Chúa Giêsu – Bánh ban sự sống.
05/08 – Chúa Nhật tuần 18 Thường Niên năm B.
“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Lời Chúa: Ga 6, 24-35
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”. Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
1. Của ăn thiêng liêng
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta thấy Chúa Giêsu có một đường lối huấn luyện rất đặc biệt. Đường lối ấy, nói theo ngôn ngữ hiện nay, là rất sư phạm. Ngài đi từ các việc cụ thể, từ cái mắt thấy tai nghe, từ cái mà người ta cảm nghiệm được để nói về những thực tại siêu nhiên.
Thực vậy, để nói cho ông Nicôđêmô hiểu về sự cần thiết phải được tái sinh để được vào Nước Trời, Ngài bắt đầu nói về nước và Thần khí. Ai sinh ra cũng từ trong một bọc nước và phải thở. Kẻ tái sinh bởi ơn trên cũng phải sinh ra từ nước và thần khí. Đó là nước từ cạnh sườn Ngài chảy ra khi Ngài đã trao thần khí.
Để làm cho người ta hiểu Ngài là ánh sáng thế gian, Ngài đã mở mắt cho một người mù từ khi mới sinh. Và Hôm nay để mạc khải cho chúng ta biết Ngài chính là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian, Ngài đã làm phép lạ bánh hoá nhiều, cho năm ngàn người được no nê.
Con người sinh ra cần phải có ánh sáng, không khí, nước và bánh. Kẻ được tái sinh làm con Thiên Chúa, cũng cần đến Đức Kitô, là ánh sáng, là Thần khí, là nước hằng sống và là bánh bởi trời. Ánh sáng ấy bùng lên trên thập giá. Thần khí ấy là hơi thở của Đức Kitô được trao ban khi Ngài tắt hơi thở. Nước hằng sống là nước từ cạnh sườn Ngài chảy ra và bánh bởi trời chính là thịt của Ngài. Khi chúng ta ăn cái gì thì cái đó trở nên thịt máu của chúng ta. Khi chúng ta ăn thịt của Đức Kitô, tấm bánh được bẻ ra, thì Ngài sẽ trở thành thịt máu chúng ta. Và bằng cách đó, Ngài thực sự ở trong chúng ta. Ngài và chúng ta chỉ còn là một, để rồi chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Vì chính Đức Kitô sống trong chúng ta, nên chúng ta mới có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Mầu nhiệm thật cao siêu, nhưng ngôn ngữ và cách diễn tả của Chúa thật cụ thể và đơn sơ đến sống sượng, bởi vì Ngài không ngại nói đến việc phải ăn thịt và uống máu Ngài, khiến cho nhiều người lấy làm chướng tai, không thể chấp nhận được, nên đã bỏ đi, không còn tin theo Ngài nữa.
Đó chính là lý do Chúa đòi hỏi niềm tin. Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta nhận ra Ngài là Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến. Và cái chết của Ngài mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự chết đời đời và đem lại cho chúng ta hạnh phúc trường sinh. Người Kitô hữu chúng ta hôm nay có thể ăn thịt và uống máu Chúa hằng ngày, nhưng mấy ai thực sự ý thức rằng mình đang sống bởi chính thịt máu của Ngài? Đây không chỉ là chuyện thần học hay huyền bí, mà là chuyện thực tế, chuyện cũng thật như khi chúng ta ăn cơm, ăn bánh vì chúng ta không chịu lễ thiêng liêng, mà thực sự ăn bánh đã trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu. Thật đúng là mầu nhiệm đức tin.
Nhưng ý thức được như thế mà thôi chưa đủ, chuyện quan trọng đó là làm thế nào để chúng ta sống xứng đáng với Đấng đã thực sự trở nên thịt máu, tức là sự sống của chúng ta. Thực vậy, nếu chúng ta tin rằng: Thịt máu của chúng ta là chính thịt máu Đức Kitô, sự sống của chúng ta chính là sự sống Ngài tạo ra, thì chúng ta không còn được sống theo tính tự nhiên của mình, sống cho mình, mà trái lại, phải sống như Ngài đã sống. Và sống cho anh em mình, như Ngài đang sống cho chúng ta.
2. Đời còn thiếu
Con người chúng ta gồm có hồn và xác. Thân xác của chúng ta đôi khi lâm vào tình trạng đói khát. Linh hồn chúng ta cũng vậy. Nhu cầu mà linh hồn đói khát không gì khác hơn là chính Thiên Chúa, như lời thánh Augustinô đã viết: Linh hồn tôi sẽ mãi mãi khắc khoải tìm kiếm cho đến khi được nghỉ yên trong bàn tay của Chúa.
Tom Phillips là một thanh niên thành đạt. Năm 40 tuổi, anh đã làm tới chức giám đốc một công ty lớn. Nhà có, xe có, và gia đình ấm cúng. Thế nhưng anh vẫn cảm thấy không được hạnh phúc, vì còn thiếu sót một điều gì đó. Và rồi một đêm nọ, trên chuyến tàu đi Nữu Ước, anh đã khám phá ra điều mình còn thiếu sót, đó chính là Đức Kitô. Và từ đêm định mệnh ấy, cuộc đời anh đã đổi thay và anh mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực.
Charles Colson cũng vậy. Ông là một người thành đạt. Có một văn phòng rêng cạnh toà Bạch Ốc. Tuy nhiên, ông luôn cảm thấy một hố thẳm trong tâm hồn, và dường như còn thiếu một điều gì đó trong cuộc đời. Qua cuộc gặp gỡ với một người bạn thân. Nghe người bạn này kể lại sự trở về của mình. Ông đã khám phá điều mình còn thiếu. Và thế là lần đầu tiên trong đời, ông đã cầu nguyện với Chúa: Lạy Chúa, con không biết làm cách nào để tìm kiếm Chúa, nhưng con sẽ cố gắng. Hiện giờ con là kẻ không mấy tốt lành, nhưng con vẫn muốn tự hiến cho Ngài. Xin hãy nhận ấy con. Và từ đó cho đến ngày hôm nay, ông đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng, nhất là trong các trại giam và các trường đại học.
Từ hai câu chuyện trên, chúng ta hãy tự hỏi: Có bao giờ tâm hồn chúng ta cảm thấy đói khát hay không. Có bao giờ bản thân chúng ta khắc khoải tìm kiếm Chúa hay không? Có bao giờ con người chúng ta mong muốn được gắn bó với Chúa hay không? Nếu chúng ta trả lời có, thì lời Chúa hôm nay đã đem lại cho chúng ta đáp số để giải quyết: Ta là bánh Hằng Sống. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói. Ai tin vào Ta sẽ chẳng bị khát bao giờ. Nơi khác Ngài cũng xác quyết: Hỡi những ai lao nhọc và gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.
Tóm lại, sứ điệp Chúa muốn gởi đến với mỗi người chúng ta hôm nay thật đơn giản. Sứ điệp ấy như thế này: Tận thẳm sâu cõi lòng, ai trong chúng ta cũng đều chất chứa một cơn đói khát sâu xa mà chỉ mình Chúa mới có thể thoả mãn. Chính sứ điệp này đã đem lại cho con người và cuộc đời chúng ta một ý nghĩa mới, miễn là chúng ta biết chấp nhận nó. Và để kết luận chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện của Charles Colson: Lạy Chúa, con chẳng biết phải tìm kiếm Chúa thế nào, nhưng con luôn cố gắng. Hiện giờ con là kẻ không mấy tốt lành, nhưng con vẫn muốn hiến dâng cho Chúa. Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy con. Xin hãy nhận lấy con luôn mãi.
3. Bánh từ nhà đem đến.
Trong cuộc giao tranh, có một người lính bị thương nặng và được đưa vào bệnh viện dã chiến. Chàng có hy vọng bình phục, thế nhưng chàng lại không chịu ăn. Các y tá và nữ tu đã tìm mọi cách thuyết phục, nhưng chàng đều từ chối mọi thức ăn đem tới. Một người bạn thân biết chàng nhớ nhà nên anh đã tình nguyện đi tìm nhà của người bị thương để mời cha chàng tới. Đến nhà của người bạn, anh kể rõ hoàn cảnh. Người cha chuẩn bị lên đường thì mẹ chàng gói cho con bà một nắm cơm.
Nạn nhân vui mừng khi thấy cha mình. Nhưng chàng vẫn chưa chịu ăn, đến khi cha chàng nói: Này con, đây là nắm cơm mẹ con đã thổi. Nghe thế chàng bèn tươi ngay nét mặt và nói: Vâng, cơm mẹ con đã thổi xin cho con một miếng. Từ đó chàng bắt đầu bình phục.
Phải chăng đó cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Thực vậy, chúng ta bị thương trong trận chiến cuộc đời bởi tội, bởi quên Chúa, bởi những phiền muộn, những gian nan và khổ đau hằng ngày. Chúng ta hết muốn ăn những món ăn làm cho linh hồn chúng ta thêm mạnh mẽ. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: Cha Ta cho các ngươi bánh bởi trời đích thật. Bánh của Thiên Chúa từ trới đến và ban sự sống cho thế gian. Cũng giống như người cha trong câu chuyện đã nói với con mình: đây là cơm mẹ con đã thổi.
Vì thế, vị linh mục nhân danh Đức Kitô cũng nói với chúng ta: Đây là bánh Cha chúng ta ở trên trời đã làm. Thánh Thể là bánh từ trời, bánh ban sự sống, bánh chữa lành thiêng liêng, cũng như trao ban sức mạnh cho tâm hồn. Không có phù phép gì trong nắm cơm của người mẹ. Nhưng có tình yêu là như một phép mầu. Bởi kinh nghiệm, người lính bị thương biết rằng nắm cơm người mẹ đã thổi gói ghém biết bao nhiêu tình thương.
Cũng thế, là những kẻ theo Đức Kitô, chúng ta biết rằng: Tình yêu được ban tặng trong Thánh Thể, trong việc đem bánh bởi trời đến ngay nơi đây và ngay lúc này. Thánh vịnh đã ca ngợi Chúa vì Ngài đã ban manna, một thứ của ăn lạ lùng của Chúa trong cuộc hành trình trở về đất hứa. Manna là hình ảnh của bánh Thánh Thể.
Chúng ta cũng dùng chính những lời người Do Thái đã dùng khi cảm tạ và ca tụng Chúa, vì bánh Thánh Thể Chúa ban như là manna cho tâm hồn chúng ta được sống trong cuộc lữ thứ trần gian này: Chúa đã ban cho họ bánh bởi trời, Ngài làm mưa manna trên họ để trở nên của ăn và Ngài cho họ bánh bởi trời.
Loài người được ăn bánh của Đấng toàn năng. Thánh Thể bao gồm tất cả. Và hôm nay, chúng ta nên nhớ rằng: Bánh bởi trời là liều thuốc cho linh hồn đau yếu, là sự bổ dưỡng cho những tâm hồn mang thương tích, là ánh sáng và sức mạnh cho những kẻ yếu đuối. Tất cả chúng ta sẽ thấy được điều người lính bị thương trong câu chuyện đã kinh nghiệm. Nếu chúng ta nhớ rằng: Thánh Thể là bánh được đem đến từ nhà của chúng ta ở trên trời.
4. Đằng sau vật chất hữu hình
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Qua những biểu tượng hay dấu chỉ hữu hình, con người có thể nhận ra Thực Tại Siêu Vượt. Qua tấm bánh, con người có thể nhận ra Thiên Chúa luôn yêu thương, săn sóc và dưỡng dục mỗi người và mọi dân tộc.
I. Cơ cấu vật chất- tinh thần
Con người có thân xác, nên phải ăn phải mặc; nhu cầu vật chất là điều chính đáng và cần được thỏa mãn. Tuy nhiên, con người khác con vật, con người không chỉ có nhu cầu vật chất: ăn ngon ngủ kỹ chưa đủ làm con người hạnh phúc. Con người còn có nhu cầu tinh thần. Con người cần được chấp nhận, cần được yêu được thương, cần được phát triển tài năng của mỗi người đến mức độ tuyệt hảo.
Vật chất- tinh thần là cơ cấu của con người. Qua những gì hữu hình vật chất, con người nhận ra tinh thần hiện diện. Con người là tinh thần qua thân xác, thân xác là biểu tượng của con người xét như hữu thể vật chất- tinh thần. Thế nên, kính trọng con người đòi phải kính trọng thân xác con người. Tình yêu đối với con người cũng được diễn tả một cách cụ thể qua thân xác và những gì cụ thể hữu hình. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái được diễn tả qua sự hy sinh, vất vả làm việc để nuôi con, kiên nhẫn giáo dục con cái, mong con mình thành người trưởng thành và hạnh phúc.
Bài đọc sách Xuất Hành cho thấy dân Do Thái đói khát trong hoang địa nên đã kêu trách Môsê và Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban Manna nuôi sống họ. Họ đòi thịt, Thiên Chúa đã ban chim cút cho họ ăn. Tình yêu Thiên Chúa đối với dân Do Thái được diễn tả qua việc đưa họ ra khỏi Ai cập, qua việc che nắng và soi sáng họ bằng cột mây cột lửa, qua việc cho họ ăn uống. Thiên Chúa diễn tả tình yêu cho con người qua những gì cụ thể hữu hình, và Thiên Chúa cũng mong ước con người nhận ra tình yêu của Ngài, để con người có thể sống tín thác, an bình và hạnh phúc.
II. Siêu vượt- vượt lên những gì vật chất hữu hình
Dân Do Thái trong hoang địa càm ràm Thiên Chúa và Môsê: “Tại sao chúng tôi đã không chết trong tay Đức Chúa tại Aicập khi được ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa lòng”. Dân Do Thái đã dừng lại nơi những gì là miếng ăn vật chất, nên đã không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua việc Ngài can thiệp giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Thiên Chúa đã ban bánh cho dân, vì cơm bánh là nhu cầu chính đáng của con người; nhưng qua đó Thiên Chúa cũng mời gọi dân Do Thái nhận ra Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc họ, can thiệp, nuôi dưỡng và dạy dỗ họ ngang qua mọi biến cố.
Không phải chỉ dân Do Thái ngày xưa như vậy, ngày nay nhiều người cũng chỉ dừng lại những gì vật chất, họ đi tìm thỏa mãn hoan lạc nơi miếng ăn và xác thịt, họ chưa nhận ra được giá trị thực của đời người, chưa nhận ra được niềm vui sâu xa trong việc phục vụ và giúp đỡ tha nhân. Đức Giêsu nói với những người đi tìm Ngài chỉ vì bánh ăn: “các ngươi tìm Ta không vì đã thấy dấu lạ nhưng vì các ngươi có bánh ăn. Đừng lao công chỉ để có lương thực chóng qua, nhưng vì lương thực cho cuộc sống vĩnh cửu”. Thiên Chúa mời gọi mỗi người hãy giúp nhau nhận ra giá trị đích thực, làm sao để con người có thể sống hạnh phúc ngay trong hoàn cảnh hiện tại.
Con người được mời gọi vượt trên gặp gỡ Thiên Chúa qua những trung gian vật chất. Qua lương thực hằng ngày con người cũng có thể nhận ra tình yêu và sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa đối với mỗi người. Qua tình yêu của người con đối với cha mẹ, hoặc của cha mẹ đối với con cái, mỗi người có thể nhận ra tình yêu của Thiên Chúa cho mình. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, vì con người được tạo dựng giống Thiên Chúa. Cái nhìn siêu vượt, là cái nhìn giúp con người nhận ra Đấng Tuyệt Đối và có tương quan thân thiết với Ngài.
III. Thiên Chúa là Cha của tất cả
Khi một người được sinh ra, người đó là con của người cha người mẹ sinh ra mình. Mỗi người không tình cờ mà hiện hữu trên đời, chính Thiên Chúa đã yêu thương và sinh ra người đó qua cha mẹ của mình. Mỗi người đều có Thiên Chúa là cha là mẹ mình. Mỗi người làm cha làm mẹ đều cố gắng thương yêu tất cả những con mình sinh ra; cũng tương tự như vậy, mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt.
Lịch sử dân tộc Do Thái là một mẫu cho tất cả các dân tộc trên hoàn vũ nhận ra rằng, Thiên Chúa yêu thương dân tộc mình như Ngài đã yêu thương dân tộc Do Thái. Cho tới ngày nay, cho dù dân tộc Do Thái có bị phân tán trên khắp thế giới, cho dù đất nước Do Thái có nhỏ bé và luôn sống trong chiến tranh, thì người ta vẫn tin rằng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương dân tộc Do Thái, một dân được tuyển chọn làm dân tư tế, dân trung gian để nói về Thiên Chúa cho mọi người và mọi dân tộc khác.
Do Thái giáo là tôn giáo đặc biệt, vì Thiên Chúa mặc khải qua lịch sử dân tộc Do Thái, và lịch sử dân tộc Do Thái là lịch sử thánh. Kitô giáo là một tôn giáo đặc biệt vì đã được Đức Giêsu Kitô sáng lập, vì đã nhận ra Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Qua Đức Giêsu Kitô, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Thiên Chúa yêu thương mỗi người như yêu thương Đức Giêsu (Ga.17, 23; 15, 8-9). Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo có thể là phương tiện Thiên Chúa dùng để giúp con người sống trong tôn giáo đó gặp gỡ Thiên Chúa theo cách thế riêng của họ; tuy nhiên Kitô giáo là một hồng ân rất đặc biệt cho Kitô hữu và cho tất cả mọi người, ngay cả cho những người sống trong các tôn giáo khác.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Đâu là dấu chỉ hay biểu tượng mà qua đó bạn dễ nhận ra Thiên Chúa hiện diện và yêu thương bạn nhất? Nếu có, xin bạn chia sẻ.
2. Theo bạn, đâu là dấu chỉ hay biểu tượng đặc biệt có ý nghĩa đối với con người ngày nay, giúp con người vươn lên gặp gỡ Thiên Chúa?
5. Hãy tìm lương thực trường sinh – ViKiNi
(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Người ta thường hoan hô lãnh tụ muôn năm, tổng thống muôn năm, chủ tịch muôn năm … Nhưng họ chẳng sống được muôn năm, mà nấm mồ chôn vùi họ thối nát dưới lòng đất. Lãnh tụ nổi tiếng nhất trong loài người muốn sống muôn năm và lo tìm thuốc trường sinh bất tử, có lẽ là Tần thủy Hoàng của nước Tầu, đã sống trước Chúa Giáng sinh hơn 200 năm. Ông tự phong là Nhất Thế, nghĩa là vô địch nhất thế gian này về đức độ hơn cả Tam Hoàng, có công hơn cả Ngũ Đế là những vị vua có công lập quốc, kiến quốc nhất của Trung Hoa. Thủy Hoàng còn muốn được trường sinh trẻ mãi, nên tìm đủ mọi danh y, pháp thuật, bói toán, chỉ dẫn cho uống thuốc, tập luyện và sai phái quần thần đi khắp mọi nơi tìm thuốc trường sinh, với bất cứ giá nào, dù phải vượt biển Đông hão huyền cũng phải đi tìm, dù phải khổ luyện đến chết, vẫn nhắm mắt làm theo. Đồng thời, ông lại lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga, rộng lớn chín dặm vuông vức, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân hà, lấy vàng bạc xây tường và chôn sống hàng trăm cung nữ vây quanh nhà mồ của ông để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta như bảo ông phú hộ rằng: “Đồ ngốc ! nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc. 12, 20). Quả thực, Thủy Hoàng chỉ làm vua hơn chục năm và sống hơn năm mươi tuổi. Khi chết, thây ma của ông thối tha ghê tởm đến nỗi phải gánh cá thối đi trước kẻo dân chúng nguyền rủa: “Ác giả ác báo”.
Tin mừng hôm nay cũng cho thấy dân chúng đi tìm Chúa Giêsu để được bánh ăn như hôm qua họ mới được ăn bánh hóa nhiều. Nhưng Chúa đã nhắc nhở họ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông”. Họ tưởng Người sẽ ban cho họ thứ bánh như Môisen đã cho tổ tiên họ ăn man na trong sa mạc suốt thời gian bốn mươi năm về đất hứa. Họ vội vàng xin: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó”. Họ sẽ sống sung sướng biết bao, không phải làm ăn cực khổ.
Trước đó mấy ngày, người phụ nữ Samaria đến giếng Giacóp lấy nước. Chị được gặp Chúa Giêsu. Người cũng nói với chị: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa, và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Chị đã mau lẹ xin: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga. 4, 13-15).
Thời nào con người cũng chỉ biết tham muốn đòi hỏi những của ăn vật chất hay hư nát như vậy. Tần thủy Hoàng, dân Do thái, dân Samari và cả chúng ta nữa: “được voi đòi tiên”, không bao giờ được thỏa mãn. Lòng tham con người không đáy. Ở nước nghèo đòi ăn no mặc ấm, có nhà ở. Ở nước giàu ăn dư thừa lại luôn xuống đường đình công, biểu tình đòi tăng lương, đòi bớt ngày làm việc, từ bảy ngày xuống năm ngày, từ 48 giờ xuống 40 giờ, 30 giờ, còn để giờ đi xả hơi, đi chơi, coi phim, du lịch đua xe, đấu bóng, đấu võ, tới chỗ đánh nhau, chửi nhau, gây rối, rượu chè, cờ bạc, nghiện ma túy, phá hoại, chiến tranh, chém giết lẫn nhau. Nhàn cư vi bất thiện. Không ở đâu trên thế gian làm cho người ta được bằng lòng ! Ở Việt Nam đòi sang Mỹ, ở Mỹ lại đòi về ! Càng giàu càng lắm nhu cầu. Càng nhiều nhu cầu càng khổ vì chẳng bao giờ được thỏa mãn.
Người ta chỉ biết tìm những của hư nát và chết theo của hư nát đó thôi.
Chúa Giêsu thấy con người sống trong cảnh hư nát bi đát tội nghiệp đó, đã kêu gọi ta: “Hãy ra công làm việc của Thiên Chúa, để có lương thực không hư nát. Việc của Thiên Chúa là tin vào Đấng Ngài đã sai đến”. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Đấng ấy chính là Tôi”, “Chính Tôi là bánh trường sinh, ai đến với Tôi, không hề đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ nữa”. “Đến với Tôi, tin vào Tôi” là sống như chính Chúa Giêsu sống, sống với tâm tình và hành động như Người. Sống bằng sức sống của Người đã sống và đã chết để hy sinh lấy thịt máu mình cho con người được sống và được sống dồi dào. Sống như thế sẽ không còn đói, hy sinh như thế sẽ không còn khát, không còn lòng tham không đáy nữa, không còn đau khổ, nhưng được sống trường sinh hạnh phúc muôn đời
Thánh Ignatiô, Đấng sáng lập Dòng Tên, một dòng trí thức nhất của Hội thánh, Ignatiô lúc còn là đại úy, là quan, là hiệp sĩ anh dũng đầy những tham vọng, đòi giàu sang, khát danh tiếng, mê lạc thú, khát khao đủ mọi của hư nát thế gian. Chẳng may, Ignatiô bị thương nặng, què cẳng, phải nằm nhà thương lâu dài. Ông có dịp đọc sách “Gương Chúa Giêsu”, ông cảm thấy tâm hồn thanh thoát, phấn khởi chan chứa niềm vui. Ông thấy niềm vui thánh thiện này khác hẳn với thú vui dục vọng, danh vọng, giàu sang. Niềm vui thế tục như của ăn hư nát, vui chút là hết, lại sinh ra buồn chán, khổ sở, cắn rứt bất mãn như kẻ say rượu, mê cờ bạc, nghiện ngập. Niềm vui nhân đức, thánh thiện, việc lành, tồn tại mãi, an tâm, phấn khởi, thanh thoát, giống như niềm vui của tuần tĩnh tâm, của mùa thương khó, của lễ Phục sinh và Giáng sinh.
Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Ignatiô tìm được lương thực trường sinh vinh phúc, xin cho chúng con luôn luôn làm việc của Thiên Chúa là tin mến vàsống theo Đức Giêsu để được Thịt và Máu Thánh Người bổ dưỡng chúng con bây giờ và cho đến muôn đời.
5. “Lương Thực Vĩnh Cửu”
(Suy niệm của Lm. Louis Phạm Hữu Độ, CMC)
Đức Tổng GM Fulton Sheen là một nhà giảng thuyết lừng danh của Nước Mỹ từ năm 1950 tới năm 1979. Ít ngày trước khi qua đời trong năm 1979, một nhà báo hỏi ngài “Thưa Đức Cha, ai đã tạo động lực cho Đức Cha về việc chầu Thánh Thể mỗi ngày, có phải vị thánh nào hay Đức Giáo Hoàng nào chăng?” Ngài trả lời: “Không phải từ vị thánh hay Giáo Hoàng nào cả nhưng là từ một cô bé người Tàu 11 tuổi” Ngài kể: Khi Trung cộng xâm chiếm Trung Hoa, lính Trung cộng đã đến 1 giáo xứ kia bắt giam Linh mục xứ trong nhà xứ, kế bên nhà thờ, rồi họ hung hăng tiến vào Thánh Đường phá vỡ Bàn Thờ và Nhà Tạm, đổ tung Mình Thánh ra. Qua khung kiếng cửa sổ vị Linh mục này nhìn thấy tất cả, và ngài còn nhớ rõ là trong Nhà Tạm bấy giờ có 32 Mình Thánh. Rồi lính Trung Cộng bỏ đi để lại 1 lính gác nhà thờ và 1 lính gác nhà xứ. Họ không ngờ bấy giờ có 1 cô bé đang cầu nguyện trong góc tối của nhà thờ. Cô nhìn thấy mọi sự. Đêm hôm ấy cô lẻn vào Nhà Thờ bằng cánh cửa riêng. Cô qùi chầu Chúa 1 giờ đền bù lại hành vi xúc phạm đó, rồi cô cúi xuống dùng lưỡi chịu lấy Mình Thánh Chúa vương vãi trên nền nhà thờ. Và cứ thế mỗi đêm cô đều tới chầu Chúa và chịu Lễ như vậy. Đến ngày thứ 32 sau khi chịu xong Mình Thánh cuối cùng cô lẻn ra, không may gây tiếng động khiến tên lính nghe được, đuổi theo và dùng báng súng đập chết cô. Cha xứ kể lại câu chuyện cảm động trên, Đức Tổng GM Fulton Sheen biết được và từ đó Ngài hứa với Chúa, bắt chước gương can đảm của cô bé và dù bận rộn đến đâu đi nữa Ngài vẫn giữ thói quen cầu nguyện trước Thánh Thể 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Ăn là một nhu cầu và là một tác động rất quen thuộc với con người. Có ai sống mà không ăn. Chúa Giêsu không ngoại lệ. Phúc Âm nhiều lần kể Chúa Giêsu được mời tới nhà người ta ăn. Vì ăn là một sinh hoạt quen thuộc và quan trọng như vậy nên từ đó Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho nhân loại một Của Ăn thiêng liêng là Thịt Máu Ngài. Đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại chính Chúa tuyên bố, Thịt và Máu Chúa là Của Ăn cho nhân lọai. Đây không phải là câu nói chơi vì nó liên quan đến hạnh phúc đời đời của biết bao nhiêu người nên không nói chơi được. Đây cũng không phải là câu nói do cảm hứng hay tình cờ. Thiên Chúa không làm việc theo cảm hứng hay tình cờ nhưng có chương trình rỏ ràng, vả lại Chúa lập đi lập lại nhiều lần và cho dù nhiều người chống đối hay có nhiều môn đệ bỏ đi, Ngài vẫn cứ giữ nguyên câu nói đó.
Sau khi Chúa Giêsu tuyên bố Bánh Thiên Chúa ban là bánh bởi trời xuống và đem sự sống cho thế gian thì người Do Thái xin Chúa cho ăn mãi thứ Bánh đó. Chúa mới hướng họ về chính Chúa: Ta là Bánh trường sinh. Bánh thỏa mãn cơn đói và cơn khát của con ngưòi.
Ước mong hạnh phúc đời đời đó là niềm khát vọng sâu xa nhất của con người vì chúng ta được dựng nên có hạn nhưng lại khao khát sự vô hạn, chúng ta được dựng nên trong thời gian nhưng lại khao khát sự vĩnh cữu, chúng ta được dựng nên tại trái đất này nhưng chẳng có thứ gì ở trái đất này làm mình thõa mãn. Bởi vì linh hồn con người rất cao qúi nên chỉ có Đấng dựng nên nó mới làm nó thõa mãn mà thôi. Thịt Máu của Đấng vĩnh cữu sẽ ban cho con người sự sống vĩnh cữu, vì có được cái gì thì mới có thể ban ra cái đó, người ta không thể cho cái mà mình không có. Khi xưa Nã phá Luân, Hoàng đế nước Pháp, vinh quang tỏa sáng, danh tiếng khắp nơi. Một hôm có người đánh bạo hỏi vua “Thưa đức vua, đối với Ngài thì đâu là ngày đẹp nhất và qúi báu nhất trong đời Ngài?” Vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Ngày đẹp nhất và qúi trọng nhất trong đời Ta đó là ngày Ta được Rước Lễ Lần Đầu.”
Cơm bánh nuôi dưỡng thân xác chúng ta điều đó cần thiết nhưng chưa đủ vì chúng ta chỉ sống một thời gian nào đó trên trần gian này. Điều quan trọng là chúng ta không nhắm tới cái tạm thời mà trông vào cái vĩnh cữu. Chúng ta không muốn mình sống có 100 năm mà sống đời đời. Hãy rước Chúa vào lòng. Đó là sự nuôi dưỡng cao cả nhất và bền vững nhất vì được chính Chúa thì được hơn mọi thứ trong trần gian này. Đừng coi việc Rước Lễ là một sự thông thường, cũng đừng làm như một hành vi máy móc, vì thông thường sẽ dẫn tới coi thường, và máy móc thì không có mến yêu.
Xin Mẹ Maria, là Đấng ban Thịt Máu cho Chúa Giêsu, giúp chúng ta yêu mến Thánh Thể và dọn linh hồn đón nhận Lương Thực Vĩnh cửu này.
6. Bánh Ban Sự Sống – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ – Thiên Phúc)
Ngày 20 tháng 10 năm 1995, hơn 200 triệu người trên 100 quốc gia đã theo dõi cuộc phỏng vấn đặc biệt công nương Diana – vợ hoàng tử Charles Anh quốc do hãng thông tấn BBC thực hiện.
Diana nhìn nhận đã ngoại tình với sĩ quan kỵ binh James Hewitt. Lý do dẫn đến việc bất trung ấy là vì hoàng tử Charles đã dan díu với nàng Camilla Packer Bowles. Diana nói: “Tôi biết điều đó nhưng không làm gì được. Có tới ba người trong hôn nhân của chúng tôi. Và điều đó khiến nó trở nên chật chội”.
***
Hôm nay dân chúng lên thuyền nỗ lực tìm kiếm Đức Giêsu, chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Miếng ăn là nỗi ưu tư của những người nghèo, nên Đức Giêsu không trách cứ họ. Người chỉ hướng dẫn họ đến với Bánh Trường Sinh: nuôi dưỡng tâm hồn, và đem lại sự sống đời đời.
Con người thời nay không khác gì dân chúng ngày xưa. Người nghèo thì bị cuốn hút vào cơm áo gạo tiền, để thỏa mãn nhu cầu cấp bách của thể xác. Người giàu lại chạy theo xa hoa vật chất, để hưởng thụ nhu cầu cao cấp của con người. Để rồi kẻ giàu người nghèo đều có chung một nguy cơ: là quên đi cái đói khát tâm linh.
Thật ra, càng hưởng thụ con người càng khao khát hơn, thỏa mãn đấy rồi lại khao khát. Mọi thứ của cải trần gian, con người không cho làm đủ. Dù có tiền bạc, thế lực, chức quyền và danh vọng nhưng hoàng tử Charles và công nương Diana vẫn là những con người bất hạnh. Họ vẫn còn đói khát một của ăn tâm hồn. Tiên tri Amos đã nói về niềm khao khát ấy như sau: “Có lúc cả xứ bị đói, không phải đói cơm bánh, không phải là khát nước uống là mà đói khát Lời Chúa” (Am.8,11).
Thấu hiểu cơn đói khát ấy, Đức Giêsu đã không cho Manna từ trời rơi xuống, để mỗi ngày người ta phải lượm mà ăn. Nhưng Người đã cho họ Bánh Ban Sự Sống, để những ai ăn Bánh thì được sống đời đời: “Chính Ta là Bánh ban Sự Sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga.6,35).
Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 47 có viết: “Khi lãnh nhận Đức Kitô, tâm hồn được tràn đầy ân sủng, đồng thời cũng được bảo đảm cho vinh quang đời đời”.
Quả thật, nếu người thứ ba trong cuộc hôn nhân của Diana và Charles không phải là Camilla mà chính là Đức Kitô, thì gia đình ấy sẽ no thỏa hạnh phúc biết bao. Cha Mark Link viết: “Trái tim chúng ta có một khoảng trống mà chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy”.
Đức Giêsu chính là Tấm Bánh cho tâm hồn đói nghèo, là cánh tay cho người yếu đuối, là bạn đồng hành cho kẻ cô đơn, là ánh lửa hy vọng cho tất cả mọi người.
***
Lạy Chúa, chỉ một mình Chúa mới đem lại cho chúng con sự no thỏa tâm hồn và niềm vui đích thực.
Xin cho chúng con luôn biết khao khát Chúa là Bánh ban Sự Sống, là nguồn hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen.
7. Tấm bánh được bẻ ra – Văn Hào.
Chúa Nhật tuần trước, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành giàu lòng yêu thương con người đã nhân bánh và cá lên gấp ngàn lần để cho 5000 người ăn no nê. Phép lạ đã xảy ra. Nhưng chắc chắn Đức Giêsu không phải là một kinh tế gia, cũng không phải là một chuyên viên đi làm công tác từ thiện xã hội, hoặc xóa đói giảm nghèo. Phép lạ Đức Giêsu thực hiện là một dấu chỉ khải thị một chân lý sâu xa hơn. Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Đức Giêsu không đóng vai một nhà từ thiện giầu hảo tâm, giúp con người vượt qua cái đói vật chất. Ngài chính là Đấng Cứu Độ, là Bánh Trường Sinh, Đấng đến trần gian để cho chúng ta được sống. Đó chính là nội dung bài diễn từ về bánh mà Thánh Gioan trình bày cho chúng ta trong chương 6, bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay.
1. Tấm bánh thần thiêng
Năm 1868, một cô gái người Bỉ yếu ớt được in năm dấu thánh. Cô ta tên là Louis Lateau. Từ đó trở đi, cô không còn có thể ăn uống được nữa. Trong bảy năm trời, cô ta sống nhờ lương thực duy nhất là rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với chị Têrêsa Newman và cô Matta Robin, người Sáng lập Tu hội Bác Ái. Những điều kỳ diệu đó phần nào chứng minh cho lời Chúa nói hôm nay: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát nhưng để có lương thực mang lại sự sống trường sinh, là lương thực mà Con Người sẽ ban cho các ngươi.” (Ga 6, 27). Thế, lương thực Chúa nói đây là lương thực gì?
Chúa Giêsu đã công bố: “Tôi là Bánh Trường Sinh”. Để có tấm bánh, dù là bánh bột mì hay bột gạo, trước hết phải có hạt. Hạt được gieo trồng trong ruộng, rồi phải có người tưới nước, làm cỏ, bón phân. Hạt lúa cần ánh nắng để được chín vàng. Kế đến phải có người gặt, đem về xay thành bột. Bột được nhào, nặn thành bánh và bánh phải được nung chín trong lò. Đức Giêsu, tấm bánh được Thiên Chúa ban tặng, cũng trải qua những công đoạn tương tự như thế. Ngài đã được cấy vào mảnh ruộng trần gian, nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài cũng đã được lớn lên trong ánh nắng mặt trời vùng quê Nazareth, đã vươn lên giữa đám cỏ lùng trong thửa ruộng dương gian. Ngài đã trưởng thành, đã chín vàng dưới ánh nắng kỳ diệu của Thần Khí. Sau cùng, Ngài đã được gặt hái, bị nghiền nát phơi thây trên Thập Giá, và được nung chín trong cuộc khổ nạn. Ngài đã trở nên một Tấm Bánh, được bẻ ra và hiến trao cho nhân loại. Tấm bánh Giêsu được hiến tặng cho ta chính là tấm bánh được nướng chín trong mầu nhiệm Thập Giá, nơi kết tụ đỉnh cao của Tình yêu mà Thiên Chúa đã tỏ bày.
Văn hào Fortry đã viết: “Dầu bầu trời có tối đen đến mấy đi nữa, thì Thánh Giá vẫn là dấu hiệu cao cả nhất và tuyệt vời nhất của tình yêu”. Cha Thánh Gioan Maria Vianney cũng diễn tả một xác tín tương tự: “Chúng ta phải đeo bám vào Thập Giá Chúa như một kẻ hà tiện bám víu vào tiền bạc, vì Thánh Giá là chóp đỉnh của tình yêu, là lương thực trường sinh, là nguồn mạch cứu độ”.
Chúa Giêsu đã nói: “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời”. Tin vào Đức Giêsu, Đấng bị phân thây trên Thập Giá, chính là tiếp nhận Ngài, mở lòng ra để “ăn” Ngài, vì Ngài chính là tấm bánh cứu độ được bẻ ra và được phân phát nhưng không cho tất cả mọi người.
Muốn trở nên lương thực nuôi sống con người, tấm bánh phải được nghiền nát và bị phân hủy để đi vào thịt máu, đem lại cho chúng ta sự sống. Đây là định luật về Bánh, đã được chính Đức Giêsu biểu tỏ qua cái chết của Ngài trên Thập Giá. Định luật đó cũng được Chúa Giêsu chuyển giao để chúng ta sống và thực hành: “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá hằng ngày theo tôi”.
2. Sống định luật về bánh.
Văn hào Leon Tolstoi viết một tiểu thuyết ngắn với tựa đề: “Con người chúng ra sống bằng gì?” Tác giả nêu ra câu hỏi và trả lời ngay sau đó “Con người chúng ta sống bằng tình yêu”. Tần Thủy Hoàng ngày xưa đã cho nhiều người tài giỏi đi khắp nơi lùng sục những thang thuốc quý, hay những lương thực cao lương mỹ vị để được sống mãi. Nhưng ông ta đã chết, cũng như tất cả mọi người khác. Dùng đồ ăn thức uống hằng ngày cũng chỉ có thể vỗ béo và tẩm bổ thân xác hầu kéo dài thêm thời gian sống, nhưng cuối cùng ai ai cũng phải chết. Trái lại, sống bằng tình yêu, con người sẽ không bao giờ chết. Thánh Gioan trong thơ thứ nhất, đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, nên những ai đi vào quỹ đạo tình yêu với Thiên Chúa và sống sung mãn huyền nhiệm yêu thương, người đó không bao giờ chết. Điều đó, chính Đức Giêsu đã khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi là bánh đem lại sự sống cho trần gian (Ga 6, 33-35). Ai ăn bánh này sẽ không còn đói.. Ai tin tôi sẽ được sống đời đời”. Định luật về bánh phản chiếu qua mầu nhiệm Thập Giá luôn hàm ngậm một nghịch lý. Hạt lúa được gieo vào lòng đất phải thối đi mới có thể nảy mầm và đơm bông kết trái. Tấm bánh phải được nhai nát, được tiêu hủy trong dạ dày mới có thể chuyển hóa thành máu và thịt. Cũng vậy, chúng ta phải đi qua cái chết mới đến được sự sống, phải đi qua Thập Giá mới có thể đón nhận vinh quang. Per Crucem ad Lucem. Per angusta ad augusta.
Con đường theo Đức Kitô, tấm bánh được bẻ ra, không phải là con đường thẳng tắp và phẳng lặng. Lối bước Thập Giá không phải là nẻo đường được đan kết bằng những bông hoa và nụ cười. Đó chính là con đường gập ghềnh đầy sỏi đá gai chông, là con đường đưa dẫn đến núi sọ và huyệt đá, hàm ngậm mầu nhiệm tự hủy để cùng chịu đóng đanh và cùng chết với Chúa Giêsu. (Mt 16, 24-25). Muốn trở thành môn đệ Ngài, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh được nghiền nát, được bẻ ra để phân chia cho mọi người.
3. Ví dụ cụ thể.
Một ngày cuối năm 1965, trên một chuyến bay từ Rôma đến Mỹ mang theo một số Giám Mục tham dự công đồng Vaticanô II trở về, có một tiếp viên hàng không khá xinh đẹp. Cô ta ân cần phục vụ hành khách, nhưng hôm đó cô tỏ vẻ hơi khó chịu vì có một cặp mắt cứ nhìn cô đăm đăm mỗi khi cô xuất hiện. Cô khá bực mình và cũng hơi bối rối, vì đó lại là cặp mắt của một vị Giám Mục đáng kính và khá nổi tiếng lúc bấy giờ: Đức Cha Fulton Sheen. Khi phi cơ đáp xuống, Đức Cha là người sau cùng rời máy bay. Ngài tiến lại gần cô tiếp viên và nói: “Thưa cô, cô rất xinh đẹp. Cô hãy cám ơn Chúa vì đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời như thế”. Vị Giám Mục nói rất đứng đắn và trang nhã, nhưng cũng đầy trìu mến. Chỉ vài ngày sau, có tiếng gõ cửa tại văn phòng của Đức Cha ở New York. Người đến gặp Đức Cha không ai khác, mà chính là cô tiếp viên hôm nọ. Cô vào đề ngay: “Thưa Cha, con phải làm gì để cám ơn Chúa đã ban tặng cho con sắc đẹp?” Thay vì trả lời, Đức Cha hỏi lại cô: “Cô có bao giờ nghe nói về trại phong Di Linh ở Việt Nam chưa?” Cô trả lời rằng cô có biết qua báo chí. Đức Cha nói tiếp “Những người cùi ở đó cũng xinh đẹp lắm. Chúa Giêsu đang hiện thân nơi họ. Nếu cô muốn cám ơn Chúa, cô hãy sang Việt Nam và phục vụ họ như Chúa Giêsu đã yêu thương và phục vụ chúng ta”.
Cô tiếp viên xinh đẹp đó đã bay sang Việt Nam và sau đó trở thành nữ tu. Châm ngôn sống của cô là “Tôi cũng phải trở nên như một tấm bánh được bẻ ra để trao ban tình thương của Chúa Giêsu cho những người cùng khổ.”
Kết luận: Xin được tóm kết với bài thơ ngắn của thi sĩ Thagor: “Tôi đã nài xin Chúa cất khỏi tôi sự kiêu hãnh. Chúa trả lời rằng không. Chính tôi là người phải phấn đấu để vượt thắng. Tôi đã nài xin Chúa cho đứa con tật nguyền của tôi được lành lặn. Chúa nói không. Tinh thần mới cần lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ. Tôi đã nài xin Chúa cho tôi được hạnh phúc. Ngài cũng nói không. Ơn Ta thì luôn đủ cho con, hạnh phúc con phải tìm lấy. Và cuối cùng tôi xin Chúa ban cho tôi một quả tim để biết yêu thương. Chúa nói rằng đây là lời cầu nguyện Ta vẫn hằng mong chờ. Ta sẽ ban cho con một trái tim biết rung lên những nhịp đập yêu thương để con trở nên như một tấm bánh được bẻ ra, được nhai nát và góp phần đem lại sự sống cho mọi người”.
8. Bánh Hằng Sống
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)
Trong bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã nghe tường thuật lại việc Đức Giêsu khi thấy dân chúng lũ lượt tuôn đến với Người và Người đã động lòng thương họ. Người đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi họ. Vì thế dân chúng đã đi tìm Người để theo Người, như thánh sử Gioan đã tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, con người dù sống trong thời đại nào đi nữa cũng đều là con người và đều giống nhau: Là luôn tìm mọi cách để được no đủ và để thỏa mãn được những nhu cầu thể xác của mình. Trong cuộc sống hằng ngày của một gia đình hay của một quốc gia vấn đề kinh tế và tài chính luôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng có tính cách quyết định. Bởi vậy, tất cả mọi vấn đề, mọi kế hoạch hay mọi lo toan tính toán của một gia đình hay của một quốc gia đều tùy thuộc vào tình trạng kinh tế hay tình trạng ngân sách của gia đình cũng như của quốc gia đó. Các vấn đề có được giải quyết hay không, phần lớn đều lệ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của đương sự.
Cả trong tôn giáo tình trạng kinh tế cũng có một ảnh huởng rất to lớn. Mọi hoạt động và mọi phương tiện thực hành đạo và sống đạo đều cần đến tài chính. Không có tiền bạc, mọi chuyện sẽ dậm chân tại chỗ hay ít ra sẽ bị giới hạn rất nhiều. Cũng như ngày xưa, động lực đã thúc đẩy người ta đến cùng Đức Giêsu và tuôn đi tìm kiếm Người là vì Người đã cho họ ăn no nê. Đúng là “miếng trầu là đầu chuyện” hay “Có thực mới vực được đạo”!
Nói một cách thành thật, tâm trạng đó vẫn không thay đổi cả trong thời đại của chúng ta ngày nay. Vâng, nếu người ta nghèo hay gặp phải cơn túng quẫn, người ta sẽ sống đạo sốt sắng hơn, sẽ chăm chỉ kinh nguyện hơn, sẽ siêng năng đi nhà thờ xem lễ đọc kinh hơn! Trái lại khi sống trong giàu sang phồn thịnh, người ta sẽ dễ lơ là với vấn đề tôn giáo, sẽ coi đời sống tôn giáo là việc thứ yếu hay chỉ là việc làm trong khi rảnh rỗi. Vì theo tâm lý của những người giàu có là họ cảm thấy cuộc sống của mình đầy đủ rồi, mọi sự đã được đảm bảo rồi, nên không cần phải nhờ cậy ai nữa, không cần phải nhờ cậy đến Thiên Chúa nữa, không cần phải cầu nguyện nữa.
Nhưng đó là cả một sự lầm lẫn nguy hiểm! Bởi vậy, Đức Giêsu đã quá thất vọng nói với các thính giả của Người: “Các ngươi tìm Ta vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Tiếp đến, Người còn thêm: “Các ngươi hãy ra công tìm kiếm không phải vì thứ lương thực mau hư nát, nhưng là thứ lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ngươi”. Và thứ lương thực trường tồn và có thể đưa lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, chính là Người: “Ta là bánh hằng sống!”
Đúng vậy, tôn giáo không phải là một loại ý thức hệ thuộc lãnh vực thứ yếu hay chỉ là một chuyện làm trong khi nhàn rỗi mà thôi. Tôn giáo cũng không phải là “thuốc phiện mê dân”, chỉ có giá trị qua thời, cốt giúp cho con người tạm quên đi những đau khổ hiện tại, hay chỉ dùng để an ủi vuốt ve con người đang trong cơn túng quẫn, nghèo khổ.
Không, đức Giêsu đã nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ không phải chết, và ai tin Ta thì dầu có chết cũng sẽ được sống lại”. Thiên Chúa Giáo không phải là một thứ phương tiện để tạm an ủi và thoa dịu nổi khổ đời này, nhưng là chân lý dẫn đưa con người tới sự cứu rỗi đời đời.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là con người vẫn hoàn toàn được tự do để đến cùng Thiên Chúa, nguồn cứu rỗi vĩnh cửu, hay không! Thiên Chúa không bao giờ bó buộc ai cả. Nhưng một điều khác cũng rất chắc chắn là qua phương tiện kinh tế và tiền bạc vật chất mà thôi, con người sẽ không thể tìm được lối thoát sau cùng cho những vấn đề nan giải của cuộc sống, và, cũng không thể làm thỏa mãn hoàn toàn được những băn khoăn khắc khoải của mình bằng “cơm bánh” mà thôi. Bởi vì người Đức cũng đã có câu châm ngôn rất sâu sắc và rất thực tế: “Viel Geld heisst nich viel Gluck: Nhiều tiền không có nghĩa là nhiều hạnh phúc”.
Như vậy, chúng ta đã thấy rằng con đường duy nhất dẫn chúng ta tới hạnh phúc chân thật chính là lối đi đưa chúng ta về với Thiên Chúa, vì người chính là “Bánh hằng sống”. Dĩ nhiên, lối đi đó cũng đòi nơi chúng ta sự sẵn sàng nội tâm tự nguyện, sự đổi mới và cải thiện đời sống nội tâm. Chúng ta hãy cố gắng bước đi trên con đường đó, hãy cố gắng mỗi ngày bước đi trên con đường đó, vì nó là con đường cứu rỗi!
Tin cùng chuyên mục:
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết
Nhặt một ước mơ