Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh – Stêphanô Tây Ban Nha

263 lượt xem 21 Tháng Một, 2018

STÊPHANÔ TÂY BAN NHA

Địa danh Tây Ban Nha theo sau tên Stêphanô nhằm ám chỉ quê hương của người. Chúng ta không biết rõ ngày và nơi sinh của Stêphanô. Khi còn niên thiếu, cha mẹ đã gửi cậu đến Bologna để hoàn tất việc học tại Đại học danh tiếng này của Ý. Như chính Stêphanô kể cho chúng ta, ở đó, người đã gặp cha thánh Đa Minh lần đầu tiên dù rằng trước đó, người đã nghe nói rất nhiều về danh tiếng của cha thánh. Sự kiện này xảy ra vào năm 1218 hay 1219. Ngay từ đầu, một tình bạn đã nảy sinh giữa hai người và kết quả là Stêphanô đã xin cha thánh Đa Minh làm cha giải tội cho mình mỗi khi cha thánh ghé vào thành phố.52

Chính một điều gì đó thánh thiêng hơn nối kết hai người chứ không chỉ là khuynh hướng tự nhiên của những người đồng hương trên miền đất lạ. Đối với Stêphanô đó chính là tình yêu và lòng ái mộ dành cho thánh Đa Minh, một con người rất đạo đức mà Stêphanô thường hay đến để nghe giảng; còn đối với cha thánh Đa Minh thì đó là lòng mến mộ một chàng trai trẻ tốt lành và trong sáng. Vì vậy, hai người thường hay gặp gỡ để hàn huyên. Tuy nhiên, như Stêphanô vẫn thường kể, cha Đa Minh không bao giờ mở đầu câu chuyện bằng việc kể về ơn gọi trở nên người Tu sĩ Giảng Thuyết. Chính điều này đã diễn tả tính bất ngờ và lạ lùng về ơn gọi tu trì của chàng sinh viên người Tây Ban Nha này hoàn toàn phi thường. Đó cũng chính là câu chuyện về vị Giám tỉnh và Tổng Giám mục tương lai của chúng ta được kể lại như sau:

Một buổi tối nọ, khi anh Stêphanô và một số sinh viên đang đi vào phòng ăn tối, thì có hai anh em của Tu viện Nicôla tới và nói với Stêphanô rằng cha Đa Minh muốn gặp anh tại Tu viện. Anh trả lời là sẽ đi ngay sau khi ăn xong. Họ liền nói: “Nhưng cha muốn anh đến ngay lập tức”. Anh liền đi ngay với họ. Vừa bước vào nhà nguyện Tu viện, anh đã thấy cha thánh Đa Minh đang ở đó với một vài anh em. Cha thánh khả kính liền bảo mọi người: “Hãy chỉ cho anh ấy điều cần làm để lãnh tu phục”. Vừa mặc áo dòng cho anh, cha thánh vừa cười vừa nói: “Cha muốn trao cho anh vũ khí để chống lại ma quỷ trong suốt cả đời anh”.

Sau này Stêphanô càng xác tín việc cha thánh làm cho mình là hoàn toàn dưới sự gợi hứng của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc sống tốt lành sau này của Stêphanô sẽ cho thấy khẳng định này là đúng. Từ đó trở đi, người luôn cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân và để trở nên một Tu sĩ, một Linh mục của Chúa. Từ khi nhận áo dòng vào năm 1219, người đã tiến rất xa trên con đường học vấn của mình. Đồng thời, dưới sự hướng dẫn của cha thánh Đa Minh, người đã tiến bộ nhanh chóng và sớm tiến đến bàn thờ Chúa. Sau đó, người thường tháp tùng cha thánh yêu quý của mình trong một số hành trình truyền giáo. Trong những chuyến đi ấy, người cũng nhận được những lời hướng dẫn bổ ích cho việc trở thành “thợ gặt các linh hồn” sau này.

Chắc hẳn rằng Stêphanô đã có mặt ở Tu viện Thánh Nicôla tại Bologna khi cha thánh Đa Minh qua đời. Mười hai năm sau, người được mời ra làm nhân chứng cho án phong thánh của cha Đa Minh và cha là nhân chứng thứ bảy. Lời khai của người là một trong những lời khai dài nhất. Trong đó, Stêphanô không chỉ nói lên tình yêu lớn lao dành cho cha Đa Minh mà còn mô tả kĩ lưỡng những điều tốt đẹp mà người vẫn hay bắt chước và học hỏi nơi cha thánh Đa Minh. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta có thể biết được nhiều điều về thánh tổ phụ của chúng ta, những điều mà nếu không có Stêphanô thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được.

Vào năm 1221, ít lâu trước khi qua đời, cha Đa Minh đã bổ nhiệm cha Jordan Saxony làm Giám tỉnh Tỉnh dòng Lombardy dù rằng cha chỉ mới vào Dòng một thời gian ngắn. Vào năm sau, cha Jordan trở thành Bề trên Tổng quyền và Stêphanô được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Lombardy. Trên cương vị này, Stêphanô đã trở thành một người kế vị xứng đáng cho một con người xuất sắc nhất Dòng. Stêphanô đã giữ cương vị này trong suốt 16 năm trời. Chúa chúc lành cho các công việc vất vả của người. Nhờ vậy, trong thời gian này Tỉnh dòng phát triển rất mạnh mẽ về mọi mặt: học vấn, nghiên cứu, kỷ luật tu trì, truyền giáo,… Stêphanô làm việc với tất cả trái tim và khối óc của mình. Vì thế, người được cả những anh em trong Dòng lẫn ngoài Dòng yêu mến.

Bất cứ điều gì tốt cho Dòng, cha đều cố gắng thực hiện. Ngoài những công việc bổn phận kể trên, cha còn không ngừng trợ giúp Phêrô Vêrôna và Di Seledo Vicenza trong các hoạt động tông đồ củng cố đức tin Công giáo và hòa bình xã hội. Mặc dù Đức Giáo hoàng Gregory IX yêu cầu hai anh em trên đi phục vụ Tòa thánh nhưng họ vẫn thuộc về Tỉnh dòng Lombarda và vẫn thuộc quyền của Stêphanô. Stêphanô là một trong số những anh em cũng quan tâm đặc biệt đến việc di chuyển hài cốt thánh Đa Minh trong tiến trình cổ võ việc phong thánh cho ngài.

Cha Stephen đã làm Giám tỉnh Tỉnh dòng Lombardy cho đến Tổng hội Bologna được tổ chức và mùa xuân năm 1238. Vì cha Jordan Saxony đã bị chết đuối trong một vụ đắm tàu vào năm trước, nên các nghị huynh đã chọn cha Raymond de Penafort làm Tổng quyền Dòng. Thế nhưng khi đó, cha Raymond không hiện diện tại Tổng hội nhưng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Vì lý do này, một phái đoàn gồm các nghị huynh đã đi đến Barcelona để thông báo cho cho cha Raymond và mời cha chấp nhận chức vụ. Phái đoàn này gồm có: cha Philip, cựu Giám tỉnh Tỉnh dòng Đất thánh, cha Hugh Cher, Giám tỉnh Tỉnh dòng Pháp và là một học gia nổi tiếng về Kinh Thánh, và cha Pontius Scara Giám tỉnh Tỉnh dòng Provence. Đây quả là một cuộc bầu cử thú vị và lạ lùng vì như nhiều người thấy, cần phải có một phái đoàn gồm những con người tài giỏi mới có thể thuyết phục được cha Raymond de Penafort, một người rất khiêm nhường chấp nhận một chức vụ cao như vậy.

Rõ ràng là trước sự kiện này, Đức Giáo hoàng Gregory IX, đã chọn cha Stêphanô, Giám tỉnh Tỉnh Dòng Lombarda và vị trí quan trọng hơn. Vì Tổng Giáo phận Sassari, Sardinia, từ lâu đã bị trốn tòa do cái chết của Đức cha Placentino Opizzone, nên Đúc Giáo hoàng đã đặt Stephanô, một người luôn nhiệt tâm và khôn ngoan cho vị trí này. Đó là lý do mà Tổng hội năm 1238 đã công bố quyết định cho phép cha Stephanô từ chức Giảm tỉnh. Cha được tấn phong Tổng Giám mục Sassari gần cuối năm đó. Sau đó, Đức Giáo hoàng Innocent IV bổ nhiệm cha làm Khâm sứ Tòa thánh khu vực các đảo Sardinia và Corsica.

Cha Piô B. Gams, O.S.B, nói rằng Đức Tổng Giám mục qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm 1259. Như vậy là cha đã làm Tổng Giám mục Sassari hơn hai mươi năm. Các sử gia Đa Minh không cho chúng ta biết ngày mất của cha, cũng như chi tiết các công việc của cha trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Fontana và những người khác đảm bảo rằng cha là một Giám mục nhiệt thành, có học thức uyên thâm và rất đạo đức, cha đã tìm mọi cách để hướng dẫn con chiên của mình tăng tiến trên con đường đạo đức. Rõ ràng, cha đã thực hiện chức vụ Tổng Giám mục của mình một cách hết sức trung tín và hiệu quả như cha đã từng thực hiện trong thời gian còn sống trong Dòng.

Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học việc Đa Minh, 2011, tr 166 – 170.

——–

Ghi chú:

52 Fontana, Sacrum Theatrum Dominicanum, PP. 53, 108, and Monumenta Dominicana, p. 41; Guidonis (or Gui), Bernard, either Compilation Historique sur L’Ordre des Dominicains, or Libellus de Magistris Generalibus Ordinis Praedicatorum (cited by Quetif-Echard, I, 52); Malvenda, p. 171; Mamachi, p. 544, and col. 123 ff; Pio, col. 49; Quetif-Echard, I, 52-54.