Ước mong thất nghiệp!

143 lượt xem 28 Tháng Hai, 2020

       Là người có trách nhiệm, ai trong đời cũng lo lắng và cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, ra sức tìm kiếm cho kỳ được một công việc thích hợp; ai cũng mong mình có một công việc ổn định, một sự nghiệp vững chắc để bản thân và gia đình có được những điều kiện cần thiết, đảm bảo những nhu cầu cho cuộc sống này. Vậy mà tôi lại khao khát mình được thất nghiệp với một công việc đang rất “Ổn định”. Chắc hẳn khi nghe điều đó, mọi người sẽ nghĩ tôi điên rồ hay không bình thường. Nhưng không, đó là ước mơ khao khát của chúng tôi, những anh em trong nhóm “Bảo vệ sự sống”,với công việc là :”Nhặt xác thai nhi”.

          Tham gia nhóm và đảm trách công việc nhặt xác thai nhi đã được hơn 6 năm, nhưng chưa ngày nào chúng tôi có được kỳ nghỉ như những người làm nghề khác. Dù là ngày trong tuần hay cuối tuần, dù mùa đông hay mùa hè, sau mỗi buổi học, chúng tôi lại trĩu lòng đến các địa điểm quen thuộc ấy mang các em thai nhi về chôn cất. Mỗi em được “đóng” sẵn trong các túi bóng màu đen, để sẵn ở các nhà vệ sinh và đợi người đến mang về chôn cất. Những em này được coi là được hưởng lòng “nhân từ” của các “đồ tể” vì họ còn để lại cho chúng tôi đến nhặt các em về. Có những nơi, mồ chôn của các em là bồn vệ sinh; chỉ cần đổ vào bồn, đưa tay giật nước xối đi, cuộc “an táng” của các em đã được hoàn tất. Số khác có thể được đổ vào bọc nilong, quẳng ra sọt rác, buổi chiều người dọn rách tới đưa rác đi đổ và thế là các em được “an táng”.

          Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu gom từ 10-20 em. Đưa các em về, chúng tôi rửa sạch những vết máu loang lổ còn đọng lại, cho vào bịch gói lại cẩn thận rồi cho vào tủ lạnh. Hai tuần chúng tôi lại đi chôn cất một lần, hàng tháng sẽ có một thánh lễ đặc biệt để cầu nguyện cho các em. Công việc ấy vẫn diễn ra thường xuyên và chỉ được nghỉ trong ba ngày tết. Sau những ngày lễ, ngày nghỉ như: ngày tình nhân 14-2, ngày quốc tế phụ nữ 8-3, ngày giải phóng miền nam 30-4, ngày quốc tế lao động 1-5, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10… độ khoảng 1,2 tháng thì con số thai nhi bị phá lại tăng cao, 30 – 40 em/ ngày. Tôi quặn lòng khi nhìn các em phải chết một cách tức tưởi. Có những thai nhi đã được 5, 6 tháng nên thân xác các em bị cắt thành từng mảnh để có thể đưa các em ra khỏi lòng mẹ. Thậm chí có những em bị chích thuốc cho chết lưu trong bụng mẹ rồi người ta chích thuốc cho người mẹ sinh non. Em được sinh ra nhưng mãi mãi em không nhìn thấy mặt trời, không được hưởng một lời yêu thương hay những cái ôm ấm áp. Cớ sao..?

          Giờ đây nghĩa trang của chúng tôi mới thiết lập được 3 năm mà đã phải chứa đến 25.000-26.000 thai nhi. Còn những thai nhi không được mang về chôn cất thì các em sẽ được “xử lý” ra sao? Con số tôi nêu trên mới chỉ tính ở Vinh với một vài bệnh viện chúng tôi được phép tiếp cận. Còn hằng hà sa số những bệnh viện lớn nhỏ khác trên đất nước Việt Nam và trên thế giới thì con số sẽ là bao nhiêu? Nghĩ đến đó, tôi sởn cả gai ốc và tim quặn thắt lại! Ôi, con người! Còn là người hay đã là giống gì rồi?

 

          Lần đầu tham gia với việc nhặt xác thai nhi, tôi mang trong mình cảm giác lo sợ vì từ nhỏ tôi đã rất sợ máu. Những ngày đầu ấy, tôi chỉ đứng ở phía ngoài, trông xe cho các anh chị em khác vào lấy. Nhưng rồi, mỗi ngày trôi qua, có gì đó cứ thôi thúc trong cõi lòng tôi làm một điều gì khác. Tôi đã cầu xin Chúa cho tôi được can đảm, mạnh mẽ để được trực tiếp nhìn các em lần cuối và mang các em về chôn cất. Lần đầu ấy, cái lần đầu đầy cảm xúc và hoang mang. Chân tôi như đứng không vững, đầu óc tôi cứ quay cuồng, và dường như mọi thứ đối với tôi lúc đó đều ngừng trôi. Hàng loạt bao đen được gói kín, nằm sẵn trong các nhà vệ sinh chờ đợi nhóm chúng tôi mang về để chôn cất. Nâng niu các em trên tay, tôi không thể tin nổi đó là một con người, một mầu nhiệm sự sống; và càng không thể tin nổi đó là hành động tước đoạt sự sống đến từ cha mẹ của các em- nơi an toàn nhất cho mầm sống, và từ các y bác sỹ những người được mệnh danh là “Lương y như từ mẫu”.Con người cho rằng sự sống do họ tạo ra nên họ có quyền định đoạt mầm sống đó.

          Tiếp cận với các thai phụ, tôi đã nghe hàng ngàn lý do họ đưa ra để biện minh cho quyết định của mình: Nhà đông con, chưa có chồng, công nhân viên chức… vân vân và vân vân. Nhưng tất cả mọi lý do được đưa ra đó,chỉ để ngụy biện và che lấp đi chính sự ích kỷ, hèn nhát, thiếu yêu thương vô trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ;họ coi tiền bạc, danh dự, địa vị xã hội lớn hơn mạng sống. Một thai nhi bị vứt qua cửa sổ nhà vệ sinh, rơi xuống đường thì báo chí làm rùm beng, người ta chỉ trích, lên án người mẹ nhẫn tâm. Hay trong bối cảnh đại dịch Corona hiện nay, cả thế giới xôn xao tìm đủ cách để ngăn chặn sự lây lan và tìm thuốc cứu chữa những người bị nhiễm bệnh; người ta xót xa khi nghe con số người bị chết vì nạn dịch tăng lên mỗi ngày…Còn hàng ngàn thai nhi bị tước đoạt mạng sống mỗi ngày với những cách thế vô cùng tàn nhẫn, thì lại chỉ là những con số câm nín; người ta vô cảm bỏ qua. Chẳng lẽ những con số biết nói đó lại chẳng thấm và chẳng thấu tới con tim của người cha, người mẹ và tất cả mọi người hay sao?  Những hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang sống cách vô cảm trước sự bất công đó vẫn cứ liên hồi vang lên từng giây, từng phút, nhưng hầu như tất cả đều làm ngơ và lặng thinh trước sự chết của thai nhi.

          Dù có rất nhiều bài viết, nhiều ca từ ca ngợi tình mẫu tử, và không có ngôn từ nào để diễn tả cho hết được tình cảm thiêng liêng cao quý ấy, chẳng lẽ các bài viết, những lời ca ngợi đó lại ngoại trừ tình mẫu tử này sao? Thật bất hạnh cho các bào thai chưa chào đời đã phải lìa đời. Các em chẳng làm được gì để có thể bảo vệ sự sống của mình; Dù vô tội nhưng vẫn phải nhận bản án ghê gớm ấy từ chính cha mẹ. Tôi thắp nén hương lòng gửi tới các em và tôi tin các em đang được sống hạnh phúc trong lòng thương xót Chúa. Xin các em hãy luôn cầu bầu cùng Chúa cho cha mẹ các em và cho những ai đang có ý định phá thai, giúp họ có tình yêu đủ mạnh để có thể vượt qua mọi khó khăn, can đảm giữ lại đứa con và cho con mình một cơ hội thực thi quyền sống và quyền được làm người.

          Tạ ơn Chúa đã dẫn dắt tôi đến với nhóm, nhờ đó, tôi học được nhiều bài học, có được nhiều suy tư về sự sống, về cuộc đời. Tạ ơn Chúa đã cho tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, êm ấm, tràn đầy tình yêu thương của bố mẹ và mọi người.Ngang qua công việc “Nhặt xác thai nhi” tôi càng  ý thức hơn về tình yêu tôi được hưởng, về sự sống tôi lãnh nhận để ngày càng sống một cuộc sống ý nghĩa hơn.

          Tôi khao khát và ước mong tất cả mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ sự sống, cách riêng là những người mẹ hãy luôn yêu thương, bảo vệ đứa con của mình dù phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh hay lý do nào. Hãy cho các em cơ hội được làm người, được sống đúng với phẩm giá của một con người thật sự! Để không còn hành động kinh khiếp “xử lý thai nhi” xảy ra trên thế giới nữa. Tôi thầm mong mỗi người  hãy cùng nhau xây dựng một văn minh tình thương, hãy lắng lòng xuống, lắng nghe con tim để cho tình yêu được lên tiếng hầu cuộc sống này luôn tràn ngập hạnh phúc qua sự trao ban tình yêu thương giữa người với người.

Xin hãy để chúng tôi được “Thất nghiệp”!

                                                                                                                 Maria