Chúa nhật 18.11.2018, Giáo Hội cử hành ngày Thế Giới Người Nghèo. Đây là sáng kiến của Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên được cử hành vào ngày 5.11.2016, Năm Thánh Lòng Thương Xót. Từ hai năm trở lại đây, cứ vào Chúa nhật áp cuối của năm Phụng vụ – Chúa nhật 33 Thường niên – toàn thể Giáo Hội hướng về người nghèo, cầu nguyện nâng đỡ và chia sẻ với họ.
Năm nay, Đức Thánh Cha Phaxicô sẽ cử hành thánh lễ cầu nguyện cho người nghèo tại Đền thờ Thánh Phêrô, Vatican. Sau đó, ngài mời những người nghèo cùng chia sẻ bữa ăn với ngài tại Hội trường Phaolô VI.
Trong ngày này, cùng với vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta nhớ đến những người nghèo dưới nhiều hình thức khác nhau, những người đang đói cơm áo, túng thiếu tình thương và sự thật, họ bị loại trừ ra bên ngoài xã hội, không được người khác tôn trọng như phẩm giá con người.
Trước tiên, chúng ta lần giở Tin Mừng, trang Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 2,1-20), kể câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh. Những người được nghe loan báo Tin Mừng đầu tiên là những người chăn chiên. Họ là những ngời nghèo, đang canh giữ đàn vật giữa trời đêm đông giá buốt. Họ hồ hởi đi gặp Chúa Giêsu Hài Nhi mới sinh, gặp gỡ cha mẹ của Ngài là Thánh Maria và Thánh Giuse. Sau đó, những người chăn chiên trở về, vừa đi vừa “tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.
Quả là hình ảnh thật dễ thương Tin Mừng cho chúng ta thấy về những người nghèo, họ mau mắn đón nhận Tin Mừng Cứu Độ, tấm lòng của họ đơn sơ chất phác biết bao.
Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều hình ảnh người nghèo trong Tin Mừng nhất lãm, nhất là Tin Mừng của Thánh sử Luca. Vì Tin Mừng của Luca được gọi là Tin Mừng cho người nghèo. Câu chuyện Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 16,19–31), dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô là bài học dạy chúng ta không được vô tâm, dửng dưng với những người nghèo khổ bất hạnh trong cuộc sống.
Anh Lazarô nghèo khó sống không xứng đáng là một con người, nghèo thường đi liền với bệnh hoạn tật nguyền, anh nằm lê lết trước cửa nhà giàu. Anh thèm khát những miếng ăn thừa thãi rơi xuống trên bàn của nhà giàu. Trái lại, ông nhà giàu thì sống xa hoa yến tiệc linh đình, áo quần lụa là gấm vóc. Dĩ nhiên, ông nhà giàu thừa biết anh Lazarô nghèo khó nằm trước cửa nhà mình, ông không “đụng chạm” hay xúc phạm gì đến anh Lazarô. Chỉ có một điều là ông ta không giúp đỡ cho anh Lazaro đang trong cảnh túng thiếu cùng cực.
Sống bên cạnh nhau, có khi ngay trong gia đình, khu xóm, giáo xứ, nhưng chúng ta không thấy được tình trạng “nghèo đói” của người khác, để sẵn lòng giúp đỡ họ. Tuy là câu chuyện Tin Mừng được nghe hoài, nhưng hình ảnh đó rất quen thuộc với mỗi người chúng ta trong xã hội hiện nay.
Hằng ngày, chúng ta chỉ sống cho chính mình, lo cho gia đình, con cái được học hành, đầu tắt mặt tối sáng đi làm tối về nhà, tất cả gầy dựng sự nghiệp cho con cái, không ăn gian nói dối, không lừa gạt ai, siêng năng dự lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, không lỗi đức công bằng với ai, và chúng ta cho rằng, sống như thế là chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân.
Người nghèo ư? Đã có những chương trình từ thiện của Giáo Hội và xã hội chăm lo. Chúng ta chưa có dư dả lắm mà chia sẻ vật chất cho người nghèo. Hay chúng ta dán “mác” cho người nghèo là những kẻ gian dối, lừa lọc, những kẻ “đáng tội” chứ không đáng hưởng tình yêu thương chia sẻ.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo” là mối phúc thứ nhất trong tám mối phúc. Chúng ta càng quy hướng đời sống về tiền bạc của cái, nó sẽ làm chúng ta phải điên đầu, phải tranh giành, và tìm mọi cách để cho mình giàu có, thậm chí phải làm ăn gian dối lừa gạt người khác. Chúa Giêsu nói: “Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34). Nếu chúng ta quy hướng cuộc sống về Chúa, xem của cải vật chất chỉ là phương tiện, chúng ta thanh thoát hơn với của cải, sống cho những giá trị thiêng liêng trong Phúc Âm, sống mối liên hệ thâm sâu với Thiên Chúa.
Khó nghèo cũng là một trong ba lời khuyên Phúc âm mà các tu sĩ khấn hứa với Chúa. Khó nghèo tức là không có gì hết ngoài tình thương của Chúa, không bận tâm đến của cải vật chất, sống tín thác trông cậy vào Chúa, mang tinh thần phục vụ đi mọi nơi, vui vẻ cho đi hơn là nhận lãnh.
Phải nhìn nhận rằng, đối với linh mục tu sĩ sống tinh thần khó nghèo vô cùng khó. Với các linh mục triều, sống tinh thần khó nghèo lại càng khó hơn. Bởi lẽ, giáo dân Việt Nam thường nói với các cha, “Cái nào quý hóa nhất, đắt tiền nhất, con biếu cha. Trong nhà của con, thứ gì nếu cha cần, cha cứ đem về mà xài”. Từ iPhone, iPad, những đồ mắc tiền nhất của nhà giàu được cha mang về nhà, giáo dân thì vui vẻ “cho đi” mà không đắn đo suy nghĩ. Vì thế, linh mục cái gì cũng có, “của người ta cho”, nên nhiều khi các đấng sống quen lệ thuộc vào của cải vật chất hơn cả giáo dân. Làm sao sống khó nghèo được, khi các đấng ra vào căn phòng máy lạnh mở suốt 24/24, trong phòng khách chứa đầy chai rượu tây, quen sử dụng điện thoại thông minh, lướt facebook thường xuyên như giới trẻ. Nếu chúng ta hỏi “Cái điện thoại iPhone X cha mua bao nhiêu tiền”, các đấng sẽ không thể trả lời được. Vì các đấng được người ta mua mới tinh tặng không mà! Và có cả những câu lạc bộ dành các linh mục chơi xe ô tô xịn, chia sẻ kinh nghiệm về siêu xe với nhau.
Người ta thường nói, những linh mục ấy “khó mà nghèo”, hay chỉ lo cho bản thân mình, mong muốn người giáo dân sẵn lòng “dâng” những món tiền to, mà các đấng không chịu “dâng” cuộc sống mình cho đoàn chiên, có khi ngại nắng mưa khổ sở. Chỗ của các vị ấy là trong bàn tiệc nhà hàng, trong những căn nhà sang trọng, trong các cuộc vui của những đại gia, họ cũng “ngày ngày yến tiệc linh đình”, như ông nhà giàu trong Tin Mừng. Thế đấy, người ta làm ngơ trước những hoàn cảnh đói khổ túng thiếu bên cạnh mình.
Ngày nay, có nhiều chương trình cho người nghèo, xã hội và trong Giáo Hội, những tổ chức từ thiện, nhưng liệu chúng ta có đến với người nghèo bằng một tấm lòng chân thành, mong muốn chia sẻ giúp đỡ họ, để họ sống xứng đáng là một con người, không bị người ta coi thường, rẻ rúng, không còn bị người ta phân biệt đối xử và kỳ thị. Tất cả những chương trình giúp cho người nghèo phải xuất phát từ trái tim chạnh thương như Chúa Giêsu, thương người nghèo, muốn họ có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn. Có những nhóm người, những cá nhân thực hiện chương trình từ thiện bác ái, không xuất phát từ tấm lòng yêu thương người nghèo, nhưng chỉ để đánh bóng tên tuổi mình, thương hiệu sản phẩm, khoe khoang chứng tỏ mình giàu có, tốt lành hơn người khác, tỏ ra là mình thương người nghèo.
Thỉnh thoảng trên truyền hình có những chương trình ca nhạc “vì người nghèo”, gây quỹ giúp cho những bệnh nhân không có tiền chữa trị bệnh, xây mới những căn nhà xiêu vẹo cho các gia đình nghèo sống qua mùa mưa. Nhưng báo chí cũng cho thấy, đó chỉ là hình thức bên ngoài, có ai đó ở đằng sau các chương trình được hưởng lợi, công bố trên truyền hình số tiền quyên góp rất lớn, nhưng người nghèo chẳng được hưởng bao nhiêu, người ta bớt xén và chia chác cho nhau. Thương cho người nghèo thay, người ta chia chác cả tiền giúp đỡ cho những nạn nhân sau cơn bão lũ.
Người ta có thể hô hào những chương trình “xóa đói giảm nghèo”, nhưng thực tế chẳng giúp được những ai nghèo đói, người nghèo còn đó, chương trình chỉ là chương trình trên sóng truyền hình mà thôi.
Thật ra, đối với người Kitô hữu, chia sẻ cơm áo cho người nghèo là một đòi hỏi của Tin Mừng. Chúa Giêsu giáng sinh làm người là một người nghèo. Người thương những người nghèo khổ bất hạnh. Chúng ta cũng nhận ra những anh chị em đang nghèo khó túng thiếu là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vì thế, chia sẻ cơm áo vật chất cho họ, chúng ta đang cộng tác với Chúa Giêsu, đắp dầu đắp thuốc những vết thương của những ai đang ở tận cùng xã hội, những người nằm lây lất nơi phố chợ, những người sầu khổ thất vọng.
Đến với người nghèo chắc chắn sẽ có những chuyện rắc rối. Ở nhà xứ, có anh bạn trẻ đến “xin tiền” vị linh mục chánh xứ. Đại loại câu chuyện, “Mẹ con bị ung thư vú đang ở Sài Gòn chữa bệnh, hiện giờ con hết tiền rồi. Xin cha giúp con một ít tiền”. Có câu chuyện khác “Cô gái ở dưới quê lên thành phố kiếm việc làm, bị cướp giật giỏ, không có tiền xe về quê, xin cha giúp đỡ.”
Họ là những người lỡ đường túng thiếu thật sự, hay họ đang “dựng chuyện” để lừa gạt, biết đâu được. Đó là cái nghề của họ, kịch bản chỉ có thế thôi, cứ diễn đi diễn lại nhiều lần ở nhà xứ.
Một linh mục chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện trên: “Thôi thì cứ thương họ, cứ nghĩ câu chuyện họ kể là thật đi, giúp một ít tiền cho họ. Họ cũng đáng thương thật, tôi không nghĩ xa hơn nữa. Mình tập sống quảng đại.”
Bức tranh cuộc sống hiện đại làm chúng ta nghĩ đến người nghèo, cho họ là những thành phần rắc rối gây phiền hà cho cộng đồng. Chúng ta thường thấy và cũng nghĩ rằng, ở đâu có người nghèo, ở đó có mất trật tự, nhếch nhác, lôi thôi, chứ không bao giờ có trật tự và cũng chẳng có văn minh được.
Cũng vị linh mục ấy kể chuyện: “Nhân dịp cuối năm, giáo xứ tổ chức phát quà cho người nghèo. Cha sở đến giờ khai mạc ra nói vài lời chúc xuân. Trong khuôn viên sân nhà thờ nhỏ, chỉ có vài trăm người nghèo đến nhận quà, nhưng tự nhiên không gian trở nên nhốn nháo ồn ào. Những người nghèo ở đây là những bác xe ôm, xe ba gác, những cô bán vé số, ve chai. Thấy tình hình như thế, các ông trùm tỏ vẻ rất khó chịu, nhất là những người nghèo không có phiếu nhận quà cũng đến đây “ăn vạ” họ còn lời qua tiếng lại, xỉa xói cha sở và giáo xứ. Chúng tôi thương người nghèo thật sự. Nhiều lần cô bán vé số cuối giờ hớt hải đến năn nỉ, tôi mua hết cho cả chục tờ vé số trong ngày. Những dịp bổn mạng giáo xứ và bổn mạng của mình, tôi không tổ chức tiệc tùng, nhưng kêu gọi giáo dân đóng góp, để cả giáo xứ cùng đi những chuyến bác ái ở vùng sâu vùng xa. Làm việc gì chúng ta cũng nên nghĩ đến người nghèo một chút, trong sinh hoạt tổ chức giáo xứ”.
Cha cũng tâm sự với chúng tôi: “Mình là linh mục sống sao cũng được, tiền bạc của cải chia sẻ cho người nghèo, mình dùng của cải vật chất có như không có, sử dụng như không sử dụng. Sống nghèo khó đơn sơ quen rồi”.
Nhìn vào cách ăn mặc đơn sơ, phong thái cư xử nhẹ nhàng và nhất là ngôi nhà xứ nhỏ của vị linh mục ấy, chúng tôi tin cha chia sẻ thật lòng và sẽ luôn nhớ lời cha nhắc nhở: “Hãy nghĩ đến người nghèo”.
Chúng ta cần mở rộng con tim chia sẻ cơm áo vật chất cho những người nghèo, trong khu xóm và cộng đoàn giáo xứ của mình. Khi sử dụng của cải và chi tiêu cá nhân, chúng ta hãy nghĩ đến người nghèo, những người không nhà không cửa, những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ miền núi phía bắc mùa đông đang đến mà không có chiếc áo ấm che thân.
Để kết thúc bài viết, chúng ta cầu nguyện với Chúa và cũng là nhắc nhở nhau “nghĩ đến người nghèo”, qua bài thánh ca “Vì xưa Ta đói“ của Linh mục Nhạc sĩ Thành Tâm như sau:
“Xin cho con tim tôi luôn luôn rộng mở
Đem yêu thương an vui cho ai cần tới
Cho đôi môi tôi luôn xinh tươi chào đón
Biết ủi an ai đang ưu sầu
Xin cho đôi tay tôi luôn luôn rộng mở
Chia cơm ngon canh thơm cho ai nghèo đói
Cho đôi chân tôi luôn mau mau tìm tới
Giúp ai đang lao nhọc khó nguy
Rồi chiều nao đi trên phố
Thấy ông lão ăn xin già nua
Chìa tay xin tôi thương xót
Thế tôi vẫn đang tâm làm ngơ
Rồi chiều nào đi trên phố
Bác phu gác xe đang ngồi lo
Một bầy con đang nheo nhóc
Thế tôi vẫn đang tâm làm ngơ.”
Giuse Nguyễn Bình An
nguồn : http://nguoitinhuu.org/chiase/linhtinh/nghidenngngheo.html
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”