Thân gửi anh chị em, tu sĩ và giáo dân Dòng Giảng Thuyết,
Ngày 6 tháng 8 năm 2021, chúng ta sẽ kỷ niệm 800 năm ngày thánh Đa Minh qua đời – dies natalis. Cha Humbertô Roman kể lại sự kiện này như sau:
“Cha Đa Minh nói với anh em: ‘Anh em rất thân mến, đây là di sản cha để lại cho anh em như là những đứa con được hưởng quyền thừa kế. Hãy có lòng bác ái, tuân giữ đức khiêm nhường, sống khó nghèo tự nguyện. Ôi di chúc bình an…’.”1
Sau đó, cha Đa Minh an giấc ngàn thu, để lại cho anh em một di chúc bình an, để họ thừa hưởng niềm say mê của cha: sống với Chúa Kitô, bắt chước lối sống tông đồ của Người và được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua nếp sống Tin Mừng và tông đồ.
Đó chính là sự thánh thiện của cha Đa Minh: khao khát mãnh liệt rằng Ánh sáng của Đức Kitô được chiếu tỏa cho tất cả mọi người, lòng thương cảm đối với những đau khổ của một thế giới được mời gọi tái sinh vào cuộc sống đích thực, lòng nhiệt thành phục vụ Giáo hội luôn mở rộng ra đến mọi chiều kích của thế giới. Khi cho phép xuất bản cuốn sách của cha Humbertô, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX đã tuyên bố:
“Ta biết cha là một người trung thành với toàn bộ lề luật của nếp sống các tông đồ, và ta tin chắc rằng, trên thiên đàng, cha đang được hưởng vinh quang dành cho các tông đồ”.2
Việc cử hành Năm thánh kỷ niệm Dòng được châu phê vừa qua đã thúc đẩy sự canh tân đầy năng động cho lời cam kết của toàn Dòng trong việc loan báo Tin Mừng. Với lá thư này, tôi muốn kêu gọi anh chị em kín múc từ nguồn thánh thiện đã biến cha Đa Minh thành một nhà giảng thuyết. Thánh Catarina nói một cách tuyệt vời về cha rằng, “Công việc của ngài là công việc của Ngôi Lời, Con chí ái của Ta. Ngay khi xuất hiện trên trần gian như một tông đồ, đi gieo hạt giống Lời là sự thật và ánh sáng, ngài đã xua tan bóng tối và làm lan tỏa ánh sáng.” [lời của Chúa Cha – ND]
1. Cái chết của cha Đa Minh, sự ra đi của một người cha và một người anh
Sau một chuyến giảng thuyết dài ngày ở miền Bắc nước Ý, cha Đa Minh đã ngã bệnh nặng ở Bologna. Đó là tháng 7 năm 1221. Tiết trời thành phố thật ngột ngạt, ẩm ướt và nóng bức, đến nỗi không có một tia hy vọng nào cho thấy cha Đa Minh sẽ cải thiện được tình hình sức khỏe của mình. Một quyết định được đưa ra, anh em khiêng cha đến tu viện của dòng Biển Đức trên sườn đồi bên ngoài thành phố Bologna. Tuy vậy, cái chết của cha đang đến rất gần. Lời chứng của các anh Ventura Verona và Rodolfo Faenza được ghi chép lại trong án phong thánh ở Bologna, cho chúng ta thấy được sự quan phòng của Thiên Chúa và tái hiện những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời một vị thánh. Chúng ta có thể thêm vào những chứng từ quý báu của các anh em này lời chứng của chân phước Giôđanô Saxonia.3
Cảm thấy rằng thời điểm trình diện với Chúa, Đấng đã quyến rũ cha suốt thời niên thiếu đang đến rất gần, cha Đa Minh cho gọi anh em trong tu viện Bologna đến và bắt đầu giảng:
“Khi biết rằng cha sắp chết, cha đã gọi nhân chứng – tức là cha bề trên – và các anh em tới. Khoảng 20 anh em đã đến đó với cha bề trên. Sau khi họ tập họp xung quanh cha, cha nằm trên giường và bắt đầu giảng. Cha đã giảng một bài rất hay và cảm động; chưa bao giờ người làm chứng nghe được từ miệng ngài một bài giảng sống động như thế”.4
Theo chân phước Giôđanô, bài giảng của cha Đa Minh khi hấp hối trên giường bệnh đã được trao lại cho 12 anh em chứ không phải là 20: “Trên giường bệnh, cha cho gọi mười hai anh em khôn ngoan lại, và khích lệ họ hăng hái trong việc phát triển Dòng, kiên trì trong sự thánh thiện.”5 Ở đây, rõ ràng cha Giôđanô mong muốn vẽ ra một bức chân dung đậm nét Kitô và tông đồ của cha Đa Minh và các anh em, trong khi đó, cha Ventura cung cấp cho chúng ta một bối cảnh phụng vụ về những giây phút cuối đời của cha Đa Minh: Sau khi lãnh nhận bí tích xức dầu và xưng tội chung, cha Đa Minh chủ sự giờ kinh phụng vụ phó thác linh hồn mình cho Thiên Chúa, và nhiều lần cha cầu khẩn, như thể là cho chính mình. Và như thế, cha Đa Minh ra đi đang khi diễn ra một hành vi phụng vụ và ngay lúc cầu nguyện cho người lâm tử. Cha Ventura cũng kể lại lời cầu nguyện của cha Đa Minh hướng tới Thiên Chúa, trước sự chứng kiến của các anh em, mà trong đó, cha trao phó anh em cùng với toàn thể gia đình cho Thiên Chúa: “Cha Đa Minh ngước mắt, giơ tay lên trời và nói: “Lạy Cha Chí Thánh, Cha biết con kiên định như thế nào để thi hành thánh ý của Cha. Xin Cha bảo vệ và gìn giữ những người mà Cha đã ban cho con. Con xin trao phó họ cho Cha. Xin Cha gìn giữ và bảo vệ họ”.6 Đây là bản thu ngắn diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (Ga 17,12).
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta nhận thấy cha Đa Minh là một người anh cả, một người cha và là đấng sáng lập, một người luôn chịu trách nhiệm về anh em của mình, phác họa lại chân dung Đấng yêu dấu của mình. Trước khi qua đời, cha Đa Minh còn nói thêm: “Anh em đừng khóc, cha sẽ hữu ích cho anh em tại nơi cha sắp đến hơn là ở trần gian này”.”.7 Chúng ta có thể ghi nhận rằng những lời “hữu ích” và “có lợi” là những từ mà cha thích lặp đi lặp lại. Làm việc bác ái sinh lợi ích phải là một trong số các phẩm chất của các con cái cha. Sự hữu ích sẽ còn lớn hơn sau khi cha qua đời. Cha Đa Minh qua đời trong tu viện Bologna theo đúng nguyện vọng của cha. Quả thật, cha sợ bị chôn cất tại tu viện của dòng Biển Đức nơi cha đã ở lại, nên cha xin anh em đưa mình về. Khi trở lại thành phố và về đến căn phòng trong tu viện, anh em hỏi liệu cha có muốn được chôn bên cạnh di tích của một vị thánh không. Cha Đa Minh liền trả lời rằng: “Thiên Chúa không muốn cha được chôn chỗ khác, mà là dưới chân anh em.”.footnote]Án phong thánh, Bologna, chứng từ của cha Ventura Verona, 8.[/footnote] Ở đây, nhờ những lời này “novissima verba”, chúng ta không chỉ thấy sự khiêm nhường mà còn thấy tình yêu sâu sắc mà cha Đa Minh dành cho cộng đoàn của mình.
2. Đức khiêm nhường của một người hành khất, để rao giảng
“Đôi khi, [nhân chứng] nhìn thấy cha đi từ nhà này sang nhà khác, xin của bố thí và nhận lấy một miếng bánh như bất kỳ người ăn xin nào. 8
Khi gần kề cái chết, cha Đa Minh năn nỉ anh em đưa mình trở lại tu viện để được chôn cất “dưới chân anh em””.9. Đây là mong muốn lớn nhất của cha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khía cạnh về sự thánh thiện của cha Đa Minh, một người mà khi đã trở thành nhà giảng thuyết, vẫn yêu cầu được gọi là “anh Đa Minh”.
Cha mong muốn được ở bên anh em. Thật vậy, cha đã nhận ra rằng dấu hiệu tình huynh đệ tự nó là một hình thức giảng thuyết. Đối với cha Đa Minh, Dòng Giảng Thuyết là Dòng tìm cách bước theo Đức Giêsu, vị Giảng Thuyết, đi qua các thị trấn và làng mạc, để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Mt 4,23-25; Mc 1,39; Lc 4,44). Do đó, bản chất tình huynh đệ được diễn tả như tiếng vang của ơn cứu độ, là trọng tâm lời loan báo của Dòng. Loan báo Tin Mừng đó là mời gọi mỗi người khám phá ra trong nơi sâu thẳm nhất của mình một khát vọng sống tình huynh đệ với người khác trong thế giới này. Đó cũng là loan báo niềm hy vọng mà khuôn mặt tình huynh đệ giữa những con người đang báo trước thực tại Nước Trời, trong đó dân Thiên Chúa sẽ được qui tụ lại vào ngày cuối cùng. Do đó, biểu hiện của tình huynh đệ là một ‘bục giảng’ thực sự của việc giảng thuyết, được trình bày như một kinh nghiệm cụ thể, sống động và là niềm hy vọng của một tương lai với Thiên Chúa. Đó là bục giảng, mà từ đó, nhân danh Thiên Chúa, chúng ta nói về lòng tin vào khả năng của con người với nhau, và với Thiên Chúa; về những mối tương quan nuôi dưỡng đời sống chúng ta. Không chỉ là những bài giảng lý thuyết suông, nhưng qua việc lắng nghe Lời, được xác nhận trong những kinh nghiệm cụ thể của một đời sống với và cho người khác.
Cha xin được chôn “dưới chân anh em”. Có lẽ chúng ta hiểu mong muốn này là một dấu chỉ của sự khiêm nhường và hạ mình. Cha đã nói rằng, cha sẽ hữu ích hơn cho anh em sau khi chết,10
thì cha cũng muốn phục vụ họ bằng cách bắt chước sự hạ mình của Đức Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ như người tôi tớ. Do đó, sự kiên quyết của cha liên quan đến nơi an nghỉ, cũng cho thấy mong muốn được nên giống với những cử chỉ của Đức Giêsu thông qua ân sủng. Được nên giống Đấng không giữ lấy mạng sống mình, nhưng sống theo lời loan báo về Nước Trời, bằng cách hiến mình trở thành một món quà và trao tặng nó, để tất cả được sống, và được đón nhận trong niềm vui tình huynh đệ. Cha muốn tiếp tục ở lại giữa anh em, ngay cả khi chết. Đó là dấu chỉ món quà của một cuộc đời chỉ nói về Chúa cho con người và nói về con người cho Thiên Chúa.11 Do đó, dấu chỉ này biểu lộ một ý nghĩa sâu sắc của đời sống khất thực lữ hành mà Đức Giêsu đã chọn lựa, và qua đó, Người rao giảng bằng cách trao tặng chính mạng sống mình. Đó cũng là dấu chỉ của người hành khất, mà qua cử chỉ cầu khẩn, nài xin lòng hiếu khách của người khác; đồng thời, mời gọi họ khám phá sự sống mới của Nước Trời. “Người đã đến nhà mình…” (Ga 1,11).
Tuy nhiên, lời đề nghị của cha Đa Minh còn có ý nghĩa hơn thế nữa, bởi vì cha mời gọi anh em kín múc sự thánh thiện cho mình trong thực tại cuộc sống của những nhà giảng thuyết. Vào thời điểm đó, người ta thường tìm mọi cách để được chôn gần di tích của các thánh hoặc các vị hiển tu. Theo nghĩa này, người ta muốn được chôn gần với bàn thờ nhất, với hy vọng được hiệp thông với các thánh. Tuy nhiên, qua lời cầu xin của mình, cha Đa Minh muốn tỏ bày rằng, đối với cha, thực tại tình huynh đệ là một nơi thánh thiện, có giá trị tương đương với chứng tá của các thánh. Một lần nữa, sự thánh thiện được coi là bục giảng của các nhà giảng thuyết. Là anh em của nhau, họ được mời gọi để hội nhập niềm tin vào sự hiệp thông các thánh trong thực tại cụ thể của cuộc sống, và tìm được nơi đó sức mạnh cho lời lữ hành của nhà giảng thuyết. Cộng đoàn của những nhà giảng thuyết, của những lời giảng thánh!
3. Tính cách của nhà giảng thuyết, theo hình ảnh Chúa Con
“Cha Đa Minh rất nhiệt thành đối với ơn cứu độ các linh hồn, đến nỗi cha đã mở rộng lòng bác ái và thương cảm, không chỉ đối với các tín hữu, mà còn đối với những người không tin, với dân ngoại và cả với những kẻ bị nguyền rủa trong hỏa ngục. Cha đã không ngừng khóc than cho số phận họ.”12
“Xin Thiên Chúa là Đấng hằng chiếu tỏa lòng từ bi và thương xót của Đấng Cứu Độ nơi tôi tớ Ngài là cha Đa Minh, ban cho anh em được nên đồng hình đồng dạng với Con của Người”. Công thức chúc lành long trọng này được dùng trong ngày lễ kính thánh Đa Minh, cho thấy tâm điểm sự thánh thiện của cha Đa Minh. Trong toàn bộ cuốn Sanctoral [Phụng vụ kính Các Thánh], sự tốt lành hoặc sự trìu mến chỉ được gán cho một mình cha Đa Minh. Sự trìu mến này liên kết với một mầu nhiệm, mà qua đó Chúa Con đã nhận vào mình bản tính nhân loại. Mầu nhiệm này gọi là Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai.
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Con, Đấng cứu độ chúng ta là điều cốt yếu trong lời giảng của Cha Đa Minh, đến mức mầu nhiệm ấy trở thành nguồn ánh sáng nội tâm trong con người cha. Ơn gọi dấn thân cả cuộc đời cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng thúc đẩy cha Đa Minh tìm kiếm trong mầu nhiệm Nhập Thể một con đường dẫn đưa cha vào chiều sâu nội tâm. Theo một cách thức nào đó, đây cũng chính là ơn gọi được sinh ra cho chính cha, thông qua mầu nhiệm sự thật mà cha rao giảng (Con đã kiếm tìm Ngài quá lâu… – Thánh Âutinh). Do đó, việc loan báo Tin Mừng được trình bày như một hành trình nội tâm hướng về chính mình, hướng đến nơi diễn ra cuộc gặp gỡ nội tâm, nơi mà Thiên Chúa, qua lời mời gọi, đã “xây nên” và “lập ra” cho mỗi người mối liên hệ nghĩa tử.
Đối với tôi, nơi “con người” của Cha Đa Minh có một số nét đặc biệt: tính đơn sơ, lòng thương cảm, tính giản dị, tình bạn hữu. Lời chứng do các nhà viết tiểu sử cha Đa Minh thu thập, là những anh em đã tiếp xúc với cha cách trực tiếp, và những hồ sơ trong quá trình phong thánh, đã tô đậm sự sâu sắc và tính đơn sơ nơi con người cha Đa Minh. “Tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào vòng tay bác ái của cha, và vì yêu thương mọi người, cha cũng được mọi người yêu mến”.13 Vị giảng thuyết này là người “biết cảm động trước nỗi khổ của con người”14 và luôn “quỳ gối, khiêm nhường và kính cẩn”15 đưa tay ra nhận lấy bánh cho anh em của mình. Cha Đa Minh được nâng lên tới Thiên Chúa trong khi chiêm niệm về sự quảng đại ban tặng ân sủng của Chúa. Cha không yêu thích điều gì ngoài việc xây dựng tình bạn hữu với người khác, và biến điều này thành một thói quen để chia sẻ Lời Hằng Sống. Đây là tính cách đơn giản của một con người gần gũi với người khác, đó là điều mà thánh Tôma Aquinô, khi diễn tả về cuộc đời Đức Giêsu, nói rằng “Người đã trở nên thân thuộc…”.
Chú trọng vào con người của cha Đa Minh không những làm nổi bật các phẩm chất luân lý của cha, mà còn minh họa cho cách thức cha muốn trở thành một nhà giảng thuyết. Qua việc hé lộ toàn bộ tính cách của mình, bằng cách trở nên thân thuộc với mọi người, cha muốn làm chứng cho Đấng đã đến để “cắm lều” giữa chúng ta, và sau đó xóa mình để nhường cho Chúa chỗ nhất trong tâm trí của những người mà cha tiếp xúc. Khi được hỏi về Dòng Giảng Thuyết, Chân phước Jean-Joseph Lataste trả lời rằng, đó là “Dòng của những bạn hữu của Chúa”. Câu trả lời này vừa mô tả cách thức anh chị em trong Dòng mong muốn sống với nhau và với Chúa, vừa cho thấy chân trời trong lời giảng của họ “verbo et exemplo – bằng lời nói và gương sáng”, mà họ muốn đem lại cho Giáo hội, tức là không ngừng hướng đến cứu cánh tối hậu của sự hiệp thông với mọi người nơi tình bạn hữu của Thiên Chúa, lại không phải như thế sao? Câu trả lời này là tiếng vọng của lời Đức Kitô, những lời này sẽ được lặp lại một lần nữa nơi mỗi nhà giảng thuyết: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em” (Ga 15,16). Thầy gọi anh em là bạn hữu.
Tâm điểm của lời chứng này, “anh” – một hạn từ rất đẹp vang lên như một lời mời gọi. Ngay khi cha Đa Minh và Đức giám mục Diego bắt đầu đi giảng tại vùng Lauragais, vị phó bề trên – cha Đa Minh – kiên quyết được mọi người gọi là “Anh Đa Minh.”16 Một lần nữa, chúng ta có thể thấy đó như một dấu chỉ của tính giản dị và đức khiêm nhường của cha. Không phải là tước vị hay nhiệm vụ trong Giáo hội làm nên phẩm chất của một nhà giảng thuyết, nhưng là qua cách sống của người này. Người được gọi là “anh” cũng chỉ là một thành viên hiệp thông nhân loại trong tình bạn hữu của Thiên Chúa mà thôi. Người được gọi là “anh” cũng chỉ là một thành viên trong đại gia đình bạn hữu của Thiên Chúa, mà Giáo hội được mời gọi trở thành. Như đã có trước đây, bây giờ, chúng ta có một lời tuyên xưng đức tin đặt nền tảng cho sự hiểu biết thần học trong Giáo hội, và gợi lên một cách thực hành thần học về việc giảng thuyết. Chính vì khao khát trở thành một nhà giảng thuyết như Đức Giêsu giữa các môn đệ của mình, mà cha Đa Minh mong muốn cam kết “tuân phục Thiên Chúa” như một người anh em. Đây chính là con đường nên thánh của cha: “Trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).
4. Rao giảng như và với Đức Kitô, con đường nên thánh
“Cha Đa Minh chuẩn bị một cách chu đáo và miệt mài giảng dạy; và rất thường, Những lời cha giảng gây ra một cảm tình, đến nỗi hầu như lúc nào cha cũng khiến mình và người nghe phải rơi lệ.””.17
Đối với cha Đa Minh, con đường nên thánh này được đánh dấu bởi hai mầu nhiệm: lòng thương xót và sự thật; cả hai đều quy về sự tự do vốn rất quen thuộc với “linh đạo Đa Minh”. Từ quan điểm này, thánh nữ Maria Mácđala được tôn phong là tông đồ của các tông đồ, người được Đấng Phục sinh gọi tên. Nơi trở nên thân quen với bản thân chúng ta hơn là chính chúng ta, đó là nơi của lòng thương xót. Đó cũng là nơi của chân lý, của chủ nghĩa hiện thực và sự chân thực, nơi gặp gỡ Thiên Chúa trong sự mật thiết của mỗi tâm hồn, và là nơi mà việc tha thứ vượt trên mọi tầm mức của con người, và là nơi của sự tái sinh trong lòng thương xót. Như vậy, món quà phong phú của lòng thương xót trở thành lời mời gọi lao mình vào Tin Mừng, như vào nguồn mạch sống động, lao mình vào Tin Mừng – nguồn ánh sáng làm hé lộ mầu nhiệm của mỗi người – giống như chúng ta được lao mình vào dòng nước thanh tẩy. Ở lại trong lời Thầy, lời Thầy là sự thật. Hay nói chính xác hơn: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thực là môn đệ của tôi, và các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31).
Hai bản văn do Giáo hoàng Honoriô III viết để châu phê và “giới thiệu” Dòng, truyền cho anh em trong Dòng một mệnh lệnh, là giảng thuyết vì ơn thứ tha tội lỗi. Những văn bản này nhấn mạnh hai khía cạnh rất cụ thể của đời sống mà cha Đa Minh chọn lựa. Một là sứ vụ giảng thuyết (loan báo Tin Mừng) có thể được trao lại cho anh em trong Dòng như một cách thế thích hợp để nên thánh. Hai là sứ vụ này buộc anh em rao giảng vì ơn tha thứ tội lỗi.
Một mặt, anh em được yêu cầu rao giảng Tin Mừng dưới dạng thức đời sống “hoàn toàn tận hiến cho việc công bố lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.18 Điều này định hình cho việc rao giảng Danh của Đấng đang đến. Giảng thuyết là loan báo về Danh và sự xuất hiện của Triều Đại Nước Thiên Chúa:
“Vả lại, vì chiến thắng, chứ không phải là chiến đấu, mới được trao vương miện, và vì trong tất cả các nhân đức, chỉ có sự kiên trì mới đáng nhận được vương miện dành cho những người tham gia trong cuộc chạy đua (x. 1Cr 9,24), nên chúng tôi kêu gọi lòng bác ái của anh em và tha thiết khích lệ anh em thi hành mệnh lệnh, mà chúng tôi trao phó qua những bức tông thư này, là ơn tha thứ tội lỗi. Nhờ ơn Chúa trợ lực hơn nữa, anh em sẽ cố gắng làm cho Lời Chúa lan rộng khắp nơi (Cv 8,4), nhờ kiên trì lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện và hoàn thành tốt sứ mạng của nhà giảng thuyết một cách đáng khen ngợi (x. 2Tm 4,2-5).”19
Mặt khác, sứ vụ này phải được thực hiện trong lối sống khất thực, tức là chọn tình trạng khiêm hạ trong nếp sống khó nghèo tự nguyện, không chỉ cá nhân mà cả cộng đoàn nữa. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng, sự lựa chọn này sẽ làm cho người giảng thuyết trở nên dễ bị tổn thương, nêu lên cho họ mọi thứ khó khăn và nguy hiểm. Đây là lý do tại sao ngài nâng đỡ họ trong những nỗ lực nhằm đem lại ơn cứu độ, bằng cách thừa nhận rằng “những khó khăn thiếu thốn và lao động vất vả, mà anh em trải qua để thi hành sứ vụ, sẽ đem lại ơn tha thứ tội lỗi cho anh em”.20
Đối với anh em, con đường nên thánh sẽ là con đường “tận hiến cho Lời”, tận hiến cho sự thật, như thánh Tôma Aquinô trình bày trong cuốn Chú giải Tin Mừng Gioan.
Bức thư của Đức Giáo hoàng Honoriô III vào ngày 18 tháng Giêng năm 1221 diễn tả sự “tận hiến” này như sau:
“Đấng làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái, vì muốn cho thời hiện đại này hợp với thời tiên khởi và muốn truyền bá đức tin Công giáo, đã gợi lên cho anh em tâm tình đạo đức này là: nhờ ấp ủ đức thanh bần và khấn giữ nếp sống tu trì, anh em tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới”.
Chọn lựa của cha Đa Minh là lao mình vào sứ mạng của Chúa Con, và để Thần khí của Chúa Con làm cho cuộc đời mình nên giống Đức Kitô: “Và chính Đức Kitô đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa” (Ep 4,11-13). Chúng ta nhận thấy nơi những lời của thánh Phaolô Tông đồ cả sự hiệp nhất trong đức tin lẫn sự hiệp nhất trong việc hiểu biết Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nghe thấy lời mời gọi các tín hữu (“các thánh”) ra đi, để bước trên con đường sứ vụ của Chúa Con. Khi chọn hiến thân cho sứ vụ giảng thuyết, cha Đa Minh đã chọn một con đường để Thần Khí dẫn dắt cha đến với Thiên Chúa, Đấng biện hộ và thánh hóa cha. Tuy nhiên, cũng lúc đó, cha để cho sự khao khát thánh thiện định hình toàn bộ cuộc đời mình. Mong muốn của cha là Giáo hội của Đức Kitô cảm nhận được niềm vui, khi đạt tới sự thánh thiện đã hứa ban cho mình, tới tầm mức Giáo hội sẽ được mở rộng thêm qua việc loan báo Tin Mừng về lời hứa này.
5. Sự thánh thiện của cha Đa Minh, một giấc mơ cho Giáo hội
“Trở thành một vị mục tử và là một nhà lãnh đạo tài tình của dân Chúa, cha đã thành lập Dòng Giảng Thuyết nhờ những những công sức vất vả thánh thiện của mình, tô điểm Dòng bằng chính cuộc sống gương mẫu của mình, và không ngừng củng cố Dòng bằng những phép lạ phi thường và xác thực.”21
Đối với tôi, dường như có được “một giấc mơ cho Giáo hội” là một yếu tố quan trọng trong sự thánh thiện của cha Đa Minh, cũng như đối với thánh nữ Catarina Siêna (“Nếu con phải chết, con muốn chết vì lòng say mê dành cho Giáo hội”). Cả hai vị thánh này đã sống lòng say mê mãnh liệt của mình đối với Giáo hội Chúa Kitô như nền tảng cho việc giảng thuyết của Dòng (“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49)). Đó là một khát vọng liên quan đến cả đời sống lẫn sứ mạng của Giáo hội.
Dựa theo Công đồng Vaticanô II, chúng ta có thể nói rằng, khát vọng của Giáo hội Đức Kitô là trở thành bí tích cho toàn thể thế giới và trong thế giới. Trong bối cảnh ngày nay, khi mà rất cần sự canh tân của việc loan báo Tin Mừng, thì khát vọng là chuyển từ nhãn quan duy trì hoặc hỗ trợ các cộng đoàn giáo hội hiện tại sang một nhãn quan thúc đẩy tất cả các cộng đoàn này thành những “chủ thể truyền giáo” đích thực.
“Ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Tôi tin rằng cha Đa Minh đã bị thôi thúc bởi chính khát vọng của Đức Kitô, khi phải đối mặt với những chia rẽ làm biến dạng Giáo hội trong thời của cha, và gây nguy hiểm cho sứ vụ truyền giáo của cha. Sức mạnh của khát vọng này – khát vọng đã dẫn Đức Giêsu đến việc tự nguyện hoàn toàn từ bỏ chính mình, thậm chí chết trên Thập giá – đã trở thành cội nguồn làm nảy sinh lời cầu nguyện không ngừng và nhân cách của cha Đa Minh: đồng nhất đời mình với cuộc đời độc đáo của Chúa Con, được trao tặng một lần cho tất cả, để toàn thế giới được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Những bức tranh miêu tả cha Đa Minh an bình ôm thánh giá Đức Kitô, hoặc miệt mài nghiền ngẫm Lời được mặc khải qua các trang Thánh Kinh, cho chúng ta thấy rằng, ngoại trừ những lúc bệnh tật, cha thánh đều muốn đồng hóa mình với Đức Kitô, để điều chỉnh khát vọng loan báo Tin Mừng của mình phù hợp với mong muốn của Đức Kitô. Ước mơ của cha Đa Minh là sẽ có một Giáo hội với nền móng bất biến, nghĩa là không ngừng loan báo Tin Mừng. Với cha Đa Minh, khát vọng đến với người Cumans không có nghĩa là ước muốn mở rộng Giáo hội, xét về khía cạnh lãnh thổ, quyền lực hay tầm ảnh hưởng, hoặc thậm chí là trổi vượt hơn các tôn giáo khác; nhưng đúng hơn, đó là khát vọng được sinh ra từ tình yêu dành cho toàn thế giới, thứ tình yêu mong muốn được đào sâu đến mức đồng nhất với tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại. Đó cũng là khát vọng, mà nhờ hiểu biết về Đấng Tạo Hóa, thì cũng nhận thức được rằng, thế giới loài người có khả năng mở rộng lòng hiếu khách hướng đến mọi người trong một sự hiệp thông duy nhất, và hướng đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình, trong một lịch sử chung của dân được Thiên Chúa yêu thương.
Vì lý do này, cha Đa Minh luôn thao thức về một Giáo hội liên tục “lên đường”. Chính cha đã cảm nghiệm được điều này khi đi rao giảng, cha nhận ra lời mời gọi trở thành một người anh em ngay trong chức vụ giáo sĩ của mình, mặc dù từ thời niên thiếu đã được đào tạo để trở thành một giáo sĩ, rồi trở thành một kinh sĩ. Sau đó, cha nhận ra rằng, chức vụ này đã trang bị cho cha nhiều điều biết bao, để phục vụ một Giáo hội luôn trong tình trạng chưa hoàn thành và đang mang Lời vượt ra khỏi những biên cương. Đối với cha, khát vọng này gây nên một nỗi ưu tư buồn phiền trào dâng trong nhiều đêm và trong những lời cầu nguyện. Cha biết rằng sự hiệp thông trong cùng một Vương quốc duy nhất đang mở ra cho tất cả mọi người, đòi hỏi phải đi ra gặp gỡ người nghèo và người tội lỗi, kẻ lạc giáo và cả dân ngoại. Giáo hội mà cha Đa Minh muốn phục vụ là một Giáo hội tha thứ, hòa giải và hiệp thông. Một Giáo hội “lên đường” cũng là một Giáo hội được xây dựng trong tất cả sự đa dạng nhờ lời rao giảng. Thật vậy, nhờ tài trực giác, đáp lại những người đến với mình, cha Đa Minh từng bước hình thành xung quanh mình một “gia đình giảng thuyết”; trong sứ vụ “giảng thuyết thánh” này, tất cả sẽ làm việc cùng nhau để loan báo Tin Mừng, miễn là mỗi người giữ một vai trò và một địa vị riêng, tùy theo tình hình và ủy nhiệm của Giáo hội và cũng theo chương trình đào tạo của chính họ. Tất cả sẽ được thúc đẩy bởi cùng một lòng khát khao đóng góp không ngừng vào việc xây dựng Giáo hội. Giáo hội sẽ ngày càng trở thành người bạn của thế giới, thông qua việc công bố về Vương quốc, loan báo ơn tha thứ, sự hòa giải và bình an. Họa theo cha Đa Minh, người đã đồng bàn với chủ quán trọ, hay ở giữa anh em tại bàn ăn nơi xảy ra “phép lạ bánh”, nhờ dấu chỉ tình huynh đệ, họ cũng sẽ mời tất cả mọi người ngồi lại với nhau tại Bàn tiệc Vương quốc. Tình huynh đệ ở đây là dấu chỉ của một Giáo hội hiệp thông.
Giáo hội mà cha Đa Minh mong muốn dấn thân cả đời và kêu gọi anh chị em cùng làm với cha là một Giáo hội huynh đệ và thân thiện, được thúc đẩy bởi mối dây liên kết tình thân sâu sắc giữa các phần tử và với toàn thể dân Thiên Chúa bên ngoài ranh giới của mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với những anh em tham dự Tổng hội năm 2016 rằng, nơi nhà giảng thuyết được sai đến phải được coi là “vùng đất thánh”, nơi của sự thánh thiện. Do đó, cha Đa Minh đã mang lại cho lời giảng của mình những chân trời chiêm niệm về ân sủng Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử thế giới, thường vượt quá giới hạn hữu hình của Giáo hội, cũng như chân trời “hoán cải tông đồ”. Thực ra, chân trời “hoán cải tông đồ” này được bén rễ nơi tinh thần liên đới mà sứ mạng giảng thuyết mời gọi cha dấn thân cả đời. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Chúng tôi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa” (1Tx 2,8). Vì vậy, việc tái cấu trúc Giáo hội luôn luôn nhằm mục đích thúc đẩy và nuôi dưỡng tình yêu cộng đoàn cho tất cả mọi người.
Theo nghĩa này, chúng ta có thể hiểu lời chuyển cầu là một việc cần thiết để củng cố các cộng đoàn huynh đệ của chúng ta. Lời chuyển cầu này gợi ra một tiến trình kép về sự đồng nhất: một mặt, đồng nhất mình với những người mà chúng ta đang cầu khẩn Chúa cho họ; mặt khác, đồng nhất với Đấng đang cầu khẩn cho thế giới. Từ quan điểm chung này, chúng ta có thể nhận ra được chiều kích chiêm niệm trong lời cầu nguyện của cha Đa Minh là nói với Chúa về thế giới. Cha không ngừng chiêm ngắm mầu nhiệm lòng thương xót, vốn là cốt lõi mở ra “chương trình sáng tạo liên tục”. Lời kinh phụng vụ, lời kinh quá quen thuộc với cha Đa Minh đã góp phần lập ra cộng đoàn “giảng thuyết thánh”, qua việc hòa quyện lối sống chiêm niệm với những lời chuyển cầu, vốn được bén rễ sâu trong việc lắng nghe mầu nhiệm cứu độ trong lịch sử loài người như Thánh Kinh đã mặc khải.
6. Lao mình vào hoạt động của ân sủng: trong sự can thiệp của Thiên Chúa
“Khi đã để cho xác thịt tuân theo tinh thần và cảm xúc tuân theo lý trí, cha trở nên một và cùng tinh thần với Thiên Chúa, và dành hết tâm trí sức lực để tìm kiếm Người. Hơn nữa, vì luôn mong mỏi thực thi lòng thương xót, cha chưa bao giờ bỏ qua tình yêu thương đối với người thân cận của mình.” 22
Chúng ta muốn nói cha Đa Minh là một người rao giảng ân sủng. Suốt cả cuộc đời, cha chỉ khao khát được sống cuộc đời của Đức Kitô, vị Giảng Thuyết, đến nỗi cha có thể tự mình nói lại những lời của thánh Phaolô: “Tôi giảng, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô giảng trong tôi” (x. Gl 2,20). Để làm được điều đó, cha Đa Minh muốn được “lao mình” vào Lời, để Lời lay động nỗi khát khao trong tâm hồn mình, bởi vì Lời đã kêu gọi đích danh mỗi người. Cuộc lao mình này nối tiếp cuộc lao mình trong phép rửa, như một ơn gọi sống niềm vui và hy vọng của Tin Mừng. Tuy nhiên, đồng thời đó cũng là một lời mời, khơi lên niềm khát khao chân thành để mọi người được sống. Do đó, đây vừa là “ơn gọi của chính mình” khi cảm nghiệm được lòng thương xót, vừa là một lời kêu mời người khác trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Cha Đa Minh đã cảm nghiệm rằng việc lao mình vào Lời là một sự lao mình với trọn vẹn nhân tính, tức là cam kết với toàn bộ thân thể; tất nhiên, đó là thân thể của mỗi người, nơi những cảm nghiệm tâm hồn được nhập thể: từ quan điểm này, phạm vi “phổ quát” và “trọn vẹn” của ơn gọi loan báo Tin Mừng được bày tỏ. Tuy nhiên, đó cũng có nghĩa là thân thể của Giáo hội. Cộng đoàn là nơi điều chỉnh thân thể Giáo hội. Đó là nơi kinh nghiệm được những giới hạn và sự bất toàn, khi mỗi người sống trong cộng đoàn. Mỗi người có thể kiểm chứng khả năng cho phép cộng đoàn, mà họ thuộc về và đang sinh sống, trở thành một cộng đoàn “đang lên đường”: tiến trình của việc hoán cải, tiến trình canh tân con người, tiến trình như dấu chỉ của sự hiệp thông (“khát vọng sâu xa về sự hòa hợp huynh đệ”).23 Lối sống khó nghèo khất thực có lẽ là một lời nhắc nhở đối với những tiến trình cần thực hiện…
Được lao mình vào trong Lời, được lao mình vào nhân loại: đó là hai con đường dẫn tới sự thánh thiện. Con đường thứ ba mà cha Đa Minh đề ra là con đường tri thức: tri thức là nơi chúng ta có được những cấu trúc mang chiều kích cánh chung của lý trí. “Chân lý không thay đổi, nó chỉ lớn lên” (Lacordaire). Qủa thật, tri thức là nơi chúng ta có thể thấy được tầm mức vô biên của chân lý. Nó cho phép mỗi người định hình vững chắc cho đức tin của mình, để không rơi vào những ý kiến sai lạc về đức tin. Cuối cùng, cha Đa Minh tin chắc rằng, bằng cách quan tâm học hỏi Lời và những đạo lý đúng đắn, những nỗ lực về mặt tri thức – tìm kiếm sự thật – sẽ là con đường giải phóng chúng ta ra khỏi những đạo lý làm lầm đường lạc bước, và là cánh cửa dẫn đến việc gẫm suy chân lý có sức giải thoát. Tri thức không bị “đóng khung”, nhưng không ngừng tìm kiếm sự thật, khi chiêm ngắm nhiệm cục cứu độ trong lịch sử. Sự mặc khải diễn ra trong lịch sử cho thấy rằng, đối với nhà giảng thuyết, lịch sử là nơi đầu tiên để chiêm ngưỡng ân sủng, một “vùng đất thánh”, nơi các nhà giảng thuyết được sai đến để lắng nghe Lời. Do đó, con đường thứ ba này là nơi sự thánh thiện gặp được trí tuệ, bởi vì dưới ánh sáng của ân sủng, sự thánh thiện gặp được con người. Tri thức gặp được con người trong chính bối cảnh lịch sử của họ, bởi vì sứ vụ của tri thức trong lịch sử là khơi dậy một đức tin đơn giản hơn, nhưng rạng ngời hơn rất nhiều!
7. Cha Đa Minh, vị thánh cho ngày hôm nay
Trong lá thư đề ngày 11 tháng 2 năm 1218, Đức Giáo hoàng Honoriô III đã giới thiệu Dòng như sau:
“Chúng tôi cầu xin lòng nhiệt thành của quý vị và không ngừng khuyến khích quý vị, khi gửi đến quý vị tông thư này, chúng tôi tha thiết mời gọi quý vị, cùng với chúng tôi hãy nâng đỡ anh em Dòng Giảng Thuyết, là những người mà chúng tôi tin rằng, sứ vụ của họ có ích lợi và đời sống tu trì của họ làm vui lòng Chúa; tất cả vì lòng tôn kính đối với chúng tôi và với Tông Tòa.”
Vào giai đoạn mà Giáo hội được mời gọi không ngừng canh tân lòng nhiệt thành truyền giáo, và như thế sống được niềm vui bước đi vì luôn trong “tình trạng truyền giáo”, chứng từ về sự thánh thiện của cha Đa Minh lại không phải là lời mời gọi đối với tất cả chúng ta ngày hôm nay hay sao? Ngoài việc ghi nhớ ngày mất của cha Đa Minh, ngày 6 tháng 8 năm 1221, việc cử hành năm 2021 có thể là một cơ hội thuận lợi để Dòng chia sẻ với Giáo hội gia sản đã nhận được từ cha thánh Đa Minh: cam kết dấn thân cho công cuộc truyền giáo mở ra cho mỗi tín hữu một con đường, qua đó sống niềm vui được “điều chỉnh” theo Đức Giêsu, vị Giảng Thuyết.
Là một nhà giảng thuyết, cha Đa Minh đã nhận được ân sủng của đời sống thánh thiện. Đây cũng là con đường mở ra cho anh chị em, con cái của cha. Bởi đó, sự thánh thiện của cha Đa Minh được lan rộng ra nơi sự thánh thiện của con cái cha, trong những bối cảnh và nơi chốn, mà anh chị em được sai đến để giảng thuyết, công bố Lời và đóng góp cho thiện ích của nhân loại. Như cha Đa Minh, các ngài đã quan tâm đến các dấu chỉ thời đại và mong muốn phục vụ sự hiệp thông của nhân loại và của Giáo hội. Qua việc cùng nhau tham dự vào một đời sống cầu nguyện liên lỉ cho thế giới, và trong cam kết quảng đại đối với tình huynh đệ và khao khát truy tầm chân lý, các ngài đã trở nên những tông đồ, giống cha thánh Đa Minh hoặc thánh Vinh Sơn Phêriê, nên những vị thánh tiến sĩ, như thánh Tôma Aquinô hoặc thánh Catarina Siêna, nên những vị tử đạo, như thánh Phêrô Vêrôna.
Những năm gần đây, một số nhân vật khác cũng được biết đến như là chứng nhân về sự thánh thiện qua việc giảng thuyết, chẳng hạn, anh Jean Joseph Lataste, vị tông đồ của tù nhân; anh Pier Giorgio Frassati, “con người của các mối phúc”, một gương mẫu tuyệt vời cho giới trẻ ngày nay, anh Giuseppe Girotti, tử đạo dưới thời Quốc xã; chân phước Marie Pousssepin, vị tông đồ truyền giáo không mệt mỏi về lòng bác ái; chân phước Marie-Alphonsine Ghattas với một tổ chức gây quỹ táo bạo ở Trung Đông … Gần đây, có anh Pierre Claverie, Giám mục Oran, được coi là vị tử đạo cùng với 18 đồng bạn tại Algeria. Tất cả các vị thánh và chân phước này đã cùng họa nên mẫu gương về sự thánh thiện, vẫn liên tục được cổ võ trong Dòng kể từ ngày cha Đa Minh được tuyên thánh năm 1234; đó là bộ ba: giảng thuyết, tiến sĩ và tử đạo. Sắp tới đây, Dòng sẽ cung cấp cho Giáo hội những chứng từ về đời sống thánh thiện của anh Marie-Joseph Lagrange, anh Giorgio La Pira, một giáo dân hy sinh mạng sống để phục vụ cho thiện ích chung, anh Bartolome de Las Casas, và anh Girolamo Savonarola. Cùng với các vị, rất nhiều anh chị em, tu sĩ và giáo dân đã tìm thấy được nguồn hứng khởi nơi cha thánh Đa Minh, để cam kết dấn thân phục vụ Tin Mừng, và tìm thấy chính mình qua việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Vương quốc. Thánh Đa Minh, sự thánh thiện cho ngày hôm nay!
Với lòng biết ơn sâu sắc con đường thánh thiện mà thánh Đa Minh đã mở ra cho chúng ta, chúng ta sẽ dành một năm kỷ niệm ngày cha lìa trần, bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 năm 2021 đến ngày 6 tháng 1 năm 2022.
Chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn vì con đường thánh thiện mà cha đã mở ra cho chúng ta. Đó là con đường mà chúng ta, những nhà giảng thuyết, khao khát tiến tới sự nên thánh. Chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn vì những chứng từ của rất nhiều anh chị em, mà sự thánh thiện của họ được Giáo hội đón nhận như món quà quý giá gửi đến cho tất cả con cái mình. Chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn vì lời chuyển cầu của cha Đa Minh trước nhan Chúa như lời đã hứa cho những anh em đang khóc thương cha; chính lời chuyển cầu ấy cũng là sức mạnh cho việc giảng thuyết thánh ngày hôm nay. Và chúng ta sẽ dâng lời tạ ơn với ý thức sâu sắc rằng, một lần nữa, việc cử hành kỷ niệm này cũng là một lời cầu nguyện: rằng nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của những nhà Giảng Thuyết, và nhờ lời chuyển cầu của thánh Đa Minh, anh chị em trong Dòng, giáo dân và tu sĩ, hoạt động và chiêm niệm sẽ củng cố sứ vụ “giảng thuyết thánh” qua việc phục vụ nhân loại và Giáo hội.
Tu Viện Santa Sabina, ngày 6 tháng 8 năm 2018,
Người anh em trong thánh phụ Đa Minh,
Fr. Bruno Cadoré, O.P.
Tổng quyền Dòng Giảng Thuyết
Hy Vọng Lạ Lùng
Hy vọng cha ban thật lạ lùng
cho người thương khóc lúc lâm chung
sau khi vĩnh biệt nơi trần thế
cha hứa phù trì giữ tín trung.
Đời sống của cha thật rỡ ràng,
bao nhiêu phép lạ rất vẻ vang
cho người đau yếu ơn lành bệnh
cho kẻ ưu phiền sức ủi an.
Xin cha chuyển đạt ơn phù trợ
của Chúa Giêsu đến chúng con,
nâng đỡ tinh thần khi yếu đuối
tiếp thêm sức mạnh lúc hao mòn.
Xin cha thực hiện như lời hứa
nguyện Chúa nhân từ giúp chúng con
noi gương tông đồ qua giảng thuyết
đem Lời Thiên Chúa đến dương gian.
Học viện Đa Minh chuyển ngữ
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ