Suy niệm Tin Mừng Lễ Lá và Tuần Thánh

125 lượt xem 4 Tháng Tư, 2020

LỄ LÁ và TUẦN THÁNH

(Lc 22,14-13,56/ Mt 26,14-27,66)

  1. Trong những ngày Tuần Thánh này, tôi có sẵn sàng dành nhiều giờ tĩnh lặng ngồi trước thập giá, chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa và xin Ngài ban cho tôi ơn cảm nhận Tình yêusự tha thứ của Ngài dành cho nhân loại và cho chính bản thân tôi không?
  • Hay tôi cảm thấy rất sợ thinh lặng lâu giờ vì không muốn đối diện với sự thánh thiện tốt lành của Chúa, và không muốn đối mặt với sự thật chưa tốt trong lòng mình. Bởi điều đó sẽ đòi tôi phải thay đổi hoàn toàn lối sống, cách nghĩ về Thiên Chúa, về tha nhân, về tạo vật và về chính bản thân. Hơn nữa, đòi tôi phải buông bỏ những điều tôi yêu thích, gắn bó, cho dẫu tôi biết đó là điều kiện thiết yếu và tối cần để tôi có được sự tự do nội tâm, niềm vui đích thực khi đi theo Chúa? Tại sao? Hay bởi vì tôi chỉ muốn theo Chúa xa xa?
  • Hãy hình dung tôi cũng có mặt trong cuộc khổ nạn và đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu. Nhưng tôi tự nhận diện mình là ai và đã làm gì khi Chúa Giêsu bị xỉ nhục, vu khống, chịu đánh đòn và bị treo lên thập giá:
  • Là những người khách qua đường bàng quan trước nỗi đau của đồng loại?
  • Là thượng tế, luật sĩ đã xúi giục đám đông giết Chúa chỉ vì ghen tị?
  • Là Phêrô nhát đảm thề thốt không biết Chúa là ai?
  • Là Giuđa nhẫn tâm bán đứng Thầy mình với 30 đồng bạc, giá của một tên nô lệ, bất chấp mọi lời nhắc nhủ xa gần của Thầy và sự buồn khổ của anh em?
  • Là đám đông sẵn sàng đi theo và tôn vinh Chúa khi được Ngài cho ăn no nê, nhưng ngay sau đó đã trở mặt kết án, la ó giết Chúa?
  • Là các môn đệ sẵn sàng theo Thầy khi bình yên vô sự nhưng khi Thầy đối diện với thử thách thì bỏ chạy thoát thân?
  • Hay tôi muốn làm Maria Madalena, Gioan và Đức Mẹ kiên vững theo sát Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn, cùng đi đến chân Thập Giá, để chia sẻ, an ủi và khích lệ Chúa, bất chấp mọi hiểm nguy đang đe dọa đến tính mạng?

2. (Lc 23,18) Tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!”

  • Kinh Thánh cho biết: Chỉ vì ghen tị với Đức Giêsu mà các thượng tế và kỳ mục nộp Ngài và xúi đám đông, gây áp lực với quan Philatô phải tha tên Banaba là kẻ sát nhân và giết Đức Giêsu là người vô tội. Các thượng tế và kỳ mục đã phạm tội và còn cố tình lôi kéo người khác cùng phạm tôi chống lại Chúa.
  • Nếu tôi cũng có mặt trong đám đông đó thì tôi sẽ xin tha ai và gây áp lực để tha ai? Quyết định của tôi cho thấy tôi là người yêu mến chân lý, tôn trọng sự thật và can đảm bảo vệ chân lý cho đến cùng hay là kẻ hèn nhát hai lòng?
  • Có khi nào tôi cũng giống như các thượng tế và kỳ mục, chỉ vì ghen tị mà tìm cách lôi kéo, dèm pha, làm mất uy tín của người chị em cùng cộng tác với tôi không?
  • Được bao nhiêu lần tôi can đảm đi ngược dòng dư luận, chấp nhận bị thiệt thòi, để đứng về phía chân lý, nhân danh công lý lên tiếng bênh vực người thấp cổ bé miệng?
  • Tôi có cảm thấy mình dễ bị kích động, nóng lòng, muốn thể hiện mình, muốn tự giải quyết mọi vấn đề theo cách thế của riêng mình và dùng quyền năng Chúa ban để tự cứu mình thay vì kiên nhẫn kính trọng chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa không? Hành động dễ bị kích động cho biết gì về con người tôi?

3. (Lc 23, 2-25) Ông Philatô nói với họ: “Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết…”

  • Trong vụ án Đức Giêsu, Philatô là người cầm cân nảy mực, ông là người có quyền “tha hay đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá”. Philatô đã thấy rất rõ Đức Giêsu là người vô tội. Vì thế, ba lần liên tiếp Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Ông có thiện chí tìm cách tha Ngài. Nhưng tiếc thay ông không can đảm hành động theo tiếng lương tâm ngay chính mách bảo. Có lẽ vì bi áp lực của đám đông nên ông “sợ”. Tại sao Philatô sợ, sợ điều gì? Ông có đủ quyền hành trong tay mà vẫn sợ? Nỗi sợ đã làm ông ra nhu nhược, hèn nhát, tránh né trách nhiệm bằng hành động “lấy nước rửa tay” (x. Mt 27,24).

“Sự sợ hãi như một bóng ma ám ảnh con người ngày nay. Người ta không thích nói dối nhưng cũng không dám nói thật, không dám sống thật vì nhiều thứ sợ. Sợ hãi dẫn đến không dám nói lên ý nghĩ của riêng mình, chỉ nói những gì người khác muốn nghe chứ không dám nói điều mình suy nghĩ, thiếu xác tín riêng và dẫn đến thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm”. (Báo Tuổi trẻ)

  • Hiện nay tôi có đang bị nỗi “sợ vô hình” nào chi phối ám ảnh không? Tôi sợ lối sống và cách ứng xử của tôi làm mất lòng Chúa, buồn lòng chị em? Hay tôi sợ quyền lợi của mình bị đe dọa?
  • Điều đang làm tôi sợ có chính đáng không? Tôi có phương cách cụ thể nào để khắc phục nỗi sợ trong hiện tại, hầu làm cho đời sống thánh hiến của tôi có giá trị, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, tự do của người làm con cái Chúa không?
  • Trước những lầm lỗi khi tôi trót làm mất lòng Chúa, lỗi đức bái ái với chị em, và ảnh hưởng đến cộng đoàn. Tôi thường có thái độ nào?
  • Tôi khiêm tốn thẳng thắn nhận lỗi, thiện chí phục thiện và quyết tâm sửa đổi? Hay bằng mọi giá, tôi tìm cách biện minh để chạy tội hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người này, vật kia cho đến khi không thể bào chữa được thì chịu vậy? Điều gì làm tôi khó nhận lỗi, không dám lãnh trách nhiệm?

4. (C. 43) “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.”

  • Đối diện với cái chết khổ giá cận kề, là thân phận con người, Đức Giêsu cũng khiếp sợ đến nỗi mồ hôi nhỏ xuống nặng như giọt máu. Có lúc Ngài cũng bị cám dỗ rút lui, nhưng vì tình yêu đối với Cha, Ngài đã chiến đấu đến cùng để trung thành với chương trình và kế hoạch mà Cha đã định liệu.
  • Khi được trao sứ vụ khó khăn, cần nhiều nỗ lực và hy sinh, tôi thường có tâm tình, thái độ nào? Tôi có noi gương Chúa, tha thiết cầu nguyện cùng Chúa với mong muốn ý Chúa được nên trọn không? Khi biết rõ đó là ý Chúa muốn, tôi sẵn sàng đón nhận trong bình an, nỗ lực hết sức cộng tác với ơn Chúa và xin Ngài trợ giúp để tôi hoàn thành cách tốt nhất sứ vụ Ngài trao?
  • Hay tôi trốn chạy tìm mọi cách để thoái thác, đùn đẩy cho người khác?

5. (Mt 26,48-49) “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh cứ bắt lấy”. Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy! rồi hôn người.”

  • Khi suy niệm về cái chết của Đức Giêsu, không thiếu những lần tôi nổi giận oán trách Giuđa vì hành động ác tâm thất đức của ông đối với Đức Giêsu. Tôi thầm trách Giu-đa quá nhẫn tâm, không còn liêm xỉ để có thể bán đứng thầy mình với giá của một tên nô lệ! Tôi nghĩ mình tốt lành hơn Giuđa. Đã có hơn một lần tôi tự hỏi, Đức Giêsu có lầm không khi chọn Giuđa vào danh sách 12 tông đồ? Nhưng Ngài chỉ chọn ông sau một đêm thức trắng cầu nguyện với Cha kia mà? Tại sao ông có thể thay trắng đổi đen nhanh như thế? Tại sao rồi lại tại sao? Giuđa đã biến nụ hôn, dấu chỉ của tình yêu thương thành cử chỉ của sự phản bội và đó cũng là hành động lăng nhục đầu tiên tưởng chừng đau đớn nhất mà Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc thương khó. Còn nỗi đau nào hơn khi biết người mình yêu thương nhất lại là kẻ phản bội mình! Phải, Giuđa mãi mãi bị nguyền rủa là kẻ bán thầy phản bạn, dù hành động ấy chỉ diễn ra một lần và đã chấm dứt rồi.
  • Còn tôi, tôi có nghĩ chính tôi cũng hơn một lần bán đứng thầy mình như Giuđa bằng những hành vi tương tự chăng? Khi dùng thái độ tử tế làm vỏ bọc để che giấu những toan tính ích kỷ, vụ lợi bên trong. Khi bên ngoài tôi tỏ ra là đồ đệ thân tín của Thầy Giêsu, là đạo đức tốt lành nhưng tâm hồn thì trống rỗng, đầy những ý nghĩ bất xứng. Cũng vậy, trước mặt thì tỏ ra quý trọng yêu mến mọi người, nhưng đàng sau thì chồng chất những đố kỵ, tị hiềm ghen ghét?
  • Tôi có nghĩ rằng mọi người có thể không biết rõ con người thật của tôi, nhưng Thầy Giêsu thấy rất rõ tất cả những gì đang diễn ra trong tâm hồn tôi. Ngài tôn trọng, không muốn vạch mặt chỉ tên, nhưng Ngài kiên nhẫn chờ đợi tôi thành tâm trở về để đón nhận tình yêu Ngài dành cho tôi. Trong những ngày Tuần thánh này tôi có sẵn sàng đáp lại điều Ngài mong chờ không? Tôi sẽ làm gì?

6. (C. 54-62) “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc còn đang nói, thì gà gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

  • Trước bối cảnh Chúa Giêsu báo thương khó, Phêrô rất tự tin vào bản thân, Phêrô khẳng khái tuyên bố: “Dù có phải vào tù hay chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Nhưng trong khoảng một giờ đồng hồ, ông đã thất bại thê thảm, Phêrô chối Thầy không chỉ một lần mà đến ba lần. Lần đầu ông chối liên hệ với Đức Giêsu, lần thứ 2 ông chối liên hệ với nhóm anh em đồ đệ, lần thứ ba ông chối liên hệ với quê hương, người đồng hương. Khi người ta nhạt nhòa tình yêu với Chúa, không dám nhận mình có liên hệ với Đức Giêsu, không biết Chúa là ai vì nhiều lý do, thì dẫn đến việc người ta sẽ chối bỏ mọi tương quan với tha nhân và dẫn đến đổ vỡ tình người, vô trách nhiệm và nhẫn tâm ngay cả với người thân thuộc, “tôi không biết người ấy là ai” (Lc 22, 57). Phêrô chối Chúa ba lần, sau khi gà gáy và ông bắt gặp ánh mắt Chúa nhìn, Phêrô nhận ra sự yếu đuối lỗi phạm của mình và đã hoán cải thực tâm, thực tình và thực lòng quay về với lòng thương xót của Chúa.
  • Còn tôi, tôi có nghĩ rằng, tôi không chỉ chối Chúa ba lần như Phêrô mà là rất nhiều lần không?
  • Có khi nào tôi không dám nhận mình là Kitô hữu, là tu sĩ vì ngại từ bỏ, hy sinh, dấn thân cho sứ vụ, dễ dàng lỗi kỷ luật, vi phạm giao ước thánh tôi đã ký kết trong ngày tuyên khấn chỉ vì muốn sống dễ dãi, muốn chiều theo sở thích riêng tư không?
  • Tiếng gà gáy và cái nhìn của Thầy Giêsu đã nhắc nhớ Phê-rô nhận ra sự thất tín của mình. Còn tôi, những góp ý xây dựng của chị em, những sự kiện, những biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đặc biệt là trong cơn đại dịch covid 19 này có thức tỉnh tâm hồn, mời gọi tôi thật tình hoán cải không?

7. (C. 47) Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc xảy ra, đều đấm ngực trở về.

  • Khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu, viên đại đội trưởng đã nhận ra Đức Giêsu đích thực là người công chính! Dân chúng thì đấm ngực. Có lẽ, mỗi người có một lý do để đấm ngực. Có người đấm ngực hối hận vì đã nhẫn tâm bắt và ép Philatô phải lên án tử người vô tội là Đức Giêsu, vì đã dửng dưng không can thiệp khi thấy sự dữ, sự ác xảy ra. Có người đấm ngực vì chính sự nhu nhược, nhát đảm của mình nên đã đẩy người anh em đồng loại vô tội của mình đến cái chết thảm thương.
  • Còn tôi, khi đối diện với cái chết của Đức Giêsu, tôi thấy mình cần phải đấm ngực về điều gì?
  • Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu nói gì với tôi? Tôi có cảm thấy cái giá để Đức Giêsu chuộc tôi quá lớn, tình yêu Ngài dành cho tôi qủa là vĩ đại, vì thế, tôi muốn sống trọn vẹn hơn cho lý tưởng hiến dâng phục vụ?
  • Hay tôi chỉ thấy một ông Giêsu nào đó chết cho nhân loại chung chung, chứ không cảm nhận Ngài đã vì yêu tôi đến nỗi chết cho tôi, nên tâm hồn tôi vẫn lạnh lùng băng giá và khô khan, trống rỗng?