Mẹ ơi ! Mẹ ơi…!
-Cô ơi, xin cô giúp em! Xin cô cứu em…!
Mẹ em, hai tay chắp lại, cúi rạp đầu, run rẩy nói với tôi một cách gấp gáp, ánh mắt lóe sáng tựa như một người đắm tàu vừa vớ được một phao cứu sinh Mẹ em cứ tưởng tôi là 1 sư nữ, vì cả hai chưa hề biết tới những người gọi là nữ tu công giáo như tôi. Phòng bệnh của em ngột ngạt mùi thuốc khử trùng, mùi tanh của máu, ngột ngạt bởi cái oi bức của buổi chiều mùa hạ nữa. Cái ngột ngạt của căn phòng, cái ánh mắt tha thiết đến tuyệt vọng của mẹ em làm đôi chân và bờ vai tôi chùng hẳn xuống và lòng tôi cũng chùng xuống như tay chân tôi vậy.
Tôi nhìn mẹ em và tôi thấy cái “chất” thật thà, đơn sơ của một người phụ nữ đồng bào thiểu số đằng sau dáng vẻ lam lũ và khắc khổ ấy . Mẹ em nói với giọng run run: “Cô ơi! Cháu đi làm xa, mới đây bị tai nạn, bị thương trong não.. bị…bị nặng lắm. Bác sĩ đang xem xét để mổ”. Nhìn mẹ ngồi bên cạnh em và chờ đợi trong đau đớn, hình ảnh Đức Maria dưới chân Chúa Giêsu trên thập giá chợt hiện lên trong tâm trí tôi. Bất cứ người mẹ nào khi chứng kiến con mình chịu đau khổ, thì chẳng khác nào bị “một lưỡi gươm xuyên thấu tâm hồn” vậy.
Còn em, ở độ tuổi 25, cơn lốc của thời đại và mơ ước đổi mới cuộc đời, ước mơ làm giàu… tất cả đã cuốn em đi xa, bỏ lại miền quê thanh bình với hương gió trời tự nhiên đồi núi để theo đuổi những giấc mơ trong em. Nhưng bỗng chốc con đường thẳng em đang đi gặp phải một “khúc quanh” đầy đau đớn và nghiệt ngã. Một tai nạn đã làm “gấp khúc” cuộc sống của em, khi mà em đang hăm hở bước tới tương lai, nhưng giờ thì…Giờ đây, trong căn phòng “lạ mùi quê”, em nằm và gọi: “ Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Em nằm thẳng, nhưng sao đầu em lệch về một phía. Tai em vẫn còn vết máu, mặt tái mét và nước mắt cứ chảy hoài.
Tôi không rõ em có nhận ra sự hiện diện của chị em tôi hay không. Và điều đó, tôi biết bây giờ không nghĩa gì với em. Người em gọi trong cơn đau là mẹ em. Tôi hiểu trong lúc này mẹ em là chỗ dựa, là cứu cánh, là “Chúa” của em. Thế nhưng, tôi có cảm tưởng như em gọi cõi lòng tôi, mỗi tiếng gọi như một chiếc kim vô hình làm nhói tim tôi. Tự sức riêng, khả năng, và trí tuệ… những gì cần để em có thể khỏe hơn thì tôi không thể đáp ứng được. Tôi cũng không có chuyên môn để giúp em dù chỉ một chút. Tiếng gọi của em… mẹ ơi! mẹ ơi!..Hình ảnh mẹ em… in vào tâm trí tôi. Tôi biết mẹ và em mong muốn ở tôi như một ân nhân trong khi nguy khốn. Tôi cũng muốn mình có thể làm gì đó giúp mẹ và em.
Thế nhưng, tôi cũng chỉ là một người trần, một người “chị của em”. Ngoài việc chúng ta khác niềm tin, tôi hoàn toàn giống em. Đấng ban cho tôi lý tưởng, mục đích sống, ước mơ, và trái tim dạy tôi rằng: Em chính là “trang tin mừng sống” mà tôi yêu mến, tôi phục vụ, tôi lắng nghe. Em nối kết với tôi trong đại gia đình của Chúa. Không biết từ bao giờ tôi tin vậy? Tôi biết mình chỉ là tì nữ nhỏ bé của Chúa, nhưng trái tim tôi muốn ôm hết mọi người, nhất là những bệnh nhân khốn khổ. Trong tôi, khái niệm về gia đình thật rộng lớn, đó là cả thế giới và tất nhiên cả em nữa. Sự huyền nhiệm của vũ trụ tô đậm quyền năng của Thiên Chúa. Chỉ cần nhìn hình ảnh mẹ em thôi, tôi nghĩ: “Ai ngoài Thiên Chúa có thể tạo nên trái tim của người mẹ đầy ắp tình thương như vậy?”. Nên em và tôi, chúng ta cùng một cùng cội nguồn. Hơn nữa, tôi ở đây với em đâu phải vì em cùng niềm tin với tôi, nhưng chính vì niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu thôi thúc tôi “gặp” em.
Nhưng giờ đây, tôi thật sự chưa biết làm gì. Nhớ lại buổi chia sẻ Mục Vụ Bệnh Nhân gần đây của Giáo phận, tôi dõng dạc trong sự tràn đầy năng lượng cùng sự tự tin: “Khi tiếp xúc với các bệnh nhân, chúng ta hướng tới hai mục đích chính: Một là xoa dịu những vết thương đau nơi thân thể Đức Kitô nơi những người đau bệnh và hai là truyền giáo…Phục vụ, đức ái Kitô giáo chính là sống bản chất truyền giáo của người Kitô hữu …” Vậy mà bây giờ tôi trở nên run rẩy, ngơ ngác, dường như bất lực trước tiếng gọi của em và trước nỗi đau của mẹ em: Làm sao để xóa dịu những vết thương đau? Làm sao để giới thiệu một Thiên Chúa tình yêu trong hoàn cảnh này? Làm sao để truyền giáo?…
Thật vậy, có dấn thân vào cuộc sống, tôi mới nhận ra phận tro bui, hư vô nơi bản thân mình. Lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thư giử các bạn trẻ ngày 6.11.2015 rằng “Với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta có thể thay đổi cả thế giới” hay của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Chúng ta chỉ có hôm nay để làm cho Đức Kitô được yêu mến, được phục vụ, được nuôi ăn, được che thân, được trú ngụ. Đừng chờ đến ngày mai. Ngày mai chúng ta sẽ không còn gặp lại những anh em của người nếu chúng ta không lo tiếp đãi họ ngay hôm nay”… luôn nâng đỡ bước chân chúng tôi, thổi vào tôi nhiệt huyết phục vụ anh chị em mình. Và chị em chúng tôi háo hức ra đi để thực hành những lời nhắn gửi của Mẹ Giáo hội. Lý tưởng ấy thật đẹp. Nhưng gặp hoàn cảnh này tôi chỉ biết trông chờ đến mối phúc mà Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho ai nghèo khổ vì Nước Trời là của họ…Phúc cho ai khóc lóc thì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an…” (x. Mt 5,1-12).
Bàn tay tôi đang ôm Thánh Thể Chúa, rồi cũng buông xuống và đặt lên trán em, như một cử chỉ của người chị có niềm tin. Trong trí tôi, nghe như có tiếng Chúa: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.( Mt 17, 19b). Tôi cầu nguyện nhưng không thành lời: “Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con bình an. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con…”
Nhẹ lòng hơn một chút, chúng tôi chào mẹ và em ra đi.
-Chị ơi! Mai em xin cha dâng lễ cho các bệnh nhân mai lên bàn mổ được bình an chị nhé.
-Ừ! Em xin cho cả bệnh nhân chưa được mổ nữa.
Một người chị em thỏ thẻ cùng tôi trên hành lang bệnh viện. Rồi chúng tôi thinh lặng, nhường chỗ cho những “câu chuyện” của trái tim: cầu nguyện và hy vọng…
Chúa Nhật tuần tiếp đó, tôi trở lại bệnh viện. Khác với thường lệ, tôi không đi tuần tự từng phòng để thăm các bệnh nhân. Tôi đi thẳng một mạch đến phòng em. Với ước mong em đã được phẫu thuật và ca phẩu thuật của em thành công. Nhưng thật bất ngờ, tôi chưa kịp nhìn rõ mẹ em thì bà đã vui mừng nắm lấy tay tôi, không để tôi hỏi, bà nói:
– Cô ơi! Em không phải mổ. Bác sĩ khám lại và nói là em không phải mổ. Em chỉ cần uống thuốc, nghĩ ngơi, rồi sẽ khỏe.
– Cái đầu em không sao chứ mẹ?
– May cho em cô ạ! Không sao cả.
Nhìn thấy em cười, nước mắt không chảy nữa, không gọi mẹ nữa…thật, như có ai đó lấy đi tảng đá đè nặng trên tôi. Vừa dơ tay lên, em vừa cười, vừa nói:
– Cám ơn chị! Em bị bại một tay thôi.
– Em biết không, các chị đã cầu nguyện, đã xin Cha dâng lễ, chỉ mong em được bình an… nhìn em hôm trước sợ lắm. – Không dấu nỗi niềm vui, tôi nói trong nghẹn ngào.
Không biết em có hiểu cầu nguyện, dâng lễ là gì không. Em cười với chúng tôi – một nụ cười thân thiện, đầy sức sống.
– Em cám ơn các chị! Các chị nói với “ Chúa của các chị” ban thêm phước cho em”.
…..
Ra khỏi của phòng tôi nghe em gọi mẹ: “Mẹ ơi! Cho con chút nước”. “Mẹ ơi!”, tiếng gọi đó nghe sao ấm lòng.
Tôi bước đi trong dòng suy nghĩ: “em có biết rằng: đau khổ là một phước lành không, nhờ biến cố “hú tim” đó mà em có chút cảm nghiêm về một Đấng vô hình. Đấng có quyền trên cả sự sống, sự chết. Đấng ấy đã chết cho chị và em. Ngài là Chúa của cả chị và em.” Tôi mỉm cười, tay ôm Chúa vào lòng và thầm đọc lời Chúa cho mình “Người đâu mà kém lòng tin” (Mt14, 31b).
Catarina Hoàng Nga
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ