I. LỜI CHÚA: Lc 3, 1-6
1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên,2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.
3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội,4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.5Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
II. SUY NIỆM
Dưới ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Vọng nay, chúng ta hãy xin ơn được đánh động và được biến đổi, để có thể đón Chúa chắn chắn sẽ đến và đang đến với chúng ta mỗi ngày.
Và nhất là xin cho chúng ta biết lắng nghe và quảng đại thực hiện điều mà ngôn sứ Isaia báo trước về sứ điệp của thánh Gioan Tẩy Giả : « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. » Con đường và lối đi của Chúa, chính là tâm hồn, là cách sống của chúng ta, là cuộc đời của chúng ta.
1.Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Ki-tô
Như chúng ta đều biết, trong Mùa Vọng, có tất cả bốn Chúa Nhật ; và trong bốn Chúa Nhật, có hai Chúa Nhật, tức là Chúa Nhật II hôm nay và Chúa Nhật III tuần tới, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và đọc lại cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả. Chân dung của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, đủ để nói cho chúng ta rằng, sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng :
Như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng:
Có tiếng người hô trong hoang địa… (c. 4)
Như thế, thánh Gioan là « gạch nối » giữa lịch sử cứu độ với Đức Ki-tô, là « Đấng Phải Đến » để hoàn tất.
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều gắn bó mật thiết với Đức Ki-tô. Trong cách tường thuật của mình, như chúng ta đã có thể nhận ra, thánh sử Luca đặt sứ mạng của thánh Gioan trong một bối cảnh lịch sử rất chi tiết, lịch sử của đế quốc Roma và lịch sử của dân tộc Israel :
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. (c. 1-2)
Đó là vì, thánh sử Luca là một sử gia. Nhưng chúng ta cần vượt qua những dữ kiện khách quan để đọc ra ý nghĩa thiêng liêng : hoàn cảnh lịch sử này chính là hoàn cảnh lịch sử của cuộc Thương Khó mà Đức Ki-tô sẽ trải qua ; đó là một hoàn cảnh lịch sử bi đát đối với Dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng đó vẫn cứ là lịch sử cứu độ, bởi vì Thiên Chúa vẫn lên tiếng, dẫn dắt và hướng tới sự hoàn tất. Cách thức Thiên Chúa hoàn tất lịch sử cứu độ thật « điên rồ và sỉ nhục », nhưng đối với chúng ta, là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, lại là « sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa » (x. 1Cor 1, 22-24).
Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.
2. « Có tiếng người hô trong hoang địa»
Chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng để lắng nghe lời rao giảng của thánh Gioan. Trước hết, đó là một lời rao giảng được công bố trong hoang địa : ngôn sứ Isaia báo trước sẽ có tiếng người hô trong hoang địa ; và thực sự đã xẩy ra như vậy, vì Tin Mừng kể lại : « Lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa ».
Chúng ta có lẽ đã quá quen thuộc với chi tiết này, nên không còn thấy ngạc nhiên ; nhưng đó thực sự là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên : Tại sao lại rao giảng trong hoang địa, là nơi không có người hoặc có rất ít, chứ không rao giảng ở trong làng mạc, thành phố hay đền thờ, như Đức Giê-su sau này sẽ làm ?
Đúng là trong hoang địa thì không có ai, hay có rất ít, nhưng thánh Gioan cứ rao giảng ở đó ; và vì hoang địa thì vắng vẻ, nên ngài phải hô to lên, giống như lời loan báo của ngôn sứ Isaia : « Có tiếng người hô trong hoang địa ». Đó là vì, trong bối cảnh lịch sử cứu độ và nhất là khởi đi từ kinh nghiệm Xuất Hành và hành trình tiến về Đất Hứa của Israel :
- Hoang địa là nơi Thiên Chúa dẫn con người vào để gặp gỡ Ngài, là nơi con người phải bỏ lại tất cả phương tiện, công việc, những lo lắng, những ràng buộc, những ngẫu tượng hay thần tượng như tiền bạc, danh vọng, lạc thú, để được tự do, qui hướng mọi sự và thực hiện những lựa chọn hướng về Chúa.
- Hoang địa là nơi không nhiều lương thực hay nước uống, để con người chỉ sống bằng của ăn, của uống, như là ơn Chúa ban từng ngày, giống như em bé được mẹ nuôi nấng từng ngày.
- Và hoang địa là nơi không có đường đi, để chỉ nhận Lời Chúa là « Ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi », như lời Tv 119 diễn tả.
Vì thế, để nghe được lời thánh Gioan rao giảng người ta phải bỏ lại đàng sau tất cả, để vào hoang địa, như bài Tin Mừng thuật lại : « Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa » (c. 7). Nhưng điều quan trọng là phải tạo ra một hoang địa ngay trong nội tâm của mình, ngay trong con tim của mình, khí đó mới có thể lắng nghe, hiểu và sống thực sự sứ điệp của thánh Gioan.
Và chúng ta phải bỏ lại tất cả, cho dù chỉ là một thời gian ngắn, nhưng rất cần thiết và quan trọng, mỗi khi đến Nhà Thờ để hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và nghe giảng, đến một tu viện để tĩnh tâm. Nếu cứ ở nhà, sẽ khó nghe, hay không thể nghe Lời Chúa. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, tâm trí chúng ta cũng phải tạm rời bỏ tất cả, để tạo ra hoang địa ngay trong lòng của chúng ta.
3. « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa »
Sứ điệp của thánh Gio-an là mời gọi mọi người, những người lắng nghe ngài trực tiếp và chúng ta hôm nay, lắng nghe ngài qua Tin Mừng, được công bố « Đó là Lời Chúa :
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa…
Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. (c. 4-6)
Ơn cứu độ đời đời, nhưng đã được « thấy » ngay hôm nay, khi chúng ta làm cho chính nội tâm, cuộc đời và ngày sống của chúng ta thành « đường đi » của Đức Chúa.
Thật vậy, hình ảnh « con đường » mà thánh Gioan nói tới, chắc chắn không phải là những con đường ở bên ngoài cần phải tu sửa (như chúng ta thấy ở khắp nơi), nhưng là chính cách sống của chúng ta, như chính thánh Gioan sẽ nói với những con người đến với ngài xin chịu phép rửa, mà Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe vào tuần tới, Chúa Nhật III Mùa Vọng : « Các anh hãy sinh hoa kết quả xứng với lòng sám hối » (c. 8), « ai có hai áo, thì hãy chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy » (c. 11).
Như thế, cách sống và cả cuộc đời của chúng ta chính là lối đi, là đường đi của Chúa, nhưng đó là một con đường đầy « những thung lũng, núi đồi, những khúc quanh co, những chỗ lồi lõm ». Chúng ta được mời gọi nỗ lực « sửa, lấp, bạt, uốn, san… ». Nhưng ai trong chúng ta cũng nhận ra mình bất lực, vì đó là cả một thung lũng sâu rộng, hay cả một quả đồi hay trái núi !
Vì thế, Đức Chúa mà thánh Gioan loan báo, sẽ không chờ đợi chúng ta « sửa đường » xong rồi mới đi qua, nhưng Người vẫn vẫn cứ đến và đi băng qua, vì Người đến tìm những người tội lỗi như chúng ta, không phải để xét đoán và lên án, nhưng để làm cho chúng ta « thấy » ơn cứu độ.
Hàng ngày, ngang qua Lời của Ngài, Mình và Máu Thánh của Ngài, Ngài vẫn đi ngang qua thân xác chúng ta, ngang qua tâm hồn và con tim chúng ta, ngang cách sống và cả cuộc đời của chúng ta, dù chúng ta là ai và ở trong tình trạng nào, để chinh phục và biến đổi con tim của chúng ta bằng tình yêu đến cùng của Người.
Mùa Vọng 2018
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
nguồn:http://daminhtamhiep.net/
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”