Tháng Mười năm ngoái, nhân kỷ niệm 25 năm Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, trong một bài diễn văn, Đức Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi “một xử lý thỏa đáng và mạch lạc hơn” về án tử hình trong Sách này.
Ngài nói: “Vấn đề này không thể giản lược vào một bản tóm lược giáo huấn truyền thống mà không xét gì tới không những học lý đã được khai triển trong giáo huấn của các vị giáo hoàng gần đây, mà cả sự thay đổi trong ý thức người Kitô hữu, một ý thức vốn bác bỏ thái độ tự mãn trước một hình phạt xâm phạm nặng nề tới nhân phẩm. Cần phải tuyên bố rõ ràng rằng án tử hình là một biện pháp vô nhân đạo mà dù được thi hành cách nào vẫn hạ thấp nhân phẩm”.
Kết quả, trong buổi yết kiến ngày 11 tháng Năm năm nay với Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, bộ trưởng thánh bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Phanxicô đã chấp thuận bản văn mới cho đoạn 2267 của Sách Giáo Lý bề án tử hình, dù việc tái duyệt này chỉ được công bố ngày 2 tháng Tám.
Cùng với việc công bố trên, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gửi tới hàng giám mục thế giới bức thư sau đây:
THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Thư gửi các giám mục
liên quan tới việc mới duyệt lại đoạn số 2267 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo
1.Đức Thánh Cha Phanxicô, trong diễn văn nhân dịp kỷ niệm năm thứ 25 ngày công bố Tông Hiến Fidei depositum, qua đó, Đức Gioan Phaolô II ban hành Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, đã yêu cầu viết lại giáo huấn về án tử hình để phản ảnh tốt hơn việc phát triển tín lý về điểm này từng diễn ra trong những năm gần đây (1). Việc phát triển này chủ yếu xoay quanh việc Giáo Hội ý thức rõ ràng hơn việc tôn trọng phải có đối với mọi sự sống con người. Trong đường hướng này, Đức Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “ngay một người sát nhân cũng không đánh mất phẩm giá bản thân của họ, và chính Thiên Chúa đoan hứa sẽ bảo đảm phẩm giá này” (2).
2. Chính dưới cùng ánh sáng trên, người ta nên hiểu thái độ đối với án tử hình như đã được phát biểu một cách rộng rãi chưa từng có trong giáo huấn của các mục tử và trong mẫn cảm của dân Chúa. Thực vậy, nếu hoàn cảnh chính trị và xã hội của quá khứ làm cho án tử hình trở thành phương thế chấp nhận được đối với việc bảo vệ ích chung, thì ngày nay việc càng ngày người ta càng hiểu rằng phẩm giá một con người không mất đi cả sau khi đã phạm những tội ác nặng nề nhất, việc người ta hiểu một cách thâm hậu hơn ý nghĩa của các chế tài hình sự được nhà nước áp dụng, và việc phát triển các hệ thống giam giữ hữu hiệu hơn nhằm bảo đảm việc bảo vệ phải có đối với các công dân, đã làm nẩy sinh một ý thức mới; ý thức này nhìn nhận việc không thể nào chấp nhận được án tử hình và do đó, kêu gọi phải bãi bỏ nó.
3. Trong việc phát triển này, giáo huấn trong Thông Điệp Evangelium vitæ (Tin Mừng Sự Sống) của Đức Gioan Phaolô II có tầm quan trọng lớn lao. Trong các dấu hiệu hy vọng về một nền văn hóa mới của sự sống, Đức Thánh Cha liệt kê “việc công chúng càng ngày càng chống đối án tử hình, cho dù án này được coi như một thứ ‘bảo vệ hợp pháp’ về phía xã hội. Thực thế, xã hội hiện đại có các phương thế để dẹp bỏ tội ác cách hữu hiệu qua việc làm cho các phạm nhân trở thành vô hại mà không dứt khoát từ khước cơ may cải tạo của họ” (3). Giáo huấn của Evangelium vitæ sau đó đã được lồng vào editio typica (ấn bản gốc) của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Trong đó, án tử hình không được trình bầy như một hình phạt cân xứng đối với sự trầm trọng của tội ác, nhưng nó có thể được biện minh nếu là “cách thực tiễn duy nhất để bảo vệ mạng sống con người nhân bản một cách hữu hiệu chống lại người gây hấn”, cho dù, trên thực tế, “các trường hợp tuyệt đối cần thiết phải loại bỏ người vi phạm, ngày nay, rất hiếm, nếu không muốn nói là không hề có trên thực tế” (số 2267).
4. Đức Gioan Phaolô II cũng đã can thiệp trong nhiều dịp khác chống lại án tử hình, kêu gọi cả việc tôn trọng phẩm giá con người lẫn các phương thế mà xã hội ngày nay hiện có để tự bảo vệ chống lại các phạm nhân. Bởi thế, trong Thông Điệp Giáng Sinh năm 1998, ngài cầu chúc “thế giới có được sự đồng thuận liên quan đến việc cần có các biện pháp khẩn trương và thỏa đáng… để chấm dứt án tử hình” (4). Tháng sau đó tại Hoa Kỳ, ngài nhắc lại “Một dấu hy vọng là việc càng ngày người ta càng nhìn nhận rằng phẩm giá sự sống con người không bao giờ bị tước bỏ, ngay trong trường hợp một ai đó phạm một tội lớn lao. Xã hội hiện đại có nhiều phương thế để tự bảo vệ mình, mà không dứt khoát từ khước cơ hội cải tạo của các phạm nhân. Tôi lặp lại lời kêu gọi tôi đã đưa ra gần đây nhất dịp Lễ Giáng Sinh phải có sự đồng thuận trong việc kết liễu án tử hình, một án vừa dã man vừa không cần thiết” (5).
5. Việc vận động dấn thân cho việc bãi bỏ án tử hình được các vị giáo hoàng sau đó tiếp tục. Đức Bênêđíctô XVI nhắc nhở “các nhà lãnh đạo xã hội lưu ý tới việc phải cố gắng hết sức để loại bỏ án tử hình” (6). Sau đó, ngài nói với một nhóm tín hữu rằng “việc anh chị em bàn luận sẽ khích lệ các sáng kiến chính trị và luật lệ đang được cổ vũ tại một số quốc gia ngày càng đông nhằm loại bỏ án tử hình và tiếp tục thực hiện sự tiến bộ có thực chất trong việc làm cho luật hình phù hợp với cả nhân phẩm tù nhân lẫn việc duy trì trật tự công cộng (7).
6. Cũng trong cùng viễn tượng trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng tái quả quyết rằng “ngày nay án tử hình là điều không thể chấp nhận được, dù tội ác của người bị kết án có trầm trọng đến đâu” (8). Án tử hình, bất chấp các phương thế thi hành, “luôn bao hàm một đối xử tàn bạo, vô nhân, và hạ giá” (9). Hơn nữa, nó phải bị bác bỏ “do tính lựa lọc đầy thiếu sót của hệ thống công lý hình sự và trước khả thể lầm lẫn phán xử” (10). Chính dưới ánh sáng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu việc duyệt lại lối diễn tả của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo về án tử hình nhằm khẳng định rằng “bất kể tội ác đã phạm trầm trọng ra sao, án tử hình cũng không thể chấp nhận được vì nó tấn công tính bất khả xâm phạm và phẩm giá con người” (11).
7. Việc duyệt lại mới đoạn số 2267 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận, tự đặt mình trong tính liên tục với Huấn Quyền trước đây trong khi đem đến một khai triển tín lý Công Giáo gắn bó (12). Theo chân giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Evangelium vitæ, bản văn mới khẳng định rằng kết liễu sự sống của một phạm nhân như một hình phạt vì tội phạm là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công phẩm giá con người, một phẩm giá không mất đi cả sau khi đã phạm những tội phạm trầm trọng nhất. Kết luận này đạt được nhờ xét đến cái hiểu mới về các chế tài hình sự được nhà nước hiện đại áp dụng, là các chế tài cần được điều hướng trước hết tới việc phục hồi và tái hội nhập phạm nhân về phương diện xã hội. Cuối cùng, xét vì xã hội hiện đại có các hệ thống giam giữ hữu hiệu hơn, nên án tử hình đã trở nên không cần thiết trong vai trò bảo vệ đời sống người vô tội. Chắc chắn, các nhà cầm quyền công cộng vẫn có bổn phận phải bảo vệ đời sống các công dân, như đã được Huấn Quyền luôn giảng dậy và được xác nhận bởi Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo trong các đoạn 2265 và 2266.
8. Tất cả các điều trên cho thấy lối phát biểu mới cho đoạn 2267 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nói lên một sự khai triển tín lý chân chính không mâu thuẫn với các giáo huấn trước đây của Huấn Quyền. Thực vậy, các giáo huấn này có thể được giải thích dưới góc độ trách nhiệm hàng đầu của công quyền là che chở ích chung trong một bối cảnh xã hội trong đó các chế tài hình sự đã được hiểu theo nghĩa khác, và được khai triển trong một môi trường trong đó việc bảo đảm việc phạm nhân không lặp lại tội phạm của họ là điều khó khăn hơn.
9. Việc duyệt lại lần này khẳng định rằng việc hiểu tính bất khả chấp nhận của án tử hình đã lớn dần “dưới ánh sáng Tin Mừng” (13). Thực thế, Tin Mừng giúp ta hiểu tốt hơn trật tự sáng thế mà Con Thiên Chúa từng mặc lấy, thanh tẩy và đem đến thành toàn. Nó cũng mời gọi ta bước vào lòng thương xót và nhẫn nại của Chúa, những điều vốn dành cho mỗi người đủ thì giờ để tự hồi tâm.
10. Việc diễn đạt mới đoạn số 2267 của Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo muốn tạo sinh lực cho một phong trào cương quyết dấn thân ủng hộ não trạng biết nhìn nhận phẩm giá của mọi sự sống nhân bản và, trong đối thoại tương kính với các nhà cầm quyền dân sự, cương quyết khuyến khích việc tạo ra các điều kiện làm dễ việc loại bỏ án tử hình ở những nơi nó vẫn còn hiệu lực.
Đức Giáo Phanxicô, trong buổi yết kiến ban cho Tổng Thư Ký ký tên dưới đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng Sáu năm 2018, đã chấp thuận lá thư này, được thông qua trong Phiên Họp Thường Lệ của Thánh Bộ này ngày 13 tháng Sáu năm 2018, và truyền công bố nó.
Rôma, từ Văn Phòng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 1 tháng Tám năm 2018, Lễ Kính Thánh Anphonsô đệ Liguori
Hồng Y Luis F. Ladaria, S.I.
Bộ Trưởng
X. Giacomo Morandi
Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Cerveteri
Tổng Thư Ký
Vũ Văn An (VCN)
________________________________________________________
[1] Xem Đức Phanxicô, Diễn Văn với Các Tham Dự Viên phiên họp được cổ vũ bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa (11 October 2017): L’Osservatore Romano (13 tháng Mười 2017), 4.
[2] Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium vitæ (25 tháng Ba 1995), n. 9: AAS 87 (1995), 411.
[3] Đã dẫn, n. 27: AAS 87 (1995), 432.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Urbi et Orbi của Đức Gioan Phaolô II: Lễ Giáng Sinh 1998 (25 tháng Mười Hai 1998), n. 5: Insegnamenti XXI,2 (1998), 1348.
[5] Đã dẫn, Bài giảng tại Trans World Dome of St. Louis (27 tháng Giêng 1999): Insegnamenti XXII,1 (1999), 269; Xem Bài giảng Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Nuestra Señora de Guadalupe ở Mexico City (23 tháng Giêng 1999): “Phải chấm dứt việc không cần phải sử dụng án tử hình”: Insegnamenti XXII,1 (1999), 123.
[6] Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Africæ munus (19 tháng Mười Một 2011), n. 83: AAS 104 (2012), 276.
[7] Đức Bênêđíctô XVI, Yết kiến chung (30 tháng Mười Một 2011): Insegnamenti VII,2 (2011), 813.
[8] Đức Phanxicô, Thư gửi Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Tế Chống Án Tử Hình (20 tháng Ba 2015): L’Osservatore Romano (20-21 tháng Ba 2015), 7.
[9] Đã dẫn.
[10] Đã dẫn.
[11 Đức Phanxicô, Diễn Văn với Các Tham Dự Viên phiên họp được cổ vũ bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa (11 October 2017): L’Osservatore Romano (13 tháng Mười 2017), 5.
[12] Xem Thánh Vincent đệ Lérins, Commonitorium, cap. 23: PL 50, 667-669. Về án tử hình, khi nói đến các qui định của các giới răn Thập Điều, Ủy Ban Kinh Thánh Quốc tế nói đến việc “trau chuốt” (refinement) các lập trường luân lý của Giáo Hội: “trong dòng lịch sử và phát triển văn minh, nhờ suy niệm Kinh Thánh, Giáo Hội cũng đã chau chuốt chủ trương luân lý của mình về án tử hình và chiến tranh, một chủ trương hiện mỗi ngày mỗi trở nên tuyệt đối hơn. Bên dưới chủ trương này, bề ngoài có vẻ triệt để, cũng vẫn có cùng một căn bản nhân học, đó là phẩm giá căn bản của nhân vị, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (Kinh Thánh và Luân Lý: Các Gốc Rễ Kinh Thánh của Tác Phong Kitô Hữu, 2008, số 98)
(13] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et spes, n. 4.
Tin cùng chuyên mục:
Biết ơn trường đời
Thập Giá Luôn Có Đó Trên Hành Trình Kitô Hữu – Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
CƠ HỘI NÀO CHO NGƯỜI TRẺ “CHỮA LÀNH”…
Chuyện từ người chết