Nằm sát chợ Vinh, nơi cuộc sống tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp và sầm uất của thành phố, có một xóm nhỏ mang tên Làng Chài. Trước kia, người dân ở đây đa số sống bằng nghề chài lưới, nên chiếc thuyền cũng là nhà của họ. Gần đây, vì nghề chài lưới không đủ sống, một số người đã rời thuyền đi nơi khác nhưng cái tên Làng Chài đã gắn chặt với mảnh đất gần bờ sông đó. Được nghe nói cảnh nghèo khổ của một số hộ dân nơi đây, tôi cùng với các chị em đến thăm và đều đặn các ngày thứ tư, thứ năm hàng tuần, đưa đến trao tặng họ những suất cơm trưa. Trong số những người nghèo ở đây, hoàn cảnh của bà cụ An làm tôi rất ưu tư.
Hôm nay, dù không phải là ngày đưa cơm nhưng có việc gần đó nên tôi ghé thăm bà. Bà năm nay đã 84 tuổi, hiện đang sống trong một túp lều lụp xụp và chật hẹp, chỉ vừa đủ kê 1 chiếc giường bà đang nằm và 1 chiếc bàn nhỏ làm kệ bán vài ba túi kẹo, mấy gói bánh. Dừng xe trước túp lều, dưới tiết trời lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông khắc nghiệt, tôi không thấy bà ngồi trên giường đón chúng tôi như mọi khi mà đang nằm co ro trên giường, run rẩy vì chiếc chăn mỏng dính bà đắp trên người không đủ làm cho bà ấm, miệng bà đang trệu chạo nhai miếng bánh đa khô. Chúng tôi chào và hỏi thăm bà đã ăn gì chưa thì bà cho biết, bữa sáng của bà là nửa củ khoai lang luộc còn dư lại từ chiều hôm qua và miếng bánh đa khô đang nhai là bữa trưa của bà. Bà cũng cho biết nhiều khi thèm ăn bát phở 20 nghìn mà không có tiền ăn, cũng không dám xin con vì thấy con quá nghèo, cũng đang phải bươn chải làm việc cật lực cả ngày và đêm để trả đống núi nợ.
Để ý đến khuôn mặt, chúng tôi thấy mặt bà xưng phù vì đọng nước, hai quầng mắt đỏ sẫm, đôi mắt lờ đờ. Bà cho biết trời lạnh nên chứng phong hàn và viêm khớp- thứ bệnh bà đã phải chịu hơn 20 năm nay – hoành hành. Uống thuốc nhiều nên mặt bà xưng phù lên như vậy. Mấy bữa nay, bà không còn tiền để uống thuốc nên cắn răng chịu đau. Tôi hỏi bà có bảo hiểm không, sao không đi bệnh viện? bà nói: có bảo hiểm nhưng chỉ được 80% thôi, còn 20% nữa, rồi tiền ăn, tiền thuốc lấy đâu ra tiền mà trả. Mỗi khi khắp cơ thể đau nhức, hai chân không thể nhấc nổi, bà chỉ biết thầm thĩ với Chúa: “Chúa ơi, con nghèo lắm, không có tiền uống thuốc, xin Chúa cứu con. Chúa để con đau đớn cũng được nhưng xin cho con đủ sức đi lễ”. Thế đó, kiếp nghèo bắt con người đành phải chấp nhận thiếu thốn những nhu cầu tưởng chừng quá đơn giản và thiết yếu. Nhưng qua đó lại sáng ngời lên niềm tin mạnh mẽ vào Cha trên trời.
Ngồi nói chuyện tỉ tê, bà kể cho tôi nghe về “bể khổ” của cuộc đời bà. Sinh ra ở Đức Thọ – Hà Tĩnh nhưng ngày xưa vì chiến tranh, đói rét, bà chạy ra sống ở Vinh, lập gia đình được 3 người con thì anh con trai bị tai nạn dở sống dở chết, đã không giúp được gì cho bà mà bà còn phải chăm sóc, thuốc thang; hai cô con gái đã lập gia đình và cũng ở gần bà nhưng vì quá nghèo và tất bật lo kiếm tiền nuôi gia đình mình nên dù thương mẹ, vẫn không thể giúp được gì cho mẹ và cũng không có thời gian để chăm sóc mẹ. Dù đã xa quê hương lâu để làm ăn nhưng số khổ nó cứ đeo bám bà nên cho tới giờ này, bà vẫn không một tấc đất, túp lều của bà cũng chỉ là dựng ở tạm hết kiếp người trên đất của người khác.
Tôi hỏi vậy bà lấy gì mà ăn, lấy gì mà sống suốt bao nhiêu năm tháng qua? Bà cho biết sau khi con trai bị tai nạn, tiền bạc dồn hết để chữa trị cho con nhưng rồi tiền mất tật mang. Trước đây bà vay 5 triệu của một người hàng xóm để làm vốn bán quán tạp hóa nho nhỏ. Mỗi tháng bà phải trả tiền lời cho một triệu là 100 ngàn, như vậy, mỗi tháng bà phải trả 500 ngàn tiền lời. Tôi giật mình thảng thốt, vậy thì còn gì mà ăn? Bà nói cũng còn được vài chục mua thuốc, còn ăn uống nhờ vào lòng tốt của những người quen biết, ai cho chi ăn nấy. Trời! Vậy mà bà còn khen người hàng xóm đó tốt bụng, bây giờ bà ấy không lấy tiền lời nữa nhưng bà cũng chẳng còn tiền để trả hết món nợ 5 triệu kia. Bà mong ước ngày nào đó có tiền trả hết món nợ sẽ thanh thản về với Chúa.
Thế đấy, bên cạnh tôi, bên cạnh bạn vẫn còn có những người con của Chúa, người anh chị em của chúng ta đang phải sống trong lầm than đói rét, trong nợ nần phải vay nặng lãi vì quá túng nghèo. Lời Chúa phán với những người đứng bên hữu Ngài trong ngày phán xét vang lên nhắc nhở tôi: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25,40).
Chúa đặt để những người cùng khổ bên cạnh chúng ta để ta có cơ hội phục vụ Chúa qua họ. Tôi và bạn, chúng ta có thể làm gì cho những người anh chị em gặp bất hạnh để cuộc sống của họ hạnh phúc hơn?
BTT
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết