Bài giảng của Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp trong Thánh lễ Truyền chức Linh mục và bế mạc Năm Thánh mừng kính CTTĐ Việt Nam tại Giáo phận Vinh

377 lượt xem 24 Tháng Mười Một, 2018

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em

 1-      Kể từ khi Đức Giêsu bị bắt và bị giết chết, một bầu khí sợ sệt, thê lương, hãi hùng bao trùm trên tất cả môn đệ của Ngài. Có những người đi theo Chúa vì ước vọng trần thế hay mục đích chính trị nào đó đã sớm vỡ mộng, âm thầm rút lui vào bóng tối hay lặng lẽ rời Giêrusalem, lên đường trở về quê xưa, nghiệp cũ. Nhóm môn đệ thân tín nhất có lẽ vẫn tiếp tục hội họp với nhau nơi đã tổ chức Bữa Tiệc ly, nhưng trong tâm trạng hoảng loạn, u sầu, khiếp đảm. Thánh Gioan cho biết, “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”.

            Thật vậy, các ông khiếp sợ bị đóng đinh như Chúa. Các ông sợ Tòa Công Luận truy nã, sai lính đến bắt. Các ông hội họp nhau trong kinh hoàng, sợ hãi: Sợ từng bước chân đi ngoài hành lang, từng tiếng gió hú, nhất là những tiếng gõ cửa. Nỗi sợ này, vô hình trung, đã làm cho các ông hoàn toàn bị tê liệt, co rúm lại, hốt hoảng nhốt mình trong phòng kín.

         Chính trong hoàn cảnh bi đát đó, Đức Giêsu Phục sinh đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Bình an này không chỉ là cảm giác an toàn bên ngoài, mà là sức mạnh nội tâm giúp các môn đệ không những lướt thắng nỗi khiếp sợ, mà còn can đảm đối diện với những bách hại, thất bại, khổ đau trong cuộc sống.

         Sau khi cho các ông xem tay và cạnh sườn, Đức Giêsu tiếp tục ban bình an và trao sứ vụ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Chúa Giêsu đến trần gian với sứ điệp cứu độ, đầy yêu thương, cho mọi người. Bây giờ, Ngài sắp từ giã trần gian để về với Chúa Cha. Ngài cần chúng ta để tiếp tục đem sứ điệp ấy đến cho mọi người, ở mọi thời, mọi nơi. Có thể nói, các môn đệ chính là những dụng cụ, những bàn tay, những cái miệng, những cộng tác viên Ngài cần đến.

       Ở đây, thiết tưởng cần nhấn mạnh và đặt nổi mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và giữa Chúa Giêsu với Giáo hội. Chính vì vậy, dựa theo Tin Mừng Gioan, thiết tưởng cần thêm một vế nữa vào công thức trao ban sứ vụ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” và “Như Thầy đã tuyệt đối thi hành thánh ý của Chúa Cha,  anh em cũng phải triệt để vâng phục lệnh truyền của Thầy”. Thật vậy, chúng ta chỉ trở thành sứ giả và công cụ của Đức Kitô, khi chúng ta yêu mến và vâng phục Ngài. Chúng ta không có quyền ra đi loan truyền sứ điệp hay quan điểm của riêng mình, mà phải rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô. Dụ ngôn cây nho diễn tả sâu sắc ý tưởng này.

         Để giúp các môn đệ ý thức rõ rệt sứ vụ và trách nhiệm đó, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Như vậy, Đức Kitô đã trao ban cho các môn đệ đồng thời lời cầu chúc bình an, quyền tha tội và sứ vụ loan báo Tin Mừng.

2-       Thần học trước công đồng Vatican II đặt nền tảng của chức linh mục nơi lệnh truyền của Đức Kitô khi thiết lập bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Theo quan điểm thần học này, Đức Kitô thiết lập chức linh mục để có người cử hành Thánh Thể. Vì vậy, linh mục là người được thánh hiến trước tiên là để làm lễ. Việc loan báo Tin Mừng được coi như một thành phần của sứ vụ giảng huấn, thậm chí được cho là một công tác nhiệm ý hoặc nằm bên lề công tác mục vụ.

            Công đồng Vatican II đã đặt tất cả chương trình và sinh hoạt của Giáo hội dưới ánh sáng của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sống và loan báo Tin Mừng, vì vậy, là sứ vụ duy nhất, được thực hiện nhờ hoạt động giảng dạy, phục vụ, quản trị và cử hành bí tích. Chức linh mục phải được nhìn trong căn tính thừa sai của Giáo hội để làm chứng cho Đức Kitô, với một chuỗi những cuộc sai đi: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em; Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.    

            Hy lễ tạ ơn vẫn luôn luôn là nguồn mạch, trung tâm và cao điểm của đời sống Kitô hữu, tuy nhiên không phải là hoạt động đầu tiên và ưu tiên nhất, càng không phải là hoạt động duy nhất của linh mục. Về vai trò cốt yếu của sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô đã nói thẳng, chẳng hề vòng vo, úp mở: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1Cor 1,17).

Với chủ trương trở về nguồn Kitô giáo, công đồng Vatican II tái khẳng định: Loan báo Tin Mừng là sứ vụ thiết yếu và ưu tiên của linh mục (PO 4). Thật vậy, “các linh mục hiện hữu và hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và để xây dựng Giáo hội trong vai trò của Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử” (PDV).

            Tại giáo phận chúng ta, người ta thường đề cao mẫu linh mục gắn bó lâu năm với một giáo xứ, chăm lo cho giáo dân và đầu tư trọn vẹn công sức để xây dựng cơ sở, lo phụng vụ, hội đoàn, giáo lí…, còn loan báo Tin Mừng thì chỉ là việc làm thêm, hoàn toàn tùy hỷ, nghiệp dư. Nhưng, theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, linh mục có nhiệm vụ phải biến cộng đoàn được trao phó thành cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Tất cả các linh mục phải có một tâm hồn và một não trạng thừa sai, phải mở rộng tầm nhìn hướng tới các nhu cầu của Giáo hội và của thế giới, chú tâm tới những người ở xa cách nhất, và trên hết, tới những tập thể ngoài Kitô giáo trong môi trường của mình. Trong kinh nguyện và đặc biệt trong hy tế Thánh Thể, các linh mục phải cảm nhận được mối quan tâm ân cần của toàn thể Giáo hội đối với toàn thể nhân loại” (SVĐCC 67).

3-       Các tiến chức thân mến, như Chúa Cha đã sai Đức Kitô, Đức Kitô cũng sai các con  đi loan báo Tin Mừng tại một vùng đất nghèo, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện xã hội khó khăn, nhiều thiên tai, lắm nhân tai! Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”; “anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”; “vào nhà nào, anh em hãy chúc bình an cho nhà ấy”; “anh em hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”

         Giáo hội chúng ta đã trải qua những năm dài với “mục vụ bảo tồn”, lo bảo vệ các tín điều, duy trì kỷ luật, ổn định trật tự, củng cố quyền bính theo não trạng giáo sỹ trị, đầu tư công sức vào xây dựng cơ sở vật chất hay tổ chức nghi lễ long trọng. Kết cục, chúng ta có một Giáo hội chỉ luẩn quẩn với chuyện nội bộ, bị giam hãm trong những công thức cứng ngắc của chính mình, khá lạnh lùng trước những khổ đau của người nghèo khổ, đứng bên lề cuộc đời, ít dấn thân vào lãnh vực văn hóa và ít quan tâm đến vận mệnh đất nước!

        Phải chăng đã đến lúc cần đặt nổi sứ vụ linh mục trong căn tính thừa sai và lấy loan báo Tin Mừng làm định hướng cho mọi hoạt động? Do đó, lời mời gọi dấn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô phải là tâm nguyện của các con: “Tôi thà có một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc bụi đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Giáo hội chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời”.

        Xin Chúa Thánh Linh đừng để chúng ta cứ giữ khư khư những tập tục lỗi thời hay mãn nguyện với những lối mòn quen thuộc. Xin luồng gió Thanh Linh thổi bay mọi sợ hãi, khép kín, bảo thủ, u sâu. Xin Ngài ban cho đất nước chúng ta một Lễ Hiện Xuống mới để mọi người hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.

                                                            +GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.+