Ánh sáng Phục Sinh 2020
Đã từ lâu lắm rồi, tại một số giáo phận Công giáo Việt Nam, trong Mùa Chay, nhất là trong Tam Nhật Vượt Qua, giáo dân rất bận rộn và rất nhiệt thành với các việc đạo đức bình dân như: Ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu, ngắm rằng, đi đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời, diễn nguyện về Thương khó, hôn chân Chúa, ngắm Dấu Đinh v.v. Một đôi lần, số người tham dự các hình thức “đạo đức bình dân” này còn đông hơn các cử hành phụng vụ chính thức của Mùa Chay.
Năm nay, do hoàn cảnh nghiệt ngã của đại dịch Corona Vũ Hán, khắp nơi phải ngưng tất cả các thánh lễ có đông người tham dự, kể cả Phụng vụ Tuần Thánh và các việc đạo đức bình dân. Một số tín hữu cảm thấy hoang mang, hụt hẫng, buồn bã …vì giáo đường cửa đóng then cài, im tiếng chuông, vắng tiếng hát, tiếng kinh. Đối với các thánh lễ và nghi thức Tuần thánh thì vẫn cử hành với ít người tham dự. Nhưng đối với “đạo đức bình dân” thì sao? Việc hủy bỏ các hình thức đạo đức này phải chăng đã làm giảm, hay mất, ý nghĩa của việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu?
Lòng “đạo đức bình dân” được biểu lộ qua việc tôn kính các thánh tích, rước kiệu, nguyện ngắm, ca vãn, hành hương và các hình thức tôn sùng khác … là một lối sống đạo hay biểu lộ niềm tin của đại chúng. Có thể coi nó như một cách thế hội nhập văn hóa và biểu lộ đức tin của đại chúng. Đức Thánh Cha Biển Đức coi “đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội Thánh, hoặc ít có cảm thức về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó”.
Trong Tuần Thánh, các hình thức “đạo đức bình dân” luôn nhấn mạnh đến các chặng đường Thánh giá, các khổ hình, lối tra tấn dã man và cái chết khổ nhục của Chúa trên Thập giá. Thực sự, Thiên Chúa đã dùng thập giá của Đức Kitô như một cách thế cứu độ trần gian. Trên thực tế, thập giá cũng đã in sâu và gắn chặt với Đức Giêsu. Ngay cả sau khi Người đã sống lại vinh quang, thì các thương tích của thập giá vẫn hiển hiện và vẫn không bị xóa nhòa nơi chân tay, cũng như cạnh sườn. Chính Người đã tuyên bố: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.
Phải thẳng thắn xác quyết rằng nếu chúng ta kiếm tìm một Đức Giêsu không có Thập Giá hay một Đức Giêsu siêu sao thì rất có thể chúng ta sẽ gặp thập giá mà vắng bóng Đức Giêsu! Bởi vì, “nếu Đức Kitô mà chúng ta giới thiệu không phải là “Đức Kitô Khổ Nạn” thì đấy là chúng ta đang giới thiệu một ai khác chứ không phải là Đức Kitô thực”.
Tuy nhiên, cần ý thức rằng Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng với Thập giá, khổ hình, oan khiên, bất công v.v. không phải là đích điểm của Kitô giáo. Không bao giờ có thể đồng hóa Đạo Chúa với một thứ “masochisme” nào đó. Tin Mừng của Đức Kitô không chỉ chứa đựng sứ điệp về Đấng Messia đau khổ, mà còn là Tin Mừng giải thoát và vinh quang. Đã hẳn, không ai có thể làm môn đệ của Đức Giêsu nếu không chấp nhận đi vào con đường hẹp, con đường thập giá, nhưng đích điểm của Công giáo không phải là Thứ Sáu Tuần Thánh, mà là Chúa nhật Phục Sinh.
Nói rõ hơn, Thứ Sáu Tuần Thánh rất quan trọng trong cuộc đời người Công giáo, nhưng dù sao nó cũng chỉ là cánh cổng dẫn vào Cuộc Sống Viên Mãn, Hạnh Phúc, Vĩnh Cửu. Chính nơi đó, thất bại chuyển hóa thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống tròn đầy và ai can đảm hy sinh cuộc sống để xây dựng công lý, sự thật, tình yêu, tình người … sẽ được sống muôn đời.
Trong viễn tượng đó, biến cố Đức Kitô Phục sinh là nền tảng của niềm tin, niềm hy vọng và lẽ sống của Giáo hội. Nếu Đức Kitô không sống lại thì toàn bộ giáo lý, cũng như trọn vẹn công cuộc nhập thể và cứu chuộc của Người đều chỉ là dối trá. Do đó, toàn bộ cơ cấu tổ chức của Kitô giáo, cũng như niềm tin và cuộc sống của chúng ta đương nhiên trở thành phi lý, vô nghĩa!
Về vấn đề này, thánh Phaolô đã mạnh mẽ xác quyết với giáo đoàn Corintô: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng
đang nắm vững (…). Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta (…), rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã trỗi dậy (…). Nếu Đức Kitô không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (…). Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”( 1Cor 15,1-19).
Trong bài Tin Mừng của Thánh lễ vọng Phục Sinh tối nay, thánh Mattheu kể lại cho chúng ta câu chuyện, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magdala và một bà Maria khác đi viếng mộ để xức lại thuốc thơm cho thân xác Chúa, vì việc tẩm liêm chiều thứ 6 đã làm quá sơ sài. Thình lình đất rung chuyển dữ dội, tảng đá che cửa mộ lăn ra và có thiên thần báo tin là Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết. Thiên thần yêu cầu các bà cấp tốc báo tin cho các môn đệ. Các bà vội vã về báo tin cho các môn đệ. Bỗng dưng, gặp Đức Giêsu giữa đường và Người chào các bà. Trong lời chào này, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng dùng cùng câu chào bằng tiếng Hy Lạp giống như khi thiên thần Gabriel đã chào Đức Maria trong biến cố Truyền tin: Hãy vui lên.
Lời chào Hãy vui lên của Đức Giêsu Phục sinh cũng là một lời mời gọi, một sứ điệp mang đậm dấu ấn Tin Mừng Phục Sinh: Hãy vui lên vì niềm vui bao la, sâu thẳm do ơn cứu độ của Chúa Phục Sinh mang lại.
Nhưng Phục Sinh là gì? Trong lúc sinh thời Đức Giêsu đã làm ba phép lạ cho ba kẻ chết sống lại: đứa bé gái, chàng thanh niên và Lazaro. Thực ra ba trường hợp này không phải là phục sinh theo nghĩa chúng ta đang nói. Đúng hơn, đây chỉ là phép lạ Chúa làm để triển hạn cái chết, vì cả ba người nói trên, sau đó cũng sẽ phải chết. Trái lại, khi nói Chúa Giêsu Phục sinh, chúng ta muốn nói Chúa đã đánh bại tử thần, đã tiêu diệt cái chết, đã chấm dứt giai đoạn làm người để cứu độ trần gian và khải hoàn về với Thiên Chúa Cha. Từ nay cái chết không những không còn quyền năng gì trên Người, mà tất cả những ai tin và tuân giữ giáo huấn của Người, dù có chết theo phận người, cũng sẽ được sống lại và sống hạnh phúc muôn đời.
Kể từ đó, biến cố Chúa Giêsu Phục sinh trở thành tâm điểm của Kitô giáo, là điểm tựa cho đức cậy, là đòn bảy mạnh mẽ cho niềm tin, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, âu lo, nghi nan và toan tính của loài người. Chúng ta được mời gọi loại trừ thù hận, ích kỷ, tham lam, bạo tàn để sống cảm nghiệm tuyệt vời về sự phục sinh của Chúa Giêsu và chấp nhận lời mời gọi hoán cải cho Tình Yêu.
Anh chị em rất thân mến,
Bất chấp những khổ đau, âu lo và hoang mang do Corona Vũ Hán gây nên, trong đêm canh thức Phục Sinh long trọng này, khi bóng tối đang trở thành ánh sáng, đêm đen nhường chỗ cho ngày mới không có chiều tàn. Cái chết và sự phục sinh của Ngôi Lời nhập thể là một biến cố của tình yêu bất khả chiến bại, đó là chiến thắng của Tình Yêu giải thoát ta khỏi những tham vọng chính trị bất chính và những ý thức hệ đang muốn tiếp tục nô lệ hóa nhân loại, đó ánh sáng Phục sinh xóa tan bóng tối của gian ác, bất công, thù hận.
Chúng ta cần tha thiết cầu nguyện xin Chúa Phục sinh giúp nhân loại ở thời hậu Corona Vũ Hán đủ sáng suốt và khả năng để thay đổi dòng chảy của lịch sử, ngõ hầu con người biết yêu thương, tôn trọng và liên đới với nhau hơn, trong một thế giới luôn biết bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhân phẩm, nhân quyền và môi trường sinh thái.
GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ