Suy niệm Tin Mừng – Thứ Tư Tuần Thánh
(Mt 26, 14 – 25)
“CÓ NGƯỜI NỘP THẦY”
Khi ăn xong miếng bánh Đức Giêsu trao cho, Giuđa đi gặp các vị thượng tế thảo luận giá bán Ngài, và Giuđa đã đồng ý với giá 30 đồng bạc, một cái giá quá bèo bọt. Đức Giêsu chỉ đáng giá một phần nhỏ so với chai dầu thơm mà cô Maria đã dùng xức chân Chúa. Tất nhiên, danh hiệu “phản bội” đã được gán cho Giuđa kể từ đó. Thế nhưng, động cơ khiến cho Giuđa phản bội Thầy mình là gì? Phải chăng là do tham – sân – si đang nổi lên trong con người anh ta?
THAM QUYỀN LỰC: Ngay từ đầu, với ý nghĩ theo Đức Giêsu, một nhà giảng thuyết tài ba và quyền lực, thì khi Ngài lật đổ ách thống trị của Rooma, chắc chắn Giu-đa sẽ có một chức vị nào đó. Ông theo Chúa vì nghĩ đến cái lợi của bản thân hơn đường hướng của Thầy. Và rồi từ hy vọng đến tuyệt vọng, Giuđa hoàn toàn vỡ mộng vì hướng đi của Thầy hoàn toàn trái ngược mình, không những không được hưởng sự vinh hoa trần thế, mà còn gặp những sự chống đối và ghen ghét của người đời, không phải đi con đường quyền lực, thống trị mà là đi trên con đường khiêm hạ, phục vụ và đích điểm là chết treo trên thập giá.
THAM TIỀN: Trong câu chuyện Maria xức dầu thơm vào chân Đức Giêsu, thì chính Giuđa đã trách cô tại sao không để bình dầu đó đưa đi bán, ít ra cũng được 300 quan tiền, và thánh Gioan cũng cho biết, vì Giuđa là tay “trộm cắp và gian lận” nên mới nói như thế. (Ga 12,6)
THÁCH THỨC CHÚA: Xét một phương diện tích cực hơn thì có thể Giuđa muốn dồn Thầy vào thế bí để bắt buộc Thầy phải hành động. Vì thế, anh đã đi bước trước để “mở lối” cho Thầy mình với ước vọng trong bước đường cùng đó, Thầy sẽ làm phép lạ, sẽ tỏ uy quyền cho người đời sáng mắt ra… Nhưng rồi, cho dù có đưa ra trăm ngàn lí do nào đi nữa, có thiết nghĩ thế nào thì hành động của Giuđa cũng đã trở nên kẻ phản bội Thầy mình, và để lại một kết cục bi thảm.
“CÓ NGƯỜI NỘP THẦY”: Ý định gian ác của Giuđa, tất nhiên chỉ có Giuđa biết, anh ta phải sắp xếp, lên chương trình trong sự âm thầm lặng lẽ, bởi nếu chỉ cần 1 kẽ hở thôi, thì Giuđa cũng chẳng thoát khỏi bàn tay của các môn đệ. Nhưng Giuđa có giấu kín và khéo léo bao nhiêu cũng không thể giấu Chúa được. Chúa thấu suốt mọi ý định của Giuđa, nhưng Ngài cho Giuđa quyền tự do chọn lựa; Ngài chỉ gợi mở cho Giuđa biết rằng việc mình làm là sai “khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (c.24). Ngài không la ó, khiển trách, hay tìm cách loại bỏ, diệt trừ anh nhưng dùng đôi mắt và trái tim yêu thương để thức tỉnh lòng anh. Tiếc thay, cho dầu được Thầy dạy dỗ, yêu thương, chỉ bảo để Giu-đa nhận diện tội lỗi thầm kín của mình mà anh vẫn không tỉnh.
“Giu đa ơi! Tại sao anh lại làm như vậy với Thầy mình, người mà anh đã đi theo ngót 3 năm trường, được sống, được ở bên Thầy, được Thầy tin tưởng, ưu ái tuyển chọn làm người thủ quỹ cho nhóm, thế mà anh lại phản Thầy, xa anh em”
Tôi vẫn hay đặt câu hỏi, vẫn nặng lời trách móc Giu đa, nhưng chất vấn lại lương tâm tôi đâu có biết Giuđa chỉ phản Thầy một lần, còn tôi phản bội Thầy nhiều đến nỗi không đếm xuể. Chúa tặng tôi trái tim yêu thương, tôi đáp trả lại bằng cách làm tổn thương trái tim đó. Chúa nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, trao cho tôi lời yêu thương, sự cảm thông nồng ấm, tôi gửi lại Chúa sự hờ hững, vô tâm. Trong mọi việc, cũng có lúc vì thói tham – sân – si, vì một chút tự ái vặt, tôi có thể bán đứng Chúa ngay lập tức.
Tôi theo Chúa, nhưng tôi có sẵn sàng đón nhận Thánh ý của Chúa? Hay tôi ép Chúa làm theo dự định, chương trình mà tôi đã vạch ra. Tôi để Ngài uốn nắn, sửa dạy, biến đổi con người tôi, hay tôi lại đi thay đổi chương trình của Chúa. Tôi để Ngài sử dụng tôi như “họa sĩ dùng ngòi bút ba xu” (Mẹ Têrêxa caculta) hay tôi lại sử dụng Chúa vào mục đích của riêng tôi?
Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của tôi. Ngài vẫn luôn mời gọi, đánh động trái tim tôi qua những chi tiết lớn nhỏ trong cuộc sống (qua Tin Mừng, bài suy niệm, bài giảng, những người hướng dẫn nhắc nhở tôi…) Tôi có nhạy bén để nhận ra không, hay cũng phớt lờ đi, mặc kệ Chúa có gọi tôi bao nhiêu, có nói dụ ngôn thế nào đi nữa, tôi cũng cố tình chẳng chịu hiểu, thì chắc chắn rằng, bi kịch đời tôi cũng sẽ xảy ra giống như Giuđa mà thôi.
Lời nguyện: Lạy Cha! Cảm tạ Cha vì đã cho con được làm con Cha.
Xin giúp con ý thức rằng: Bước theo Cha là bước đi con đường hẹp, con đường của Thập giá để đi đến vinh quang.
Xin cho con luôn biết nhạy cảm, mau mắn nhận ra lời mời gọi thức tỉnh của Cha trong tâm hồn con, nơi những người sửa dạy con, để con sớm trở về với trái tim yêu thương, và lòng thương xót của Cha sẽ thứ tha cho con.
Xin cho con biết ngoan ngoãn để Cha sửa dạy, để Cha biến đổi con mỗi ngày. Amen.
Maria Thanh Hiền – Tập Viện
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ