CÔNG NGHỆ: CON DAO HAI LƯỠI
Công nghệ thông tin đang trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người. Khối tri thức của nhân loại chui vào từng máy tính, trong từng điện thoại thông minh của từng con người, và mỗi con người đó lại có thể đang dịch chuyển trong các không gian công việc hay đời sống của nền chính trị – kinh tế – xã hội của toàn cầu len lỏi khắp mọi nơi.
Thế kỉ XXI, thế giới của kỹ thuật số. Đức Thánh Cha Phanxico coi internet là một món quà từ Thiên Chúa, nó cần được sử dụng cho sự phát triển toàn xã hội, và cho việc công bố Tin Mừng: “Hãy ôm lấy món quà tuyệt vời này của Chúa để làm tăng hiệu quả trong công việc mục vụ”1. Trong thực tế, Ngài đã làm gương sáng cho chúng ta về việc này. Ngày 17 tháng 3 năm 2013 Trang Twitter @Pontifex hoạt động trở lại kể từ sau khi ĐGH Bênêđictô XVI từ nhiệm, với tin nhắn Twitter đầu tiên của ĐGH Phanxicô. Ngài gởi thông điệp ban phép lành đến mọi người: “Các bạn thân mến, tôi chân thành cảm ơn các bạn và xin các bạn tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Giáo hoàng Phanxicô”. Vị chủ chăn đứng đầu Giáo hội luôn hy vọng rằng sự hiện diện của Ngài trên Twitter sẽ giúp truyền bá Phúc Âm đến nhiều nơi trên địa cầu. Ngài đã lan truyền thiện ý khắp thế giới, đã viết những câu tweet đầy cảm hứng từ twitter của mình, nhận định về nhiều vấn đề của xã hội và đưa ra những nhận định thẳng thắn về bản thân Giáo hội Công giáo. Thế nhưng, mọi người cũng nhìn nhận rằng Internet ngày càng đặt ra nhiều thách đố, để lại không ít hệ lụy và đặc biệt, điều đó đã ảnh hưởng mạnh đến những người trẻ.
Trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ 45, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã viết: “Trong thế giới kỹ thuật số, truyền đạt thông tin… Có nghĩa là làm cho người ta biết tới thông tin trên một mạng xã hội, nơi kiến thức được san sẻ trong bối cảnh trao đổi cá nhân, lằn ranh phân biệt giữa người cung cấp và người tiếp nhận thông tin bị lu mờ đi, và truyền thông dường như không chỉ là sự trao đổi dữ liệu, mà còn là một hình thức chia sẻ” 2. Quả vậy, trước khi công nghệ thông tin ra đời, con người còn sống trong bóng tối của sự lạc hậu. Tất cả mọi thông tin không được loan truyền cách mạnh mẽ, chỉ có thể sử dụng người, hoặc vật, dấu chỉ để truyền đạt điều mình muốn nói. Kể từ lúc công nghệ xuất hiện, thế kỉ của sự khai sáng, con người bước sang một trang mới của cuộc sống tân tiến và hiện đại. Giờ đây, với sự phát triển của mạng xã hội, thế giới bao la nằm gọn trong lòng bàn tay con người. Chỉ cần một chiếc laptop hay một chiếc điện thoại thông minh và chỉ cần một ngón tay chạm vào màn hình điện thoại, tin tức thế giới được cập nhật ngay tức khắc. Hơn ai hết, giới trẻ đã bắt nắm và hòa nhập rất nhanh trong việc sử dụng internet.
Hầu hết các bạn trẻ thời nay ngập mình trong internet. Sỡ dĩ nói như vậy vì họ sống, làm việc, học hành, vui chơi, ăn uống đều cùng với người bạn mạng xã hội. Điều này đúng hơn nữa kể từ ngày 4/2/2004, Mark Zuckerberg công bố trang Facebook ra đời. Theo thông tin cập nhật mới nhất vào đầu tháng 7/2018, facebook là mạng xã hội có nhiều người dùng nhất (khoảng 2.196 triệu người), tiếp đến là Youtube (1.900 triệu người), ngoài ra còn có hơn 10 trang mạng khác cũng được người dùng ưa chuộng. Và trong đó Việt Nam có số lượng người dùng facebook lớn thứ 7 trên thế giới ( Theo thống kê, lượng người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới tăng 8% trong 3 tháng qua, lên mức 3,3 tỷ người, chiếm 43% dân số thế giới. Ấn Độ là nước có lượng người dùng facebook lớn nhất thế giới. Việt Nam xếp vị trí thứ 7 với 58 triệu người )3.
Chúng ta tò mò, người ta quan tâm đến điều gì khi sử dụng internet, và mục đích của họ là tìm kiếm gì. Vào năm 2015, Google công bố danh sách các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Châu Á. Sự khác biệt giữa thói quen tìm kiếm của người dùng Internet tại khu vực này, ngoài yếu tố về xã hội, cũng có thể được giải thích một phần tử bởi những hạn chế về nội dung web và mức độ khác nhau của tự do báo chí. Chẳng hạn, Iphone 6S được tìm kiếm nhiều nhất tại Hồng Kông. Người dân Singapore quan tâm tới cháy rừng ở Indonesia và cái chết của cố thủ tướng công thần lập quốc Lý Quang Diệu. Tại Nhật Bản, Nhà Nước Hồi Giáo (IS) là thuật ngữ được tìm kiếm hàng đầu khi hai con tin Nhật bản đã bị IS bắt cóc và giết chết. Người dân Hàn Quốc lo lắng tới bệnh tật và tìm kiếm nhiều thông tin về hội chứng hô hấp Trung Đông có thể gây chết người. Chỉ có người dùng internet Việt Nam có vẻ không màng đến thế sự khi thông tin được tìm kiếm nhiều nhất liên quan đến các bài hát tuổi teen: Vợ người ta, Không phải dạng vừa đâu, Âm thầm bên em… Cũng như vậy, tại Thái Lan, 9 thuật ngữ tìm kiếm hàng đầu tại nước này liên quan đến video âm nhạc hay chương trình truyền hình (Bloomberg) 4.
Tôi sử dụng mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông, vào mục đích gì, đó là quyền của tôi, là tự do của tôi. Vâng, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Công Đồng Vaticano II đã chỉ rõ: “Tất cả nhưng ai, với khả năng chọn lựa của mình, mà sử dụng các phương tiện truyền thông… cần phải tránh những gì có thể gây nguyên cớ hay dịp tội cho chính họ bị thiệt hại về phần thiêng liêng, hay khiến kẻ khác gặp nguy hiểm do gương xấu, hoặc cản trở các trình chiếu thích hợp và tung ra các trình chiếu có hại. Trong phần lớn trường hợp việc bảo trợ cho những trình chiếu như vậy, sẽ chỉ khuyến khích những kẻ khác dùng các phương tiện truyền thông này vì các mục tiêu lợi nhuận 5. Bên cạnh đó, “quyền tiếp cận thông tin không thể tách rời khỏi quyền tự do giao tiếp. Đời sống xã hội dựa trên một sự trao đổi liên tục giữa con người với nhau, cả trên bình diện cá nhân và tập thể” 6. Vì vậy, dù bất cứ sử dụng cái gì, phương tiện nào, mục đích ra sao, tất cả đều dựa trên nguyên tắc ngầm của đạo đức đời sống. Và ngay cả việc sử dụng máy tính, Học Viện Đạo Đức Máy Tính ( The Computer Ithics Instute ) cũng đã có Mười Điều Răn cho đạo đức máy tính 7.
Trong việc sử dụng truyền thông hiện nay, mạng xã hội như là một thế giới nối kết người giàu, người nghèo, già, trẻ, gái, trai, người có cùng đam mê, sở thích, v.v… Tuy nhiên, về quy chuẩn tại nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam theo Nghị Định 27/2018/NĐ – CP, người sử dụng internet dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân/ hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp như cha, mẹ sẽ quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của mình để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng kí đó.
Mới đây, tờ Atlantic đăng một câu chuyện dài có tên gọi “Có phải smartphones đã hủy hoại cả một thế hệ?” – Một tiêu đề nghe có vẻ cường điệu hóa, ví dụ, 56% các học sinh lớp 8 sử dụng mạng xã hội hơn 10 tiếng/ tuần cho biết các em không cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc so với những bạn ít sử dụng mạng xã hội. Và khi đề cập đến vấn đề này, với vai trò là một người mẹ khi nói về tác động của công nghệ đến cuộc sống của con mình, bà Melinda Gates (vợ của tỷ phú Bill Gates) nói rằng: “Một trong những công việc ưa thích của tôi là thực hiện những “bữa tối không điện thoại” (tránh xa các thiết bị điện tử). Điều này thực sự rất dễ dàng. Dành một tiếng bên bàn ăn mà không sử dụng một thiết bị điện tử nào. Quả là một phương án hay. Cũng trong bài viết ấy trên tờ The Washington Port, bà viết: “Internet rất tuyệt vời. Nó cho trẻ em quyền tự do tìm hiểu thế giới rộng lớn, trải nghiệm về kết nối với những người khác. Tuy nhiên, là một người mẹ, tôi thấy mình có trách nhiệm đảm bảo rằng các con đã sẵn sàng cho sự tự do đó cũng như biết bảo vệ chính mình”. Ông bà Gates là những bậc cha mẹ có cách giáo dục con nghiêm khắc, nổi tiếng với quy định không cho con dùng điện thoại khi chưa đủ 14 tuổi và không để các con thừa kế khối tài sản kếch xù trị giá khoảng 87 tỉ đô la (tương đương 1976,118 tỷ VNĐ).
Nếu như tất cả mọi bố mẹ đều có trách nhiệm quan tâm đến việc con cái mình sử dụng mạng xã hội như thế nào. Nếu như mỗi người đều sử dụng truyền thông một cách có ý thức thì sẽ không có chuyện kinh hoàng ngày 20/06/2015, cô bé sinh năm 2000 ở Đồng Nai phải uống thuốc diệt có chết tức tưởi sau khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng và bị cư dân mạng share hình ảnh và chửi rủa thậm tệ 8. Sẽ không có chuyện nhiều vụ giết người, thanh toán đẫm máu gây xôn xao dư luận cả nước, mà nguyên nhân của nó xuất phát từ mạng xã hội facebook; và nữa, cũng không có chuyện “Người nghiện facebook ở Việt Nam ùn ùn nhập viện tâm thần”9.
Bruce Willis10 cho rằng: “Mạng internet là một nơi để tìm kiếm, sao chép và đọc lướt. Tệ hơn hết, đó là nơi “ném đá”, lạm dụng tình dục, gài bẫy các dữ liệu và lập bè phái. Tầm thường hơn, đấy là thế giới vô nghĩa của những kẻ thoát ly thực tế”10. Không chỉ vậy, Bác sĩ tâm thần người Đức – Mangred Spitzer còn nhận định: “Phương tiện truyền thông kĩ thuật số khiến người ta béo lên, ngốc nghếch ra, hung hăng thêm, rồi bệnh hoạn, cô độc, và bất hạnh”11.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao giới trẻ thích sử dụng mạng xã hội? Có nhiều lý do, nhưng theo nghiên cứu mới nhất, sinh viên, học sinh có tỉ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất, bởi vì họ thích có mối quan hệ rộng rãi với mọi người và khi sử dụng mạng xã hội, họ xác định được thân nhân không phải là họ (về tuổi tác, giới tính, địa vị…). Đó là một thế giới ảo, đến nỗi bạn có thể có 1000 người bạn trên internet nhưng không có tới một người bạn đúng nghĩa.
Chúng ta không thể khẳng định truyền thông, mạng xã hội là tốt hay xấu, điều đó chỉ có thể phụ thuộc vào người sử dụng nó. “Đừng sợ trở thành công dân của thế giới số quanh ta”12 nhưng hãy “trang bị cho mình những khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông mới, không chỉ để theo kịp thời đại, mà đúng ra, để cho sự phong phú vô hạn của Tin Mừng lan truyền đến trí óc và tâm hồn của tất cả mọi người, nhờ vào những cách thức diễn đạt hiện đại”13.
Hãy luôn sử dụng các phương tiện công nghệ một cách khôn ngoan và trong sáng.
RAN
Chú thích:
1.Sứ điêp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày quốc tế truyền thông lần thứ 48
- Sứ điệp cho ngày truyền thông thế giới lần thứ 45, 2011
- Báo Dân Trí – Thứ 4, 17/4/2018
- Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 372 (23 -29.12.2015, tr.30)
- Công Đồng Vaticano II, sắc lệnh Inter Minifica (IM) 9
- Huấn từ mục vụ Communio et Progressio44
- x. Hiệp Thông, Tác động truyền thông xã hội lên người trẻ và gia đình trẻ, số 106 ( tháng 5 & 6 năm 2018, tr.20)
- Nguồn: http:/ kênh 14.vn/ xa-hoi-da-gop-phan-day-nu-sinh-15-tuoi-den-duong-cung-bang-cach-nao-20150621120921767.cho)
- Nguồn:http:/plo.vn/xa-hoi/nguoi-nghien-facebook-un-un-nhap-vien-tam-than-749658.html, theo Hải Âu, PLO
- Bruce Willis, sinh 1955, diễn viên Mỹ, 2007
- Mangred Spitzer (sinh 1958), Bác sĩ tâm thần người Đức, người tạo ra thuật ngữ digital dementia (Chứng thác lạo tâm thần do kỹ thuật số)
- Giáo Hoàng Phanxico
- Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, thông điệp cho ngày truyền thông thế giới lần thứ 47, 2013)
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”