Ơn gọi, khám phá Tên của Người mà tôi yêu mến

108 lượt xem 13 Tháng Năm, 2019

Trong tình yêu, điều phức tạp trở thành đơn giản, và điều giản đơn bỗng hóa phức tạp. Do đó, tôi mời bạn đi vào câu chuyện đơn sơ này theo lối giới thiệu phức tạp. Nói đến tình yêu, không chỉ có đôi lứa, mà còn có gia đình. Cũng thế, nói đến ơn gọi, ngay lập tức nói đến Thầy Giêsu và Giáo Hội là Dân Chúa. Thầy Giêsu kêu gọi bạn để phục vụ Dân Chúa. Lẽ sống và ý nghĩa của Giáo Hội là ở nơi một con người cụ thể, với một cái tên cụ thể: đó là Chúa Giêsu Kitô[1]. Nếu như trong cuộc tình, người ta tìm hiểu đối phương kỹ lưỡng thế nào, thì trong ơn gọi, người môn đệ cũng tìm hiểu Thầy của mình chẳng hề thua kém.

Sẽ thật là khó hiểu, nếu bạn nói rằng yêu một người, mà lại chưa biết tên người ấy! Bạn có thể thấy có nhiều cách gọi tên Thầy Giêsu mà ta vẫn thường sử dụng: Thầy Giêsu, Chúa Giêsu, Đức Kitô, Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng, tại sao tên gọi Giêsu và tước hiệu Kitô lại đi chung với nhau? Lời đáp của tôi không hề dễ dàng, mà là tiến trình khá phức tạp. Đó là kinh nghiệm nhận biết Thầy Giêsu trong cuộc đời. Đó là những tìm hiểu có tính khám phá về “Chúa Giêsu lịch sử và Đức Kitô của niềm tin”. Đó là một lối tiếp cận để hiểu Đức Giêsu Kitô. Sự dẫn nhập phức tạp này là để khởi đầu cho câu chuyện đơn sơ.

  1. Chúa Giêsu đến trong đời tôi từng bước từng bước

Hồi nhỏ, tôi rất thích các câu chuyện dụ ngôn Thầy Giêsu kể trong Tin Mừng. Nhiều lần tôi hiểu, nhiều lần chẳng hiểu gì, và tuổi thơ là thế. Thật là vui! Ví dụ là dụ ngôn về hạt giống (Mc 4:26-34), Nước Trời tựa như hạt giống lớn lên. Tôi hiểu ngay vì mẹ tôi làm nghề nông. Nhưng dụ ngôn kho báu chôn giấu trong ruộng (Mt 13:44-46) làm tôi khó hiểu. Tôi tự hỏi, tại sao người đó khi thấy kho báu trong ruộng, không lấy ngay, mà còn phải làm rất nhiều bước: nào là ra đi, vui mừng, bán hết những gì mình có để mua thửa ruộng ấy. Những tư tưởng ấy quá phức tạp với trí khôn một đứa trẻ. Nhưng, Nước Trời là thế! Nhiều năm sau, tôi mới chợt hiểu, người ấy không thể lấy ngay kho tàng được, vì thửa ruộng không phải là của ông. Nếu ông lấy ngay, khi chưa mua ruộng, ông ấy sẽ trở thành người ăn trộm. Thế thế thì xấu quá! Do đó, tôi được dụ ngôn ấy thuyết phục, vì người đàn ông ấy không chỉ may mắn, thông minh mà còn rất tốt nữa. Đó là cách đơn sơ mà Lời của Chúa đến với tôi. Hồi ấy, với tôi, Chúa Giêsu là người rất tốt lành, khôn ngoan, thông minh, rất gần gũi với dân chúng để kể cho mọi người những câu chuyện ý nghĩa, để giúp đỡ mọi người không loại trừ một ai.

Trong làng tôi, có rất đông người Công Giáo, nhưng cũng có nhiều tôn giáo bạn. Chúng tôi tuy khác nhau, nhưng sống rất hòa đồng. Bởi vì chúng tôi có chung tiếng mẹ đẻ, chung văn hóa, chung truyền thống. Nhiều lần người ta hỏi tôi: Bạn theo đạo nào? Tôi đáp: Đạo Thiên Chúa. Trong đất nước tôi, chúng tôi sử dụng nhiều tên gọi khác nhau và không mấy phân biệt: bên Đạo, đạo Chúa, đạo Thiên Chúa, đạo Công Giáo, người Kitô giáo. Hồi còn nhỏ, tôi cũng chẳng có biết phân biệt gì giữa các tên gọi ấy, tôi thấy dều như nhau.

Nhiều năm sau, tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh với lối nhìn và tư duy phê phán để học hành tìm hiểu. Tôi biết rằng, các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu, đó là tại Antiokia (Cv 11:26). Khi đọc thư của thánh Phaolo, tôi khá ngạc nhiên về cách gọi tên: khi thì là Đức Giêsu Kitô, khi thì là Đức Kitô Giêsu. Có một số chú giải rằng, khi nói Đức Giêsu Kitô có ý muốn nhấn mạnh đến nhân tính, còn khi nói Đức Kitô Giêsu có ý muốn nhấn mạnh đến thiên tính. Thế nhưng, đối với tôi, tước hiệu và tên gọi ấy vẫn còn rất khó hiểu và lạ lẫm. Khó, bởi vì tước hiệu ấy đến từ một truyền thống và văn hóa rất xa xôi với chúng tôi. Lạ, bởi vì với chúng tôi, chỉ có các bậc vua chúa mới lấy tước hiệu này nọ. Và vua chúa là những vị rất xa cách người dân. Thế mà, đối với tôi, Thầy Giêsu rất gần gũi, ở giữa chúng tôi, ngự trong tâm hồn chúng tôi.

  1. Tại sao hiểu Kinh Thánh lại dễ hơn hiểu thần học

Suốt thời học cấp ba và học đại học, nhiều lần tôi suy nghĩ nghiêm túc về đức tin, nhưng tôi vẫn không thể hiểu tước hiệu Kitô. Tôi bận tâm rằng, làm thế nào để hiểu những giải thích về đức tin trong khi vẫn có thể cầu nguyện bằng Kinh Thánh. Thời là sinh viên đại học, tôi thấy Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI xuất bản cuốn sách Đức Giêsu thành Nazaret. Lòng rất hào hứng, tôi đã tìm đọc, tìm mua. Nhưng mẹ ơi, cụt hết cả hứng! Tôi đọc mà hầu như chẳng hiểu gì. Có quá nhiều từ ngữ chuyên môn của triết học châu Âu và thần học Đức. Tôi chỉ hiểu thiện ý của Đức Thánh Cha nói trong lời tựa. Đại ý, là ngài muốn chia sẻ kinh nghiệm và suy tư cá nhân của ngài về Chúa Giêsu. Đồng thời, ngài muốn chia sẻ với mọi người, sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác nhau về cuốn sách.[2] Tôi hiểu được ý tốt của Đức Thánh Cha, nhưng mà đọc sách thì tôi chẳng hiểu. Thật là quá khác biệt giữa phương Tây và phương Đông (hay còn gọi là viễn Đông)! Lúc ấy, tôi hiểu được rằng, tạ sao trong thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo châu Âu đến đất Việt, các vị đã hiểu lầm nhiều điều về văn hóa, phong tục, nghi lễ, lối sống, lối nghĩ của chúng ta.

Một năm sau tốt nghiệp đại học, tôi vào Nhà Tập Dòng Tên. Trong tháng thực hành Linh Thao, tôi có nhiều thời gian và không gian để phản tỉnh về tất cả cuộc đời, trong từng khoảnh khắc, cả điểm sáng lẫn điểm tối, những lúc mừng vui và những khi sầu buồn, nhưng lúc hạnh phúc đầy tràn và cả những trống rỗng khôn nguôi… Cầu nguyện trước Chúa Giêsu Hài Đồng trong nhà nguyện nhỏ. Thật tĩnh lặng! Chỉ có Ngài và tôi trong lặng thinh. Đến một lúc, có ý tưởng và cảm nhận chợt đến, chất vấn tôi. Làm thế nào để hiểu được câu chuyện này: bằng cách nào mà Thiên Chúa quyền năng có thể trở nên một em bé nghèo? Không thể nào! Hãy nhìn xem, đây là một em bé, một em bé đơn sơ đẹp đẽ. Nhưng em bé nào làm sao lại là Thiên Chúa của tôi được? Ngay lập tức, tôi cảm thấy có điều gì đó khác, có điều gì đó làm tôi tự nhận biết về bản thân mình theo một cách khác. Bởi lẽ, sự thường, tôi đọc kinh Tin Kính và tuyên xưng rằng: Tôi tin một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.

  1. Tại sao Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người

Tôi chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận ấy với Cha Giáo Tập với ước mong có thể nhận được sự hướng dẫn nào đó. Cha Giáo đáp lại tôi cách ngắn gọn: “Đúng thế, đây là đức tin của chúng ta, đây là đức tin của Hội Thánh, và đây là con đường mà Thiên Chúa đã chịn để đến với chúng ta và ở giữa chúng ta.” Một cách lịch sự, Cha hỏi lại tôi: “Thế con có tin không?”. Tôi đáp: “Con tin, nhưng mà con chưa hiểu”. Hình ảnh về Chúa Giêsu Hài Đồng tiếp tục ở lại trong tâm hồn tôi! Nhiều ngày sau, vào một buổi chiều, trong giờ chầu Thánh Thể, trước Chúa Giêsu Thánh Thể và Chúa Giêsu trên Thập Giá, trong khi đang cầu nguyện cùng thư của Thánh Phaolo (Philiphe 2:6-11), những tia sáng đã đến trong tâm hồn và trí khôn tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên: Đây chính là con đường của Đấng là Thiên Chúa quyền năng từ trời cao, đã đến làm người trong một hài nhi bé nhỏ, rồi sau đó, Ngài bị treo trên thập giá, rồi sống lại hiển vinh. Đây là con đường của Tình Yêu. Tôi nhớ Tin Mừng của thánh Gioan: Ánh Sáng là Ngôi Lời vốn ở cùng Thiên Chúa, Ngôi Lời đã làm người, và trở thành ánh sáng cho trần gian. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất vui và bình an, nhẹ nhàng. Ngay lập tức, tôi ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và hình như Ngài nở một nụ cười nhẹ. Tôi hơi lo lắng một chút, vì tâm tình của mình không biết có thích hợp chăng? Tôi kể cho Cha Giáo, và Cha khích lệ rằng: Đó là ơn ban của Chúa.

Sau kỳ Linh Thao, tôi được biết rằng, trong lâu đài của thánh Phanxico Xavie tại Tây Ban Nha, có một cây Thánh Giá gỗ, và trên đó, Chúa Giêsu mỉm cười (thế kỷ 13). Điều này lại càng làm cho tôi thêm vui. Mấy ngày sau, tôi trở lại đọc cuốn sách của Đức Benedicto XVI về Đức Giêsu thành Nazaret. Thực sự, tôi cảm giác như thể là điều gì đó lạ lùng lắm: tôi có thể hiểu được những nội dung được viết ở đó. Đúng là đức mến và đức tin sâu xa hơn cả ngôn ngữ và văn hóa, ánh sáng của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn lý trí của con người, kinh nghiệm quan trọng hơn nghiên cứu. Tôi cảm thấy được đánh động rất mạnh nơi câu mà Đức Thánh Cha viết: “Chúa Giêsu đã chẳng khi nào sử dụng tước hiệu Kitô cho chính bản thân mình. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Kitô thì Chúa nói với các môn đệ là giữ lặng thinh. Cho đến trên thập giá, trước toàn dân thiên hạ, tước hiệu Kitô, Vua dân Do thái, được tỏ hiện. Tại đây, một cách lặng lẽ, tước hiệu ấy được viết ra trong ba ngôn ngữ của thế giới (Ga 19:19) (tiếng Do thái, Hy lạp, Latinh), và cho tới lúc ấy, chẳng còn gì hàm hồ về tước hiệu này. Thập giá trở nên như ngai báu giải thích một cách chính xác tước hiệu. Đức Vua ngự trên cây gỗ, Thiên Chúa trị vì từ trên ngai “cây gỗ thập tự giá”, và Giáo Hội thời xưa đã cử hành như thế về vương quyền mới”[3]. Đến khúc này, tôi được gợi nhớ lại cái đêm cầu nguyện lặng lẽ trước Chúa Giêsu Hài Đồng, và tôi đã có thể cảm thấy sức nồng ấm của tình yêu mến mà Ngài đã ban cho thế giới lạnh lẽo này.

  1. Có cần học thần học hay không?

Tôi đã bắt đầu học hành từ Tập Viện, sau đó là học triết tại Học Viện với một lối nhìn mới. Lúc ấy, tôi quan tâm đến mối tương quan giữa ngôn ngữ và kinh nghiệm, giữa kinh nghiệm nhân sinh và kinh nghiệm thiêng liêng, giữa lý trí và đức tin, giữa sự khủng hoảng và sự lớn lên. Tôi phản tỉnh lại kinh nghiệm của bản thân rằng: Tại sao tôi có thể hiểu được cuốn sách của Đức Benedicto XVI trong khi tôi thực sự không biết về các thuật ngữ chuyên môn? Theo như tôi nghĩ, các thuật ngữ chuyên môn là những công cụ để diễn tả ý tưởng và kinh nghiệm. Đức tin và kinh nghiệm thì luôn phong phú và sâu xa hơn những thuật ngữ chuyên ngành mà con người đã chế ra để diễn tả ý của họ và để thực hiện việc truyền thông, giao tiếp, hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu kinh nghiệm mà không được diễn tả, thì không thể giúp hiểu được kinh nghiệm ấy là gì. Ngược lại, nếu có ngôn ngữ, có những diễn tả, mà không có kinh nghiệm, thì đó chỉ là những ngôn từ trống rỗng. Nước Thiên Chúa tựa như một thực tại gồm 3 chìa khóa đi cùng nhau: đức tin, đức cậy, đức mến. Đức tin tựa như cánh cửa. Nếu không có cánh cửa này, thì không thể đi vào thực tại. Đức cậy tựa như thức ăn cần thiết cho cuộc hành trình. Đức mến thì như hơi thở của sự sống. Tuy nhiên, nếu không có Chúa Giêsu Kitô thì 3 chìa khóa này không thể hoạt động. Đây chính là mầu nhiệm vĩ đại và đơn sơ: “Ngài đã hạ sinh vì chúng con, ôi Hài Nhi bé nhỏ, lạy Chúa Trời hằng hữu!”[4]. Bằng con đường nhập thể, bằng cuộc đời thinh lặng và gần gũi, với thập giá và sự phục sinh, trong tình yêu lớn lao và cụ thể, Ngài đã mở ra một thực tại mới.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi rằng, tại sao đã có quá nhiều tranh luận như thế về đức tin. Phải chăng, mỗi người đã nói, đã khẳng định chỉ từ ý kiến của họ, đi từ quan điểm của riêng họ, từ kinh nghiệm cá nhân, từ nền văn hóa đặc thù của họ. Như thế, có cần không, và có thể không, khi học về đức tin? Tôi nghĩ rằng cần, vì các vị thánh lớn như Augustino, Toma, Anselmo đã từng học hành rất nghiêm chỉnh. Thánh Inhaxio Loyola cũng học hành nhiều năm, và còn nói rằng, mọi tu sĩ Dòng Tên cần phải học hành nghiêm chỉnh trong suốt thời gian huấn luyện, và ngay cả sau đó, để có thể khám phá thấy sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo Hội, để phục vụ đức tin và thăng tiến công bình trong thế giới.

  1. Đức Kitô (Messia): từ lịch sử của đức tin[5]

Chúng ta trở lại với Tin Mừng, và thấy rằng, ngay từ đầu, có rất nhiều ý kiến khác nhau về Chúa Giêsu. Dọc đường đi lên Gierusalem, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói thầy là ai?”. Có những câu trả lời rất khác nhau: “Có người nói là Gioan Tẩy Giả, người thì bảo là Elia, người lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Simon thưa: “Thầy là Đấng Kitô”[6]. Như thế, tước hiệu Kitô có nghĩa là gì?

Tước hiệu Kitô (Messia) thời Chúa Giêsu, không có một nghĩa xác định cụ thể. Thời Cựu Ước, niềm hy vọng không có một định hướng rõ: Đức Kitô có thể có nghĩa là Đấng Cứu Độ, có thể nghĩa là một vị Vua, có thể có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sai đến, có thể có nghĩa là Đấng Cứu Độ là Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoặc có nghĩa là vị Thượng Tế. Thời Chúa Giêsu, niềm hy vọng về Đấng Kitô cũng có thể khác nhau tùy từng nhóm: nhóm người nhiệt thành, thì mong một Đấng Kitô theo nghĩa chính trị, để giải phóng dân tộc; nhóm các thầy biệt phái thì mong một bậc thầy vĩ đại của Luật Mới…

Ngay cả ngày nay, vẫn có nhiều lối giải thích khác nhau về tước hiệu Kitô: nào là theo khuynh hướng như nhà chính trị, hoặc vị cứu chuộc tâm linh có thể mang lấy và chữa lành những khổ đau cho nhân loại, hoặc nhà giải phóng về tinh thần-đạo đức, hoặc từ các nhãn quan về tâm lý, nhân chủng học…

Có giải pháp mang tính phê bình văn chương được Wrede đề xuất. Theo ông, ý tưởng về Đấng Kitô được nói tới trong Tin Mừng, chẳng qua là một giáo thuyết được trình bày từ góc nhìn hậu biến cố Thương Khó và Phục Sinh. Theo ông, cuộc đời của Chúa Giêsu chẳng có gì liên quan đến tước hiệu Kitô cả. Do đó, tước hiệu Kitô của Chúa Giêsu không mang tính lịch sử, mà chỉ có ý nghĩa mang tính đức tin, được định hình từ Tin Mừng theo thánh Macco và từ truyền thống.

Thế nhưng, để đáp lại Wrede, có Schweitzer nói rất có lý. Theo ông, nếu không hiểu cuộc đời của Chúa Giêsu trong niềm hy vọng về Đấng Kitô, trong tước hiệu Đấng Kitô, thì làm sao có thể hiểu được lý do Chúa Giêsu bị giết chết. Tất cả bốn Tin Mừng đều đồng thanh xác nhận trong bản án titulus crucis “tấm bảng viết chữ treo trên thập giá”: “Giêsu, người Nazaret, Vua dân Do thái”[7]. Chúa Giêsu là Đấng Kitô chịu khổ nạn, chịu chết trên cây thập giá và đã phục sinh. Đó là trọng tâm lời tuyên xưng đầu tiên Kerigma của các Tông Đồ (1Cr 15:3-5; Cv 2:36). Nơi Chúa Giêsu, tước hiệu Kitô mang một ý nghĩa xác định và hoàn toàn mới.  

Như thế, tên gọi “Đức Giêsu Kitô” có nghĩa là “Đức Giêsu thành Nazaret, Vua dân Do thái”: Chúa Giêsu lịch sử (người thành Nazaret), Đức Kitô của đức tin (Vua dân Do thái: vị Vua trên thập giá, vì Tình Yêu). Ngài là Vua dân Do thái, tức là Ngài là Thiên Chúa hằng sống, bởi vì ngay từ đầu, dân Israel chẳng có vị vua nào khác ngoài Thiên Chúa (1Sam 8:6-7). Trong cuộc thương khó, quan Philato đã hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?”. Chúa Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” và “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:33-37). Cuối cùng, tôi thích nhất lời tuyên xưng của thánh Toma khi gặp Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20:28). Đây là lời tuyên xưng đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất, được cất lên trong giây phút Toma chạm vào vết thương của Đấng Phục Sinh, với đầy niềm xúc động và cảm mến[8].

Roma, Lễ Chúa Chiên Lành 2019
Tứ Quyết SJ

(Bài viết phiên bản gốc bằng tiếng Ý)

[1] Walter Kasper, Gesù il Cristo (Jesus der Christus), p. 10, (Editrice Queriniana 2016).

[2] Joseph Ratzinger Benedetto XVI, Gesù di Nazaret (Jesus von Nazareth – Von der Taufe im Jordan bis zur Verklärung), p. 20, Traduzione di Chicca Galli e Roberta Zuppet (Rizzoli 2007).

[3] Joseph Ratzinger Benedetto XVI, Gesù di Nazaret (Jesus von Nazareth – Von der Taufe im Jordan bis zur Verklärung), p. 369, (Rizzoli 2007).

[4] San Romano il Melode, Kontakion, 10, In diem Nativitatis Christi, Proemium: SC 110,50; Catechismo della Chiesa Cattolica, n.525, (Libreria Editrice Vaticana 2016).

[5] Walter Kasper, Gesù il Cristo (Jesus der Christus), p. 138-144, (Editrice Queriniana 2016).

[6] Mc 8:27-30; Mt 16:13-20; Lc 9,18-21.

[7] Mc 15:26; Mt 27:37; Lc 23:38; Ga 19:19.

[8] Joseph Ratzinger Benedetto XVI, Gesù di Nazaret (Jesus von Nazareth – Von der Taufe im Jordan bis zur Verklärung), p. 352, (Rizzoli 2007).