Ngày hôm nay, khi cùng Chúa Giêsu bước vào sa mạc của hành trình thập giá, tôi có cơ hội để chiêm ngắm kỹ hơn về một mầu nhiệm – Mầu nhiệm cứu chuộc bằng thập giá của Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng lại là mầu nhiệm đầy yêu thương dành cho con người. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy trong trình thuật Thánh Kinh theo Thánh Máccô và trong bộ phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được xem đêm trước đó, tôi đã dừng lại nơi ánh mắt của Con Thiên Chúa, ánh mắt của yêu thương và tha thứ: Ánh mắt đó đã nhìn đến Phêrô, Giuđa, Simon gốc Kyrênê, người trộm lành và cả tôi nữa – một kẻ không thiếu gì tội lỗi.
Cho dù đang bị đánh đấm, bị nhạo báng, bị khạc nhổ bởi các thượng tế và đám thuộc hạ,… nhưng Chúa Giêsu vẫn ngoái nhìn đến Phêrô sau lần thứ ba ông chối Thầy.“Tôi thề là tôi không biết người các ông nói đó”.Ánh mắt Chúa Giêsu nhìn Phêrô không phải là để kết án hay để nhắc lại lời mà Ngài đã nói với ông đêm hôm trước.“Gà chưa kịp gáy hai lần thì anh đã chối Thầy ba lần” nhưng là để cảm thông và tha thứ cho sự yếu đuối của ông.Bởi vậy, khi bắt gặp ánh mắt của Ngài, ông đã òa lên khóc. Ông khóc cho việc mình đã chối Thầy, ông nhận ra rằng mình bất xứng, và rồi từ một kẻ chối Thầy, ông đã được biến đổi thành người đầu tiên được Chúa Giêsu tin tưởng trao cho sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Ngài. Ông đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa, đã chu toàn sứ mạng Chúa giao với một kết thúc tốt đẹp là được chết trên thập giá như Thầy mình. Nhưng để không phải bất xứng với Thầy, ông đã xin cho được đóng đinh ngược.
Baraba – một tên trộm cướp sát nhân khét tiếng,đáng lẽ phải mang lấy án tử hình, nhưng nhờ Chúa Giêsu mà được thoát khỏi cái hình phạt khủng khiếp ấy.Mặc dù Kinh Thánh không nói đến, nhưng trong bộ phim về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đạo diễn đã khéo léo khắc họa lên một hình ảnh mang đậm tính chất cứu độ của Thiên Chúa. Đó là giây phút Baraba đứng lặng khi bắt gặp ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn ông trước khi ông ra về trong tự do. Chính trong khoảng lặng ấy, với ánh mắt ấy, dường như Baraba đã được biến đổi.Thái độ kệch cỡm, kiêu ngạo và vẻ mặt hung ác trước đó hình như không còn mà thay vào đó là sự thoải mái, hân hoan của một con người đã được giải phóng thực sự không chỉ về thể lý mà còn cả trong tâm hồn. Tuy Thánh Kinh và bộ phim không đề cập đến cuộc sống sau này của Baraba, nhưng tin chắc rằng sự tự do mà Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống của Ngài để ban lại cho ông sẽ làm cho ông trở nên người hơn.
Cùng với ánh mắt ấy, Chúa Giêsu đã nhìn đến Simon – một người dân ngoại gốc Kyrênê.Ông là người “không may” bị bắt vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu trong lúc đi ngang qua đoàn quân áp giải những tên tử tội đến nơi hành hình. Ban đầu, không phải vì thiện chí muốn giúp đỡ Chúa Giêsu mà ông chấp nhận vác lấy cây khổ hình này nhưng là bởi sự ép buộc từ phía quân lính. Trên đường lên đồi sọ, ông đã nhìn Chúa với ánh mắt thương cảm.Thương cho một con người đã bị đánh nhừ tử, không còn đủ sức để vác lấy hình khổ của mình. Và Chúa cũng đã nhìn ông. Nhưng không phải là cái nhìn cảm thương, mà là cái nhìn của Tình Yêu ẩn chứa trong đó sự biết ơn.Chính trên quãng đường đồng hành cùng Chúa với cây thập giá trên vai, ông dường như đã được biến đổi.Để rồi từ một kẻ bị ép buộc, ông trở nên lưu luyến không muốn rời xa “Người sắp bị đóng đinh” ấy.Có lẽ ông còn muốn cùng Chúa tiếp tục bước thêm những bước cuối cùng lên thập giá và ở lại với Ngài trong những khoảnh khắc còn lại của kiếp người. Một sự gặp gỡ tưởng như vô tình nhưng đã trở nên có tình giữa Con Thiên Chúa và con người. Để rồi từ đó tạo nên một sự biến đổi lạ kỳ trong chương trình tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho Simon.
Về phần người trộm lành, dường như anh đã cảm nhận được sự công chính của người tử tội Giêsu ngay khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh Ngài:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” khiến anh phải thốt lên“Lạy Thầy,khi nào vào nước của Thầy xin nhớ đến tôi cùng”.Chúa Giêsu đã nhìnđến anh.Ngài nhìn anh bằng ánh mắt của sự tha thứ cùng với lời hứa ban ơn cứu độ.“Thật, ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng cùng với Ta”. Chắc hẳntrên hành trình vác thập giá lên đồi Canvê, cũng đã bao lần Chúa Giêsu nhìn anh, nâng đỡ anh, giúp anh nhận ra đượcmình là kẻ có tội và người bên cạnh anh là Đấng Vô Tội. Để rồi, từ một kẻ tưởng chùng như phải mang lấy án phạt đời đời với tội của mình, lại trở nên người đầu tiên bước chân vào chốn hạnh phúc muôn đời.
Chúa Giêsu cũng nhìn ánh mắt ấy để nhìn Philatô, Giuđa và các Thượng Tế. Tuy nhiên, nó không đủ sức mạnh để biến đổi họ thành những con người lành thánh như đã biến đổi Phêrô, Baraba, Simon hay người trộm lành. Bởi họ đang còn bị những cái tham – sân – si của con người che lấp, và tự do của họ không chấp nhận để cho ánh sáng nơi đôi mắt Chúa chiếu soi vào trong tâm hồn họ, mà giúp họ nhận ra được Đấng mình sẽ trao nộp và giết chết chính là Đấng Mêsia. Để rồi,cuộc đời họ cứ thế rơi vào đêm tối của tuyệt vọng, của quyền lực và sự dữ.
Ơn cứu độ của Chúa Giêsu được ban cho hết mọi người, nhưng mọi người có được cứu độ hết hay không còn phụ thuộc vào sự tự do chọn lựa của họ: đón nhận hay khước từ.
Biết bao lần Chúa cũng đã nhìn tôi, nhìn bạn với ánh mắt của yêu thương và tha thứ.Hôm nay, tôi đã để cho ánh mắt ấy đụng chạm đến tôi, biến đổi tôi.Tôi sẽ cố gắng và quyết tâm để sống nên người hơn và rồi từ đó hóa thánh hơn.Còn bạn thì sao?
Tập sinh _Maria Thiên Hồng
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ