Leonard Cohen đã viết lên dòng trứ danh này: Mọi thứ đều có vết rạn, nhưng qua đó ánh sáng mới lọt vào! Vì chúng ta không thể cự lại cái thói lạm dụng đức tin và cảm thức tôn giáo để phục vụ cho tư lợi của mình, nên Thiên Chúa cuối cùng đã cho nó một điểm dừng.
Sau khi qua đời, nhật ký của mẹ Têrêxa đã tiết lộ nhiều chuyện gây sốc, cụ thể trong suốt sáu mươi năm cuối đời, nghĩa là từ tuổi 27 cho đến lúc qua đời ở tuổi 87, mẹ đã cố gắng hình dung một Thiên Chúa hiện hữu nhưng không có trải nghiệm xúc cảm nào về nhiệm thể lẫn sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng, suốt những năm tháng này, mọi sự trong đời mẹ vẫn nở hoa và lan tỏa một tinh thần vị tha, buông bỏ, tận hiến trong đức tin một cách khác thường, có thể nói là hàng trăm triệu người mới có một.
Xét bên ngoài, điều này có vẻ phi lý, thậm chí là nghịch lý, nhưng trong đó, hai điểm, cảm nhận Thiên Chúa vắng mặt và tinh thần buông bỏ phi thường không phải là không dính với nhau. Ngược lại. Điểm thứ hai, chính xác, là dựa trên điểm thứ nhất, sự bất lực không thể cảm nhận Thiên Chúa, héo hon trong cảm thức đức tin, đêm đen đang lớn lên trong tâm hồn, chính là lý do vì sao đức tin của mẹ quá nguyên tuyền và hành động của mẹ quá vô vị lợi như vây. Tóm lại, khi tất cả những cảm xúc mãnh liệt không có và trí tưởng tượng bất lực không thể tạo nên những hình ảnh về Thiên Chúa và khái niệm về sự hiện hữu của Ngài, thì mẹ không thể vận dụng cảm thức của mình có về Thiên Chúa, không tái định hình nó sao cho hợp với nhu cầu riêng của mình. Mẹ phải đón nhận Thiên Chúa theo cách của Ngài, chứ không phải theo cách của mình. Sự héo hon trong đức tin của mẹ chính là điều làm cho đức tin đó nên nguyên tuyền. Việc Thiên Chúa dường như vắng mặt cũng giúp bảo đảm cho sự vắng mặt cái tôi của chính mẹ.
Để hiểu được trọn vẹn những điều trên, có lẽ cần đối chiếu mẹ Têrêxa, trong sự héo hon các cảm thức đức tin và tác động của việc này lên đời mẹ, với vô số những nhân vật tôn giáo nổi danh, trong quá khứ và hiện tại, những người, đáng buồn thay, lại thường tỏa ra một hình ảnh ngược lại. Họ bừng lên một đức tin mạnh mẽ đầy cảm xúc, nhắc đi nhắc lại rằng Thiên Chúa quá đỗi hiện thực trong đời họ và họ nhận thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu sâu đậm đến thế nào. Và thật sự không có lý do gì để nghi ngờ sự thành tâm và chân thực của họ, vì họ có một lòng nhiệt thành đang cuồn cuộn chảy trong lòng họ. Nhưng, họ không giống mẹ Têrêxa, vì lời giảng và đời sống của họ thường phô ra quá nhiều cái tôi, ái kỷ, viễn tượng, dùng tôn giáo và Chúa cho lợi ích riêng của mình. Nói một cách công tâm không ác ý, thì chúng ta, và thực sự là cả thế giới, không bao giờ nhầm lẫn mẹ Têrêxa với các nhà giáo, các ngòi bút tôn giáo nổi tiếng. Chúng ta thấy trong lòng nhiệt thành tôn giáo của họ có quá nhiều cái tôi, và thấy cảm thức tôn giáo của họ lại làm lợi cho họ. Nực cười là, quá nhiều nhà giáo và ngòi bút tôn giáo nổi tiếng, khoe khoang có một đức tin mạnh mẽ hơn đức tin của mẹ Têrêxa, nhưng cảm thức về Thiên Chúa của họ khi thể hiện ra trong đời sống thì ít có tinh thần vị tha.
Ludwig Feuerbach và Friedrich Nietzsche đã viết những dòng phê phán có lẽ là thâm thúy nhất về tôn giáo và cảm thức tôn giáo. Lý lẽ của họ là tất cả mọi cảm thức tôn giáo xét cho cùng đều là phóng chiếu của con người, và chúng ta tạo nên một Thiên Chúa theo hình tượng và giống với chúng ta, rồi sử dụng hình ảnh đó vì lợi ích của mình. Với hai triết gia này, tất cả mọi cảm thức tôn giáo xét tận cùng chỉ là thứ mà chúng ta tự tạo ra vì lợi ích của mình. Trong quan điểm của họ, tất cả mọi cảm thức tôn giáo, luôn có một yếu tố vận dụng, lý luận, và không lương thiện, dù người đó bị bịt mắt không nhận thấy được. Những người đó tin chắc, chính Thiên Chúa, bằng cách nào đó, đặt để những gì đang xảy ra trong tâm hồn họ, dù những gì đang có trong tâm hồn họ thực ra gần như chính là lòng tư lợi, và đó là lý do vì sao chúng ta quá thường phải chứng kiến một sự trái ngược đáng buồn giữa lòng sốt sắng mộ đạo bên trong nhiều người chúng ta với thói tư lợi xét đến cùng đang lạm dụng lòng đạo đó.
Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này? Tôi đoán là Nietzsche và Feuerbach đúng đến 95%. Tuy nhiên họ sai 5% và 5% đó chính là sự khác biệt. Nhiều bằng chứng cho thấy 95% thời gian chúng ta lạm dụng cảm thức Thiên Chúa để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa sắp đặt mọi sự sao cho chúng ta không thể lúc nào cũng làm thế. Khuynh hướng của chúng ta là dựng nên một Thiên Chúa để phục vụ cho tư lợi của mình, và Thiên Chúa chỉnh đốn nó bằng cách gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã làm với mẹ Têrêxa, những đêm đem tan nát của linh hồn, cụ thể là thời gian khô cằn trong tưởng tượng và cảm xúc, đơn giản là chúng ta không thể tưởng tượng và cảm xúc về sự Thiên Chúa hay tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Trong khi chúng ta, bằng cách nào đó, vẫn tiếp tục «nhận biết» Thiên Chúa với một mức độ thấp hơn, thì trí tưởng tượng và xúc cảm của chúng ta bị triệt tiêu hoàn toàn. Và khi điều này xảy ra, chúng ta thấy mình bất lực không thể vận dụng cảm thức về Thiên Chúa, như thế chắc chắn không thể dùng nó để tư lợi cho mình. Rồi Thiên Chúa có thể đi vào tâm hồn chúng ta một cách nguyên tuyền, khi cái tôi, tính ái kỷ, và ích kỷ của chúng ta giờ đây đã không thể tự tô màu cho cảm thức này.
Leonard Cohen đã viết lên dòng trứ danh này: Mọi thứ đều có vết rạn, nhưng qua đó ánh sáng mới lọt vào! Vì chúng ta không thể cự lại cái thói lạm dụng đức tin và cảm thức tôn giáo để phục vụ cho tư lợi của mình, nên Thiên Chúa cuối cùng đã cho nó một điểm dừng. Như đã làm với mẹ Têrêxa, Thiên Chúa gởi cho chúng ta những đêm đen tan nát để thanh luyện chúng ta, khi chúng ta không tự làm được.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết