Suy niệm Tin Mừng – Thứ Hai Tuần Thánh
Chút dầu yêu thương
(Gioan 12: 1-12)
Lặng nhìn về cuộc sống! lặng nhìn về nhân vật lịch sử! Thầy Giêsu Chí Thánh hơn 2000 năm trước, đâu đây vẫn còn vang vọng bước chân Người. Ba mươi ba năm làm người, miệt mài trong sự vâng phục Thánh ý Cha. Thầy Giêsu vẫn âm thầm lặng lẽ sống hết mình với đời trong thân phận con người của một Đấng nam nhi. Nơi mảnh đất xứ Palestin, Ngài đã đi qua, vẫn còn đó những dấu ấn kì diệu.
Điểm dừng chân nhiều lần trong chuyến hành trình rao giảng của Thầy Giêsu và các môn đệ là ngôi làng Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng ba cây số. Đặc biệt nơi gia đình 3 chị em Matta, Maria và Lazaro. Quả vậy, như câu chuyện trong Tin Mừng Thánh Gioan đã kể lại rằng“Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa ăn tối thiết đãi Đức Giêsu. Cô Matta lo hầu bàn. Còn Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.” (Gioan 12,1-11).
Thái độ vồn vã, ân cần hiếu khách của 3 chị em được thể hiện nơi mỗi người mỗi cách khác nhau. Matta vẫn tỏ ra một người chị cả đảm đang, tháo vát, chaỵ ngược chạy xuôi hầu bàn. Lazarô đảm nhận trách nhiệm một người đàn ông trong gia đình, ngồi đồng bàn dự tiệc với Thầy Giêsu. Còn Cô Maria, vẫn là một cô gái dịu dàng, ngồi bên chân Chúa xức dầu thơm. Điều đặc biệt ở đây, người môn đệ được Chúa yêu chẳng diễn tả lại cuộc gặp gỡ ấy, mọi người đã trò chuyện với nhau về nội dung gì? nhưng với từng hành động, cách tiếp đón, đã nói lên tình cảm yêu mến, quý trọng Thầy Giêsu của cả ba chị em. Một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương!
Hành trình mùa Chay Thánh cũng dần đi vào chiều sâu của Mầu nhiệm vượt qua và sự sống lại của Chúa Giêsu. Ánh sáng Tin mừng khơi dậy nơi tôi một thoáng nhìn về cuộc sống thường ngày, để nhắc nhở tôi rằng: Chúa vẫn ghé thăm tôi, Ngài vẫn đến bên tôi trong thinh lặng. Liệu tôi có thấy Ngài, có nghe Ngài, có nhận ra Ngài, bởi giữa phố phường, giữa cuộc đời trần gian Ngài không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng?
Như Cô Macta! Tôi đón tiếp Chúa như thế nào? Cõi lòng tôi có rung lên nhịp đập của sự đon đả, khao khát được gặp Chúa?
Hay như anh Lazaro! Tâm hồn tôi có mở rộng trong một đức tin vững vàng để trò chuyện với Thầy Giêsu?
Đặc biệt, như cô Maria. Một cô gái tuổi đôi mười dịu dàng, tinh tế, lặng quỳ bên chân Chúa, tưới ướt chân Người với dầu thơm dầu cam tùng hảo hạng, rồi xõa mái tóc kiều diễm mà lau chân Người. Nói sao hết được tấm lòng yêu mến ấy! Liệu tôi có mau mắn đến gần bên Chúa, đổ vào chân Chúa một chút dầu của lòng yêu mến Chúa. Chút dầu của yêu thương, sự dấn thân, quảng đại trong đức ái là tinh hoa mà bấy lâu tôi đã chắt góp từ cuộc sống?Tôi có sẵn sàng từ bỏ cái đáng quý, đáng trân trọng trong bản tính cá nhân mà hoàn toàn hiến dâng cho Chúa?
Lạy Chúa! khi biết bao người đang cố gài bẫy- tìm cách bắt Chúa. Có lẽ Chúa vẫn cảm nhận được nguồn an ủi khi ba chị em cô Macta đón tiếp Chúa một cách nồng hậu. Phải chăng là một chút động lực nho nhỏ để Chúa phần nào mạnh mẽ hơn trước những khổ đau sắp phải chịu.
Con cám ơn Chúa, vì vẫn luôn lặng lẽ ghé thăm con! Xin cho con một tấm hồn rộng mở biết chuẩn bị tiếp đón Chúa. Khao khát mời Chúa đến ngự trị trong tâm hồn với một thái độ chân thành, tin tưởng vào Chúa, một tình yêu nồng nàn dạt dào để đổ vào trái tim Chúa sự hiến dâng trọn vẹn. Xin cho con học nơi cô Maria bài học của sự thinh lặng, tinh tế và cảm được tình yêu của Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, ở lại với Chúa và thực hành lời Chúa. Con vẫn ước mong làm dịu nỗi khổ đau mà Chúa phải chịu do tội lỗi của con và của nhân loại. Xin Chúa đón nhận tấm lòng chân thành của con và xin thương xót thế giới này.
Tâm Thiên
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”