Tĩnh tâm Chúa Nhật I Mùa Chay năm A: Khiêm nhường và sám hối

220 lượt xem 2 Tháng Ba, 2020

Tĩnh tâm Chúa Nhật I Mùa Chay năm A: Khiêm nhường và sám hối

    Chúa Nhật I mùa Chay  năm nay nhằm đúng ngày 01/03. Như thường lệ, Hiệp hội Đa Minh Tin Mừng dành trọn ngày Chúa Nhật đầu tháng cho chị em hồi tâm, nhìn lại một tháng đã qua và định hướng sống cho tháng này. Lần tĩnh tâm này, thật diễm phúc cho chị em được Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long – vị chủ chăn Giáo phận, tới giảng tĩnh tâm, dâng thánh lễ và .ở lại dùng bữa tối với chị em. Đức cha chia sẻ với chị em về đề tài: KHIÊM NHƯỜNG và SÁM HỐI

   Trong kinh Cải tội 7 mối thì đức Khiêm nhường được xếp thứ nhất;  Trong ngắm thứ nhất 5 sự vui, ta cũng xin cho được lòng khiêm nhường; Ngắm đầu tiên trong Năm sự Thương, ta xin cho được lòng ăn năn thống hối; và khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giêsu kêu gọi mọi người “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1, 15). Đó là một vài dẫn chứng Đức Cha đưa ra trong phần mở đầu bài giảng để nói lên tầm quan trọng của lòng khiêm nhường và sám hối. Qua đó Ngài khẳng định: Không thể có khiêm nhường mà không có sám hối và ngược lại.

   Nói về đức tính Khiêm Nhường, Đức cha Anphong mời chị em lắng nghe, nghiền ngẫm và nuốt từng câu, từng chữ trong đoạn Tin Mừng Lc 18, 9-14 viết về “ Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế”. Người Pharisêu khi lên đền thờ cầu nguyện thì hiên ngang đứng thẳng, kể lể những công trạng của mình với Chúa. Ông ta biến Chúa trở thành con nợ của mình. Còn người thu thuế thì chỉ dám đứng xa xa, sấp mình, đấm ngực và van xin “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Sự kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu không được đẹp lòng Chúa còn lòng khiêm nhường của người thu thuế đã giúp ông “Khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính” (Lc 18, 14). Bài Tin Mừng được kết lại với lời nhắn nhủ: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Đức Cha Anphong còn thêm: Không có vị thánh nào trên thiên đàng mà kiêu ngạo, không có tên quỷ nào dưới hỏa ngục lại khiêm nhường.

    Đức cha cho mời gọi chị em hãy sống khiêm nhường đích thực chứ đừng sống giả tạo. Và khiêm nhường đích thực: là dám chấp nhận những gì mình là. Cái tôi đây bao gồm cả điều tốt lẫn điều chưa tốt. Nếu có điều gì tốt, người khiêm tốn sẽ cảm tạ Chúa vì biết rằng mọi điều mình có đều do Chúa ban; và nếu còn những khiếm khuyết thì người khiêm tốn sẽ biết thống hối, hạ mình trước mặt Chúa. Ngài mời gọi chị em hãy chiêm ngắm gương khiêm nhường, tự hủy của Chúa Giê-su, được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi cho tín hữu Philipphê chương 2, 5-11.  

   Nói về lòng Sám hối, Đức cha cho thấy có một mối liên kết chặt chẽ giữa sám hối và khiêm nhường; người nào muốn sám hối người ấy phải thật sự khiêm nhường. Khiêm nhường trở về với lòng mình,  để cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội mình đã phạm, và chê hết mọi tội con trên hết mọi sự (lời kinh Ăn năn tội) để quyết tâm sửa chữa và sống tốt hơn. Ngài mời gọi mỗi người đọc lại đoạn tin mừng Lc 15, 11-32 kể về “Dụ ngôn người cha nhân hậu”. Qua hình ảnh người cha để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Từ nguyên thủy Ngài đã ban như không cho loài người ơn tha thứ, điều kiện để lãnh nhận ơn này là mỗi người phải ăn năn, dốc lòng sửa đổi và trở về với Ngài. Lòng thương xót của Ngài không chỉ dừng lại ở “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) nhưng còn nhiều hơn gấp ngàn ngàn lần.

    Ngoài ra, để thực thi lòng sám hối cách hữu hiệu hơn, Đức cha Anphong cũng mời gọi mỗi chị em nhìn lại lịch sử giáo hội, qua các vị thánh có lòng sám hối như thánh Phê-rô, thánh Phao-lô tông đồ…noi gương các ngài để được hưởng triều thiên vinh quang Chúa đã giành sẵn cho mỗi người. Kết hợp với bài Tin Mừng, qua hình ảnh Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ Đức cha nói rằng những người đi tu sẽ phải chịu cám dỗ nhiều hơn vì ma quỷ biết họ là những người mạnh mẽ; từ đó Ngài khuyên nhủ chị em hãy bám chặt lấy Chúa để lãnh nhận ân sủng và sức mạnh để chống lại ma quỷ. Ngoài ra, yêu mến và thực hành lời Chúa, hết lòng cộng tác với Chúa cũng là cách hữu hiệu để vượt qua cám dỗ. Mỗi người không chỉ sám hối tội lỗi của mình nhưng cũng cần nhớ đến và sám hối tội lỗi của anh chị em mình nữa.

   Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết chúng con yếu đuối và tội lỗi. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của mỗi người chúng con. Cũng xin Chúa ban ơn can đảm, giúp chúng con vượt qua những cơn cám dỗ trong từng giây phút cuộc sống của chúng con. Và trong suốt mùa Chay Thánh này, xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn giữ được tinh thần sám hối và đức khiêm nhường vì Chúa yêu thích những tâm hồn khiêm nhường, luôn dốc lòng sám hối ăn năn. Amen.

BTT