SUY NIỆM LỜI CHÚA – THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A
TIN MỪNG Ga 4, 43-54
- LỜI CHÚA
“Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.
Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.
Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.”
- CHIA SẺ
Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình: Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu: “Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23). Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi, vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22). Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu: “Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22).
Phép lạ hôm nay khác với phép lạ Chúa làm cho viên sĩ quan có đứa đầy tớ bị bệnh bất toại được ghi trong (Mt 8,5). Viên sĩ quan ấy có một lòng tin vững mạnh, được Chúa ca tụng là nhất trong số dân ngoại (Mt 8,10). Còn trong phép lạ hôm nay được thánh Gioan ghi lại nói rằng có một vị sĩ quan (công chức) tới xin Chúa Giêsu chữa bệnh cho con của ông. Vị sĩ quan này làm việc tại triều đình nhà vua Hêrôdê Antipas và gia đình ngụ tại Caphacnaum. Chắc chắn những công việc Chúa Giêsu làm đã đồn thổi đến tai ông, cho nên ông đích thân từ Caphacnaum đi tới Cana để gặp Chúa, vì Chúa vừa mới trở lại đấy (c.46). Con đường từ Caphacnaum tới Cana dài khoảng 33 cây số, nếu đi bộ phải mất 7 tiếng đồng hồ. Gặp được Chúa, ông mời Chúa trở lại Caphacnaum để chữa cho con của ông thập tử nhất sinh. Rất có thể ông đi đón rước Chúa như kiểu đi đón rước một thầy lang. Nhưng dù sao thì ông cũng tin tưởng vào quyền phép của Chúa, vì ở địa vị như ông làm quan triều đình, chắc chắn đã có nhiều thầy lang chữa cho mà không khỏi nay ông chạy đến với Chúa như một bước đường cùng. Hơn nữa trong lúc tuyệt vọng, người ta dẽ dàng phó thác tất cả.
Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Bài Tin Mừng trình thuật một viên sĩ quan cao cấp của triều đình đã lặn lội cả mấy chục kilômét để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho con ông được lành bệnh. Ông là một phó vương nơi cung triều, còn Đức Giêsu thì chỉ là người bình dân. Một hình ảnh trái ngược với giới lãnh đạo và thượng lưu thời bấy giờ! Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.
Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa cho con ông khi tuyên bố: “Con ông sống”. Thấy mọi sự diễn ra đúng thời gian mà Đức Giêsu tuyên bố con ông không chết, viên sĩ quan và cả gia đình ông đã tin vào Đức Giêsu. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy vượt qua những tự hào thái quá để khiêm tốn như viên sĩ quan. Cần có một thái độ tin tưởng tuyệt đối nhưng chân thành và niềm hy vọng đầy tin yêu nơi Thiên Chúa như viên sĩ quan.
Bước vào tuần 4 Mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục sinh của Ngài. Tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphacnaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha khi phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.
Người Kitô hữu hôm nay được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu là
đem Tin Mừng đến với con người thời đại. Chúng ta không đi con đường nào ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Muốn được như thế, trước tiên, bản thân chúng ta phải là những người tin. Tin thì không cần có điều kiện, tin là nhắm mắt bước đi theo sự chỉ đường của Thiên Chúa. Con đường ấy không bao giờ phù hợp tâm thức của con người. Đó là con đường hy sinh, cầu nguyện; con đường canh tân, hoà giải; con đường bác ái, sẻ chia mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy thực hành trong Mùa Chay thánh.
Giáo Hội mời gọi chúng ta tự nguyện sống khắc khổ để chia cơm sẻ bánh cho họ, không phân biệt lương giáo. Chúng ta có thể cứu sống một đứa trẻ lâm bệnh không có tiền chữa trị, chúng ta có thể giúp nuôi dưỡng một trẻ em nghèo có điều kiện đến trường, một người tàn tật có công ăn việc làm nhờ vào những khoản tiết kiệm của chúng ta…và còn biết bao việc mà chúng ta có thể làm để thăng tiến đời sống của những người cùng khổ. Đó là những phép lạ mà chúng ta có thể làm trong thời đại hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho con một niềm tin vững mạnh vào Chúa và xin cho con ở bên Chúa trong mọi nơi mọi lúc để đời sống của con là một dấu chỉ của niềm vui và bình an của Chúa. Amen.
Ngọc Hà – Tiền Tập Viện
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”