Đức Thánh Cha: Mỗi tín hữu đã chịu phép rửa cộng tác vào việc loan báo Nước Thiên Chúa

114 lượt xem 20 Tháng Mười, 2019

Sau thánh lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo lúc gần 11 giờ rưỡi, đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng căn hộ Giáo Hoàng ở lầu ba dinh Tông Tòa, để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha nhắc đến ý nghĩa Ngày Thế Giới truyền giáo năm nay và khích lệ các tín hữu ý thức và tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, trước tiên bằng đời sống chứng tá, phù hợp với Tin Mừng. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngài nói: “Bài đọc thứ hai của phụng vụ Chúa nhật hôm nay đề nghị với chúng ta lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô nói với cộng tác viên trung tín của ngài là Timôthêô:

“Con hãy loan báo Lời Chúa, dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, hãy răn bảo, khiển trách, nhắn nhủ với lòng quảng đại và giáo huấn” (2 Tm 4,2). Giọng lời thật thống thiết, thánh nhân nhắc nhở Timôthêô phải cảm thấy mình có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, quyết tâm thi hành trong mọi lãnh vực, không loại trừ lãnh vực nào trong cuộc sống. Tâm tình ấy của thánh Phaolô cũng phải là tâm tình của tất cả môn đệ Chúa Giêsu, được kêu gọi trở thành chứng nhân Tin Mừng thời nay, giữa lòng nhân loại, nhiều khi trái nghịch, nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô biên.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Ngày Thế giới truyền giáo được cử hành hôm nay là một cơ hội thuận tiện để mỗi tín hữu đã chịu phép rửa ý thức sinh động hơn về sự cần thiết phải cộng tác vào việc loan báo Nước Thiên Chúa với một quyết tâm mới mẻ. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, cách đây 100 năm, đã mang lại một đà tiến mới cho trách nhiệm truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, khi Ngài công bố Tông Thư Maximum illud. Đức Giáo Hoàng nhận thấy cần phải tái đề cao giá trị sứ mạng truyền giáo trên thế giới, theo tinh thần Phúc Âm, để công cuộc truyền giáo này được thanh tẩy khỏi mọi vết tích thực dân và không phải chịu ảnh hưởng của những chính sách bành trướng của các nước Âu Châu.

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay

“Trong bối cảnh thay đổi ngày nay, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV vẫn còn thời sự và khích lệ vượt thắng cám dỗ của mọi thứ khép kín tự tham chiếu và mọi hình thức bi quan về mục vụ, để cởi mở đối với sự mới mẻ vui tươi của Tin Từng. Thời đại chúng ta ngày nay đang chịu ảnh hưởng của sự hoàn cầu hóa, lẽ ra phải liên đới và tôn trọng những nét đặc thù của các dân tộc, nhưng người ta vẫn còn phải chịu đựng sự chấp thuận và những xung đột cố hữu về quyền bính, nuôi dưỡng chiến tranh và làm hư hỏng trái đất. Trong bối cảnh đó, các tín hữu Kitô được kêu gọi mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đi khắp tới, với một đà tiến mới; trong Chúa Giêsu, Tin Mừng ấy, lòng thương xót chiến thắng tội lỗi, hy vọng chiến thắng sợ hãi và tình huynh đệ chiến thắng sự đố kỵ. Vấn đề ở đây là mạnh mẽ cảm thấy tiếng gọi truyền giáo cho tất cả mọi dân tộc và đối với những người sống ngoài lề cạnh chúng ta.”

Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Chính từ tình huynh đệ của chúng ta, được sống với niềm tin và bác ái, nảy sinh sức mạnh và sự thúc đẩy thi hành sứ mạng truyền giáo. Sống tình huynh đệ chỉ trong cái vòng khép kín có nghĩa là bóp nghẹt Thần Trí, vốn làm cho chúng ta hiệp nhất để loan báo cho mọi người rằng Chúa Kitô là an bình của chúng ta, nơi Ngài, mọi chia rẽ được khắc phục, chỉ trong Người mới có ơn cứu để mỗi người và mỗi dân tộc.”

Đề cao tầm quan trọng của cầu nguyện

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Để sống trọn vẹn sứ mạng truyền giáo, có một điều kiện không thể thiếu được, đó là cầu nguyện, cầu nguyện sốt sắng và không ngừng, theo giáo huấn của Chúa Giêsu được công bố trong Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa Giêsu kể lại dụ ngôn về “sự cần thiết phải cầu nguyện không ngừng, không bao giờ mệt mỏi” (Kc 18,1). Thực vậy, cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên để loan báo! Các thừa sai, trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, họ nuôi dưỡng đức tin bằng sự gắn bó mật thiết với Chúa, để đương đầu vơi những khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng. Đồng thời, kinh nguyện là sự nâng đỡ đầu tiên của Dân Chúa dành cho các thừa sai, với tất cả lòng quý mến và biết ơn vì công tác khó khăn của các vị loan báo, trao ban ánh sáng và ân sủng của Tin Mừng cho những người chưa được đón nhận.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Maria, Mẹ của muôn dân, đồng hành và hằng ngày bảo vệ các thừa sai của Tin Mừng”.

Chào thăm

Sau kinh Truyền Tin và phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha đã nhắc đến lễ phong chân phước chiều Thứ Bảy 19/10/2019 vừa qua tại nhà thờ chính tòa giáo phận Crema, bắc Italia, cho cha Alfredo Cremonesi tử đạo năm 1953 tại Miến Điện. Ngài nói: “Cha là một tông đồ hòa bình không biết mệt mỏi và là chứng nhân nhiệt thành của Tin Mừng. Ước gì tấm gương của Cha thúc đây chúng ta trở thành những người xây dựng tình huynh đệ và là những thừa sai can đảm trong mọi môi trường; Ước gì sự chuyển cầu của Cha nâng đỡ những người đang vất vả hiện nay để gieo vãi Tin Mừng trên thế giới. Tất cả chúng ta cùng nhau vỗ tay mừng Chân Phước Alfredo!

Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các tín hữu Công Giáo Peru tụ họp tại Roma để tôn kính Ảnh Chúa làm phép lạ, và ngài cũng nhắc đến các thiếu niên Công giáo tiến hành Italia nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào này.

G. Trần Đức Anh, O.P.