“Nếu Chúa muốn bạn đi trên con đường ghồ ghề, người sẽ ban cho bạn đôi giày dẻo dai”
(sưu tầm)
Con người, ai cũng có những khát khao hoài bão. Có người mong ước trở thành bác sĩ, người muốn trở thành kiến trúc sư hay thần học gia lỗi lạc… Chỉ mới lên năm ta cũng đã nói với cha với mẹ ước mơ nhỏ bé của mình. Tôi cũng vậy, hoài bão trở thành một nhà MC trong tà áo dài thanh lịch đã đeo đuổi tôi khi tôi đang là học sinh tiểu học.
Thời gian thấm thoát qua đi, tôi nuôi hi vọng và cố gắng hết mình với ước mong sẽ vào trường văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh; sẽ nỗ lực và dùng hết khả năng mình làm việc và sau đó là thành công ở độ tuổi 27 với một gia đình nhỏ. Sự hoạt bát và nhanh nhạy đưa đẩy tôi trở thành một MC cho giáo họ, giáo xứ khi tôi đang là học sinh cấp ba. Khoảng thời gian được phục vụ cho giáo xứ, giáo họ như là những năm tháng ân phúc Chúa ban giúp tôi có cơ hội trau dồi và lấy kinh nghiệm cho năm cuối thời cấp 3. Dù vất vả vừa đi học, vừa phụ trách mảng phụng vụ giáo xứ, song tôi luôn vui và làm tròn những gì đã được trao.
Mọi sự đối với tôi quá là thuận lợi cho đến ngày chị gái tôi vào nhà dòng thừa sai bác ái ở Ấn Độ. Vốn dĩ một con bé nhạy bén và khá nhanh nhảu, đối với tôi đó như một cú sốc. Bởi chị là người học rất giỏi cả giáo lý và văn hóa, tiếng Anh của chị chuẩn gấp ngàn lần tôi. Vậy đâu là lí do sâu xa chị đi đến quyết định? Tôi tự đặt câu hỏi cho mình và rồi trong tâm khảm, tôi cũng bắt đầu muốn được thuộc trọn cho người chị yêu thôi.
Vì thế, tôi quên hết mọi sự, lăn mình vào học, học như điên. Sáng lễ về ăn sáng rồi đi học; trưa về ăn trưa, chiều đi học; tối lại đi học thêm rồi về tập hát sau đó lại học đến tận 12h đêm tôi mới ngủ. Thời gian đó kéo dài khoảng ba tháng. Sau những tháng ngày đó, tôi vật vờ như một bóng ma không ra người không ra ngợm; bố mẹ choáng váng không hiểu nguyên nhân. Còn tôi, tôi rút ra bài học quý giá cho chính bản thân. Không phải cứ học sống, học chết, mà tôi đạt được điều tôi mong ước nhưng tôi cần học hành có khoa học, học cách thông minh và trên hết phải vừa nỗ lực bản thân nhưng đồng thời biết cộng tác với ơn Chúa. Bởi nếu không, Chúa có thể lấy đi hết những khả năng vốn có của tôi nếu tôi “lạm dụng” và bắt thân xác tôi làm việc quá sức.
Cuộc đời, số phận con người sẽ chẳng ai nói trước được điều chi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và sau ba tháng cầu nguyện liên lỉ, tôi trịnh trọng thông báo cho bố mẹ tôi biết quyết định quan trọng về cuộc đời của tôi. “Con đi tu… Bố mẹ cho con học đàn nha”.
Nghe vậy, bố mẹ thoáng chút ngạc nhiên, song hãnh diện vui mừng vì có thêm một đứa con không lo việc đời mà ao ước được sống trong nhà Chúa. Gia đình tôi chẳng giàu có gì, năm chị em đang tuổi đi học, nhưng thật “oái oăm” khi hai đứa con gái đầu cứ quyết định đi tu, không nghĩ đến bố mẹ đã dần già đi và cũng cần được con cái chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế. Mẹ từ bốn giờ sáng, khi mọi người đang ngon giấc nhất, thì đã lóc cóc dậy đi chợ. Bố dù mười hai giờ đêm cũng dậy đi làm cho người ta để góp công nuôi dạy các con nên người. “À… ừ, thì đi học đàn, vào tu viện biết chút âm nhạc cũng tốt”. Vậy là tôi tìm trung tâm học đàn và sau một khóa học tôi phụ cho bố mẹ công việc lặt vặt ở nhà. Chờ đợi đến tháng 7 để thi vào hội dòng Mến Thánh Giá Vinh (lúc đó ở quê tôi chưa có hội dòng mới nào); đi tu là chọn Chúa chứ không phải chọn người hay là công việc của Chúa.Tôi đã vui và hãnh diện dường bao khi được nói chuyện tiếp xúc với các sơ, những sứ giả của Thiên Chúa. Một đặc điểm nổi bật tôi bị thu hút nơi các sơ: “Các sơ thật hiền từ nhỏ nhẹ”
Chọn đời sống dâng hiến đồng nghĩa với việc chấp nhận cái khó…cái khô…và cái khổ… Người đời hay nói với tôi đi tu la “khờ” cũng là ý nghĩa như vậy.
Đáng lẽ ra tôi cũng đi theo lối sống của những con người khác học hành, kiếm việc làm, lập gia đình và hưởng một cuộc sống ấm êm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn quyết định chọn cho mình lối sống ngược dòng với cuộc đời. Sống trong tu viện với những giờ kinh sáng, trưa, chiều, tối, với những món ăn kham khổ, những công việc tầm thường vẫn khiến tôi say mê hơn là danh vọng, tiền tài, thú vui chóng qua bên ngoài xã hội náo nhiệt kia. Thật khó hiểu: “Tu sĩ ơi người là ai??”
Tôi biết tôi cũng là con người sống có tình cảm, muốn được quan tâm của người khác. Tôi cũng là một con người bình thường nhưng với cái khác của cuộc sống lặng trôi tôi được một tiếng gọi thôi thúc từ sau khi chị tôi đi tu. Tiếng gọi đó thật xa thẳm, không rõ ràng nhưng sao nó cứ vọng ngân mãi trong lòng, thúc đẩy tôi, cuốn hút tôi. Tôi không phải là người thánh thiện ngay lúc thơ bé, cũng không phải là người biết đem niềm vui đến cho những người xung quanh nhưng sao tiếng gọi ấy cứ đeo đuổi tôi. Tôi chỉ là một tội nhân nhưng sao Chúa lại yêu tôi đến vậy. Nhất là sau khi quyết định đi tu, tôi càng cảm nhận được tình thương của Chúa qua tình thương và nâng đỡ của rất nhiều người. Chính vì cảm nhận tình yêu ấy quá lớn lao nên sau năm lần bảy lượt thay đổi, tôi vẫn trở về bên Ngài, nhẹ nhàng gật đầu xin theo Ngài mãi mãi. Khi Ngài dẫn tôi đến với gia đình Hiệp Hội Đa Minh Tin Mừng, tim tôi bỗng nhẹ nhàng thanh thoát, rạo rực trong tình yêu mới đậm đà. Tình yêu mới mời gọi, hối thúc tôi lên đường loan báo Tin Mừng đúng như linh đạo của Hiệp Hội.
Ngẫm lại hành trình từ lúc tôi tập tễnh bước vào đời tu đến giờ, sóng gió, khó khăn, thách đố của đời sống cũng như những chiến đấu với chính bản thân nhiều khi ngập tràn nhưng tôi vẫn luôn bình an vì tôi có Ngài, Đức Kitô – là CON ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT và LÀ SỰ SỐNG cho tôi; chính Ngài là gia nghiệp đời tôi.
Kim Dung
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ