Hãy cầu nguyện với lòng can đảm
Ở bài đọc thứ nhất trích Xuất Hành, chúng ta thấy kinh nghiệm cầu nguyện của Môsê trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa khi thấy dân đi sai lạc đường lối Người truyền cho họ. Đức Chúa đã nói: Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Họ đã ra hư hỏng, đã đúc một con bê bằng vàng rồi sụp lạy chúng. Ông Mô-sê đã muốn làm dịu cơn giận của Chúa và nói với Người như “một người thầy đối với đồ đệ của mình”. Mô-sê đã cố gắng thuyết phục Thiên Chúa bằng sự dịu dàng mà cũng kiên quyết: lạy Chúa, xin nhớ lại những gì Người đã hứa với Abraham, với Isaac và Israel để làm cho hậu duệ của họ đông như sao trên trời. Lạy Chúa, xin đừng làm như thế đối với dân mà Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh cứu khỏi Ai-cập.
Còn Abraham, ông đã xin Thiên Chúa đừng phá huỷ thành Sodoma. Người cháu của Abrham là ông Lót ở trong thành đó. Abraham đã mặc cả với Đức Chúa: nếu thành ấy có 30, 20, rồi 10 người công chính thì sao. Sau cùng, chỉ gia đình cháu ông là những người công chính được cứu.
Bà Anna, mẹ của Samuel cũng là một mẫu gương cầu nguyện cho chúng ta noi theo. Bà bị khinh rẻ, bị hạ nhục vì không có con. Bà đã cầu xin Đức Chúa nhìn đến nỗi cơ cực của mình. Trong đau khổ, bà lên đền thờ cầu nguyện, môi bà mấp máy, lắp bắp, không phát ra tiếng. Bà ở cùng Đức Chúa cho đến khi thầy tư tế đến gần và tưởng rằng bà đang say rượu. Bà cầu nguyện để xin Chúa cho mình có một đứa con. Nỗi khốn khổ của người phụ nữ ấy đã được lắng nghe.
Còn người phụ nữ Canaan, bà không thuyết phục, không trả giá, không nài nỉ trong thinh lặng, nhưng bà tranh luận. Bà đến xin Chúa Giêsu chữa cho con gái mình. Lúc đầu, Chúa Giêsu bảo bà: tôi chỉ được sai đến với những người Israel, và không ai lấy bánh trên bàn của con cái mà cho chó con. Nhưng bà không sợ hãi, bà nài nỉ rằng: nhưng ngay cả chó con cũng được ăn những vụn bánh từ bàn rơi xuống. Bà không sợ hãi và bà nhận được điều bà muốn.
Can đảm bởi có lòng tin
Những con người ấy đã can đảm diện đối diện với Chúa khi cầu nguyện. Nhiều khi người ta thấy cách thức những con người ấy đấu tranh với Thiên Chúa để nài xin điều gì đó, người ta cảm tưởng rằng họ đang đối đầu với Người. Họ làm thế là bởi họ tin Thiên Chúa có thể ban tặng những ân sủng của Người.
Phải có thật nhiều can đảm và lòng tin, người ta mới cầu nguyện như thế. Nhưng nhiều lần, chúng ta lại thờ ơ, lãnh đạm. Nhiều người thường nói: xin cầu nguyện cho tôi vì tôi có vấn đề này, vấn đề kia. – Được rồi, tôi sẽ đọc hai kinh Lạy Cha, hai Kinh Kính Mừng, và rồi tôi để vấn đề ấy vào quên lãng. Lời cầu nguyện của dân ngoại không đi đến đâu cả. Lời cầu nguyện chân thật là lời cầu xin cùng Thiên Chúa. Khi phải chuyển cầu, tôi phải làm điều ấy với thật nhiều can đảm. Nhưng đôi khi, sự nghi ngờ có thể ập tới: tôi làm tất cả những điều này, nhưng sao mà biết được Thiên Chúa có nghe tôi không?” Chúng ta có một sự bảo đảm: Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu vĩ đại.
Chúa Giêsu – Đấng chuyển cầu vĩ đại
Chúa Giêsu đang ở cùng Chúa Cha và Người chuyển cầu cho chúng ta. Ngài đã từng hứa với tông đồ Phê-rô rằng thầy sẽ cầu nguyện cho lòng tin của anh không bị hư mất.
Ngay lúc này, Chúa Giêsu cũng chuyển cầu cho chúng ta như vậy. Khi tôi cầu nguyện, với sự thuyết phục, mặc cả, lắp bắp, hay tranh luận, thì chính Người chuyển cầu và thưa cùng Chúa Cha. Người nhìn thấy những lời khóc lóc than van và Ngài ban ân sủng. Khi chúng ta cầu nguyện, hãy nghĩ tưởng rằng chúng ta làm điều ấy cùng với Chúa Giêsu. Khi chúng ta chuyển cầu với lòng can đảm, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự bảo đảm của chúng ta, và đang chuyển cầu cho chúng ta.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta tiến bước trên hành trình này, hành trình của học hỏi và chuyển cầu. Khi ai đó xin chúng ta cầu nguyện, đừng chỉ dừng lại ở hai lời cầu nguyện mà thôi, đừng hờ hững, nhưng hãy cầu nguyện với tất cả sự nghiêm chỉnh, với tất cả con tim, trong sự hiện diện của Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu, Đấng chuyển cầu cho tất cả chúng ta trước mặt Chúa Cha.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”