Nói về sự hiệp nhất chắc hẳn ai cũng đoán được một phần là liên kết với nhau thành một cộng đoàn hay là một nhóm đoàn thể nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ mà còn phải có cùng ý thức rằng, tất cả đã cùng chịu một phép Rửa, cùng tôn thờ một Thiên Chúa là cha và mọi người là anh chị em của nhau. Đồng thời phải có cùng một ý hướng, cùng mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su.
Sự hiệp nhất trong giáo hội, trong cộng đoàn, trong các giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, và ngay cả trong gia đình là một yếu tố rất quan trọng, chính vì thế, Chúa Giê-su đã phải cầu nguyện tha thiết cho sự hiệp nhất, đồng thời Ngài luôn mời gọi các môn đệ sống tinh thần hiệp nhất yêu thương.
Trong thực tế, sống và xây dựng sự hiệp nhất quả không dễ chút nào vì mỗi người đều mang trong mình những cái tôi, trong đó có những mặt mạnh và mạnh yếu. Để chấp nhận chính bản thân đã khó phương chi phải liên kết, đón nhận những người khác chính kiến, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, trình độ học thức, khác biệt về tính khí, cách hành xử… thì càng khó hơn. Tuy nhiên, người có trình độ học vấn, cùng với sự nhận thức thực sự, thêm vào chiều kích tâm linh mà ta vẫn gọi nôm na là cầu nguyện sẽ có thể giúp ta vượt qua những khác biệt, nhìn vào những điểm chung, mục tiêu nhắm tới để cùng nhau thi hành sứ vụ.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, cầu nguyện là một yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng hay tái lập sự hiệp nhất. Dù cầu nguyện là điều kiện quan trọng nhưng trong thực tế, đời sống kết hiệp với Thiên Chúa dường như một chuyện viển vông, thiếu thực tế, là việc làm của những con người yếm thế, lẩn tránh thực tế, trốn chạy những thách đố của cuộc đời, một việc mà được nghĩ chỉ dành cho một số ít người đặc thù nào đó.
Chẳng hạn, giới trẻ hôm nay, cứ nghĩ rằng phải làm cái gì to tát như đứng lên phát động phong trào giúp người nghèo khổ, lên chương trình trại hè huấn giáo, tổ chức các buổi dã ngoại, hay làm một việc gì cao sang mới được gọi là việc làm cần thiết nhưng ngồi lại bên Chúa một giờ để lắng nghe tiếng Chúa và cầu nguyện thì họ thấy buồn chán, thấy một giờ bên Chúa quá dài. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chối bỏ việc giúp đỡ những người khó khăn cần được giúp đỡ mà chúng ta phải dung hòa được hai khuynh hướng: CẦU NGUYỆN VÀ HOẠT ĐỘNG. Chỉ cầu nguyện mà không hoạt động thì đức tin đó không đâm rễ sâu. Thánh Giacobe quả quyết “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17); nhưng nếu chỉ có hoạt động mà không cầu nguyện thì vô ích trước mặt Chúa (DHV 118).
Thành thực mà nói, xung quanh ta vẫn còn đó những chứng nhân đức tin thời đại. Có những người cha, người mẹ vừa phải lo toan gánh nặng gia đình nhưng họ vẫn dành thời gian cầu nguyện, lo công việc nhà Chúa, sẵn sàng hy sinh thời gian cho những công cuộc từ thiện. Có những bệnh nhân liệt giường, phải chịu những cơn đau hành hạ nhưng họ không để ý đến tình trạng khốn khổ của mình mà chỉ chu chu chắm chắm kết hợp với Chúa, dâng những hy sinh cầu nguyện cho người khác. Lại có những người âm thầm lặng lẽ dùng đôi tai và trái tim của mình lắng nghe với sự cảm thông hầu chữa lành vết thương lòng của bao trái tim tan vỡ…Tại sao những người đó làm được những việc như vậy? vì họ có Chúa, họ sống kết hợp với Chúa nên họ can đảm sống căn tính của người Kito hữu, căn tính mà Đức thánh cha Phanxico đề cập tới là sống Tám mối phúc thật và thực hành bác ái như đã được diễn tả trong Tin Mừng Mattheu chương 25 và vì thế họ trở nên chất keo nối kết con người với nhau và nối kết con người lại với Thiên Chúa.
Còn chúng ta, chúng ta đã làm gì để xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội, nơi cộng đoàn và trong gia đình? Chúng ta có bao giờ cầu nguyện cho sự hiệp nhất chưa? Có khi nào thao thức đến quên ăn, mất ngủ cho sự hiệp nhất chưa? Hay ta đã và đang để ai, cái gì tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa và sự hiệp nhất với anh chị em của mình? Chúng ta có là những người kiến tạo hòa bình và sự hiện diện của chúng ta trong cộng đoàn mang lại niềm vui và bình an hay lối sống, cách hành xử của ta mang chia rẽ, giận hờn bất an đến những nơi, cho những người chúng ta gặp gỡ?
Đó là những câu hỏi mà chúng ta phải tự vấn lương tâm mình mỗi ngày để hy vọng với lời nhắc nhở của Chúa, của Giáo Hội, của chị em, mỗi ngày chúng ta sửa đổi chính mình, bớt đi những tham, sân, si và thêm vào đó tình yêu quảng đại và vô vị lợi của Chúa. Là tu sĩ Đa Minh Tin Mừng, mỗi chúng ta cần Tin Mừng hóa đời sống của mình. Mỗi ngày sống phải là một trang Tin Mừng sống động, nơi đó mọi người gặp được nơi chúng ta một Đức Giesu Hiền lành, khiêm nhường, hy sinh, phục vụ. Chính trong Đức Kito, mỗi người sẽ phát triển cách tối đa những nén bạc Chúa trao mà không cần phải gạt bỏ, loại trừ anh chị em mình. Trong Đức Kito, mọi khác biệt không là nguyên cơ để chia rẽ mà nó làm phong phú thân mình Đức Kito, làm cho Giáo Hội phát triển mọi mặt.
Thanh Ngân
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”