Bài thương khó chúng ta nghe hôm nay nói về khung cảnh Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem. Dân chúng tiếp đón Người như một vị vua. Nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác chặt cành, chặt lá bên đường mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy :“Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”. Sở dĩ đám đông chào đón Đức Giêsu vì họ tin rằng Người là Đấng Mê-si-a sẽ nắm quyền và khôi phục vương quyền của Đa-vít, sẽ giải phóng quốc gia họ khỏi quân xâm lược Rô-ma.
Đã bao nhiêu lần, Đức Giê-su luôn từ chối khi đám đông xưng tụng là vua. Thế tại sao lần này, Người ngài lại để điều đó xảy ra ? Đó là bởi vì đám rước chiến thắng với những nhành lá và những lời tung hô sẽ được tiếp nối mấy ngày sau đó bởi một đám rước khác, lần này là đám rước đau thương. Những ngọn giáo, gươm đao sẽ thay những nhành lá ; những tiếng kêu la hận thù sẽ thay những lời tung hô reo mừng
Đối với Chúa Giê-su, bước vào thành Giê-ru-sa-lem là bước vào cuộc chiến đấu với thế gian và với chính mình. Chính Ngài đã vâng lời Chúa Cha và chấp nhận “Trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,7). Và Ngài cũng phải“trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.Sự vâng phục đó buộc Ngài phải chấp nhận bao nhiêu hệ lụy. Nhưng Ngài vẫn chiến đấu vì lòng trung thành với Chúa Cha và với sứ vụ của mình.
Nếu chỉ đọc qua chúng ta nghĩ Chúa Giê-su chết cho chúng ta và chúng ta được tha thứ quá dễ dàng. Đứng ở phương diện bên ngoài cuộc thương khó, ta sẽ thấy Chúa Giê-su chết là đương nhiên vì Ngài đã nói những lời phạm thượng, những việc Ngài làm sai với Lề Luật. Còn đối với Chúa Giê-su, Ngài phải làm gì đó để con người được vinh quang nên Chúa học cách vâng phục tới mức chết trên cây thập giá. Vì mang trọn vẹn thân xác con người, Ngài cũng đau khổ, sợ hãi nên Ngài đã thốt lên “Lạy Cha, xin cất chén đắng này khỏi con…”.Nhưng sau cùng Ngài vẫn vâng phục để trở nên của lễ hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa.
Trong cuộc sống nhiều khi gặp áp lực đau khổ chúng ta cũng đã không ít lần thốt lên“xin cất chén đắng này khỏi con” nhưng chúng ta đã không xin như Chúa Giê-su đã xin:“Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Chúng ta chỉ thích theo ý mình, còn Đức Giê-su Ngài chấp nhận thánh ý của Chúa Cha.
Ngày hôm nay người ta tôn vinh việc Chúa Giê-su vào thành như một vị vua thực thụ. Nhưng chỉ mấy ngày sau họ lên án là bởi vì Chúa Giê-su không làm theo ý của họ. Bài thương khó cho chúng ta thấy tại sao Phê-rô chối Thầy? Tại sao Giu-đa bán Chúa… Chắc chắn Giu-đa và Phê-rô có một tham vọng rất lớn, các ông nghĩ Thầy mình là vua thì mình sẽ có được danh dự, vinh quang, quyền lực ở thế gian. Nhưng sau cùng Chúa Giê-su không làm theo ý của các ông, Ngài chấp nhận chịu chết – như một sự đầu hàng thế gian cách nhục nhã. Và các ông không còn trông mong, hy vọng nới Thầy mình nữa nên đã bán Thầy, đã chối Thầy. Để rồi cuối cùng, trên đường Thầy mình đi chịu khổ hình các ông đã bỏ trốn, may mắn thay có một người dân ngoại và những người phụ nữ bị xã hội ghét bỏ lại đến để đi theo và được nhìn thấy cuộc thương khó và Phục sinh của Chúa.
Con người chúng ta là như vậy, nhiều khi chúng ta không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa chỉ vì Ngài không làm theo ý riêngcủa chúng ta.
Qua cuộc thương khó của Chúa Giê-su chúng ta học được nhiều bài học về đức tin, lòng mến và niềm hy vọng của chúng ta. Trong đời sống tu trì, nếu đức tin không vững sẽ làm cho chúng ta có những hành động sai trái trong lý tưởng đời tu của mình. Chúa Giê-su cương quyết đi vào cuộc thương khó để chúng ta hiểu Thiên Chúa muốn gì nơi nhân loại. Điều Ngài muốn là chúng ta phải học cách chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa. Như Chúa Giê-su khi bị tra tấn và ngay cả trong lúc hấp hối, Người vẫn không phủ nhận hành động hay lời nói của mình. Người đã chấp nhận những cơn đau đớn tột cùng và chấp nhận cái chết chỉ vì yêu thương.
Trong bài thương khó hôm nay, khi Chúa Giê-su trên thập giá, Thánh sử Mác-cô đã đặt lên miệng của viên đại đội trưởng La-mã một lời tuyên xưng : “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Đó là đức tin của ông Mác-cô được tuyên xưng ở đây. Đó là đức tin của mọi Kitô hữu. Thiên Chúa Cha chứng nhận rằng sứ điệp và hành động của Con Một Người có lý khi phục sinh Con của Người. Đó là Đức Kitô, Chúa Phục Sinh mà chúng ta tung hô và tuyên xưng hôm nay, với một nhành lá trong tay.
Thiên Chúa đã làm cho thế gian nhận ra rằng đau khổ, cái chết chính Con Người lãnh nhận là do tội lỗi của họ, nhưng Chúa Giê-su đã gánh cho chúng ta và trên thập giá, Ngày vẫn quảng đại cầu nguyện cho chúng ta:“ Ngày nào treo ta lên, ta kéo mọi sự lên với Ta.”
Lạy Chúa Giê-su, tạ ơn Ngài vì đã gánh lấy tất cả đau khổ, tội lỗi của thế gian để mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng con.Xin cho mỗi chúng con khi suy niệm về mầu nhiệm thương khó của Chúa Giê-su, chúng con không chỉ suy niệm về những đau khổ Chúa phải chịu nhưng còn biết suy niệm về lòng thương xót và tình yêu của Ngài dành cho chúng con. Amen.
BTT
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ