Bài giảng của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long tại Hiệp Hội Đa Minh Tin Mừng

144 lượt xem 4 Tháng Ba, 2020

TĨNH TÂM MÙA CHAY HIỆP HỘI ĐA MINH TIN MỪNG

( Chúa nhật I Mùa Chay, 01.3.2020 )

Đề tài: KHIÊM NHƯỜNG VÀ SÁM HỐI

Trong kinh ‘Cải tội bảy mối có bảy đức’, thì nhân đức đứng đầu là Khiêm Nhường. Điều đầu tiên Chúa Giêsu rao giảng là Sám hối: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Ơn đầu tiên ta xin khi ngắm Sự Thương là “được ăn na tội nên”. Thì đức khiêm nhường ở mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui. Cuộc tĩnh tâm Mùa Chay năm nay mang chủ đề: Khiêm Nhường và Sám Hối. Cả hai điều này đi đôi với nhau, không tách rời, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Khiêm nhường là căn cước tính của lòng sám hối, nhận thức mình có tội và ăn năn thú tội đòi phải có lòng khiêm nhường thì mới là sám hối thật. Chúng ta cùng suy tư về hai điểm này.

KHIÊM NHƯỜNG

Chúa Giê su đã kể một dụ ngôn rất hay về lòng khiêm nhường và lòng ăn năn sám hối, đó là dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14). Chúng ta nghe dụ ngôn này:

“Khi ấy, Chúa Giê-su nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kể có tội’. Ta bảo các người: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức, là nền móng để xây dựng đời sống thiêng liêng, tiến tới trên đường thánh thiện. Không có vị thánh nào kiêu ngạo. Không tên quỷ nào mà khiêm nhường.

Khiêm nhường là nhân đức giúp ta chấp nhận sự thật về chính mình và sống đúng với thân phận thụ tạo. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín, đó là “tôi có là gì là nhờ ơn Chúa ban” (1Cr 15,10).

Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều tốt mình có, để tạ ơn Chúa; chấp nhận điều xấu như mình mà, để phấn đấu khắc phục, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay ca than con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và có thể hay hơn người khác, hãy nhận thức rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có được như vậy, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!

Giỏi không kiêu, kém không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận thấy mình giỏi, hoặc được người khác khen mình, hãy tạ ơn Chúa. Trong trường hợp này, Chúa được tôn vinh. Con người nhận ra hồng ân Thiên Chúa ban cho mình.

Khiêm nhường là khiêm tốn, khiêm hạ, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu ngạo, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỉ, sắn sàng quên mình vì người khác.

“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải những điều ấy cho kẻ bé mọn”.(Mt 11,25).

Thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê cùng đã quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường” (1Pr 5,5 ; Gc 4,6).

Chúa Giê-su khiêm nhường thẳm sâu, là Thiên Chúa mà Ngài hạ mình rốt hết (Pl 2).

Thánh Clement Hoffbauer, DCTT, xin giúp đỡ các em học sinh ngài nuôi. Bị nhổ nước bọt. Ngài không buồn, giận…

Tránh khiêm nhường giả tạo, giả dối, làm bộ khiêm nhường bề ngoài mà bề trong thì kiêu ngạo, gọi là ‘khiêm nhường cù quăm’.

Một tập sinh muốn tập đức khiêm nhường mà không biết làm sao. Thầy đến hỏi một linh mục khôn ngoan lão thành trong dòng. Thầy xin chỉ giáo cách từ bỏ cái tôi tự ái.

Vị linh mục hỏi:

– Con có hứa tuyệt đối vâng lời cha hay không? Nếu con vâng lời, cha sẽ dạy cho con biết thế nào là từ bỏ chính mình.

Thầy đáp sẽ vâng lời tuyệt đối.

– Này con, đằng sau tu viện của chúng ta có một cái nghĩa đĩa. Thầy An-tôn dòng chúng ta mới được Chúa gọi về tuần trước và đã chôn cất ở đó. Đêm nay, con hãy đến quỳ trước mộ thầy, suy niệm về cái chết. Con hãy làm như thế này: trong lúc suy niệm về cái chết của thầy An-tôn, con hãy nhớ lại mọi điều tốt lành nhất của thầy để khen ngợi. Con hãy khen ngợi thầy trước nấm mộ ấy. Đến khi nào con không còn lời để khen, con hãy tưởng tượng ra những điều hay điều tốt mà thầy không có để ca tụng thầy. Cha cho phép con tâng bốc, kể cả nịnh hót thầy nữa. Sáng mai, con hãy trở lại gặp cha.

Tối hôm ấy, thầy tập sinh ra nghĩa địa quỳ trước mộ thầy An-tôn. Thầy làm như lời của cha linh hướng, ca tụng những gương lành gương sáng của thầy An-tôn. Khi không còn tìm được lời khen, thầy bịa đặt ra những điều hay điều tốt mà thầy An-tôn không có để tâng bốc.

Trở lại tu viện, thầy đến gặp cha linh hướng. Cha hỏi:

– Đêm qua con có làm theo lời cha bảo không?      

Thầy đáp: – Con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm tất cả những điều hay nhất, tốt nhất của thầy An-tôn để mà ca tụng thầy. Rồi đến khi hết những điều hay để nói thì con bịa đặt ra những gương lành gương sáng thầy không có để ca ngợi thầy.

  • Thế thầy An-tôn có phản ứng gì không? Thầy có vui mừng thích chí, có nói gì không?
  • Thưa cha, phản ứng làm sao được, vì thầy An-tôn đã chết rồi mà!
  • Tốt lắm, đêm nay, con hãy trở lại nghĩa địa, đến trước mộ thầy An-tôn. Con nhớ lại những điều xấu xa tồi tệ của thầy. Con nói những điều con ghê tởm, gớm ghét nhất về thầy. Sau khi nói ra những điều xấu về thầy, con hãy dùng trí tưởng tượng thêm những chuyện xấu xa của thầy, thậm chí, cha cho phép con nguyền rủa thầy!

Đêm hôm ấy, người tập sinh trẻ lại đến bên mộ thầy An-tôn, thay vì nói những điều tốt lành của thầy An-tôn, người tập sinh kể tội thầy ấy, buông lời mắng chửi thậm tệ. Đến khi hết lời chửi mắng, người tập sinh kia phải phịa ra những điều xấu xa tội lỗi nhất để mà nguyền rủa thầy. Suốt cả đêm mặc sức mà mạt sát chửi rủa cho đến tảng sáng. Tiếng gà vừa gáy, thầy tập sinh về gặp cha linh hướng kể lại sự việc. Cha linh hướng hỏi:

  • Thế thì khi nghe con buông lời mắng nhiếc, thầy An-tôn có phản ứng gì không? Thầy có buồn, có giận không? Thầy có nói gì không?
  • Thưa cha, làm sao thầy An-tôn buồn giận mà đáp lại được? Thầy ấy đã chết rồi mà!
  • Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được bản thân con.

———————————

Khiêm Nhượng

Học với Chúa Giêsu một khoa: hiền lành và khiêm nhượng

  1. Nếu con hiểu hạnh phúc được làm con Chúa thì những điều sỉ nhục không thẩm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con.
  2. Nếu con biết rõ mình con, con sẽ tức cười, khi nghe tung hô con, và con thấy các sự khinh rẻ con là có lý. Con lại ngạc nhiên tại sao người ta mới xử ngang độ ấy thôi.
  3. Hồn tông đồ khiêm tốn và tạ ơn Chúa như Phaolô: “Tôi là kẻ rốt hèn trong các tông đồ và tôi không đáng được gọi là tông đồ… Nhờ ơn Chúa mà tôi được như ngày hôm nay.”
  4. Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng.

    Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng.

    Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật.

  1. Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng khi suy niệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta.
  2. Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con.
  3. Đức Maria càng khiêm tốn, thì càng trong sáng, vì càng thấy rõ những sự kỳ diệu Chúa trong lòng Mẹ. Như ánh sáng qua một bóng đèn thủy tinh không vướng bụi.
  4. Người sống trước mặt Chúa không thể khiêu ngạo được. – Ngạo về điều gì? – Tất cả đều là của Chúa!
  5. Coi chừng khiêm nhượng “giả hiệu” khi con từ chối mà kỳ thực là thoái thác bổn phận dấn thân của con và sợ chịu sỉ nhục vì Chúa.
  6. Đừng chối những khả năng của con, những thành công của con. Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài xử dụng con như họa sĩ dùng ngoài bút ba xu.
  7. Chỉ người khiêm nhượng thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng và các con sẽ tìm thấy bình an cho tâm hồn.”
  8. Người khiêm nhượng như hạ mình sát đất không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo lên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp.
  9. Cương quyết vâng lời Hội Thánh là trung thành. Quyết liệt hy sinh vì nhiệm vụ là can đảm, không phải khiêu ngạo…
  10. Bao lâu con còn tôn thờ cái “tôi” của con, chẳng khác nào con cầu nguyện: “Lạy Chúa xin Chúa hãy tin con, hãy trông cậy vào con.”
  11. Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá nhỏ hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng, con còn được thoải mái hơn phần nào!
  12. Trong cuộc đời Chúa Giêsu, hình như Chúa yêu thương cách riêng những kẻ khiêm nhượng, và quên hết tội lỗi của họ không bao giờ nhắc lại: – Phêrô, – Mađalêna, – Simon phong cùi, – Giakêu… Chúa tự mình đến nhà họ, và đành chịu tiếng: “Bạn của quân thu thuế và người tội lỗi”.
  13. Không thể tránh căng thẳng, nhưng giảm bớt căng thẳng được. Trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự. Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện. Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn. Tại sao căng thẳng ngã lòng? Cứ bình an!

   (Đường Hy Vọng, ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận)

 ———————————

SÁM HỐI

Sám hối là một thuật ngữ Phật Giáo, mang ý nghĩa tự mình ăn năn, hỗ thẹn những lỗi lầm trước đây đã tạo, nguyện sữa đỗi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Thuật ngữ Công Giáo thì gọi là ăn năn, hối tội, cởi tội, ăn năn đền tội. Kinh “ ăn năn tội” bao  gồm những ý nghĩa của sự sám hối.

Quan niệm về sám hối theo Công Giáo.

Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết  chí chừa cải”. Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai.

Sám hối là tâm tình và hành động mà người ta nhìn nhận và cố gắng sửa lại một sai trái để nhận được sự tha thứ nơi người mà họ xúc phạm, là Thiên Chúa và tha nhân. Những việc phải làm được diễn tả qua kinh “ ăn năn tội” và khi lãnh nhận bí tích Sám Hối cho thấy lòng sám hối phải như thế nào.

–  Nhận tội và thú tội (xưng tội). Tội luôn là điều đáng chê trách và nặng nề vì xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Phạm đến Chúa luôn là tội nặng (‘ Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng’, ‘mà còn đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa’). Phạm đến trẻ em thơ ngây cũng là tội nặng, đáng bị ‘ buộc cối đá vào cổ, quăng xuống biển’. Sám hối đích thực không chỉ cảm nhận về tội (‘ thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội trên hết mọi sự’) mà còn cảm nhận về lòng thương xót của Chúa, thiếu yếu tố này thì không thể có lòng sám hối thực sự được.

– Không tái phạm,(‘ con dốc lòng chừa cải’ , ‘lánh xa dịp tội’)

– Đền bù hậu quả do tội gây ra, (‘làm việc đền tội’)

Phạm tội là quay lưng lại với Chúa, sám hối là quay trở lại với Chúa (metanoia)

Lòng sám hối thực sự là nhận thức về tội, về sự nhơ uế và nặng nề của tội, và sự bất lực của bản thân. Xin được tha thứ và hứa sẽ sống thánh thiện.

Sám hối không chỉ là ý thức  và hồi tưởng về tôi lỗi của mình. Sám hối đích thực không dừng lại ở đau xót, buồn phiền, sợ hãi, mà phải là ngõ hầu đến Tin Mừng, nghĩa là hoan lạc, vui mừng.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mặc khải qua cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài là một người Cha yêu thương và tha thứ, một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Đạo mà Chúa Giêsu đã thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau mà là đạo của Tin Mừng, của tình yêu tha thứ, của hy vọng (‘ đừng đặt dấu chấm hết nơi người còn đang sống’ _ ‘ không vị Thánh nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào không có tương lai’). Tha thứ là nét độc đáo của Thiên Chúa (‘Lạy Chúa là Đấng biểu lộ quyền năng cách tuyệt đối khi tha thứ’)

Đành rằng Thập Giá là biểu tượng của Kitô giáo. Nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, buồn phiền, khổ đau. Họ luôn được mời gọi nhìn ra ánh sáng, hy vọng, tin yêu, sự sống bên kia thập giá.

Một điểm nữa biểu hiện sự liên đới giữa chúng ta, đó là ta không chỉ sám hối tội lỗi mình mà còn sám hối tội lỗi của người khác. Chúa chết thay chúng ta,chúng ta cũng sám hối và xin thứ tha cho tội lỗi của anh em.

– Câu chuyện xảy ra tại một nước theo hồi giáo. Một bà mẹ có người con trai độc nhất bị bạn giết chết .anh này bị kết án treo cổ. đến ngày xử, theo tục lệ, bà đến dự, và bà là người sẽ lên tiếng trong cuộc xử tội đó. Bà chợt thấy bà mẹ của anh kia đang vật  vã khóc than vì con sắp bị giết. khi mọi sự đã sẵn, bà bước lai, tát một cái vào mặt anh, rồi dõng dạc nói: “ Tôi tha chết cho anh”. Anh ta được thoát chết trong sự ngỡ ngàng và vui mừng tột cùng của bà mẹ kia. Chúa thì không phạt tội ta, Ngài chết thay, đền tội dùm ta. Ngài tha thứ mãi mãi, còn nhiều hơn bảy mươi lần bảy.

– Một người vì hận thù, đã nhẫn tâm chặt đứt một ngón tay của đứa con gái của kẻ mình thù. Chặt xong, anh ta hô to: “ Ta đã trả được mối thù”. Nhiều năm sau, một phụ nữ gia thế giàu có thấy một người đến nhà bà xin bố thí. Sau khi nhìn ông ta, bà bảo gia nhân đem tiền, áo, cơm ra cho người này. Khi người này quay ra cổng, bà nói : “ Ta cũng trả được mối thù”. Thì ra bà nhận diện người ăn xin đó là kẻ đã nhẫn tâm chặt đứt ngón tay bà khi xưa.

– Khách hành hương hôn bàn chân của Thánh Phê-rô ở Vatican đến mòn vẹt.

—————————

Châm ngôn về lòng sám hối

  • Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn mở rộng (Thánh Cypriano)
  • Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng. Đừng bao giờ. Chúng ta không bị đoán phạt vì tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biêt những phép lạ của Chúa Kitô (Thánh Mark khổ tu)
  • Tội lỗi là một sự dữ đáng kinh sợ, nhưng với người biết sám hối thì rất dễ chữa lành (Thánh Cyrillo thành Gierusalem)
  • Tội nhân không bị loại bỏ, chính họ tự loại bỏ bản thân họ.
  • Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa, an hem cũng cứ cầu nguyện. Tôi xin đảm bảo với an hem rằng anh em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi (Thánh Teresa Avila).
  • Không sức mạnh nào có thể khuất phục được người Cha cho bằng những giọt nước mắt của đứa con nhỏ, cũng không gì có thể thúc bách Thiên Chúa phải ban cho chúng ta, không phải phép công thẳng, nhưng là lòng thương xót, cho bằng nỗi buồn phiền và sự ăn năn của chúng ta (Thánh Gioan Avila)
  • Nước dập tắt lữa thế nào, tình yêu cũng rửa sạch tội lối như vậy (Thánh Gioan Thiên Chúa).
  • Nơi nào tội lỗi sinh sôi nẩy nở, thì ở đó những giọt nước mắt sẽ rửa sạch các tội lỗi ấy ( Chân Phúc Robert Southwell).
  • Thiên đàng chứa đầy những tội nhân đủ loại sám hối và vẫn còn chỗ cho nhiều người khác nữa (Thánh Jodeph Cafasso).