Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa
Vẫn lồng trong bối cảnh cuộc tranh luận, hay đúng hơn, đối kháng giữa Đức Giê-su với các cấp thủ lãnh đạo đời của dân Do Thái thời đó (coi Mát-thêu chương 21-22), mà vấn đề nộp thuế hay không nộp được đặt ra. Câu trả lời khôn ngoan của Đức Giê-su dĩ nhiên đã bẻ gẫy được cái bẫy gài sẵn “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kể giả hình?”; nhưng không đơn thuần chỉ có thế. Giải đáp Người đưa ra là cả một khảng định rất quyết liệt về sự khác biệt sâu sắc giữa Cựu Ước (bao gồn cả hai lãnh vực đạo đời) và Tân Ước hay Tin Mừng Người đang muốn mạc khải. Trong tinh thần và truyền thống Do Thái thời đó, người ta không tách biệt rõ rệt hai lãnh vực đạo đời như lối suy nghĩ trần tục (secularism) của chúng ta thời nay. Do đó “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” mà Đức Giê-su khảng định cũng không được hiểu theo nghĩa chu toàn cả việc đời lẫn việc đạo, hay lưu tâm tới cả lãnh vực vật chất trần tục lẫn lãnh vực thiêng liêng đạo đức.
Nộp thuế, cho dầu có nhuốm mầu chính trị hay thường xuyên bị lạm dụng bất chính tới mấy đi nữa, thì nền tảng nguyên sơ của nó vẫn dựa trên định luật công bằng, và điều này có giá trị cho mọi thời đại. Người dân nộp thuế cho nhà cầm quyền để được hưởng các phúc lợi của công ích, và chính quyền có thu thuế cũng là để có ngân sách phục vụ ích chung. Dựa trên công bằng, thời xưa nhà cầm quyền buộc người dân nộp thuế theo luật định đồng thời nghiêm phạt những ai trốn thuế, thời nay người dân có quyền kiểm tra, tố cáo, thậm chí truất phế chính quyền, nếu tiền thuế không được chi tiêu cách chính đáng vào các chương trình phúc lợi lo cho dân. Nộp thuế do đó là biểu tượng của luật công bằng, không chỉ trong lãnh vực đời mà cả trong việc đạo. Mọi người Do Thái đều phải nộp thuế đền thờ, và vì thế Đức Giê-su cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh (xem Mt 17:24-27).
Trong khái niệm đó, công bằng (mà nộp thuế là biểu tượng) chính là định luật căn bản con người dùng để đối sử với nhau. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Gia-vê cũng phần nào bị nhân cách hóa để ký kết một giao ước sòng phẳng với dân Người, trong đó giữ luật lệ tôn giáo là một thứ thuế vụ phải trả để được Đức Chúa bênh vực chở che. Các người Pha-ri-sêu biết rất rõ điều đó; họ hiểu hơn ai hết khi Đức Giê-su nói ‘của Xê-da, trả về Xê-da’ là để ám chỉ theo nghĩa này. Thế nhưng trước đó, cũng trong một đoạn phúc âm Mát-thêu (17:24-27), Người còn đưa ra một định luật hay một tương quan rất khác: “Anh Si-mon, anh nghĩ sao: vua chúa trần gian bắt ai nộp thuế, con cái mình hay người ngoài?” Tân Ước đã thoát ra khỏi tương quan vua – tôi hay tương quan với người ngoài để đưa vào tương quan con cái trong gia đình. Thiên Chúa không còn phải là một Đức Chúa oai hùng ngự trị trên đỉnh Si-nai, mà đã trở thành ‘Cha chúng con ở trên trời’. Do đó không còn chỗ cho tương quan thuế vụ nữa, “vậy thì con cái được miễn”. Như thế “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” không thuần túy đề cập tới lãnh vực nghiêm chỉnh ‘giữ đạo’ mà tới một tương quan, một giao ước hoàn toàn mới mẻ; Thiên Chúa của Đức Giê-su không còn lấy sự công bằng, sòng phẳng làm nền cho các bổn phận tôn giáo. Đức Giê-su, qua các lời rao giảng, qua thái độ, và nhất là qua cái chết thập giá của Người, đã không ngừng cất công khảng định rằng Thiên Chúa là Người Cha nhân ái giầu lòng xót thương. Người có trí nhớ rất kém và thậm chí không biết làm các phép tính đơn giản nhất, theo kiểu nói hóm hỉnh của Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, thì làm sao giữ nổi cuốn sổ thuế mà thâu? Đối với một Thiên Chúa như thế, con cái hãy ‘trả về’ cho Cha mình niềm tin yêu phó thác trong mối tương quan phụ tử… của an bình và vui tươi, chứ không như thuế nộp cò kè thêm bớt, tính toán sòng phẳng. Tin Mừng phải là như thế! Chẳng trách gì các Pha-ri-sêu ‘nghe vậy, họ ngạc nhiên, và để Người lại đó mà đi’. Họ kinh ngạc vì điều Đức Giê-su vừa công bố quá xa lạ đối với quan niệm giữ luật lệ họ vốn có. Và vì không có cách gì hiểu nổi điều này nên lảng ra xa là thượng sách. Các môn đệ của Đức Giê-su thì khác; họ hiểu và phải hiểu điều này, vì toàn bộ việc ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ mà Đức Giê-su kêu gọi chính hệ tại ở điều này. Như vậy “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” sẽ phải rất khác với “của Xê-da trả về Xê-da”; Ki-tô hữu chúng ta không thể đánh đồng hai bổn phận này cho dầu là trên hai bình diện khác nhau!
Và tôi, một Ki-tô hữu, hơn nữa một linh mục của Đức Ki-tô, tôi phải hiểu rõ điều này hơn ai hết. Trong mục vụ, thay vì nhấn mạnh trên tương quan vua tôi (thưởng phạt, xét xử công minh, công nghiệp), sứ mạng chính yếu của tôi sẽ phải là loan báo một tương quan cha con của lòng nhân ái và xót thương (phi thuế vụ) cho càng nhiều người được biết càng tốt, nhất là cho các giáo dân tôi có bổn phận hướng dẫn. Chỉ như thế tôi mới thật sự kêu gọi họ trả về cho Thiên Chúa nhân ái những gì của Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa nhân ái và giầu lòng xót thương, xin cho con tránh xa việc giữ đạo như một thứ nghĩa vụ, một bổn phận trả thuế cò kè tính toán. Xin gạt ra khỏi trí lòng con mối bận tâm thu tích công nghiệp để hơn thua với Chúa. Xin Thần Khí Chúa hãy đổ đầy tâm hồn con tâm tình con thảo để có thể kêu lên ‘Ab-ba / Cha ơi’, và xin cho con được luôn sống trong niềm vui của Tin Mừng cứu độ, và loan báo Tin Mừng Nhà Cha cho mọi người được biết. A-men.
LM. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”