Phải chăng nhiều vết máu trên Tấm Khăn liệm thành Turin là giả tạo?

109 lượt xem 18 Tháng Bảy, 2018

Ngày 16/07 vừa qua, tin tức loan truyền khắp thế giới rằng một nửa các vết máu in dấu trên Tấm Khăn liệm thành Turin (Ý) không tương thích với tư thế của một người bị đóng đinh và các vết máu khác thì không thể tương thích với tư thế trên thập giá và ở trong mồ. Kết luận này giống như một quả bom nổ.

Kết quả vừa nói trên được đăng trên  tạp chí Journal of Forensic Sciences, và đề cập đến các thí nghiệm được 2 nhà hóa học Matteo Borrini của trường đại học Liverpool và Luigi Garlaschelli của Ủy ban Italia về kiểm nghiệm các sự kiện khoa học giả mạo thực hiện năm 2014.

Hai nhà nghiên cứu nói trên đã cố gắng mô phỏng sự rỉ máu từ cánh tay của một người đàn ông “đóng đinh” và nghiên cứu các vị trí máu chảy đến. Các vết máu rỉ tương tự như máu trên Tấm Khăn liệm sẽ chỉ thu được, theo các thí nghiệm này, với một vị trí gần như thẳng đứng của cánh tay. Và các tiêu đề truyền thông trên toàn cầu là không hoàn toàn chính xác khi đăng: một nửa số vết máu là không thật, hay nói khác đi là giả mạo. Theo giáo sư Paolo Di Lazzaro, phó chủ tịch Trung tâm quốc tế về nghiên cứu Tấm Khăn liệm, và là người đã theo dõi sự kiện từ đầu, từ cuộc thử nghiệm vào năm 2014, thì cuộc thử nghiệm này thật thú vị, nhưng có lẽ sự nhấn mạnh mà các phương tiện truyền thông đưa ra là hơi phóng đại.

Theo giáo sư Lazzaro, những giới hạn của vấn đề là các điều kiện khi thực hành thử nghiệm này. Họ thực hiện với máu nhân tạo, và không xem xét bối cảnh thực sự của sự kiện Chúa bị đóng đinh: đó là của một người đàn ông không uống trong gần hai ngày, da bẩn, ướt đẫm mồ hôi, gần như đầy bụi đất. Còn nữa, trong một thí nghiệm thuộc loại này thì hầu như không thể có được sự co thắt của người sắp chết và ảnh hưởng của chúng đối với sự căng giãn của da. Tóm lại: một quan điểm nghiên cứu mà hy vọng là xứng đáng để được đào sâu hơn, nhưng để đưa ra những kết quả đáng tin cậy, thì cần một bối cảnh khoa học rộng hơn và chắc chắn hơn. (Avvenire (17/07/2018)

Theo nữ giáo sư Emanuela Marinelli, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về Tấm Khăn liệm thành Turin, tin tức “bom nổ” này (kết luận rằng một nửa vết máu trên Tấm Khăn liệm là giả tạo) không làm bà nhảy dựng lên. Theo bà, cuộc thử nghiệm của hai nhà nghiên cứu không có tính khoa học. Họ lấy một hình nộm thường được sử dụng để trưng bày quần áo trong các tủ kính cửa tiệm, rồi nhúng một miếng bọt biển trong máu nhân tạo và gắn vào một mảnh gỗ, sau đó nhấn vào sườn phải của hình nộm để xem các dòng máu chảy đến chỗ nào. Việc thực hiện này không có sự nghiêm ngặt như những nghiên cứu được thực hiện cách đây 40 năm trên xác chết của những người chết vì xuất huyết màng ngoài tim (giả dụ là Chúa Giêsu), được đặt theo chiều dọc và các vết thủng được mở bằng dao mổ, giữa các xương sườn thứ 5 và thứ 6, như ngọn giáo của người lính Roma đã đâm.

Được hỏi tại sao một đại học uy tín như Liverpool lại xác nhận và cho xuất bản một nghiên cứu mà không chỉ có một vài nghi ngờ về phương pháp căn bản, có thể làm giảm sự đáng tin của nó, giáo sư Marinelli trả lời cách mạnh mẽ: để cố gắng chứng thực rằng Tấm Khăn liệm là giả, những nhóm ý thức hệ đã tài trợ bất kể những cuộc nghiên cứu với định kiến, được xây dựng sẵn ở trên bảng… Không thể phủ nhận rằng đằng sau một số cuộc nghiên cứu, có những nhóm muốn làm cho người ta tin rằng Tấm Khăn liệm là một sự kiện lịch sử giả tạo. Ví dụ, có một phim tài liệu hay có tên gọi “Đêm của Tấm Khăn liệm”. Phim tài liệu này không được đài RAI chiếu vì trong đó có một lời khẳng định mà có thể một số người không thích. Lời tuyên bố này được trình bày trên một lá thư viết trên giấy có tên của Văn phòng Giáo phận Turin, viết rằng Đức Hồng y Anastasio Ballestrero, lúc đó là giám sát viên Tấm Khăn liệm, đã gửi đến các nhà tư vấn khoa học, kỹ sư Luigi Gonella, trong đó ngài kiên quyết lập luận rằng trong vấn đề xác định thời gian bằng phương pháp carbon 14 (sau đó bị bác bỏ bởi một số nghiên cứu tiếp theo), đã có bàn tay của nhóm Tam Điểm, là những người muốn bằng mọi giá chứng minh rằng Tấm Khăn liệm là từ thời Trung Cổ”.

Giáo sư Marinelli kết luận rằng có một sự “phiền phức” đối với một “Tấm Khăn liệm thật từ phía của những người muốn chối bỏ không chỉ Chúa Kitô mà cả sự phục sinh của Ngài”. Như Đức Hồng y Giacomo Biffi nói: đối với một người Công giáo, việc khám phá ra Tấm Khăn liệm là giả không thay đổi bất cứ điều gì. Ngược lại, tất cả mọi thứ thay đổi đối với một người vô thần. Và có lẽ, những người mà bằng mọi giá, muốn cố gắng chứng minh sự giả tạo của Tấm Khăn liệm, họ sợ điều này. (Vatican News 17/07/2018)

Tấm Khăn liệm thành Turin là một tấm khăn vải trên đó có hình ảnh của một người đàn ông, với các dấu tích giống như người chết vì bị đóng đinh, in trên đó. Tấm Khăn liệm này hiện nay được lưu giữ trong nhà nguyện hoàng gia của Nhà thờ chính tòa Turin, miền bắc nước Ý. Hình ảnh trên tấm vải liệm được tin rằng Chúa Giêsu và đây chính là tấm khăn đã liệm Chúa khi ngài được đem xuống khỏi thập giá và mai táng trong mộ đá.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican