Chiều Kích Chiêm Niệm Của Linh Đạo Đa Minh

365 lượt xem 31 Tháng Ba, 2021

Fr. Jordan Aumann, O.P.

Theo gương thánh Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng, các anh em Dòng Giảng Thuyết là những con người tông đồ, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng tác vụ Lời. Tựa như các tu sĩ Dòng Phanxicô và Dòng Tên, các anh em Đa Minh là những nhà truyền giáo, khi đến các vùng đất dân ngoại, cũng đã để lại những dấu ấn rạng rỡ. Là những giáo sư, họ đã thành lập các trung tâm nghiên cứu tri thức nổi tiếng như Học viện Kinh Thánh ở Giêrusalem, trường Đại học Thánh Tôma Aquinô ở Rôma, Đại học Thánh Tôma Aquinô ở Manila, Đại học Providence ở Đảo Rhode. Không phải  trùng hợp ngẫu nhiên mà vị “Tiến sĩ Chung”1 của Giáo Hội – thánh Tôma Aquinô (+1274) lại là một tu sĩ Đa Minh hay nhà truyền giáo tử đạo đầu tiên ở Trung Quốc – thánh Francis Cappilas (+1648) cũng là một người Đa Minh.

Có một khía cạnh khác của đời sống Đa Minh được tóm gọn súc tích trong câu châm ngôn của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, được cho là của thánh Tôma Aquinô:2

Chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm – Contemplare et contemplata aliis tradere.

Để hiểu được toàn bộ ý nghĩa của câu châm ngôn này, chúng ta cần phải xem xét lại bối cảnh lịch sử Dòng Đa Minh ra đời.

Nguồn gốc Đa Minh

Ngay khởi đầu của phong trào đan tu, ở cả Đông và Tây Phương, các nam nữ đan sĩ hoàn toàn rút khỏi thế gian, sống cầu nguyện, khổ chế và yêu thích chiêm niệm. Họ thường là những giáo dân, không phải là linh mục.

Nếp sống tu trì có sự thay đổi lớn vào thế kỷ XII. Thánh Nobertô (+1334) thành lập hội kinh sĩ Premonstre. Các thành viên của Hội được phép đặc biệt của Toà thánh đi khắp nơi giảng thuyết, một nhiệm vụ mà lúc ấy chỉ dành riêng cho giám mục. Các kinh sĩ theo lối sống đan tu nhưng cũng thi hành tác vụ cho Dân Chúa. Những canh tân này đã được đưa vào đời sống tu trì, và vì thế hội kinh sĩ Premonstre được gọi là dòng giáo sĩ, theo đuổi “nếp sống hỗn hợp”, phân biệt với nếp sống chiêm niệm.

Vào thế kỉ thứ XIII, thánh Đa Minh (+1221) và thánh Phanxicô Assisi (+1226) xuất hiện. Được Thiên Chúa soi sáng và do những nhu cầu của Dân Chúa, thánh Đa Minh thành lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết và thánh Phanxicô thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn. Các tu sĩ của cả hai Dòng không phải là đan sĩ hay kinh sĩ, nhưng là những người khất thực. Cả hai theo đuổi nếp sống đan tu và dấn thân cho tác vụ Lời, nhưng có sự khác biệt: các tu sĩ Phanxicô ban đầu là những giáo dân, trong khi các tu sĩ Đa Minh ban đầu đã là dòng giáo sĩ.

Ngay từ đầu, cả thánh Đa Minh và thánh Phanxicô đã có chủ đích cho các anh em của mình trở nên những người “tông đồ”, không chỉ là sống theo Tin Mừng mà còn dấn thân cho việc rao giảng nữa. Do đó, Hiến pháp Nguyên thủy của Dòng Đa Minh nói rằng, ngày từ đầu Dòng Đa Minh được thành lập cho mục đích giảng thuyết Tin Mừng vì ơn cứu độ các linh hồn. Nhưng giảng thuyết là công việc của một đời sống hoạt động. Vậy thì tại sao thánh Tôma lại bắt đầu châm ngôn bằng cụm từ “chiêm niệm”?

Chiều kích chiêm niệm

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần làm rõ thuật ngữ “chiêm niệm”. Nói một cách đơn giản, “chiêm niệm” là một loại tri thức, được bắt đầu và kết thúc trong tình yêu, nó có tính cảm nghiệm và cảm nhận hơn là lý thuyết và suy luận.

Theo tâm lý, nó rất giống với cảm nghiệm duy mỹ, phát xuất từ sự nhận thức và cảm nhận của một người về cái đẹp. Thánh Tôma Aquinô mô tả chiêm niệm như là một cái nhìn chăm chú yêu thương, còn thánh Gioan Thánh Giá thì ví chiêm niệm như là sự nhận thức tình yêu về Thiên Chúa. Kết hiệp với Thiên Chúa chính là mục đích của đời sống tâm linh và mối dây của sự liên kết này chính là tình yêu, nghĩa là đức ái. Để tiến tới sự trọn hảo của đức ái, các linh hồn sốt mến phải rời bỏ thế gian để hướng đến một đời sống đan tu chiêm niệm. Ngang qua đời sống cầu nguyện và từ bỏ các quyến luyến, họ cố gắng để tiến tới sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa bao nhiêu có thể. Châm ngôn của đan tu là Solo Deo (Chỉ một mình Thiên Chúa).

Trong thời đó, các tác giả tâm linh rất đề cao lối sống chiêm niệm, xem đây như là hình thức cao nhất của đời sống Kitô hữu. Tuy vậy, thánh Âu Tinh, thánh Ghêgôriô Cả và thánh Tôma Aquinô lại tán thành và đề cao “nếp sống hỗn hợp”, nghĩa là đời sống hoạt động tông đồ khởi đi từ sự chiêm niệm. Thánh Tôma Aquinô đi xa hơn, khi nói rằng nếp sống hỗn hợp thì trổi vượt hơn nếp sống chỉ có chiêm niệm không thôi. Các lý do ngài đưa ra rất đáng giá: công việc của đời sống hoạt động gồm hai khía cạnh. Khởi đi từ sự tràn đầy của chiêm niệm, ví dụ như giảng và dạy … và công việc này thì hoàn hảo hơn việc chiệm niệm đơn thuần… Soi sáng thì tốt hơn chỉ toả sáng. Cũng vậy, trao cho người khác hoa trái của chiêm niệm thì tốt hơn là chỉ chiêm niệm mà thôi. Những công việc khác của đời sống hoạt động bao gồm những việc bên ngoài chẳng hạn như bố thí, tiếp khách hay những việc tương tự, chúng ít hoàn hảo hơn những việc chiêm niệm ngoại trừ trong những trường hợp cần thiết… Chính vì thế, vị trí cao nhất trong các dòng tu được đảm nhận bởi những người hướng đến việc giảng và dạy, là những nhiệm vụ gần gũi nhất với sự sung mãn của chức giám mục. 3

Nhưng nếu như các tu sĩ Phanxicô và Đa Minh đã cam kết dấn thân cho đời sống tông đồ, nói chính xác là tác vụ Lời, thì tại sao họ vẫn giữ kỷ luật đan tu? Một vài người cho rằng thánh Phanxicô và thánh Đa Minh không hẳn muốn điều này. Các ngài phải tuân thủ các khoản giáo luật, vốn có ảnh hưởng rất lớn vào thế kỉ XIII.4 Chúng ta có thể suy luận rằng nếu như thánh Đa Minh sống vào thế kỉ XVI, có thể ngài cũng đã thành lập một dòng tu hoàn toàn thiên về hoạt động như Dòng Tên. Tuy nhiên, Dòng Giảng Thuyết tồn tại hơn tám trăm năm và đã kiên trì gìn giữ những nét đan tu. Việc tuân giữ này luôn được xem như là sự bảo đảm cần thiết cho khía cạnh chiêm niệm của đời sống Đa Minh. R. Creytens đã có một vài nhận định thú vị về điểm này:

Nhận thức rằng họ không phải là đan sĩ cũng không phải là kinh sĩ, các tu sĩ hành khất đã lập nên một hình thái dòng tu riêng biệt – Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Sự xác tín này được các anh em đồng thuận ngay từ khi thành lập Dòng. Thực tế là trong các Công vụ Tổng hội hay Tỉnh hội hoặc trong các tác phẩm viết về Dòng, các tu sĩ Đa Minh luôn xem việc giữ kỷ luật nội vi là tuân thủ kỷ luật tu trì, chứ không phải kỷ luật đan sĩ hay kinh sĩ.5

Yếu tố riêng biệt của Dòng Giảng Thuyết được mô tả cách nhất quán trong Hiến Pháp Đa Minh là: Dòng được thành lập cho tác vụ Lời – rao giảng, dạy học và viết lách – khởi đi từ việc chuyên chăm học tập các thánh khoa và hướng đến ơn cứu độ các linh hồn. Theo thánh Tôma Aquinô, những thực hành khác nhau của đời sống cộng đoàn kiến tạo một bầu khí trong đó tác vụ Lời có thể dễ dàng khơi nguồn từ “sự sung mãn của việc chiêm niệm.” Chính vì thế, dường như “việc chuyên chăm học hành đạo lý thánh” được ưu tiên như là một hoạt động chiêm niệm của Dòng Giảng Thuyết. Nhưng việc học các thánh khoa có được cho là một kiểu chiêm niệm không? Câu hỏi này được một cựu giám tập Dòng Đa Minh trả lời như sau:

Để tránh nhầm lẫn, chúng ta phải đặc biệt lưu ý rằng, chiêm niệm có thể được hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, chiêm niệm có hai khía cạnh: tri thức và sốt mến. Thần học gia – những người hiến trọn đời mình cho việc nghiên cứu để đi sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin và sử dụng những phương pháp riêng của thần học tích cực và suy lý để hiểu biết Thiên Chúa cách trọn vẹn và sâu xa hơn nhờ lý trí, thì một cách nào đó cũng giống như các triết gia chiêm niệm chân lý được khám phá nhờ ánh sáng của lý trí. Chiêm niệm theo cách này… hầu như khó có thể vượt quá những giới hạn của sự hiểu biết thuần tuý, ngay cả khi chiêm niệm về những chân lý siêu nhiên. Đây chính là hình thức chiêm niệm theo nghĩa rộng và loại suy…

Sau khi học hỏi, nhiệm vụ của nhà giảng thuyết là, đặt mình dưới sự quan phòng của Chúa, suy niệm về những chân lý đã đạt được nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn và đức mến lôi kéo. Suy niệm sốt mến dẫn chúng ta… tới một hình thái chiêm niệm các thực tại thần linh, được gọi là chiêm niệm thủ đắc, là hoa trái của hoạt động cá nhân được ân sủng trợ giúp. Hình thức chiêm niệm thủ đắc này có vai trò quan trọng cao nhất trong đời sống tâm linh của chúng ta bởi vì nó chuẩn bị cho chúng ta đi đến sự chiêm niệm [thiên phú] bắt nguồn và khởi hứng từ một đức tin sống động, nhờ  ơn hiểu biết và ơn khôn ngoan, theo sự chỉ dẫn của Thần Khí.

Chúng ta không được lầm lẫn sự chiêm niệm theo nghĩa hẹp với việc học – hiểu biết Thiên Chúa bằng lòng sốt mến, chứ không chỉ là tư tưởng suy luận, hay với việc suy niệm, bởi vì chiêm niệm [thiên phú] giả thiết một tác động đặc biệt của Thần khí.6

Thánh Catarina Siena phân biệt giữa tri thức thủ đắc chỉ bằng lý trí với tri thức thủ đắc cũng bằng lý trí nhưng được đức tin soi dẫn:

Chúng ta có trong mình ánh sáng tự nhiên do Thiên Chúa phú ban, để phân biệt điều tốt với điều xấu… Như vậy, thật thích hợp khi chúng ta sử dụng ánh sáng tự nhiên này… Nhưng để nhận biết Thiên Chúa rõ ràng hơn và nhận biết chính mình trong Thiên Chúa…, điều quan trọng là chúng ta phải làm cho ánh sáng tự nhiên và bất toàn này nối kết được với ánh sáng siêu nhiên trọn hảo, soi sáng cho linh hồn nhờ ân sủng: đó là đức tin khi ta nhận lãnh bí tích Rửa tội.

Học được xem như là hoạt động chiêm niệm

Một trong những khác biệt rõ ràng nhất giữa đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm là ở chính khái niệm “hoạt động” và “chiêm niệm”. Trong thi hành sứ vụ tông đồ, hoạt động bắt đầu từ tác nhân hành động và kết thúc nơi người tiếp nhận. Một vài thí dụ đơn giản, chẳng hạn như trong việc bố thí, chúng ta trao tiền bạc cho người nhận lãnh, trong việc dạy dỗ, chúng ta mở rộng kiến thức của sinh viên.

Tuy nhiên, trước khi bố thí, chúng ta phải có tiền, trước khi chúng ta truyền đạt kiến thức cho sinh viên, bản thân chúng ta phải sở hữu kiến thức trước. Cũng thế, những ai được trao cho tác vụ Lời trước hết họ phải thủ đắc kiến thức cần thiết về thánh khoa. Điều này được thực hiện ngang qua hoạt động chiêm niệm của việc học. Mục đích của việc chiêm niệm đặc thù này là làm hoàn thiện người học; nó bắt đầu và kết thúc trong cùng một đối tượng. Tuy nhiên, nhà giảng thuyết Đa Minh không đơn thuần học để trở thành một học giả nhưng để chuẩn bị cho tác vụ Lời vì ơn cứu độ các linh hồn. Nhà giảng thuyết phải trao cho người khác “hoa trái của chiêm niệm.” Cha G. Bedoulle, người đã xuất bản một tác phẩm tuyệt vời về thánh Đa Minh và các Anh Em Giảng Thuyết, đã nói về việc học trong Dòng Đa Minh như sau:

Học hành luôn luôn! Cha Đa Minh không ngừng lặp lại yêu cầu này trong các lời khuyên nhủ cũng như các thư của ngài… Không nên xem nhẹ từ “luôn luôn” vì chính thánh Đa Minh đã nêu gương trước trong việc này. Cha học hỏi các thư của thánh Phaolô một cách chăm chỉ đến độ ngài gần như thuộc lòng… “Nhà giảng thuyết không thể là một tu sĩ tốt trừ phi chịu khó học hành…”7

Một mối dây liên kết mới mẻ và cần thiết được tạo ra giữa việc học và giảng thuyết: Nhờ sự nối kết của hai yếu tố này, nhà giảng thuyết làm việc vì ơn cứu độ các linh hồn… Các anh em tiên khởi đã học gì? Dựa vào gương mẫu của thánh Đa Minh, chúng ta có thể dự đoán câu trả lời, đó là Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là nền tảng của tất cả việc học thần học vào thời Trung Cổ. Lề luật của Anh Em Giảng Thuyết chính yếu là “một đời sống thánh thiện, học tập và giảng thuyết.” Khi viết điều này, cha Jordan Saxony nhằm giải thích và áp dụng khái niệm giảng thuyết bằng lời và bằng gương sáng cho vị thầy của mình là thánh Đa Minh. Mặt khác, cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, một phần toàn vẹn của ơn gọi Đa Minh… Chúng ta nên nhớ rằng trong phụng vụ, thánh Đa Minh được mệnh danh là tiến sĩ chân lý. Ngài không bao giờ theo đuổi việc học thần học vì chính nó, nhưng nhằm tới phục vụ chân lý.8

Việc học được nâng đỡ nhờ tuân giữ thinh lặng, nội vi, cầu nguyện và đời sống chung. Nhưng thật không may, những điều này đã bị xem nhẹ bởi những người có chiều hướng làm việc (doing) hơn trở thành (becoming). Các tu sĩ Đa Minh cũng gặp phải cám dỗ xem nhẹ việc tuân giữ kỷ luật tu trì, vốn giúp nuôi dưỡng sự chiêm niệm. Nếu tuân giữ kỷ luật, họ có thể thực hiện việc tông đồ hiệu quả, nhưng đó sẽ là “hoa trái của chiêm niệm” mang tính chất trí thức hơn là tu trì.9

Chắc chắn là rất khó để giữ được sự chiêm niệm trong môi trường hiện tại của chúng ta: việc tuân giữ kỷ luật đan tu giúp nuôi dưỡng chiêm niệm dường như không còn phù hợp với hoạt động tông đồ năng động. Nhận ra điều này, thánh Đa Minh đề xướng thực hành việc miễn chuẩn. Trong khi luôn có sự căng thẳng nhất định giữa nhiệm vụ tông đồ và việc chiêm niệm trong đời sống Đa Minh, anh em cần phải tránh sự phân chia giản lược hay tạo ra một sự đối kháng giữa chiêm niệm và hoạt động tông đồ.10 Châm ngôn của Anh Em Giảng Thuyết tóm lược rất rõ ràng: “Chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của  chiêm niệm”.

Chúng ta kết thúc bài viết này với một phát biểu đầy thách thức của cha V. Walgrave:

Với tôi, một điều khá rõ ràng rằng: phê phán việc trở lại với một đời sống chiêm niệm thực thụ theo truyền thống đan tu và kinh sĩ là không thực tế, xét về bản chất, phê phán như thế là không thừa nhận định chế mà cha thánh Đa Minh đã chọn lựa từ ban đầu. Phê phán như thế mà vẫn tự coi mình là Dòng Giảng Thuyết, theo một nghĩa nào đó, là vô phép.11

Tu viện thánh Tôma Aquinô
River Forest, Illinois

Theo thinhviendaminh.net