Nẻo đường đức tin

323 lượt xem 28 Tháng Tám, 2019

Khi nói đến những đặc tính của đức tin, sách Giáo Lí Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) số 153 có nói: “Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban”. Công đồng Vaticano II trong Hiến chế tín lý Dei Verbum 5 cũng nhấn mạnh: “Để có được đức tin này, cần có ân sủng của Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Thánh Thần: Ngài đánh động và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lí trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lí”. Chắc hẳn đã là một hồng ân của Thiên Chúa, con đường Chúa dẫn lối mỗi người đến với đức tin cũng mang những màu sắc rất riêng và với con mắt phàm trần không ai có thể lí giải hay hiểu cho tỏ tường những bí nhiệm trong con đường đó.

Thật vậy, trình thuật trong Cựu ước đã minh chứng rõ điều đó, qua hình ảnh Abraham – tổ phụ của tất cả những người tin, những việc Thiên Chuá đã mời gọi ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi… Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân mới” (St 12,1). Với tuổi tác của Abraham lúc đó lời mời gọi của Thiên Chúa thật là điều thật khó tin. Nhưng những gì là khó hiểu đối với con mắt của người phàm thì lại chứa đựng kho tàng ân phúc của Thiên Chúa. Vì thế, “chỉ nhờ đức tin con người mới tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa” (Hiến chế tín lý Dei Verbum,5). Nhờ thái độ phó thác hoàn toàn của Abraham mà Thiên Chúa đã thể hiện được uy quyền của Người. Trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, tác giả thư Do Thái đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8).

Tiếp đến, nhắc đến Tân ước không thể không nhắc đến mẫu gương của niềm tin trong sự vâng phục trọn hảo nơi Đức Maria. Sách GLHTCG số 148 có nói: “Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabrien loan báo và đoan hứa, vì Ngài tin rằng “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) Chính nhờ đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc”. Lời xin vâng của Đức Maria là lời mở đầu cho chuỗi ngày trên con đường đức tin Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Mẹ cũng như toàn thể nhân loại. 
Với hai mẫu gương của đức tin trên, phần nào cho ta nhận ra một sự vâng phục trong đức tin phát xuất từ thái độ “tự nguyện qui thuận lời đã nghe” (GLHTCG,144). Con đường Thiên Chúa dẫn lối trong đức tin của cả hai đều mang những nét riêng. Đối với Abraham đức tin nơi ông được diễn tả như mẫu gương cho sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo
Khi chiêm ngắm nét đẹp nơi đức tin của tổ phụ Abraham và Đức Trinh Nữ Maria chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại đức tin của mình. Ngày hôm nay, người ta muốn niềm tin phải được kiểm chứng, khác hẳn với đức tin của các bậc cha anh, những con người đã hiên ngang, can trường trước những bắt bớ, những tra tấn dã man để minh chứng cho niềm tin của mình. Có thể các ngài hiểu biết về đạo, về Thiên Chúa thật đơn sơ, nhưng niềm tin lại kiên cường, vững chắc.

Là người Ki-tô hữu ta được dạy rằng đức tin được thanh luyện trong đau khổ, trong thử thách, trong những nghịch cảnh của cuộc sống. Nhưng đối diện với những sự xem ra là trái ngược, bất công trong cuộc sống ta lại thấy khó chấp nhận hay tệ hơn ta còn cảm thấy mất niềm tin vào Thiên Chúa. Noi gương Đức Maria là người “trong cuộc lữ hành đức tin” đã tiến đến tận đêm tối của đức tin khi tham dự vào đêm tối là cuộc khổ hình thập giá của Con Ngài, và đêm tối là phần mộ của Người (GLHTCG, 165). Quả vậy thư 2Cr 5,7 có viết: “Hiện giờ chúng ta “tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa”, là những người lữ hành trong đức tin ta hãy tiến bước trong niềm phó thác, hướng lòng về các chứng nhân của đức tin và cậy trông vào Thiên Chúa.

                                                                      Sr. Anna Cẩm Hồng. OP – Học viện Tôma

Nguồn:https://daminhtamhiep.net