Vào lúc 5g chiều Chúa Nhật 31 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều tạ ơn Te Deum bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với tất cả các vị trong giáo triều Rôma trong đó có 36 Hồng Y, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, 7 Giám Mục Phụ Tá và 40 Giám Mục khác, 150 linh mục và khoảng 8 ngàn tín hữu. Hiện diện trong buổi lễ cũng có đông đảo các vị trong Ngoại Giao Đoàn cạnh Tòa Thánh.
Đây là một truyền thống đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 giải thích như sau: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài ban cho chúng ta”.
Phụng Vụ ngày hôm nay nhắc nhớ chúng ta những lời của Thánh Gioan Tông đồ: “Hỡi các con, giờ đã tận” (1 Ga 2:18), và lời của Thánh Phaolô về “sự viên mãn của thời gian” (Gl 4: 4). Và tất cả điều này khiến chúng ta suy tư về sự kết thúc của cuộc hành trình dương thế, sự kết thúc cuộc lữ hành của chúng ta. Đã có bắt đầu tất sẽ có hồi kết thúc, “một thời để được sinh ra và một thời để chết đi” (Quoleth 3: 2). Sự thật này rất đơn giản và cơ bản nhưng lại thường bị lờ đi và lãng quên, Mẹ Thánh Giáo Hội dạy chúng ta kết thúc một năm và mỗi ngày trong đời chúng ta với một sự tự vấn lương tâm, trong đó chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra: chúng ta cảm ơn Chúa vì mọi điều thiện hảo chúng ta đã nhận được hay đã có thể làm được, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về những thất bại và tội lỗi của chúng ta – để biết ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ của Ngài.
Đó cũng là những gì chúng ta làm hôm nay vào ngày cuối năm này. Chúng ta ca ngợi Chúa với Thánh Thi Te Deum và đồng thời chúng ta cầu xin Ngài tha thứ. Thái độ tạ ơn của chúng ta dẫn chúng ta đến tấm lòng khiêm cung, để nhận biết và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Vào ngày cuối năm, Lời Chúa đồng hành cùng chúng ta với hai câu của Thánh Phaolô (x. Gal 4: 4-5). Hai câu này là những cách diễn đạt chính xác và hàm xúc, là một bản tóm lược của Tân Ước, đem lại ý nghĩa cho một thời điểm “quan trọng”, như sự chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới này.
Thành ngữ đầu tiên gợi sự chú ý của chúng ta là “sự viên mãn của thời gian”. Trong những giờ khắc cuối cùng của năm dương lịch này, khi chúng ta cảm thấy cần nhiều hơn nữa một điều gì đó nói lên ý nghĩa cho sự qua đi của thời gian, một thành ngữ như thế có một âm vang đặc biệt.
Một điều gì đó, hay rõ hơn nữa là một ai đó – và “ai đó này đã đến, Thiên Chúa đã sai Ngài đến: đó là Con của Ngài”, Chúa Giêsu.
Chúng ta vừa cử mừng ngày sinh của Ngài: Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ, là Đức Trinh Nữ Maria; Ngài được sinh ra dưới Lề Luật, một cậu bé Do Thái, tuân theo Luật của Chúa. Nhưng, chuyện ấy làm sao có thể được? Làm thế nào đây có thể là dấu chỉ của “sự viên mãn của thời gian”? Đúng là vào thời điểm đó Chúa Giêsu gần như vô danh tiểu tốt, nhưng chỉ trong vòng hơn ba mươi năm sau, Ngài sẽ tung ra một lực lượng chưa từng có, một lực lượng đến nay vẫn còn và sẽ tồn tại mãi trong suốt lịch sử. Lực lượng này được gọi là Tình yêu. Tình yêu mang lại sự phong phú cho mọi thứ, kể cả thời gian và Chúa Giêsu là Đấng trên đó tất cả tình yêu của Thiên Chúa được “cô đặc” trong một con người trần thế.
Thánh Phaolô nói rõ ràng lý do tại sao Con Thiên Chúa được sinh ra đúng lúc, và sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho Ngài là gì: Ngài được sinh ra để “giải thoát”. Đó là từ ngữ thứ hai khơi gợi sự chú ý của chúng ta: giải thoát nghĩa là đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ và đem trở lại cho chúng ta tự do và phẩm giá xứng hợp với tư cách của những con cái Chúa. Tình trạng nô lệ mà Thánh Tông Đồ đề cập đến là sự nô lệ “Lề Luật”, được hiểu như một tập hợp những giới răn phải tuân theo, Lề Luật chắc chắn giáo dục con người, và có tính sư phạm, nhưng không giải thoát con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng một cách nào đó, “đẩy” anh ta vào tình trạng này, cản trở con người vươn đến tự do của một người con. Chúa Cha đã sai Người Con Duy Nhất của Người đến trong thế gian để xóa bỏ khỏi tâm hồn con người tình trạng nô lệ tội lỗi cũ và do đó phục hồi phẩm giá của con người. Thật vậy, như Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mc 7: 21-23) từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định đồi trụy, xấu xa làm xấu đi đời sống và các mối quan hệ. Và chúng ta phải ngưng lại ở đây, ngưng lại để suy ngẫm với nỗi buồn và lòng ăn năn hối lỗi, bởi vì trong năm sắp kết thúc này, nhiều người nam nữ đã từng sống và tiếp tục sống trong những điều kiện nô lệ, không xứng đáng với phẩm giá con người.
Ở thành phố Rôma của chúng ta cũng vậy, có những anh chị em, vì những lý do khác nhau, thấy mình trong tình huống này. Tôi đang nghĩ cách riêng đến là nhiều người vô gia cư. Hơn 10,000 người như vậy. Tình cảnh của họ đặc biệt khó khăn trong những tháng mùa đông. Tất cả đều là con cái nam nữ của Thiên Chúa, nhưng các hình thái nô lệ đa dạng, đôi khi rất phức tạp, khiến họ phải sống bên lề phẩm giá con người. Chúa Giêsu cũng đã chào đời trong một hoàn cảnh tương tự, nhưng không phải vì tình cờ hay vì gặp chuyện chẳng may: Ngài muốn được sinh ra như thế để tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho những người bé mọn và người nghèo, và qua đó gieo rắc hạt giống Nước Trời trên thế giới. Vương quốc Công lý, tình yêu và hòa bình, nơi không ai là nô lệ, nhưng tất cả đều là anh chị em là con của cùng một Cha.
Giáo hội tại Rôma không muốn trở nên thờ ơ với những hình thái nô lệ trong thời đại chúng ta, cũng không muốn chỉ đơn thuần là bàng quang ghi nhận và giúp đỡ họ, nhưng Giáo Hội muốn gần gũi với những người đó và với những tình huống đó.
Khi tôn vinh tình mẫu tử chí thánh của Đức Trinh Nữ Maria, tôi muốn khích lệ dạng thức mẫu tử đó của Giáo hội. Khi suy ngẫm về mầu nhiệm này, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa đã được “sinh ra bởi người phụ nữ “ để chúng ta có thể nhận được sự viên mãn nhân bản của chúng ta, là được ơn làm “nghĩa tử.” Nhờ sự hạ mình của Ngài, chúng ta được nâng lên. Sự cao trọng của chúng ta đã đến từ sự nhỏ bé của Ngài, sức mạnh của chúng ta đến từ sự mong manh của Ngài, và tự do của chúng ta đến từ việc Ngài tự hiến mình thành một người nô lệ.
Điều này còn có thể gọi là gì khác hơn là tình yêu? Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là những Đấng mà chiều nay Mẹ Giáo Hội Thánh Thiện, trên khắp thế giới, dâng lên lời tụng ca và tạ ơn.
Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Thánh thi Te Deum, nghĩa là Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa, là một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi có nhịp điệu tương tự như nhịp điệu của bài Gloria in Excelsis Deo, tức là Kinh Vinh Danh: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.
Nội dung thánh thi Te Deum như sau:
Lạy Thiên Chúa, / Chúng con xin ca ngợi hát mừng, / Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa. / Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, / Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn. / Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, / Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, / Ðều cảm tạ và cung chúc tôn thờ, / Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô: / Thánh! Thánh! Chí Thánh! / Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh! / Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh. / Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa, / Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. / Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng, / Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài, / Và trải rộng khắp nơi trần thế, / Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng: / Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng, / Và Con Một Ngài chí tôn chí ái, / Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.
“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống, / Ngài là Chúa hiển vinh / Ðã chẳng nề mặc lấy xác phàm / Nơi cung lòng Trinh Nữ / Hầu giải phóng nhân loại lầm than. / Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, / Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. / Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha, / Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán. / Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi / Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. / Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, / Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.”
Sau khi kết thúc các nghi lễ, Đức Thánh Cha đã ra quảng trường Thánh Phêrô để kính viếng Hang Đá Giáng Sinh.
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”