Suy niệm Tin Mừng – Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay

230 lượt xem 15 Tháng Ba, 2020

Suy niệm Tin Mừng – Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay

  (Lc 4.24-30)

“ Hãy vui vẻ đón nhận

“ Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

                                                                                                     (Lc 4.24)

Suy niệm:

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Hay như Nguyễn Khuyến cũng nói “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Phải chăng quê hương đã ăn sâu vào tâm hồn của mọi người, nơi chứa đầy các kỷ niệm êm đềm về một ngôi nhà ấm áp tình người, về một tuổi thơ hồn nhiên, sôi động, cũng như những vui buồn tạo nên tính cách của một người. Những kỷ niệm ấy trở nên nguồn sống, chảy trong máu thịt của từng người để rồi khi lớn lên, dù đi bất cứ nơi đâu, mỗi lần nhắc đến quê hương, cảm giác ấm nồng nhớ nhung lại trỗi lên trong lòng mỗi người. 

Vậy mà hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giê-su trở về Nagiaret – quê hương của Ngài, lại đưa đến cho chúng ta cảm giác hụt hẫng vì tại nơi đây Chúa không được đón nhận mà còn bị hắt hủi hơn cả người xa lạ.

Tại sao dân thành Nagiarét lại phẫn nộ với Chúa Giê-su?

  • Có thể vì óc tự tôn: Người Do-thái biết mình là dân được Chúa chọn nên họ coi mình là người độc quyền với những ân huệ của Thiên Chúa. Người Nagiaret rất có thể có óc tự tôn đó để họ muốn độc chiếm Đức Giê-su, họ muốn Ngài dành ưu tiên cho quê hương, dân tộc.
  • Có thể vì Chúa đã “chiếu tướng” vào điểm yếu của họ: Họ không muốn nghe lại những chuyện đã xảy ra cho dân tộc họ trong quá khứ, khi ân huệ của Thiên Chúa không dành cho dân riêng Ngài mà lại dành cho những người dân ngoại, những người biết trân trọng, tôn thờ Thiên Chúa với lòng cung kính, tri ân.
  • Đức Giê-su đã không chiều theo sở thích hẹp hòi của họ: Đức Giê-su đã không làm phép lạ như họ mong mỏi tại quê hương mà lại còn thẳng thắn nhắc nhở họ rằng không có tiên tri nào được trọng đãi nơi quê hương mình (Lc 4,24).

Kết quả của lòng căm phẫn: họ lôi Đức Giê-su ra khỏi thành, đến triền đồi nơi họ đang xây thành để xô Ngài xuống để triệt tiêu Ngài.

Bài học được rút ra:

  • Óc tự tôn, ngạo mạn làm tôi chỉ biết quy hướng mọi sự về mình, muốn mình được vinh danh, nổi trội mà coi khinh, loại trừ, tẩy chay người khác, hay bắt người khác phải phục vụ mình.
  • Biết khiêm tốn đón nhận những góp ý sửa sai thay vì phủ nhận hay lên án, đổ lỗi cho người khác.

Maria Nguyễn Thị Ái Nhi – Thỉnh sinh 2