Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đừng phân tâm vì những thứ bên ngoài nhưng dọn chỗ trong tâm hồn cho Chúa đến.
Vào 12 giờ trưa Chúa nhật ngày 15/12, như thường lệ, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Tòa trước sự reo vui của hàng ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Đặc biệt, hôm nay có sự hiện diện của rất đông thiếu nhi Roma mang những tượng nhỏ Chúa Giêsu Hài đồng đến cho Đức Thánh Cha làm phép để đặt trong hang đá.
Truyền thống làm phép tượng này được bắt đầu cách đây 50 năm. Ngày 21/12/1969, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, thánh Giáo hoàng Phaolô VI lần đầu tiên làm phép các tượng nhỏ do các thiếu nhi mang theo đến quảng trường thánh Phêrô. Năm nay các giáo phận Roma cũng tiếp tục truyền thống từ nhiều năm qua, đánh dấu sự chuẩn bị lễ Giáng sinh của hàng trăm thiếu nhi, các linh hoạt viên và các gia đình. Các tượng nhỏ mà các thiếu nhi mang đến cho Đức Thánh Cha Phanxicô chúc lành sẽ trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn và trong toàn thành phố.
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Chúa Nhật thứ III mùa Vọng này, được gọi là Chúa Nhật “của niềm vui”, Lời Chúa mời gọi chúng ta vừa vui mừng vừa nhận thức rằng cuộc sống cũng bao gồm những thời khắc nghi ngờ thật khó tin. Cả hai kinh nghiệm vui mừng và nghi ngờ đều là thành phần của cuộc sống chúng ta.
Vui mừng và nghi ngờ
Đối nghịch với lời mời gọi vui mừng rõ ràng của ngôn sứ Isaia: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông (35,1), là sự nghi ngờ của thánh Gioan Tẩy Giả, như được thuật lại trong Tin Mừng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Thực tế là vị ngôn sứ nhìn xa hơn thực tại: trước mặt ông là đoàn dân chán nản: bàn tay rã rời, đầu gối run rẩy, trái tim nhát đảm (x. 35,3-4). Đó chính là một thực tế luôn thử thách đức tin. Nhưng người của Thiên Chúa nhìn xa hơn, bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho trái tim ông cảm nhận được sức mạnh của lời Chúa hứa, và loan báo ơn cứu rỗi: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi, […] chính Người sẽ đến cứu anh em” (câu 4). Và rồi mọi sự được biến đổi: sa mạc sẽ nở hoa, niềm an ủi và niềm vui chiếm hữu trái tim sợ hãi, người què, người mù, người câm được chữa lành (x. 35,5-6). Đây là những gì được Chúa Giêsu thực hiện: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
Hoán cải trong suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa
Mô tả này cho chúng ta thấy rằng ơn cứu độ bao trùm toàn bộ con người và tái sinh họ. Nhưng sự tái sinh này, cùng với niềm vui, luôn luôn giả đinh sự chết đi của chính con người chúng ta và của tội lỗi ở trong chúng ta. Từ đây xuất phát lời kêu gọi hoán cải, là nền tảng của lời rao giảng, cả của thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu; đặc biệt là hoán cải về ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa. Và Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta đến với câu hỏi mà thánh Gioan Tẩy Giả đặt ra với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Chúng ta hãy suy nghĩ: cả cuộc đời, thánh Gioan đã chờ đợi Đấng Cứu Thế; lối sống của ngài, con người của ngài đã được định hình bởi sự chờ đợi này. Đây cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu ca ngợi ngài: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả (x. Mt 11,11). Tuy nhiên, ngay cả ngài cũng phải hoán cải, đến với Chúa Giêsu. Giống như thánh Gioan, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra khuôn mặt mà Thiên Chúa đã chọn mang lấy nơi Chúa Giêsu Kitô, khiêm nhường và nhân hậu.
Cần phải thanh tẩy đức tin của chúng ta mỗi ngày
Mùa Vọng, thời gian ân sủng, nói với chúng ta rằng tin vào Thiên Chúa thôi thì chưa đủ: còn cần phải thanh tẩy đức tin của chúng ta mỗi ngày. Đó là chuẩn bị chính mình để chào đón, không phải là một nhân vật trong truyện cổ tích, mà là Thiên Chúa, Đấng gọi hỏi chúng ta, cho chúng ta tham dự vào và đòi chúng ta lựa chọn. Hài nhi nằm trong hang đá có khuôn mặt của anh chị em nghèo khổ nhất của chúng ta, của những người nghèo “là những người được ưu tiên của mầu nhiệm này và, thường là những người có khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Tông thư Dấu chỉ tuyệt vời, 6).
Không phân tâm bởi những thứ bên ngoài, nhưng dọn chỗ cho Chúa trong tâm hồn
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta, để khi đến gần lễ Giáng Sinh, chúng ta không để mình bị phân tâm bởi những thứ bên ngoài, nhưng tạo khoảng trống trong trái tim cho Đấng đã đến và muốn lại đến để chữa lành bệnh tật và ban cho chúng ta niềm vui.
Hồng Thủy
(VaticanNews Tiếng Việt 15.12.2019)
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ