận ra được một vị Thiên Chúa trắc ẩn, một Thiên Chúa quảng đại yêu thương, một Thiên Chúa tha thứ và công bình, một Thiên Chúa của tất cả mọi người nhưng đặc biệt đứng về phía những người nghèo và đau khổ, để đem đến cho họ chứng tá về niềm vui của Tin Mừng và một dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa.[8] Tất cả đều được hiện tại hóa chính nơi đời sống của người tu sĩ: họa lại hình ảnh của Đức Ki-tô (Imago Christi).

Với chiều hướng suy tư trên đây, người viết (tu sĩ) xin được trình bày đề tài “Tu sĩ với sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay” với nhãn quan của một tu sĩ sống trong lòng Giáo hội giữa thời đại hôm nay.

Đề cương

  1. Thực trạng xã hội hiện đại
    1. Chủ nghĩa hưởng thụ và tự do
    2. Chủ nghĩa tương đối
    3. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật
    4. Khủng hoảng về đời sống đạo của người Kitô hữu
  2. Tu sĩ với sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay
  3. Thách đố đối với người tu sĩ
    • Giới hạn ngôn ngữ và khả năng
    • Khó khăn về mặt khách quan: kinh tế, thời tiết, bệnh tật…
    • Phương pháp sư phạm
  4. Phương thế loan báo Tin Mừng
    • Tinh thần dấn thân
    • Sứ vụ tri thức
    • Sứ vụ “đánh thức thế giới”
    • Ứng dụng truyền thông
  • Kết luận
  • Nguồn tham khảo:
  • Sách Kinh Thánh, ấn bản 2011, NXb. Tôn giáo, 2015
  • Sách Công đồng Vaticanô II, Tôn giáo, 2012
  • Tông thư Maximum Illud về việc truyền bá đức tin trên khắp thế giới. Bản dịch việt ngữ của Đaminh Ngô Quang Tuyên, 01/10/2017.
  • Website: https://xuanbichvietnam.wordpress.com
  • Báo Công Giáo và Dân Tộc, số 2230, tuần lễ từ 01.11 đến 07.11.2019
  • Nội san Công Giáo và Dân Tộc, số 244, tháng 4.2015

[1] Cuộc cách mạng 4.0 phát triển trên ba trụ cột chính: Kỷ thuật số, Công nghệ sinh học và vật lý: Trí tuệ nhân tạo, Internet of  things và Robot, 3D, Big DATA.

[2] ĐTC. Phanxicô, Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến 2014, số 04.

[3] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 24.

[4] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Đến với muôn dân (Ad Gentes), số 02.

[5] Mc 16, 15.

[6] 1Cr 9, 16.

[7] Trích Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2008, đăng ngày 13/10/2008 trên https://xuanbichvietnam.wordpress.com

[8] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp Truyền giáo 2015, số 06.