Trong Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2015, ĐTC khẳng định: “Tìm kiếm hạnh phúc là một ước muốn chung của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi thời gian; bởi vì chính Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi người một ước muốn không thể phủ nhận đó là hạnh phúc. Tâm hồn chúng ta không ngừng tìm kiếm điều tốt đẹp, làm cho chúng ta thỏa mãn cơn khát vô tận”. Đây chính là hoài niệm vô hình về Đấng đã tạo dựng chúng ta, Đấng là tình yêu, niềm vui, sự bình an, sự thật, vẻ đẹp. Sau đây là 10 điểm suy tư của ĐGH về chủ đề hạnh phúc.
1.Khởi đầu của niềm vui là bắt đầu chú ý đến người khác
Con đường của hành phúc bắt đầu bằng việc lội ngược dòng: cần phải đi từ sự ích kỷ đến việc nghĩ đến người khác. Các thánh sống trong sa mạc đã nói: thật buồn khi con người chỉ nghĩ đến chính mình. ĐTC giải thích: “Khi đời sống nội tâm đóng kín cho chính lợi ích cá nhân và không còn chỗ cho người khác, chúng ta không hưởng sự ngọt ngào của tình yêu. Thực vậy người ta không thể hạnh phúc một mình.
ĐTC mời gọi khám phá lại lòng quảng đại, bởi vì “Thiên Chúa yêu thương những ai trao ban với niềm vui” (2Cr 9,7). Cần phải thắng cám dỗ đóng kín chính mình, sống cô lập, quá tự tin vào chính mình, bởi vì chúng ta cần tình huynh đệ. Cuộc sống có ý nghĩa khi “tìm kiếm điều tốt cho người thân cận”, ước muốn cho người khác hạnh phúc.
2.Xua tan sầu muộn
ĐTC thích trích dẫn một đoạn trong sách Huấn ca 14, 11.14: “Con ơi, nếu có thể hãy làm cho đời con được tốt đẹp…Đừng từ chối không hưởng một ngày hạnh phúc”. “Thiên Chúa muốn các con cái Người được hạnh phúc cả ở đời này nữa, mặc dù họ được kêu gọi để hưởng sự viên mãn trong cõi vĩnh cửu, vì Người đã tạo dựng nên mọi sự “cho chúng ta hưởng dùng”. Trong Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2015 ĐTC nhắc nhớ: “Kitô giáo không bao gồm một loạt những điều cấm, ngăn cản ước muốn hạnh phúc của con người, nhưng là một kế hoạch cuộc sống quyến rũ tâm hồn chúng ta. Bởi vậy Kitô hữu hãy xua đuổi cám dỗ thâm hiểm của sầu muộn. Thiên Chúa muốn điều tích cực cho chúng ta, đó là niềm vui đơn giản trong những điều bé nhỏ hàng ngày và không phải là những tù nhân của những biến chứng vô tận và những tư tưởng tiêu cực. Có một câu nói nổi tiếng: Sự thánh thiện đích thực đó là niềm vui, bởi vì một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”.
3.Không phải quyền lực, thành công hay tiền bạc, nhưng tình yêu mang lại niềm vui
ĐTC nhấn mạnh: “Hạnh phúc không phải là một thứ được mua ở siêu thị, hạnh phúc chỉ đến khi yêu và được yêu thương” (Hành hương Macerata-Loreta, 9/6/2018). “Khi chúng ta tìm kiếm thành công, niêm vui một cách ích kỷ, chúng ta tạo nên những thần tượng, chúng ta có thể trải nghiệm những giây phút say sưa thỏa mãn, nhưng đó là một cảm giác hài lòng giả dối; cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ, nó không bao giờ làm chúng ta hài lòng, chúng ta bị thúc đẩy tiếp tục tìm kiếm ngày càng nhiều hơn” (Sứ điệp gửi cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2014)
“Niềm vui không phải là sự say sưa trong một khoảnh khắc, nó là một điều khác! niềm vui thực sự không đến từ những cái có hoặc không, Không! Niềm vui được sinh ra từ cuộc gặp gỡ, từ mối tương quan với người khác, nảy sinh từ việc cảm nhận được đón nhận, được yêu và từ việc đón nhận, thấu hiểu và từ tình yêu; điều này không phải diễn ra trong một khoảnh khắc, nhưng từ điều khác, cái khác đó là một con người. Niềm vui nảy sinh từ một gặp gỡ vô điều kiện. Phù du, chốc lát không mang lại hạnh phúc, nhưng chỉ có tình yêu làm thỏa mãn cơn khát vô tận có trong chúng ta” (Huấn dụ dành cho các chủng sinh 6/7/2013)
4. Có óc hài hước
ĐTC khẳng định: “Con đường của niềm vui được thực hiện với óc hài hước: biết cười trong mọi sự, cười với người khác, và cười với chính mình, tất cả là nền tảng của con người, là một thái độ “gần với ân sủng”. Đó là niềm vui được Thánh Thần sinh ra. Không xa rời t hực tế, nhưng chúng ta có khả năng chiếu sáng cho người khác bằng một tinh thần tích cực và tràn đầy niềm hy vọng”.
ĐTC nói: “Khi chúng ta nhìn vào gương, hãy tự cười với mình, nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn. ĐGH Biển Đức XVI đã trích dẫn một câu nói của Chesterton: Bạn biết tại sao các thiên thần bay? Bởi vì các ngài nhẹ nhàng. Và ĐGH Biển Đức XVI nói thêm: Bởi vì chúng ta quá xem trọng bản thân, chúng ta có thể bay nhiều hơn một chút, nếu chúng ta không cho mình là người quá quan trọng”.
5. Lòng biết ơn
Niềm vui cũng là khả năng nhận ra những món quà chúng ta có được mỗi ngày. Đó là sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp cuộc sống, những điều vĩ đại và nhỏ bé lấp đầy những ngày sống của chúng ta. ĐTC đưa ra mẫu gương của thánh Phaxicô Assisi, người có khả năng động lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì cứng ngắc, hoặc hân hoan chúc tụng Thiên Chúa chỉ vì một ngọn gió nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt ngài (Tông huấn Gaudete et exsultate, 127)
“Đôi khi buồn rầu có liên hệ với sự vô ơn của chúng ta, vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình nên không thể nhận ra hồng ân của Thiên Chúa” (Gaudete et exsultate, 126). Ngược lại, sống niềm vui là “khả năng nếm cảm điều thiết yếu” với sự tiết độ và chia sẻ những gì mình có, luôn làm mới “sự ngạc nhiên mỗi ngày cho sự tốt lành, không làm cho mình trở nên nặng nề vì phàm ăn. Một tâm hồn biết nhận ra điều tốt đẹp, biết cám ơn và ngợi khen là một tâm hồn biết vui mừng” (Kinh Truyền Tin 29/01/2017)
6. Biết tha thứ và xin tha thứ
ĐTC nói về niềm vui của người biết tha thứ và xin tha thứ: “Trong một tâm hồn đầy giận dữ và hiềm thù không có chỗ cho hạnh phúc. Ai không biết tha thứ, thì làm cho chính mình bị tổn thương trước. Oán giận nảy sinh sầu khổ. Cội nguồn của niềm vui này là ở chỗ hiểu được rằng chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. ĐTC trích sách ngôn sứ Sophonia chương 3, câu 14,15:“Hãy vui lên, hãy hân hoan vì Thiên Chúa không kết án ngươi” nghĩa là “Thiên Chúa đã tha thứ cho ngươi, Người đã quên tội ngươi”.
ĐTC nói: “Nhưng thật không may, đôi khi chúng ta không nhận ra sự tha thứ của Thiên Chúa, điều này có thể thấy nơi những khuôn mặt buồn rầu của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ một triết gia đã nói: Các Kitô hữu nói rằng họ có một Đấng Cứu Chuộc; tôi tin điều họ nói, khi tôi nhìn thấy những khuôn mặt được cứu chuộc, niềm vui vì được cứu chuộc. Như thế, sự tha thứ đó là mở rộng trái tim, chia sẻ, trao ban ban sự thanh thản và an bình”.
7. Niềm vui dấn thân và nghỉ ngơi
ĐTC mời gọi chúng ta trải nghiệm niềm vui trong khi làm việc với người khác và vì người khác xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Nghĩa là dấn thân mỗi ngày với tinh thần của các Mối phúc: đây là “con đường của hạnh phúc đích thực” mà Chúa Giêsu đã chỉ ra. Đây là một cuộc cách mạng, một khuôn mẫu hạnh phúc đối lập với “tư tưởng thống trị”.
Những người hạnh phúc là những người sống khiêm nhường, giản dị, dành chỗ cho Thiên Chúa, biết khóc với người khác cũng như lỗi lầm của họ, luôn khiêm nhường, đấu tranh cho công lý, có lòng thương xót, gìn giữ con tim trong sạch, hoạt động cho bình an và luôn vui tươi, không oán giận ngay cả khi đau khổ, đáp trả điều xấu bằng điều tốt.
Các Mối phúc “không đòi hỏi những cử chỉ nổi bật”, không phải là những hành động anh hùng, nhưnng đó là một lối sống của những ai cần đến Thiên Chúa. Những người sống đơn giản, cũng hít thở bầu khí ô nhiễm của cái xấu trong thế giới, nhưng trong hành trình không bao giờ mất định hướng vào Chúa Giêsu”. Những người này luôn ở với Chúa Giêsu trong những lúc mệt mõi nhưng cũng ở với Ngài trong những giây phút nghỉ ngơi để đón nhận niềm vui và tiếp tục cuộc hành trình.
8. Cầu nguyện và tình huynh đệ
Con đường dẫn đến niềm vui đôi khi gặp khó khăn và thử thách làm cho chúng ta chán nản. ĐTC đưa ra hai chỉ dẫn để không đánh mất niềm hy vọng: kiên trì cầu nguyện và không đi một mình. ĐTC khẳng định: “Chúng ta có thể tin chắc rằng Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả đôi khi nó khô khan”. Cầu nguyện làm thay đổi thực tế, chúng ta không được quên điều này. Hoặc là thay đổi những sự kiện xung quanh ta hoặc là thay đổi tâm hồn chúng ta. Cầu nguyện là sự chiến thắng trên sự cô đơn và thất vọng.
Điều chỉ dẫn thứ hai đó là có một ai đó trong cuộc sống giúp chúng ta đứng dậy bởi vì Thiên Chúa cứu độ chúng ta từ một dân tộc. ĐTC nhắc nhở phải canh phòng không rơi vào cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa. Đừng để thế giới làm cho chúng ta tin rằng tốt hơn đi một mình. Một mình không bao giờ đến đích. Đúng vậy, bạn có thể đến và có thành công trong cuộc sống, nhưng không có tình yêu, không có bạn đồng hành, không thuộc về một dân, không có những kinh nghiệm tốt đẹp khi đi cùng với người khác. Không thể đi một mình.
9. Phó thác trong tay Thiên Chúa
Trong cuộc sống, có thời gian của thập giá, có những giây phút tối tăm làm cho chúng ta cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi và trong sự thinh lặng của Thiên Chúa hơn lúc nào hết chúng ta phải phó thác vào Chúa. Bước đầu tiên của niềm vui đó là sự bình an, một sự bình an sâu thẳm đến tứ việc phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Một “niềm vui siêu nhiên” không gì có thể phá hủy và nó “làm cho thích nghi và biến đổi, nó như một tia sáng xuất phát từ sự tin chắc” rằng “ân sủng của thiên Chúa không bao giờ kết thúc, lòng thương xót của Người không bao giờ vơi” bởi vì “lòng trung thành của Ngài vĩ đại”, như chính Chúa Giêsu nói: “Nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui” và “không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em”. “Tin Mừng là niềm vui của một người cha không muốn mất bất cứ đứa con nào của mình” (Evangelli gaudium, 237)
10. Biết mình được yêu thương
ĐTC khẳng định: “Niềm vui đích thực xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, từ việc tin rằng Ngài yêu thương chúng ta đến trao ban mạng sống vì chúng ta. Niềm vui là nhận biết được Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta. Niềm vui thích thực không phải là những nỗ lực của chúng ta mà của Thánh Thần, Ngài mời gọi chúng ta chỉ cần mở rộng con tim để Ngài làm tràn đầy hạnh phúc. Nếu chúng ta để Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi cái vỏ của mình và thay đổi cuộc sống, chúng ta có thể thực hiện điều mà thánh Phaolô nhắc nhở: ‘Anh em hãy vui luôn trong Chúa, tôi nhắc lại, hãy vui luôn’” (Gaudete et exsultate, 122). Bởi vậy niềm vui đó là lắng nghe Chúa nói: “Đối với Cha, con rất quan trọng, Cha yêu con. Niềm vui nảy sinh từ lúc cảm nhận: “được Thiên Chúa yêu, cảm nhận được rằng đối với Chúa chúng ta không phải là những con số mà là những con người; cảm nhận được Ngài kêu gọi chúng ta”.
ĐTC nói: “Các thánh không phải là siêu nhân, nhưng là những người đã khám phá ra bí mật của hạnh phúc đích thực, hạnh phúc này ngự trị tận sâu thẳm tâm hồn và có nguồn gốc là tình yêu của Thiên Chúa. Hạnh phúc đích thực không hệ tại ở chỗ có điều gì hay trở thành một ai đó, không, hạnh phúc đích thực là ở với Chúa và sống vì tình yêu, bởi vì chúng ta được sinh ra để không bao giờ chết nữa, chúng ta được sinh ra để tận hưởng hạnh phúc của Thiên Chúa”.
Ngọc Yến – Vatican
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”