Toàn văn thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi toàn thể dân Chúa

181 lượt xem 21 Tháng Tám, 2018

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa lên tiếng trước các báo cáo mới về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và việc che giấu những lạm dụng này của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Trong một lá thư đầy xúc động gửi đến toàn thể dân Chúa, ngài kêu gọi Giáo Hội gần gũi các nạn nhân trong tình liên đới, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện và chay tịnh.

Dưới đây là toàn văn thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cor 12:26). Những lời này của Thánh Phaolô vang dội mạnh mẽ trong lòng tôi khi tôi thừa nhận một lần nữa sự đau khổ nhiều trẻ vị thành niên phải chịu đựng vì nạn lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm gây ra bởi một số lượng đáng kể các giáo sĩ và những người thánh hiến. Những tội ác này gây ra những vết thương sâu sắc đau đớn và bất lực, chủ yếu nơi các nạn nhân, và cả nơi các thành viên trong gia đình của họ và trong cộng đồng lớn hơn những tín hữu và cả nơi những người không có niềm tin. Nhìn về quá khứ, không có nỗ lực nào cầu xin sự tha thứ và tìm cách sửa chữa những tổn hại có thể coi là đủ. Nhìn về tương lai, không một nỗ lực nào có thể bị lơ là hầu tạo ra một nền văn hóa có khả năng không chỉ chặn đứng những tình huống như vậy xảy ra mà thôi, nhưng còn phải ngăn chặn được khả năng bao che và để cho các tình huống như thế tiếp diễn. Nỗi đau của các nạn nhân và gia đình của họ cũng là nỗi đau của chúng ta, và do đó, điều khẩn cấp là chúng ta một lần nữa phải tái khẳng định cam kết bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

1. Nếu một bộ phận nào đau …

Trong những ngày gần đây, một báo cáo đã được công bố trình bày chi tiết những kinh nghiệm của ít nhất là một ngàn nạn nhân của lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm dưới tay của các linh mục trong khoảng thời gian khoảng bảy mươi năm. Mặc dù có thể nói rằng hầu hết các trường hợp này xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra nỗi đau của nhiều nạn nhân. Chúng ta nhận ra rằng những vết thương này không bao giờ biến mất và đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ lên án những tội ác này và hiệp lực trong việc nhổ tận gốc cái nền văn hóa sự chết tạo ra những vết thương không bao giờ biến mất này. Nỗi đau đớn quặn lòng của những nạn nhân, những nỗi đau thấu đến trời cao, từ lâu đã bị phớt lờ, chìm trong im lặng hoặc bị buộc phải câm nín. Nhưng tiếng kêu kịch liệt của chúng mạnh mẽ hơn tất cả các biện pháp nhằm làm câm nín, hoặc thậm chí tìm cách giải quyết chúng bằng các quyết định khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn và phức tạp hơn. Chúa nghe tiếng kêu đó và một lần nữa cho chúng ta thấy Ngài đứng về phía nào. Bài ca [“Ngợi Khen” (Magnificat)] của Đức Maria không bị sai lạc và tiếp tục lặng lẽ vang vọng trong suốt lịch sử. Chúa luôn nhớ lại lời hứa mà Ngài đã làm cho tổ phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1: 51-53). Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta nhận ra rằng phong cách sống của chúng ta đã phủ nhận, và tiếp tục phủ nhận, những lời chúng ta đọc thuộc lòng.

Với sự xấu hổ và ăn năn, chúng ta thừa nhận trong tư cách một cộng đồng giáo hội rằng chúng ta đã không đứng nơi chúng ta lẽ ra nên đứng, rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, đã không nhận ra tầm quan trọng và trọng lực của những thiệt hại gây ra cho rất nhiều cuộc sống. Chúng ta không tỏ ra quan tâm đến những người nhỏ bé; chúng ta đã bỏ rơi họ. Tôi xin lấy lại lời của Đức Hồng Y Ratzinger vào lúc đó, trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, khi ngài chỉ ra với tiếng kêu đau đớn của nhiều nạn nhân và thốt lên rằng lên: “Bao nhiêu những dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Bao nhiêu những phản bội lại Chúa Kitô bởi chính những môn đệ Người, bao nhiêu người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa bất xứng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu; nó đâm thấu trái tim Người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)” (Chặng thứ Chín)

2.… mọi bộ phận cùng đau

Mức độ và trọng lực của tất cả những gì đã xảy ra đòi buộc chúng ta phải chung vai nắm bắt thực tế này một cách toàn diện. Trong mọi hành trình hoán cải, điều quan trọng và cần thiết là phải dám thừa nhận sự thật về những gì đã xảy ra, nhưng bản thân điều này thôi thì chưa đủ. Hôm nay chúng ta, trong tư cách là Dân Thiên Chúa, bị thách thức phải trực diện với nỗi đau của các anh chị em chúng ta bị thương tổn trong thân xác và tinh thần. Nếu, trong quá khứ, phản ứng của chúng ta là lờ đi, thì hôm nay chúng ta muốn liên đới với họ, theo nghĩa sâu sắc nhất và thách đố nhất, và điều đó phải trở thành cách thế chúng ta hình thành nên lịch sử hiện tại và tương lai; cũng như hình thành nên một môi trường mà giữa các xung đột, căng thẳng, trên tất cả mọi thứ, các nạn nhân của mọi loại lạm dụng đều có thể gặp được một bàn tay dang rộng để bảo vệ và cứu vớt họ ra khỏi nỗi đau của mình (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 228). Tình liên đới như thế đòi hỏi chúng ta đến lượt mình phải lên án bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của bất kỳ người nào. Đó là một tình liên đới đòi buộc chúng ta phải chống lại tất cả các hình thức băng hoại, đặc biệt là băng hoại về tinh thần. Thứ đến là “một dạng mù lòa ung dung và tự mãn khiến người ta có thể chấp nhận được mọi thứ: dối trá, vu khống, tự ái và các hình thức tinh tế khác của việc coi mình là trung tâm, vì ‘ngay cả Satan cũng có thể đội lốt thiên thần sáng láng’ (2 Cor 11:14) “(Gaudete et Exsultate – Mừng Rỡ Hân Hoan, 165). Sự khích lệ chịu đựng đau khổ của Thánh Phaolô dành cho những người khổ đau là thuốc giải độc tốt nhất chống lại mọi nỗ lực của chúng ta lặp lại những lời của Cain: “Con là người giữ em con hay sao?” (Sáng Thế Ký 4: 9).

ĐTC tái bày tỏ chính sách ”tuyệt đối không dung thứ” những tội ác lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, liên đới với các nạn nhân và mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa tích cực bài trừ thứ văn hóa lạm dụng này.

ĐTC đưa ra lập trường trên đây trong ”Thư gửi Dân Chúa” công bố ngày 20-8-2018, sau phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, với khoảng 300 giáo sĩ lạm dụng 1 ngàn nạn nhân trong vòng 70 năm qua. Hầu hết những vụ đó xảy ra trước đây nhiều năm, nhưng ĐTC khẳng định rằng những vết thương đó không bao giờ bị xóa bỏ.

ĐTC viết: ”Chúng ta phải quyết liệt lên án những tội ác đó, đồng thời tập trung nỗ lực để loại trừ thứ văn hóa chết chóc này.  Chúng ta phải cảm thấy tủi hổ trước một lối sống đã và đang đi ngược với những gì chúng ta tuyên xưng bằng lời nói”.

Tiếng kêu của các nạn nhân vọng tới trời cao

ĐTC nhận xét rằng tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân mạnh mẽ hơn những che đậy, vọng tới trời cao, mà từ lâu người ta không biết đến, che giấu hoặc tìm cách bóp nghẹt…Trong tư cách là cộng đồng Giáo Hội, chúng ta xấu hổ và hối hận mà nhận rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, không nhận ra chiều kích và sự trầm trọng của những thiệt hại gây ra cho bao nhiêu nạn nhân. Chúng ta đã lơ là và bỏ rơi những người bé nhỏ.

Nhắc lại lời ĐHY Ratzinger

ĐTC nhắc lại những nhận xét của ĐHY Ratzinger (ĐGH Biển Đức 16):

”Tôi nhận làm của tôi những lời mà ĐHY Ratzinger hồi đó, trong bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, đã hiệp với tiếng kêu đau đớn của bao nhiêu nạn nhân và mạnh mẽ nói rằng: ”Có bao nhiêu điều nhơ bẩn trong Giáo Hội, và chính nơi những người, trong chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa! Bao nhiêu kiêu căng, bao nhiêu tự phụ! […]. Sự phản bội của các môn đệ, sự tiếp nhận bất xứng Mình và Máu Thánh Chúa chắc chắn là nỗi đau đớn nhất của Đấng Cứu Chuộc, điều đâm thâu qua tâm hồn Ngài. Tự đáy lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên cùng Chúa: Kyrie, eleison – Lạy Chúa, xin cứu vớt chúng con” (Xc Mt 8,25” (Chặng thứ 9).

Cổ võ chay tịnh và cầu nguyện

Trong thư, ĐTC vạch rõ thái độ ”giáo sĩ trị” gây ra những rạn nứt, chia rẽ trong Thân Mình của Chúa là Giáo hội và kéo dài những tai ương mà chúng ta đang tố giác ngày nay.

Ngài cổ cõ cộng đồng Giáo Hội thực hiện sự thống hối trong tinh thần chay tịnh và cầu nguyện như Chúa truyền dạỵ. Việc làm này giúp chúng ta đặt mình trước mặt Chúa và anh chị em, khẩn cầu ơn tha thứ và ơn xấu hổ, hoán cải, đề ra những hành động hòa hợp với Tin Mừng.

Chay tịnh và cầu nguyện cũng giúp chúng ta chiến thắng sự ham hố thống trị, chiếm hữu vốn là nguyên nhân gây ra những sự ác như thế.

Thư của ĐTC bắt đầu và kết thúc bằng lời của Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng đau” (1 Cr 12,36).

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican