Đức Thánh Cha: Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa

163 lượt xem 20 Tháng Chín, 2019

Lòng trắc ẩn giống như “lăng kính của trái tim” giúp chúng ta hiểu được các chiều kích của thực tại. Đó cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa, còn nhiều khi ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Đức Thánh Cha đã nói như thế trong Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Santa Marta.

Hãy mở con tim cho lòng thương xót và đừng khép mình lại trong sự thờ ơ. Đây là lời mời rất mạnh mẽ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói sáng nay trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta. Lòng trắc ẩn đưa ta đến với nẻo đường “công chính thực sự”, và giải thoát ta khỏi việc khép kín nơi chính mình.

“Lăng kính” của con tim

Đức Thánh Cha bắt đầu những suy tư của ngài dựa trên đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 7: 11-17), kể về Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với bà góa thành Nain. Bà đang khóc thương vì đứa con trai duy nhất của mình đã chết và đang được đưa đến huyệt mộ. Tác giả Tin Mừng không nói rằng Chúa Giêsu có lòng trắc ẩn nhưng ngài nói “Lòng trắc ẩn đã chộp lấy Đức Giêsu”, như thể nói rằng “Người là nạn nhân của lòng thương xót vậy.” Có cả một đám đông theo Người, lại cũng có một đoàn người đi cùng bà ấy nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy thực tại của bà: từ hôm nay, bà chỉ còn ở một mình, cô đơn và lẻ loi cho đến cuối đời, bà đã là một goá phụ mà nay lại mất đứa con duy nhất. Chính lòng trắc ẩn và thương xót giúp người ta hiểu thực tại cách sâu sắc.

Lòng trắc ẩn giúp ta nhìn thực tại như chúng là; lòng trắc ẩn giống như lăng kính của trái tim vậy. Nó giúp ta thực sự hiểu được các chiều kích của cuộc sống. Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu thường hành động theo lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Không phải chỉ với Chúa Giêsu, Kinh Thánh mới bắt đầu nói về lòng thương xót. Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã nói với Mô-sê: “Ta thấy nỗi đau khổ của dân Ta” (Xh 3: 7); Đó chính là lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, Đấng sai Môsê đến cứu dân Người. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu. Chúng ta có thể nói rằng đó là điểm yếu của Thiên Chúa, nhưng cũng là sức mạnh của Người. Đó chính là điều tốt nhất dành cho chúng ta: vì chính lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Người gửi Ngôi Hai đến với chúng ta. Lòng thương xót chính là ngôn ngữ của Thiên Chúa.

Thương xót “không phải là cảm giác đau đớn”, ví dụ, khi người ta nhìn thấy một con chó chết trên đường: “thật tội nghiệp, chúng ta cảm thấy hơi nhức nhối”. Nhưng thương xót là “liên đới với vấn đề của người khác, và đó là liều mình với cuộc sống”. Trong thực tế, Thiên Chúa liều mình với cuộc đời và đi đến đó.

Bức ảnh có tên là “Sự thờ ơ”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lấy một ví dụ khác rút ra từ Tin Mừng về việc hoá bánh ra nhiều. Chúa Giêsu bảo các môn đệ hãy cho dân chúng ăn, trong khi các môn đệ lại muốn đuổi họ đi. Đúng là các môn đệ rất thận trọng. Nhưng khi xét đến câu trả lời của Người: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, tôi tin rằng ngay tại thời điểm đó, tận thâm tâm, hẳn Chúa Giêsu đã giận lắm.

Người mời gọi các ông hãy chịu trách nhiệm với dân chúng, chứ đừng nghĩ rằng sau một ngày như thế họ có thể đi tới các làng để mua bánh. Bản văn Tin Mừng thuật lại: Chúa động lòng thương vì Người thấy dân chúng như đoàn chiên không người chăn dắt. Trái ngược với cử chỉ và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu là thái độ ích kỷ của các môn đệ, chỉ tìm giải pháp chứ không muốn nhúng tay vào, như thể nói rằng dân chúng tự sắp xếp lấy vậy.

Ở đây có thể thấy, nếu ngôn ngữ của Thiên Chúa là lòng trắc ẩn, thì thường khi, ngôn ngữ của con người là thờ ơ. Chỉ chịu trách nhiệm đến đây thôi, chứ không nghĩ điều gì khác nữa. Đó chính là thói thờ ơ. Một trong những nhiếp ảnh gia của chúng tôi tại tờ Quan sát viên Roma đã chụp được một bức ảnh hiện đang ở Sở Từ Thiện, được gọi là “Sự thờ ơ”. Tôi đã nói về điều này một vài lần rồi. Vào một đêm đông, trước một nhà hàng sang trọng, một người phụ nữ sống bên vệ đường chìa tay ra hướng tới một người phụ nữ khác đang bước ra khỏi nhà hàng. Người phụ nữ ấy ăn mặc rất ấm áp, che chắn rất kỹ càng nhưng lại ngoảnh đi phía khác. Đó chính là sự thờ ơ, sự thờ ơ của chúng ta. Đã bao lần chúng ta ngoảnh mặt, nhìn đi hướng khác … Và thế là chúng ta đóng cánh cửa đối với lòng thương xót và trắc ẩn. Chúng ta có thể làm một cuộc xét mình xem: tôi có hay ngoảnh nhìn đi hướng khác không? Hay tôi để Chúa Thánh Thần dẫn bước tôi đi trên con đường thương xót? Đó là một đức tính của Thiên Chúa …

Trao trả lại và lòng trắc ẩn

Sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng ngài rất cảm động vì một lời trong đoạn Tin mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói với người mẹ này: “Đừng khóc”. Đó là một sự âu yếm và trìu mến của lòng trắc ẩn. Chúa Giêsu chạm vào quan tài, và bảo cậu bé đứng dậy. Sau đó, cậu bé đã ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến đoạn cuối khi Chúa Giêsu “trao cậu lại cho mẹ của cậu.”

Đó là một hành động của công lý và chính trực. Từ “trao lại” này được sử dụng trong công lý. Lòng trắc ẩn đưa chúng ta đến con đường của công lý thực sự. Chúng ta phải luôn trao lại cho người khác một quyền lợi nhất định. Điều này sẽ luôn giải gỡ chúng ta khỏi sự ích kỷ, thờ ơ và khép kín nơi chính mình. Chúng ta tiếp tục thánh lễ hôm nay bằng lời này: “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn”. Ước gì Người cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với mỗi chúng ta: chúng ta cần điều ấy.

Trần Đỉnh, SJ

 (vaticannews 17.09.2019)