KHOẢNG LẶNG ĐỜI TU
Trong một lần gặp gỡ, một em sinh viên hỏi tôi rằng giữa một người tu và người không tu, em có thể tìm thấy cái gì hơn nơi người đi theo con đường tu trì ? Tôi trả lời cho em rằng chẳng gì hơn cả ngoài việc chú tâm hơn vào việc cầu nguyện. Tu sĩ là người luôn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đang khi họ dấn mình vào trong hoạt động trần thế. Câu trả lời là thế, nhưng câu hỏi của em vẫn còn đeo đẳng tôi, vì đời tu đâu luôn là một bản tình ca êm dịu, mượt mà. Trong bản nhạc ấy cũng luôn có những khoảng lặng. Có những“khoảng lặng cần thiết” và “khoảng lặng cần phải vượt qua.”
“Vắng Chúa”: Khoảng lặng cần vượt qua
Có một người đi dạo trong rừng. Mải mê rảo bước bởi sự huyền hoặc của khu rừng, ông lạc lúc nào không biết. Cố tìm con đường để trở lại làng, nhưng vô ích. Bất ngờ gặp một người đi trong rừng, ông kêu lên : “Cám ơn Chúa đã gởi ông bạn đến, ông bạn có thể chỉ tôi con đường nào đi về làng không ?” Người kia đáp : “Thật không may, cả tôi cũng bị lạc. Nhưng có một cách ta có thể giúp nhau, đó là anh và tôi cùng chỉ cho nhau những con đường nào mình đã thử và loại trừ nó ra. Điều này sẽ giúp chúng ta tìm ra con đường về làng nhanh chóng nhất.”
Tôi nhận thấy có những tu sĩ hăng say làm việc tông đồ, nhưng không tìm thấy niềm an bình trong tâm hồn. Nguyên nhân chính là sự “vắng Chúa” khiến người tu sĩ chỉ quay quắt với chính mình và thu tóm mọi sự vào sự an toàn bản thân. Lúc này vai trò của những người bạn tu hay những người linh hướng thật cần thiết. Chính nhờ sự đồng hành của họ mà người tu sĩ có thể vượt qua “khoảng lặng” để tiếp tục hát bản tình ca dâng hiến.
Cầu Nguyện: Khoảng lặng cần thiết
Một tu sĩ trẻ nhiệt tình. Ngày sống của anh dày đặc các hoạt động tông đồ bác ái. Trong gặp gỡ với vị linh hướng của nhà Dòng, anh đem trình thời khóa biểu đầy kín, đến nỗi không còn khoảng thở. Vị linh hướng nói : “Anh vẫn còn thiếu sót một việc”. Tu sĩ trẻ ngạc nhiên : “Còn việc gì, thưa Thầy ?” “Anh còn thiếu một giờ cầu nguyện, hãy thêm nó vào thời khóa biểu và đừng bao giờ bỏ qua giờ này”. Nhu cầu cần được đồng hành của người trẻ ngày càng rộng và cấp thiết, khiến thời biểu hoạt động của người tu sĩ lúc nào cũng đầy kín. Tôi nhận thức cám dỗ mạnh mẽ của “làm việc, hoạt động”, bởi lẽ nó dễ làm người ta bị thuyết phục bởi lý lẽ : Những giờ cầu nguyện là “xa xỉ”, là không hiệu năng. Nhưng chính việc cầu nguyện, tĩnh tâm lại là những khoảng lặng cần thiết để người tu sĩ được kiên cường.
Đêm tối Đức tin: Khoảng lặng cần thiết và cần vượt qua
Trong hành trình dâng hiến, có lúc người tu sĩ cảm nhận có lúc Thiên Chúa “đột ngột bỏ đi” cách lạ lùng, khó hiểu. Giờ cầu nguyện trở nên khó khăn, đáng sợ. Cảm giác đánh mất Thiên Chúa có khi kéo dài khiến người tu sĩ hụt hẫng, hoảng sợ, bất an. Rồi cả đến những biến cố, sự thất bại, va vấp … đều là những khoảng lặng trong đời tu. Những khoảng lặng này là cần thiết, để người tu sĩ chứng tỏ niềm tin của mình. Cho dù không cảm, không thấy, nhưng người theo Chúa tin rằng “Ngài có đó” để tin tưởng vững bước trong kiên nhẫn, đợi chờ. Người ca sĩ sẽ làm gì khi gặp dấu lặng trên một nhạc phẩm ? Chắc chắn họ sẽ tận dụng những phút giây tuy ngắn ngủi nhưng quí báu ấy để lấy hơi. Dấu lặng càng dài, luồng hơi càng tròn đầy. Những lời hát sau sẽ khỏe hơn, vút cao hơn. Người tu sĩ cũng nên biết tận dụng những khoảng lặng trong đời tu để “lấy hơi” Chắc chắn những hoàn cảnh ấy sẽ làm cho người theo Chúa được lớn lên. Trưởng thành hơn trong đời sống dâng hiến. Dù trong khoảng lặng cần thiết hay trong khoảng lặng vượt qua tất cả đều thật cần thiết trong đời tu, vì chính trong khoảng lặng này, mối tâm giao với Thiên Chúa càng được khẳng định và gắn kết, để người tu sĩ thực sự trở thành “người của Thiên Chúa”…
Sưu tầm
Tin cùng chuyên mục:
GIÁO HỘI – NGƯỜI LỮ HÀNH CỦA NIỀM HY VỌNG
LỜI GIỚI THIỆU SÁCH: LỊCH SỬ CÁC NĂM THÁNH TRONG DÒNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO RÔMA
MẦU NHIỆM CỦA MÙA VỌNG
Biết ơn trường đời