Tối 12.8, núi rừng TàPao thật dịu mát, khí trời trong lành. Cha Augustinô Nguyễn Văn Lạc đặc trách giới Hiền Mẫu cho biết là có 5.000 hội viên Hội Bà Mẹ Công Giáo của Giáo Phận Phan Thiết về Tàpao dự đại hội. Và hàng ngàn khách hành hương cùng đồng hành về bên Mẹ dịp này.
Đến 7g00 tối, mọi người cùng tham dự cuộc rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ. Đoàn kiệu rước thánh tượng Mẹ Tàpao lên lễ đài, dưới bầu trời đêm, lung linh ánh nến thêm phần uy nghiêm và trang trọng. Trước giờ suy niệm kính Đức Mẹ, các Bà Mẹ tiến dâng những lẵng hoa tươi qua bài tiến hoa “Avê Maria”. Cộng đoàn hành hương cùng lần chuỗi Mân Côi và giờ chầu Thánh Thể do cha Augustinô chủ sự. Trong giờ suy niệm, mọi người hướng về Mẹ với những lời xin thưa ơn bình an, cầu nguyện cùng Mẹ trong những hướng dẫn, che chở, gìn giữ để mỗi người với vai trò là người mẹ Công Giáo, có thể hoàn tất cuộc hành trình trần thế của mình được Chúa ban thưởng hạnh phúc thiên đàng. Sau cùng là giờ chầu Thánh Thể. Đây là khoảng thời gian linh thánh, các bà mẹ Công Giáo được quy họp về một mái nhà chung, được ngồi bên Mẹ để chuyện trò với Mẹ sau những bận rộn của công việc gia đình và cuộc sống. Kết thúc giờ cầu nguyện với phép lành Thánh Thể. Sau đó, cộng đoàn cùng đại diện giới hiền mẫu các giáo hạt lần lượt thay phiên nhau quỳ bên Mẹ và chầu Thánh Thể suốt đêm.
Sáng ngày 13.8, đại ngàn TàPao mượt mà thẫm một màu ngát xanh. Trời vần vũ mây đen, khí trời dịu mát và không mưa. Hàng chục ngàn khách hành hương rộn rã về TàPao.
6g30 nghi thức khấn Đức Mẹ.Mọi người dâng những ý nguyện, dâng lời tạ ơn và cầu xin theo ý riêng của mình.
7g00, đoàn rước bắt đầu tiến lên lễ đài. Ca đoàn Bà Mẹ Giáo xứ Thanh Xuân hát ca nhập lễ với những ca khúc tôn vinh Mẹ Tàpao. Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ tế, khoảng 60 linh mục hiệp thông thánh lễ.
Đức cha Tôma chào mừng cộng đoàn, thánh lễ sáng nay chan hòa niềm vui quy tụ trong hồng ân Thiên Chúa, nhờ chuyển cầu của Đức Mẹ mà bao ơn lành được Chúa ban tặng. Ngài hợp lời với quý cha đặc trách giới Hiền mẫu và quý cha đồng tế hân hạnh gởi tới các Bà Mẹ và quý khách hành hương lời chúc mừng. Ngài cũng nói về ý nghĩa ngày lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chung vui với các Bà Mẹ GP Phan Thiết trong ngày đại hội.
Đức cha Tôma giảng lễ, suy niệm phúc Âm (Lc 1,39-56), Đức Mẹ viếng thăm bà Êlisabeth.
Lời nguyện nhập lễ hôm nay là lời chúc tụng tôn vinh mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa vì những hồng ân cao cả mà Chúa đã ban cho Đức Maria: hồng ân được tuyển chọn làm Mẹ của Con Chúa được Công Đồng chung Êphêsô tuyên tín năm 43l; hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Thánh Cha Piô X long trọng công bố ngày 8/12/1858; hồng ân được vinh thăng cả hồn và xác lên trời mà Đức Thánh Cha Piô XII tuyên tín ngày 1/11/1950. “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được đưa Về Trời Cả Hồn Và Xác trong vinh quang thiên quốc”. Lời tuyên tín long trọng nầy trở thành chân lý đức tin cho toàn thể thế giới Công Giáo. Tín điều Đức Maria Về Trời Cả Hồn Và Xác là hệ quả tất yếu của ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể để cho thân xác đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Con Thiên Chúa phải bị hư nát dù trong giây phút sau khi chết; trái lại, nhờ công nghiệp sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa đã ân thưởng cho Người trước kỳ hạn ngày tận thế. Lời Tiền tụng lễ Mẹ Lên Trời ca tụng: “Cha không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Cha yêu quý là Đấng ban sự sống cho muôn loài”. Lời nguyện nhập lễ nầy cũng là lời Hội Thánh mời gọi các tín hữu hãy biết hướng lòng về phúc lộc quê trời với niềm hy vọng sẽ cùng Mẹ Maria được hưởng phúc vinh quang. Xin chia sẻ với cộng đoàn về hai suy tư nầy.
1. Biết hướng lòng về phúc lộc quê trời.
Từ sâu thẳm của tâm tư ước vọng, con người luôn khát vọng và hướng về trời. Phật giáo mong cõi niết bản, Lão giáo hướng về cõi vô vi cực lạc bồng lai tiên cảnh, Khổng giáo tin ở Trời ở định mệnh. Chính Chúa Giêsu dạy những người đi tìm Chúa, vì vừa mới được ăn no, hãy tìm của ăn thường tồn ở đời sau. Tại sao? Vì thời gian như gió thoảng mây bay, ngàn ngày như một ngày, một thoáng chóng qua, không thấy còn vết tích. Hoa cỏ sớm nở chiều tàn. Rồi những gì mình đang có cũng chẳng thuộc về mình. Phù vân, mọi sự đều phù vân. Từ lòng mẹ trần truồng đi ra và sẽ trở về lòng đất cũng trong trạng thái ấy như tâm trạng của ông Gióp khi nằm trên đống bụi tro và bị người người khinh rẻ. Hôm nay có, nhưng ngày mai có thể trắng tay. Hôm nay giàu sang, chức cao quyền trọng, mai có thể bị vứt bỏ ở vệ đường. Và những khi ấy, con người thường ngước mắt về trời để tìm an ủi, tìm bám víu. Người kitô hữu biết tâm hướng thượng; không cắm lều đóng trại nơi thế trần, vì hiểu rằng mọi sự chóng qua, chóng tàn; sự sống luôn thay đổi. Biết tìm nơi tồn tại, nơi định cư vĩnh viễn mai sau. Biết hướng lòng về quê trời để nhận ra và xác tín quê thật là quê trời. Và những gì mình có, mình tích lũy, mình xây dựng phải là những phương cách đưa mình về trời, chứ không để nhấn chìm mình trong hư vong, trong án phạt trầm luân.
2. Niềm hy vọng được lên trời.
Lên trời là điểm cuối của cuộc hành trình trần thế, là mục đích của cuộc lữ hành đức tin của mọi kitô hữu. Tất cả những gì chúng ta sống, chúng ta thực hiện, chúng ta lập công phúc là để chiếm hữu Nước Trời, là để được lên trời. Và hãy nhìn lên Mẹ Maria như lời Tiền tụng lễ trọng hôm nay tuyên xưng “Mẹ Maria là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thể”.
Để được hy vọng lên trời, chúng ta hãy sống như Mẹ Maria đã sống và hãy làm như Mẹ Maria đã làm trong cuộc hành trình đức tin của Người. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc thăm viếng của Mẹ Maria nơi nhà Bà Isave, để từ nơi mái nhà nầy, qua cuộc đối thoại giữa hai người phụ nữ, Mẹ Maria và Bà Isave, đã vang lên lời tạ ơn và chúc tụng hồng ân cứu độ Thiên Chúa đã dành cho nhân loại mà Bà Isave đã cảm nhận khi Bà vừa gặp gỡ Mẹ Maria: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa đến viếng thăm, vì nầy tai tôi vừa nghe lời Maria chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Và thụ tạo đầu tiên được hưởng ơn cứu độ cách toàn diện là chính Mẹ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi. . .. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, thật Danh Người chí thánh chí tôn…”
Hồng ân được ơn cứu độ và lên trời sẽ được ban tặng cho tất cả những ai biết đón nhận Chúa Kitô vào cuộc đời mình với thái độ tin tưởng phó thác và xin vâng như Mẹ Maria, hồng ân được dành cho những ai “biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11,28).
Cuộc đời của Mẹ Maria đã liên kết mật thiêt với cuộc đời của Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô từ biến cố Truyền tin, Giáng Sinh, đến những ngày công khai rao giảng, tới những phút giây đẫm máu đau thương nơi Núi Sọ… Không một chút tự mãn về hồng ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, không một thái độ kiêu căng khi được chọn làm “Mẹ Thiên Chúa”, không kiêu sa khi được bảo vệ “trọn đời trinh khiết”, Mẹ vẫn âm thầm như một “Nữ Tỳ Trung Tín”, luôn ẩn khuất phục vụ Con và công việc cứu thế của Con bằng những hy sinh, tín thác và phục vụ của người mẹ đối với Chúa Giêsu vừa là con Mẹ vừa là Thiên Chúa cứu độ Mẹ.
Thánh sử Luca ghi lại những bước chân đẹp của Mẹ Maria trong cuộc hành trình đến thăm viếng, giúp đỡ và loan báo Tin Mừng Chúa cho người chị họ Isave đang mang thai hài nhi Gioan. Và lễ Mẹ Về Trời mở ra cho chúng ta chiều kích của một Cuộc Thăm Viếng Mới: nơi vinh quang thiên quốc, Mẹ lại đến chia sẻ niềm vui ơn Cứu độ và hy vọng phục sinh cho “con cháu E-và” đang bị dập vùi trong “chốn khách đày, nơi khóc lóc”, tại Lộ Đức, Fatima, La vang, linh địa Tapao và khắp nơi trên thế giới và cũng lại một lần nữa gọi mời con cái Mẹ tiếp tục lên đường với Mẹ để mở ra những cuộc thăm viếng khác đến muôn vạn mái nhà, đến trăm nghìn địa chỉ, nhất là những địa chỉ của tối tăm, đói khổ, tật bệnh, lầm lạc, bạo lực, thiên tai. .. đang cần bừng sáng lên những lời tin yêu Magnificat : “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. . .Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuối về tay trắng. . .Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Ápraham, và cho con cháu đến muôn đời”.
Hướng nhìn lên Mẹ Maria được ân thưởng cả hồn và xác lên trời vinh hiển, chúng ta cùng cầu xin: “Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót, nhờ lời Mẹ Maria chuyển cầu, xin Cha cho chúng con biết luôn cậy trông, phó thác vào bàn tay từ mẫu của mẹ Thiên Chúa, để sau cuộc đời lữ thứ trần gian, chúng con được cùng Mẹ hưởng vinh phúc quê trời. Amen”.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Augustinô đặc trách giới Hiền Mẫu dâng lời tri ân. Bó hoa tươi dâng kính ngài với trọn lòng hiếu thảo.
Đức cha làm phép ảnh tượng và nước cho cộng đoàn.
Trong Năm Thánh Tử Đạo Việt Nam, Trung tâm Thánh mẫu Tàpao là nơi hành hương của Giáo phận Phan thiết, vì thế cuối thánh lễ, Đức Cha ban phép lành với ơn toàn xá cho cộng đoàn.
Thánh lễ kết thúc trong niềm vui, mọi người ra về hân hoan. Muôn vàn ý nguyện cầu đã được tiến dâng lên Mẹ. Dòng người ào ạt tỏa ra mọi lối. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chậm chạp rời khỏi TàPao, trả lại sự yên bình cho núi rừng, trả lại sự thanh vắng cho ruộng vườn. Hẹn gặp lại, ngày hành hương Đức Mẹ TàPao tháng 9 sắp đến.
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết