Những hình ảnh cổ nhất về Chúa Giêsu
Dựa trên năng lực sáng tạo và góc nhìn cụ thể, Chúa Giêsu có thể sở hữu một gương mặt không râu quai nón và mang những đường nét trẻ trung của bức “Alexandrine Christ”, dựa trên tỷ lệ phân bổ khuôn mặt cổ điển của người Hy Lạp và thường chỉ áp dụng cho các tác phẩm điêu khắc, hoặc hình ảnh râu tóc dài rũ của “Syrian Christ” theo phong cách vào thời đế quốc Byzantine. Dù hiện diện ở bất cứ khuôn mặt và tác phong nào, các Kitô hữu thời đó vẫn luôn công nhận rằng, hình ảnh của ngài không chỉ được dùng trong các nghi thức phụng vụ, mà còn là chỗ dựa thiêng liêng, để truyền bá Tin Mừng vô cùng hiệu quả trong một thế giới mà khả năng đọc, viết vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Nhờ vào những hình tượng đó, Kitô giáo được lan rộng và truyền lại đến đời sau.
Sau đây là những bức ảnh cổ nhất minh họa Chúa Giêsu, đóng vai trò làm nhân chứng cho sự khác biệt vùng miền, và trên khía cạnh truyền thống của từng dân tộc:
Đấng toàn năng chiến thắng
Về mặt ngữ nghĩa, từ Hy Lap Pantocrator có nghĩa là “ngài có quyền tối thượng trước vạn vật”. Giới học giả và thần học phân tích rằng đây từ Hy Lạp dùng để diễn dịch lại hai chữ của người Do Thái nhằm mô tả Thiên Chúa trong Cựu Ước, gồm Sabaot, chúa tể mọi loài, và sau đó là El Shaddai, đấng toàn năng. Và bức họa Pantocrator (tiếng Việt là Đấng toàn năng chiến thắng) cổ nhất còn sót lại đến ngày nay đang được đặt trong tu viện thánh Catherine ở núi Sinai (Ai Cập). Có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 6 hoặc 7, hình ảnh bán thân của Chúa Giêsu được họa lên tấm bảng gỗ, với bàn tay phải trong tư thế truyền giảng, còn bàn tay trái cầm Sách Thánh. Giới học giả công nhận đây là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật Byzantine cũng như Kitô giáo phương Đông.
Với chiều cao 84cm, rộng 45,5cm và dày 1,2cm, tác phẩm được nhiều người nhận định đã khắc họa được trọn vẹn hình ảnh Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Pantocrator đã may mắn thoát khỏi nạn bài trừ thánh tượng vào thời hoàng đế Leo III, khởi đầu vào năm 726, sau khi quyền kiểm soát tu viện nhiều năm trước đã rơi vào tay của người Hồi giáo Ả Rập, cụ thể là từ năm 640. Bên cạnh đó, vị trí hẻo lánh của tu viện, nằm sâu trong sa mạc đá ở Sinai và cách xa những tuyến đường quân sự lẫn thương mại chính của khu vực, đã giúp nơi này bảo quản được nhiều tài sản văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo vô giá cho đời sau, trong đó có bức họa trên.
Mục tử nhân lành
Hình ảnh Chúa Giêsu, như là một người chăn chiên lành, đã bắt nguồn từ Phúc Âm theo các thánh Gioan và Luca. Tuy nhiên, thậm chí trước khi Chúa rao giảng Tin Mừng cho các tín hữu, hình ảnh người mục tử nhân hậu đã có trong mô-típ cổ điển của tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ là moskophoros, hay “người chăn chiên”. Tượng gốc của moskophoros, được xem là tác phẩm của nghệ thuật Hy Lạp từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên (TCN) đến năm 480 TCN, có niên đại vào năm 570 TCN, và được nhào nặn từ bàn tay của một nghệ sĩ vô danh ở Attica. Người La Mã đặc biệt chuộng hình ảnh người chăn chiên, và hay dùng họa tiết mục tử và đàn chiên khi trang trí vila. Đến thời của Chúa Giêsu, Thầy được mô tả là một người chăn chiên từ ái, dành cả cuộc đời và cả sinh mạng cho đàn chiên.
Một trong những hình ảnh cổ nhất mô tả Chúa Giêsu trong vai trò “mục tử nhân lành” đã được tìm thấy bên trong hầm mộ của thánh Callixtus nằm trên đường Appian Way ngoài thành Rôma. Hầm mộ này được xây bên trong các đường hầm đào vào đá núi lửa xung quanh thủ đô Ý sau năm 150, được đặt theo tên của Đức Giáo Hoàng Callixtus I (triều đại từ 218-223), người đã tử vì đạo để bảo vệ đức tin. Vào thời điểm đó, Kitô giáo bị liệt vào dạng bất hợp pháp, cho đến năm 313, khi đại đế ký vào sắc lệnh Milan thay đổi chính sách đối với đạo Kitô. Bức vẽ người chăn chiên trong hầm mộ có niên đại vào giữa thế kỷ thứ 3, tên tiếng Anh là “The Good Shepherd”.
Sưu tầm
Tin cùng chuyên mục:
ỦY BAN PHỤNG TỰ GIẢI THÍCH VỀ “LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI” NĂM 2024
Gặp gỡ ‘Luce’: Nhân vật biểu tượng hoạt hình của Vatican cho Năm Thánh 2025
Hiệp thông trong cộng đoàn: Xử lý cơn giận
Đức Thánh Cha Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”