THẬP GIÁ: NGHỊCH LÝ TÌNH YÊU

283 lượt xem 2 Tháng Tư, 2021

 

Trong đời sống đức tin của mỗi chúng ta, thánh giá có lẽ là biểu tưởng gần gũi và thân thuộc nhất. Có thánh giá sừng sững trên ngọn tháp ngôi nhà thờ cổ kính, có thánh giá phai màu nơi những bức tường phủ đầy rêu phong, có thánh giá kết ước trên chiếc nhẫn người nữ tu, có thánh giá hẹn thề trong phòng tân hôn và có thánh giá bị quên lãng trên bia mộ những người đã khuất. Tất cả dù khác nhau về chất liệu, dù đối lập về màu sắc, dù dị biệt về hình thức nhưng đều cưu mang và diễn tả một nghịch lí tình yêu.Trong thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo hội mời gọi chúng ta một lần nữa chiêm ngắm thập giá Đức Kitô như là một nghịch lí tình yêu lớn lao và vĩ đại nhất, mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại.

Mạc khải Kinh thánh xác quyết rằng, đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa vượt xa đường lối và tư tưởng con người. Lịch sử dân Thánh là danh sách dài những can thiệp của Thiên Chúa mà đôi khi con người không thể hiểu được.

Trong sách Dân Số, khi Thiên Chúa dẫn dân Israel tiến về đất hứa, họ cứ tưởng rằng, Người sẽ cho họ tất cả mọi thứ theo nhu cầu của họ. Thế nhưng, điều xem ra bình thường đó không thành hiện thực. Đứng trước những hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn họ đã không hiểu được và lên tiếng than trách Thiên Chúa: “Tại sao Ngài lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc?” Đối với dân Israel, đó là một nghịch lí.

Với biến cố Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người, Thiên Chúa đã thực sự đăng nhập vào lịch sử của con người, trở nên một phần của nhân loại, đó là một nghịch lí lớn lao. Song, nghịch lí vĩ đại hơn hết mà Thiên Chúa có thể thực hiện lại mang tên Thập Giá Đức Kitô. Nơi thập giá Đức Kitô, Thiên Chúa bị đóng đinh đau đớn và nhục nhã. Làm sao có thể? Ai có thể đóng đinh Đấng Tạo Hóa? Ai có thể giết chết Đấng tạo ra sự sống?

Rõ ràng, đây là một nghịch lí, một nghịch lí tình yêu. Tình yêu đó được thánh Gioan đúc kết trong Tin Mừng rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.”

Quả thật, ẩn sau đau khổ, sau nghịch lí nơi thập giá Đức Kitô là một mạc khải tỏ tường và cô đọng nhất về một tình yêu tự hiến. Tình yêu đó có sức cứu độ con người, cứu rỗi tiền đồ của nhân loại. Nói như thánh Augustino: “Đấng Cao Cả đã bị lăng nhục để con người được tôn vinh; và Đấng Toàn Năng đã bị đóng đinh để con người được giải thoát.” Thập giá Đức Kitô đối với người đời chỉ là sự thất bại, là sự điên rồ, là sự ô nhục, nhưng đối với Thiên Chúa đó lại là lối đường trao ban tình yêu, trao ban chân lý cứu độ.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng chứng kiến nhiều điều xem ra nghịch lí. Đặc biệt đứng trước những thất bại, đau khổ, bệnh tật hay sự mất mát người thân, chúng ta thường tự hỏi và than trách: Tại sao Thiên Chúa nhân lành và toàn năng lại để xảy ra như vậy?

Đứa con trai ngoan hiền, thánh thiện bỗng nhiên bị bệnh ung thư. Một tân linh mục mạnh khỏe một đêm kia ngủ không bao giờ thức dậy. Bao công khó, bao giọt mồ hôi đổ trên ruộng đồng người nông phu chẳng mang lại hoa trái. Bao đóng góp công sức của tôi chẳng được ai thừa nhận…vv.Chúng ta còn có thể trưng dẫn ra đây nhiều nghịch lí khác dưới nhãn quan của con người.

Nhưng chắc chắn rằng, Thiên Chúa không muốn con người phải đau khổ; Người cũng không tạo ra sự dữ, ngược lại, Người có thể rút ra sự lành trong những sự dữ đó. Cho nên, điều quan trọng là con người có thể nhận diện được sứ điệp mà Thiên Chúa muốn trao gửi ngang qua những nghịch lí, những đau khổ đó hay không?

Thánh giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng khi chiêm ngắm Thánh Giá, Giáo Hội không chủ trương tôn vinh một khổ hình của người xưa, cũng không ca ngợi sự thất bại của một con người, song khi chiêm ngắm Thánh Giá, Giáo hội mời gọi chúng ta nhận diện sứ điệp Tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trên đồi Canvê chiều hôm ấy, ba cây thập tự được dựng lên, nhưng chỉ cây thập tự ở giữa trở thành Thánh Giá cứu độ vì trên đó có Đức Giêsu. Cũng thế, những thập giá nghịch lí, những thập giá lao nhọc, đau khổ trong cuộc đời chúng ta sẽ trở thành Thánh Giá nếu chúng được tháp nhập với thập giá Đức Kitô, nếu chúng được tình yêu Thiên Chúa bao trùm. Và khi ấy, những thập giá trên khuôn mặt muộn phiền của những bệnh nhân sẽ trở thành Thánh giá có sức nâng của Chúa;những thập giá trong tiếng khóc của cảnh biệt ly sẽ trở thành Thánh giá sum tụ của ánh sáng phục sinh, và những thập giá trong giọt đắng, giọt cay, giọt mặn, giọt bùi của người nông phu sẽ trở thành Thánh giá hi vọng cho một mùa gặt bội thu.

Khi đối diện với những nghịch lí, những đau khổ trong cuộc đời, thập giá Đức Kitô đưa ra cho chúng ta hai thái độ lựa chọn. Một là than trách, kêu ca để rồi chôn vùi đời mình trong những vũng lầy bi lụy. Hai là tháp nhập những thập giá đó với Thánh Giá cứu độ của Đức Kitô để cuộc đời nở hoa. Chọn lựa thứ nhất sẽ làm chúng ta chết khi đang còn sống, chọn lựa thứ hai sẽ làm cho chúng ta sống dù đã chết. Thập giá Đức Kitô vẫn ở đó như một lời mời gọi chọn lựa. Tôi chọn thái độ thứ hai, còn anh chị em, anh chị em chọn thái độ nào?

                                                                                                  Lm. JB.Lê Quốc Hưng