Chúa Nhật IV Mùa chay năm B: Sự điên rồ của tình yêu

243 lượt xem 13 Tháng Ba, 2021

 Sự điên rồ của tình yêu

Khi suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, Cha Rey Mermet, một nhà tu đức khá nổi tiếng, đã chia sẻ như sau: “Tình yêu của Thiên Chúa là một nghịch lý chúng ta không thể hiểu nổi, bởi lẽ đường lối yêu thương của Thiên Chúa khác xa với những suy nghĩ của con người. Một đứa con đi hoang vẫn có chỗ ngồi rất trang trọng của nó trong bàn tiệc gia đình. Một cô gái điếm vẫn có thể bình lặng ngồi bên chân Chúa để tâm sự và hôn lên đôi bàn chân thánh thiện của Ngài. Thậm chí, một tên trộm khét tiếng với quá khứ đặc kín tội ác vẫn có thể là một vị đại thánh. Cao điểm của nghịch lý nơi tình yêu Thiên Chúa là Ngài đã thực hiện một giấc mơ hết sức điên rồ bằng việc phân thây xẻ thịt chính người con một yêu dấu để trao tặng chúng ta”. Thập giá Đức Kitô chính là cách diễn bày sự điên rồ ấy nơi tình yêu Thiên Chúa. Giấc mơ điên rồ của Thiên Chúa cũng được thánh Phaolô nói tới trong thơ gởi giáo đoàn Rôma: “Thiên Chúa đã không dung tha chính con một của Ngài, nhưng đã trao nộp hết thảy vì chúng ta” (Rm 8, 32). Cũng tương tự, thánh ký Gioan đã tóm kết nghịch lý về tình yêu Thiên Chúa qua lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Thập giá, nghịch lý vĩ đại nhất

Nhiều nhà chú giải nhận định rằng, lời công bố của Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan chương 3 câu 16 mà Giáo hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay là câu tóm kết toàn bộ Kinh thánh. Nó mang chở ý nghĩa sâu xa nhất về hoạch định của tình yêu Thiên Chúa thể hiện ngang qua Thập giá Đức Giêsu. Mãi mãi, Thập giá vẫn là một ẩn số đối với đầu óc con người. Một Thiên Chúa cao cả lại bị hạ xuống tận đáy bùn đen của xã hội loài người. Một Đấng Công chính và Thánh thiện lại bị kết án như một tên tội phạm và bị phanh thây, chết nhục nhã trên Thập giá. Nhưng Thập giá Chúa Giêsu là cả một bầu trời bao la, in đậm dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu gợi lại hình ảnh con rắn đồng mà Môisen đã treo lên trong sa mạc năm xưa để tiên báo về cái chết của Ngài. Trong y khoa, người ta cũng vay mượn  hình ảnh con rắn được treo vào một cây cột trên cao để nói về sứ mạng cứu chữa bệnh nhân của các lương y. Hình ảnh truyền thống này bắt nguồn từ văn hóa Hy Lạp kèm theo những lời tuyên thệ Hypocrate của các bác sĩ trong ngày ra trường. Nhưng nguồn gốc sâu xa của truyền thống trên khởi nguồn từ sách Dân số trong cựu ước với giai thoại kể lại việc Môise đã treo một con rắn đồng lên cao giữa sa mạc, để ai bị rắn độc cắn mà ngước nhìn lên con rắn đồng đó sẽ được cứu sống (Ds 21, 6-9). Cũng vậy, những ai nhìn lên Đức Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, thì sẽ được chữa lành. ‘Nhìn lên’ ở đây là thái độ tin vào Đức Giêsu và tín thác vào lòng thương xót của Chúa Cha thể hiện nơi cái chết của người Con một yêu dấu. Vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan đã kết luận :“Ai tin vào Người Con ấy, thì sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Tin vào tình yêu của Thiên Chúa

Đức Hồng y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám mục giáo phận Paris, là một tân tòng. Ngài đã chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc hành trinh đức tin của Ngài như sau :

“Tôi được sinh ra trong một gia đình Do Thái giáo. Gia đình tôi rất sùng đạo và tuân giữ chặt chẽ các luật lệ cũng như các tập tục của đạo Do Thái. Mẹ tôi trước khi chết còn căn dặn các con là phải ý tứ đừng theo đạo Công giáo. Năm lên 14 tuổi, có một lần tôi cảm thấy tâm hồn trống rỗng và tò mò tìm đến một nhà thờ Công giáo trùng hợp vào ngày Thứ Năm tuần thánh. Tôi cảm thấy nhàm chán với những nghi lễ rườm rà và ầm ĩ bên ngoài. Vào ngày hôm sau, Thứ Sáu tuần thánh, tôi lại tìm đến nhà thờ ấy một lần nữa. Nhà thờ hoàn toàn vắng lặng chẳng có ai đi ra đi vào. Cung thánh trống trơn không một bông hoa, không một ngọn nến, và duy nhất chỉ có cây Thánh giá đứng sừng sững ở giữa. Bầu khí tĩnh lặng hoàn toàn. Tôi ngắm nhìn tượng Thánh giá khá lâu và trầm ngâm suy nghĩ. Trên Thập giá, cặp mắt Chúa Giêsu nhắm nghiền và đôi tay vẫn luôn giang rộng. Ngài thinh lặng, thinh lặng cách tuyệt đối. Nhưng từ Thập giá, Chúa Giêsu dường như vẫn đang nói, vẫn đang vang lên một sứ điệp rất mạnh mẽ đánh động tâm hồn của tôi. Tôi bắt đầu chú tâm cầu nguyện trong thinh lặng. Ánh sáng từ Thập giá Chúa Giêsu đã hắt dọi vào tâm hồn tôi một luồng sáng mới. Cuộc hành trình đức tin của tôi bắt đầu từ giây phút này. Tôi đã đón nhận đức tin khởi nguồn từ Thập giá của Đức Giêsu”.

‘Tin’ là chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ Tin mừng của Thánh Gioan. Chủ đề đó cũng được lặp lại trong trình thuật Tin mừng hôm nay. Chúa nói :“Ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Đức tin mà Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô không phải là kết quả của những lý luận theo đầu óc suy lý của con người. Vì vậy, thoạt đầu Nicôđêmô ngơ ngác không hiểu gì. Ông ta là bậc thầy trong dân Israel (3,9), tức là một con người có học thức, rất am tường Kinh thánh, có những suy tư và lý luận theo logic, nhưng ông chưa thể đi vào lộ trình đức tin cách thực sự. Đức Giêsu đã khai sáng cho Nicôđêmô và ông đã dần dần bước vào thế giới linh thánh. Sau này khi đối diện trước cái chết và Thập giá Đức Giêsu, Nicôđêmô đã dần hiểu ra và ông đã tin. Đức tin nơi ông trở nên chín mùi khi ông dang rộng đôi tay đón nhận xác Đức Giêsu được hạ xuống từ trên Thánh giá và ông đã đem đi an táng trong huyệt mộ.

Đây là mô hình kiểu mẫu về đức tin cho tất cả chúng ta. Cũng như Nicôđêmô đã tìm đến với Chúa vào giữa đêm khuya thanh vắng để nghe Chúa nói, chúng ta cũng cần phải biết rút lui vào trong tĩnh lặng để đi sâu vào cảm thức đức tin. Muốn khơi dậy ngọn lửa đức tin, điều quan trọng nhất, là chúng ta phải mở rộng cõi lòng để ánh sáng từ Thập giá Chúa soi dọi vào những chỗ tăm tối nơi nội tâm chúng ta.

Bác sĩ Alexis Carmel, một người vô thần cũng đã tìm lại được ánh sáng đức tin. Ông đã viết lại cảm nghiệm của mình như sau : “Chỉ có những ai biết yêu mới có thể gặp được Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ lánh mặt đối với những ai tìm đến với Ngài chỉ vì tò mò”.

Thập giá Đức Giêsu là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta

Đây là câu tâm niệm của Đức Cha Lambert de la Motte cũng như của các nữ tu các Hội dòng Mến Thánh giá. Câu tâm niệm này được nhắc tới trong tu luật của hội dòng và được các nữ tu  Mến Thánh giá lập đi lập lại mỗi ngày, nhất là khi tuyên khấn. Tuy nhiên, linh đạo Thập giá cũng phải là lối nên thánh độc đạo cho tất cả các học trò của Đức Giêsu, vì Chúa đã nói : “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá mỗi ngày mà theo”. (Lc 9, 23).

Trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay, thánh Phaolô trong thơ gởi giáo đoàn Êphêsô cũng nhắc lại giáo huấn này. Thánh tông đồ còn nhấn mạnh về lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa thể hiện nơi cái chết của Đức Giêsu. Đây là  quà tặng vô giá được trao ban một cách nhưng không. Chỉ cần tin, chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn cứu độ (Ep 2, 7-8).

Kết luận

Một văn sĩ người Anh đã viết một câu chuyện với tựa đề ‘Thập giá và bầu trời’ với một dụng ý khá thâm thúy. Có một thanh niên nọ là Kitô hữu đã bỏ đạo. Anh ta ghét đạo, ghét cay ghét đắng những người Công giáo và căm thù Thập giá của Chúa Giêsu. Thấy hình ảnh Thánh giá ở đâu anh ta lao vào đập phá. Anh ta giật ảnh Thánh giá vợ đeo nơi cổ và hậm hực vất vào sọt rác. Trong cơn điên cuồng, anh ta cũng trèo lên đỉnh tháp chuông nhà thờ để phá đổ tượng Thánh giá trên đó.

Với cặp mắt cuồng loạn, anh ta thấy hình bóng Thập giá ở khắp nơi, từ những cành cây khô bên vệ đường, đến ban công trước cửa nhà. Ngay cả căn nhà anh ta đang ở cũng đầy hình tượng Thánh giá. Anh hung hãn xông vào, thắp lửa đốt cháy căn nhà anh đang ở và cuối cùng anh bị chết cháy trong đó như một người điên. Tham vọng duy nhất của anh ta là muốn tiêu diệt Thập giá nhưng không thể làm gì được.

Còn chúng ta, chúng ta có đặt niềm tin tuyệt đối vào Thánh giá Chúa, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta hay không? Song điều quan trọng nhất, là chúng ta đã thể hiện niềm tin ấy một cách cụ thể như thế nào.

Văn Hào, SDB