1. Hãy là ngôn sứ của Chúa – Huệ Minh
Mở đầu Trang Tin Mừng hôm nay là câu đầy ý nghĩa của Trang Tin Mừng tuần trước. Thật vậy, rõ ràng là sự gì Kinh Thánh đã nói về Người, thì “hôm nay” được ứng nghiệm. Điều đó đồng nghĩa với: “Tôi là Đấng Cứu Thế” đây. Từ “hôm nay”, có nghĩa là đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa từ ngàn xưa.
Hình bóng của Giêrêmia chính là hình ảnh của Đấng Cứu Thế hôm nay. Trang Tin Mừng (Lc 4, 21) hôm nay, nhắc lại câu nói tuần trước của Chúa Giêsu. Vâng! Thưa quý vị: “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).
Giêrêmia là một trong bốn đại ngôn sứ thời Cựu Ước, đã được Thiên Chúa cho biết: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.
Thật sự Thiên Chúa đã chuẩn bị và đã chọn Giêrêmia từ xa xưa. Thiên Chúa sai ông đi “để nhổ và lật đổ, để hủy và để phá”. Tiếc thay, sứ vụ của ông quả đã thất bại, chính ông cũng chết tại Ai cập, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết.
Nhìn vào cuộc đời, ta thấy ông là một người có tâm hồn hiền hậu. Ông vốn dĩ sinh ra để được yêu mến, luôn luôn nêu cao những liên lạc thân mật tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa. Đọc kỹ cuộc đời ông, ta thấy ông đã quên mình, chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa và quả thật ông đã trở thành một dung mạo của Chúa Kitô.
Ta thấy ngôn sứ là người được sai đi để nói Lời của Thiên Chúa. Mặc nhiên, ngôn sứ chính là Lời của Thiên Chúa. Người được thay thế nói Lời của Thiên Chúa, như vậy chúng ta thấy ngôn sứ thật diễm phúc.
Trong lịch sử Thánh Kinh, ta thấy rất nhiều ngôn sứ, nhưng có một số ngôn sứ nổi bật như ngôn sứ Giêrêmia. Như trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Đây Ta đặt Lời nói Ta trong miệng ngươi”.
Ta thấy ngôn sứ Giêrêmia thật là diễm phúc, như vậy, lời của ông nói ra chính là Lời của Thiên Chúa được đặt vào miệng ông.
Chúa Giêsu cũng vậy khi ta thấy lời của Chúa Giêsu hôm nay cũng được mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài.
Thật vậy, Chúa Giêsu đúng là một “người đặc biệt nhất” trong những người đặc biệt, một “dị nhân” chính hiệu, khiến ai cũng phải tâm phục và khẩu phục. Thế nhưng đáng tiếc là người ta đã cố tình không nhận ra Chúa và dã tâm tìm cách hại Ngài.
Chúa Giêsu biết lòng dạ xấu xa của họ nên Ngài nói với họ như thế này: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4, 23).
Người ta có dã tâm không phải vì Chúa Giêsu làm gì sai trái, mà vì tính đố kỵ, thói ghen ghét, không muốn người khác hơn mình, sợ mình lép vế. Ngài thản nhiên nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Câu nói này vẫn đúng ngay trong những ngày này dù cây nói này quả là quá xa với thời đại của chúng ta!
Thấy họ im lặng, không đối đáp được câu nào, mà làm sao họ cãi lại chứ? Rồi Chúa Giêsu nói một hơi: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (Lc 4, 25-27).
Quá rõ, thật thấm thía và đau điếng, trúng tim đen mà! Còn ai cãi được gì nữa?
Tưởng chừng họ ngưỡng mộ và tin vào lời của Chúa nhưng tiếc thay họ lật mặt như trở bàn tay, mới khen nức lòng mà lại chống đối ngay. Thánh sử Luca kể: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Ngài ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Ngài lên tận đỉnh núi để xô Ngài xuống vực” (Lc 4,28-29).
Nhìn họ, ta thấy lòng dạ của họ quá dã tâm và nham hiểm. Cũng chính vì lòng chai dạ đá nên họ chẳng làm gì được người chính trực. Thấy họ phẫn nộ, Chúa Giêsu thản nhiên “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30). Chắc hẳn lúc đó bọn ác nhân muốn lộn ruột gan và phát điên lên được.
Cũng vậy, ngày hôm nay ta thấy cũng không thiếu những lòng dạ mưu mô nham hiểm với người khác. Loại người này ở đâu cũng có, chẳng trừ nơi nào, y như ma quỷ có mặt mọi nơi để rình rập người tốt vậy!
Sự thật luôn phũ phàng, vì: “Không một ngôn sứ nào được đón nhận tại quê hương mình” (c 24). Vâng! Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Tại sao? thưa, bởi vì họ không đón nhận sự thật, họ không muốn nghe sự thật, và không tin sự thật. Chỉ có ai muốn đón nhận sự thật, thì mới lắng nghe sự thật. Vì “sự thật thì mắc lòng”.
Và như thế! Là họ, người Nazaret không phải là những người nghèo được đón nhận Tin Mừng. Vì họ không đón nhận ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa. Họ tìm vết bới lông, họ soi mói nguồn gốc lai lịch của Đấng Cứu Thế và như vậy, họ khinh dễ Chúa Giêsu.
Như vậy, họ hay Chúa Giêsu bị thất bại tại Nazaret, quê hương của Người Trước đó chính họ đã ngưỡng mộ Chúa Giêsu, họ khâm phục những gì từ miệng Người nói ra (c. 22). Nhưng chính Người đã đọc được ý nghĩ ngay trong thâm tâm của họ, vì Chúa không muốn họ khâm phục Người bằng môi miệng. Người đã kể tội của họ và tội của cha ông họ, thế là họ tìm cách trục xuất Chúa Giêsu ra khỏi họ.
Phần ta là Kitô hữu được kêu gọi làm ngôn sứ của Chúa Cha cho thời đại chúng ta, cũng như Chúa Giêsu từng là tiên tri của Chúa Cha cho thời đại của Ngài. Đây chính là sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và thêm sức. Chúng ta hãy lập lại lời thánh Phaolô; “Người Kitô hữu chúng ta được Chúa kêu gọi để toả sáng như các vì sao giữa lòng thế giới tăm tối này” (Pl 2, 15)
2.Khổ vì đồng lương
Có hai thanh niên lớn lên trong gia đình có một người cha nghiện rượu. Vì còn trẻ, mỗi cậu sống theo ý riêng mình.
Nhiều năm sau, một cậu trở nên người nghiện rượu không thể cải thiện. Cậu kia là người chống uống rượu. Một tâm lý gia tìm hiểu hậu quả của việc nghiện rượu gây cho những đứa trẻ trong gia đình hỏi cậu thứ nhất: “Tại sao anh trở nên người nghiện rượu?” và cậu thứ hai: “Tại sao anh trở nên người chống rượu?”
Cả hai có cùng câu trả lời: “Ông có thể mong đợi điều gì khác khi ông có người cha như tôi?”
Đôi khi gia đình có thể trở thành trợ lực cho ta thăng tiến, nhưng cũng có thể là trở lực khiến ta không thể làm người. Gương sáng hay gương mù của người thân luôn ảnh hưởng đến chúng ta. Sự khích lệ hay chê bai cũng ảnh hưởng đến công việc của chúng ta.
Trong đời sống tôn giáo, cộng đoàn đôi khi cũng giúp cho một con người nên thánh nhưng cũng có thể đẩy một người lao xuống hỏa ngục. Nhất là thực trạng “Bụt nhà không thiêng” đã khiến bao nhiêu người không thể phát huy tài năng ngay giữa anh em mình. Sự chê bai, xem thường còn làm cho chính những người đang sống với mình luôn cảm thấy bất an, đau khổ vì những lời chê bai, vu khống bâng quơ, đầy ác ý.
Thật khó tin, nhưng vẫn có những người Kitô hữu bách hại anh em mình: Họ luôn làm mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác địa vị xã hội và kinh tế, họ dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh, kẻ thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận”, như thể họ chưa bao giờ nghe thánh Phaolô tông đồ khuyên: Tình yêu thì nhân hậu, khoan dung, không đố kỵ, ghen tương và luôn lấy mối dây thân ái để sống liên đới với tha nhân. Trái lại họ sống quá tàn nhẫn với người lân cận. Họ dùng thủ đoạn để lừa dối anh em, để kết án, hạ bệ và xô đẩy anh em nhằm thỏa mãn tính tự tôn tự đại của mình. Năm xưa Chúa Giêsu đã bị người đồng hương kết án, phải chăng hôm nay vẫn còn đó những người Kitô hữu bị những người đồng đạo hãm hại, nhục mạ và đẩy vào đường cùng của lầm than?
Vâng, vẫn còn đó sự khinh dể, xa lánh của người đồng đạo với những người nghèo khổ, bệnh tật và lầm than…
Vẫn còn đó sự kết án vô căn cứ bằng lời ra tiếng vào, thêm mắm thêm muối để hại người vô tội.
Vẫn còn đó sự toa rập với nhau để loại trừ kẻ yếu, kẻ thân cô thế cô…
Và vẫn còn đó những giọt nước mắt bị hàm oan, bỏ rơi ngay giữa anh chị em mình.
Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa, vì nhân loại hôm nay vẫn còn có những con người đang cố gắng thực hành giới luật yêu thương với những người thân cận mình. Họ vẫn sống bao dung, độ lượng. Họ vẫn miệt mài xây dựng tình hiệp nhất cho cộng đoàn mình.
Ước gì những người mang danh Kitô hữu đừng bao giờ hạ thủ anh em mình chỉ nhằm thoã mãn thói kiêu căng, tự cao tự đại của mình. Xin đừng tiếp tay với những kẻ muốn xô đẩy Đức Kitô xuống vực thẳm bởi hành vi tàn bạo với người lân cận. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết sống theo lòng nhân hậu của Chúa để mở rộng đôi tay đón nhận anh em, để nâng đỡ, bảo vệ anh em và biết nắm lấy tay nhau tạo thành một vòng tròn thân ái, hiệp nhất và yêu thương. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Nguồn: http://gplongxuyen.org
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”