Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay

136 lượt xem 28 Tháng Ba, 2020

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A

 Ga:11, 1-45 

“Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”.

Tin Mừng cho ta lập tức liên tưởng đến bối cảnh của nhân loại hôm nay. Gia đình Mác-ta là biểu tượng sống động cho một xã hội thu nhỏ, gia đình ấy, xã hội ấy đang phải co mình run sợ trước sự đe dọa của cái chết. Con người thời xưa và nay đều thấy hãi hùng khi đối diện với những mất mát và chia ly vĩnh viễn. Chính những cuộc đối đầu không cân sức ấy làm cho con người nhận ra sự nhỏ bé và giới hạn của mình.

Đứng trước cái chết đang rình rập của người em trai duy nhất, Mác-ta và Maria ngay lập tức cho người đi tìm gặp Đức Giê-su để báo tin khẩn về tình trạng của Lazaro, hai cô tin rằng Đức Giê-su sẽ làm cho mọi tình huống xấu nhất của họ được xoay chuyển. Thế nhưng Ngài đã không đến.

Phải chăng đứng trước đau khổ của con người Ngài đã chẳng buồn quan tâm?

Phải chăng khi nhìn con người quằn quại trong sự dữ Thiên Chúa lại chọn sự im lặng để bỏ mặc?

Và phải chăng Thiên Chúa của chúng ta không hề tồn tại?…  

Hai người phụ nữ yếu đuối khi phải đương đầu trong nỗi tuyệt vọng ấy có từng tự chất vấn niềm tin của mình bởi những câu hỏi tương tự như thế này không? Hẳn là lúc này họ đã thấu hiểu được sự bất lực của kiếp người, dù họ có thương em nhiều như thế nào đi nữa cũng chẳng thể làm gì ngoài việc khóc lóc trong vô vọng. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn dùng sự việc ấy, con người ấy và bối cảnh ấy để tôn vinh quyền năng của Ngài, hay nói hẳn ra là Ngài muốn dùng câu chuyện Tin Mừng này để một lần nữa giúp ta rà soát lại niềm tin của mình, xem niềm tin ấy còn sống hay đã chết, đang lớn mạnh hay yếu đuối, èo uột?

Niềm tin thứ nhất là niềm tin của các Thánh Tông Đồ, xin được gọi là niềm tin sợ hãi:

Khi Chúa Giê-su ngỏ ý trở lại miền Giu-đê để chữa bệnh cho Lazaro thì các môn đệ liền nói: “Thầy ơi! Chỉ mới đây thôi, người Do Thái đang tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” Các ông rất đúng và rất khôn ngoan trên bình diện con người, trước sự đối kháng của giới lãnh đạo Do Thái với Chúa Giê-su đang gia tăng theo thời gian và đã đạt đến đỉnh điểm, hẳn các môn đệ đều hiểu họ đã quyết tâm thủ tiêu Ngài, nên sự ngăn cản này hoàn toàn đúng. Thế nhưng, ngay khi nỗ lực ngăn cản Chúa Giê-su thì cũng chính là lúc các ông đang vô thức tự bộc bạch về nỗi sợ hãi của mình, bởi bóng Thánh Giá đã ẩn hiện xa xa, chính nỗi sợ này đã ngăn cản các ông không đi đến cùng với Chúa Giê-su.

Vậy niềm tin sợ hãi đó có không trong cuộc đời của tôi? Ngày hôm nay tôi không phải đối diện với những khó khăn, những bắt bớ, những sợ hãi về mặt thể lý nữa, nhưng có thể tôi phải đương đầu với những hy sinh, những thiệt thòi để có thể sống theo lời mời gọi của Tin Mừng. Chính vì sợ phải hy sinh, sợ chịu thiệt thòi nên tôi cũng đã KHÔNG DÁM ĐI VỚI CHÚA ĐẾN CÙNG.

Niềm tin thứ hai là niềm tin của cô Mác-ta, xin được gọi là niềm tin của sự nghi ngờ:

Khi Thầy Giê-su ra lệnh đẩy phiến đá ở cửa mồ sang một bên thì Mác-ta ngăn cản lập tức với lý do rằng: “Em con đã nằm ở trong đó tới BỐN NGÀY rồi và đã NẶNG MÙI rồi”. Rõ ràng khi được chất vần về niềm tin thì cô đã tuyên xưng rất mạnh mẽ: “Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Niềm tin của cô đã được dõng dạc thốt ra trước đó lại chẳng hề ăn nhập với thái độ sợ hãi và nghi ngờ của cô lúc này. Mác-ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin nhưng lại nghi ngờ về quyền năng của Thầy, liệu Thầy có thể làm cho người đã chết thối rữa trong mồ được sống lại?

Trong cuộc đời tôi, hẳn cũng có những khi niềm tin ấy từng mang dáng dấp của nghi ngờ, tuyệt vọng. Một đàng tôi vẫn tin rằng Chúa là chủ cuộc đời mình, mọi sự của tôi đều do Chúa an bài. Thế nhưng một đàng khác, mỗi khi gặp thất bại, gặp buồn phiền thì lập tức tôi nghi ngờ tình yêu và sự quan phòng của Chúa, tôi vội vàng tìm sự an ủi chóng qua nơi con người, nơi tạo vật và nơi những thú vui hèn hạ, hoặc có khi chọn đến với những tính toán thế gian…để rồi tôi KHÔNG CÒN SONG HÀNH CÙNG CHÚA.

Và cuối cùng là niềm tin của sự bất động:

Hình ảnh Lazaro trong mồ lại gợi lên trong con về sự trói buộc, vào thời người Do Thái xưa, khi chôn người chết họ dùng những băng vải để quấn quanh xác chết thật chặt, sau khi đã đặt người chết yên vị bên trong một hốc đá, rồi dùng một phiến đá thật to để chặn trước cửa mồ, phiến đá là biểu trưng cho quyền lực của sự chết mà không ai có thể chống lại, và con người bên trong đó hoàn toàn bất động. Cũng thế, mang danh là một Ki-tô hữu, tôi tin Chúa đó nhưng tôi lại không hề động đậy gì cả. Niềm tin của tôi bị đè bẹp bởi những quyền lực trần gian, bởi tiếng chê cười nhạo báng của chúng bạn và đôi khi chỉ vì chút danh dự cỏn con của bản thân. Phải chăng tôi đang trốn tránh nói về Chúa với tha nhân, và dường như chưa một lần nào tôi đứng lên để chia sẻ Tin Mừng của Chúa cho anh chị em lương dân; tôi vẫn muốn ôm ấp một lối sống dễ dàng thoải mái và sợ hãi phải theo sát Ngài, và vì thế tôi NGẠI LÀM CHỨNG VỀ NGÀI.

Lạy Chúa, nhân loại chúng con đang hoảng loạn trước sự trở mình của thiên nhiên, Chúng con tự cho mình cái quyền tàn phá vũ trụ mà Chúa đã tạo thành. Chúng con ngang nhiên gạt bỏ Chúa ra khỏi vạn vật để huênh hoang thế mình vào chỗ của Chúa mà vỗ ngực trước những thành công hão. Chúng con đang ngày ngày phải trả giá cho sự ngạo mạn của chính mình. Giờ đây chúng con đã thật sự sụp đổ. Nhân loại đang hoang mang chẳng biết đối phó thế nào trước thứ vũ khí sinh học nhỏ bé, thứ vũ khí gần như vô hình. Quyền lực, địa vị, tài trí, danh lợi, vũ khí hạt nhân, đạn dược và kể cả khôn ngoan người đời cũng giơ tay đầu hàng về sự ngu muội tàn độc của chính mình. Chúng con xin hạ mình xuống kêu van Ngài tha thứ, vì nhiều lúc đã để cho những  hào nhoáng của thế gian này kéo chúng con rời xa Ngài. Rồi nhiều khi trong lúc vật lộn với cơn lốc trần gian, chúng con tưởng rằng Ngài đang im lặng xa lánh chúng con. Nhưng Chúa ơi, giờ thì chúng con đã hiểu rằng chính chúng con đã để những tiếng ồn của thế giới này át đi tiếng thì thầm êm dịu của Ngài. Và xin cho con dám tin vào tình yêu và quyền năng uy dũng của Ngài vì “Đây là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”.

Xin chỉ cho chúng con biết điều gì đang ảnh hưởng đến tâm hồn và tâm trí chúng con. Nếu những điều ấy không đến từ Chúa, xin hãy giúp chúng con dẹp bỏ tất cả để chỉ tập trung vào một mình Chúa. Xin hãy thêm sức cho con, vì chỉ với ân sủng của Ngài, chúng con mới có thể vượt qua được sự yếu đuối và không nhượng bộ xác thịt. Xin giúp con không biện minh cho tội lỗi của mình, và giữ một tấm lòng ngay thật trước mặt Chúa, để không một điều gì cản trở niềm tin con đặt vào Chúa.

Lạy Chúa, quả thật không phải chỉ có một mình Lazaro cần Chúa cho sống lại, mà chính nhân loại chúng con cũng đang cần được Chúa “PHỤC SINH NIỀM TIN” của mình. Xin thương ban Thánh Thần Chúa đến ở lại với chúng con, giúp mỗi người chúng con luôn biết trọn niềm tín thác vào tình thương quan phòng của Chúa giữa cơn đại dịch này. Amen!

Têrêxa Tuyết Nhung – Học Viện