Suy niệm Tin Mừng – Thứ Năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay

120 lượt xem 1 Tháng Tư, 2020

Suy niệm Tin Mừng – Thứ Năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay

(Ga: 8, 51-59)

       Nơi Tin Mừng của thánh Gio-an, ta có thể nhận ra một điều đặc biệt là Chúa Giê-su hầu như bày tỏ, mặc khải chính mình một cách trực tiếp, không hề úp mở điều gì. Những lời mặc khải của Chúa chứa chan tình yêu, được cất lên từ sâu thẳm trái tim Người với ước mong mãnh liệt là giúp những người Do Thái nhận ra chính Người là Đấng Cứu Độ duy nhất: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”(x.Ga 8,51). Nhưng chính những mặc khải tràn đầy tình yêu thương của Chúa Giê-su lại khiến cho dân Do Thái xem Người như là một kẻ bị quỷ ám. Họ đáp trả tình yêu của Người bằng một thái độ cao ngạo, cứng nhắc. Dân Do Thái vẫn luôn tự hào về truyền thống của Cha ông, tự hào về những hiểu biết về Kinh Thánh, luật lệ; Họ ỷ vào những truyền thống và sự hiểu biết của mình để từ chối đón nhận một điều tốt đẹp hơn. Thái độ này của họ hoàn toàn trái ngược với chính tổ phụ của họ là Ap-ra-ham, người đã bỏ lại những gì ông có, bỏ lại cuộc sống êm đẹp vốn có để chấp nhận đi vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm với Thiên Chúa; vì thế, ông được Thiên Chúa ban phúc lành, trở nên “cha của vô số dân tộc”.

       Liệu tôi có dám trở nên như tổ phụ Áp-ra-ham, dám ra khỏi “vùng an toàn” của chính mình, bỏ lại những gì là của riêng tôi để đáp lại tiếng gọi của Chúa, phó thác đời mình cho Người? Hay tôi cứ ẩn núp trong lớp vỏ cứng nhắc của mình mà từ chối thay đổi, từ chối những ơn lành của Chúa?

      Một trong những nguyên nhân chính làm cho các cuộc đối thoại từ vi mô đến vĩ mô phải thất bại là sự cứng nhắc, bảo thủ của mỗi bên. Ai cũng cho mình là đúng hơn, tốt hơn; vì thế, không ai chịu nhượng bộ để đón nhận những ý kiến, những điều tốt đẹp của đối phương. Đối thoại chỉ thành công khi đôi bên biết nhún nhường đón nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau, cùng nhau nhìn về một mục đích chung, nhất là cùng nhau tìm về cội nguồn của CHÂN-THIỆN-MỸ. Thế giới sẽ chẳng còn xung đột, tranh chấp nếu mỗi người biết giảm bớt cái tôi của mình một chút để lắng nghe, đón nhận những ý kiến của tha nhân.

Vậy tôi thuộc “tip” người nào? Cứng nhắc hay cởi mở? Bảo thủ hay hòa hoãn?

Têrêsa nhỏ – Tập viện