Từ khởi nguyên, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, người chúc lành cho tất cả mọi tạo vật và ban chúng cho con người để con người làm chủ thiên nhiên, cộng tác với Chúa làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Ngài cũng chúc phúc cho con người và đặt con người sống hạnh phúc viên mãn với Ngài trong vườn Địa Đàng.
Nhưng tại sao sự dữ xuất hiện trong thế giới? Thưa, vì con người nổi loạn, làm đảo lộn trật tự ban đầu. Kinh Thánh dùng hình ảnh ăn trái cấm để diễn tả sự phản loạn, không vâng phục Thiên Chúa. Con người đã không biết dùng tự do của mình để yêu mến, tuân phục Thiên Chúa mà đã dám quay lưng lại với Đấng dựng nên mình. Và hơn thế nữa, con người kiêu ngạo muốn tự mình làm chúa.
Từ cuộc sa ngã ban đầu, con người trượt dài trên con đường xa lìa Thiên Chúa, lao xuống hố sâu của hỗn loạn, chết chóc và chia lìa. Sự trượt dốc của con người được diễn tả qua các sự kiện mà sách Cựu ước tường thuật lại như: Cain giết Aben (x. St 4 ), Con trai Thiên Chúa lấy con gái loài người (x.St 6,1-4), Hồng Thuỷ (x. St 6,5 – 8,19), Tháp Baben (x. St 11,1-9). Và vì xa lìa Thiên Chúa là nguồn sống nên tuổi thọ con người giảm dần (x.St 5,1 ; 6,3 ; 11,10-26)….
Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, ai cũng có thể thấy hậu quả tội Nguyên Tổ vẫn đang hoành hành. Con người tiếp tục đưa mình lên, phá bỏ các luật tự nhiên cũng như luật lệ xã hội và Giáo Hội. Thêm vào đó, với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, giao lưu văn hóa giữa các nước được mở rộng, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt, tới mọi nơi, mọi ngóc ngách, tới mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp. Những điều tốt đẹp dường như không được mấy người quan tâm, trong khi điều xấu lại bắt chước rất nhanh. Chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ lên ngôi. Con người đặt mình làm trung tâm điểm và bắt người khác phục vụ mình. Vì thế, tin tức trên truyền hình cũng như báo chí hay các trang mạng dày đặc những chuyện giết người, cướp của, tự tử, yêu đương đồng tính, sống thử trước hôn nhân, ly dị, lạm dụng tình dục, xử dụng bạo lực trong giải quyết tranh chấp và sống thác loạn.
Điều nguy hiểm hơn nữa khi giới trẻ xem đó là chuyện thường tình của cuộc sống. xin đăng cử một ví dụ điển hình: Nạn phá thai. Nếu năm 2016, cả nước có 265.536 ca nạo phá thai thì đến năm 2019, con số này là hơn 300.000 ca (con số này dựa trên số người nạo phá thai chính thức trong các bệnh viện, chưa kể những người phá thai trong các phòng khám tư). Với con số này, Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất khu vực Đông – Nam Á
Chung quy lại, mọi sự nổi loạn trên đây đều dẫn con người tới sự đau khổ. Không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình và xã hội. Và chính Thiên Chúa, chắc chắn Ngài cũng không thể tránh khỏi đau khổ khi nhìn con cái của Ngài lạm dụng tự do Ngài ban để nổi loạn.
Trước tất cả những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trên thế giới, Giáo hội mời gọi mỗi người dẹp bớt cái tôi, nhìn lại mình để điều chỉnh chính con người mình, cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ. Ngày 20/03 hàng năm được gọi là ngày Quốc tế Hạnh Phúc, là ngày mà mặt trời và xích đạo gần như bằng nhau. Như vậy, khi có sự hài hòa và cân bằng thì có hạnh phúc.
Chúa Giêsu đưa ra ba phương thế giúp mỗi giúp chúng thực hiện hiệu quả lời mời gọi của Giáo hội.
Trước tiên là Cầu nguyện
Chúa Giêsu nêu gương cho ta về đời sống và cách thức cầu nguyện. Ngài thường đến hội đường cầu nguyện. Đối với Chúa Giêsu cầu nguyện là một sự gặp gỡ biệt vị, một cuộc đối thoại thân mật giữa Ngài với Cha. Ngài dạy chúng ta đến với Chúa trong tâm tình của những người con thảo đến với Cha mình, là mở lòng lắng nghe lời Chúa nói và mau mắn thi hành ý Cha. Mọi cố gắng nỗ lực trong cầu nguyện để được tiếng là đạo đức, là để khoe mình đều bị Chúa Giêsu lên án (Mt 6, 5-8). Điều chúng ta cần nhắm đến trước tiên trong lời cầu nguyện của mình là cầu cho Nước Chúa trị đến, cho Nước của Ngài hiển trị trên trần gian và ý muốn của Ngài được các con cái Ngài đón nhận và thực thi. Trong Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu nói lên điều đó, Ngài còn đưa ra cho chúng ta một phương thế để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và để được hưởng ơn tha thứ là phải thứ tha, nỗ lực làm hòa với tha nhân (x.Mt 6,14t; 5,23-24t; Mc 11,25).
Thứ đến là Ăn chay
Chúa Giêsu không phản bác giá trị của việc ăn chay hãm mình. Ngài cảnh báo việc quan trọng hóa các dấu chỉ bên ngoài: “chớ làm bộ rầu rĩ”, “làm ra vẻ thiểu não”, Ngài mời gọi đi vào tinh thần của việc ăn chay hãm mình đó là sự hối cải, biến đổi chính mình, hướng về Thiên Chúa với một thái độ tùy thuộc và phó thác hoàn toàn. Ăn chay không phải để phô trương cho người khác thấy nhưng trong âm thầm để chỉ cần Thiên Chúa – Đấng hiện diện nơi kín đáo biết là đủ (Mt 6,16-18).
Ngoài ra, ăn chay không phải chỉ chu chu chắm chắm giữ sao cho đúng giờ, cân đo đong đếm xem phải ăn bao nhiêu, ăn gì. Nhiều khi quá chú tâm đến những chỉ dẫn như không ăn thịt trong ngày ăn chay, ta lại ăn những món mắc tiền hơn, sang hơn. Cách ăn chay đích thực mà Chúa muốn đó là sống công bình, bác ái, chia cơm sẻ áo cho những ai đói rách, khó nghèo.
Cuối cùng là Bác ái
Sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau là điều mà Đức Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Trong ngày chung thẩm, Chúa sẽ phán xét chúng ta dựa trên tình yêu ta dành cho tha nhân (Mt 25,31-45). Tuy nhiên, khi bày tỏ tình yêu đối với anh chị em qua việc làm bác ái, Chúa Giêsu không muốn ta phô trương, thổi loa báo cho mọi người biết vì như vậy ta đã được phần thưởng rồi (Mt 6, 2). Ngài dạy chúng ta khi bố thí “đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm” để không ai biết việc ta đã làm mà chỉ Chúa biết mà thôi.
Ngoài việc chia sẻ với những người nghèo còn phải “bác ái nội bộ”, đó chính là việc gặp gỡ, chia sẻ, nâng đỡ giữa các thành viên trong gia đình, giữa những chị em trong cộng đoàn và tất cả những người bạn đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu ! Chúng con dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho niềm tin Kitô nơi mọi tín hữu nói chung và các bạn trẻ nói riêng luôn được thấm nhuần Tình Yêu Chúa. Các bạn trẻ ngày nay đang bị cám dỗ mạnh mẽ bởi lối sống thực dụng và nhu cầu giải trí quá cao, đặc biệt là giới trẻ ở các thành phố lớn.
Ước gì, với ơn Chúa trợ giúp, mỗi chúng con luôn biết hãm dẹp những ham muốn ích kỷ, quy ngã đưa đến sự nổi loạn, để nhờ đó mọi người cùng nhau xây dựng một thế giới hạnh phúc, đưa mọi sự trở lại với trật tự thủa ban đầu là nhìn nhận Chúa là Chúa, là Đấng tạo thành, còn chúng con chỉ là tạo vật – một tạo vật cần tựa nương nơi Đấng tạo nên mình.
Xin Chúa Thánh Thần tác động đến tâm hồn của các bạn trẻ Công Giáo để mỗi người biết lắng nghe lời mời gọi của Chúa, theo sự hướng dẫn của vị cha chung biết phát triển toàn diện con người mình, đồng thời góp phần xây dựng Giáo Hội, xã hội ngày một tốt đẹp theo ý Chúa.
BTT
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ